Thursday, January 9, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiTham vấn song phương TQ - Philippines đang đi đâu về đâu?

Tham vấn song phương TQ – Philippines đang đi đâu về đâu?

Ngay sau khi Tòa Trọng tài theo Phu lục VII tuyên bố phán quyết liên quan vụ Philippines kiện Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Bắc Kinh đã triển khai tổng hợp nhiều biện pháp tác động ngoại giao, kinh tế, chính trị, quân sự… nhằm mua chuộc, lôi kéo và ép buộc Chính quyền Tổng thống Philippines Duterte gác lại tranh chấp, ủng hộ sáng kiến của Trung Quốc trong việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Cơ chế tham vấn song phương giữa hai nước có thể được coi là thành quả lớn nhất trong chuỗi hoạt động lôi kéo, tác động của Trung Quốc.

Trung Quốc -Philippines lần đầu họp về cơ chế tham vấn song phương về Biển Đông

Diễn biến liên quan Cơ chế tham vấn song phương

Trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Duterte (10/2016), hai bên đã ra Tuyên bố chung, trong đó cho biết Bắc Kinh và Manila sẽ thành lập một Cơ chế tham vấn song phương, được họp thường kỳ về các vấn đề thời sự và vấn đề khác mà mỗi bên quan tâm liên quan vấn đề Biển Đông”. Đến tháng 1/2017, Trung Quốc và Philippines chính thức xác nhận lãnh đạo hai nước đã thống nhất thiết lập Cơ chế tham vấn song phương về vấn đề Biển Đông, nhằm thúc đẩy lòng tin và hợp tác vì hòa bình và sự ổn định trong khu vực.

Cuộc tham vấn lần đầu diễn ra tại Quý Châu (Trung Quốc) vào tháng 5/2015, do Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân và Đại sứ Philippines tại Trung Quốc Jose Santiago L. Sta. Romana chủ trì. Tại vòng tham vấn này, hai bên đã đánh giá, trao đổi quan điểm liên quan vấn đề Biển Đông, thảo luận khả năng hợp tác hàng hải và việc thiết lập các nhóm công tác kỹ thuật liên quan, nhất trí các vòng tham vấn tiếp theo sẽ diễn ra luân phiên ở Trung Quốc và Philippines, trong khoảng thời gian 6 tháng một lần. Đại sứ Santa Romana cho biết hai bên đã thảo luận về nhiều vấn đề nhạy cảm liên quan đến Biển Đông song chưa đạt được thỏa thuận nào đáng kể. Trung Quốc và Philippines nhất trí sẽ tổ chức các phiên tham với tần suất 2 lần/năm nhằm “tạo cơ hội để trao đổi quan điểm” về Biển Đông.

Cuộc tham vấn thứ hai ở Manila vào tháng 2/2018, do Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Khổng Huyễn Hựu và Thứ trưởng Ngoại giao Philippines Enrique A. Manalo là đồng chủ tọa. Tại vòng tham vấn, hai bên đã trao đổi các sáng kiến chung liên quan vấn đề Biển Đông và đạt được thỏa thuận về việc triệu tập các nhóm công tác kỹ thuật trong những lĩnh vực như ngư nghiệp, dầu khí, nghiên cứu khoa học biển và bảo vệ môi trường biển và an ninh chính trị. Giới truyền thông cho rằng nhiều khả năng Trung Quốc và Philippines đã đồng ý thiết lập một ủy ban đặc biệt để tìm ra cách cùng thăm dò dầu khí ở Biển Đông mà không thiên vị tuyên bố chủ quyền của bên nào trong khu vực.

Cơ chế tham vấn song phương giữa hai nước vẫn đang bị bế tắc

Sau hai vòng đàm phán, Trung Quốc và Philippines vẫn chưa đạt được kết quả khả quan. Tính đến thời điểm hiện tại, các vòng tham vấn mới chỉ mang tính chất trao đổi quan điểm của hai nước về vấn đề Biển Đông và tìm kiếm cơ hội hợp tác trong một số lĩnh vực như ngư nghiệp, dầu khí, bảo vệ môi trường và tăng cường lòng tin chính trị giữa hai nước. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết, Trung Quốc đã sẵn sàng cùng Philippines tăng cường trao đổi, đối thoại, quản lý và kiểm soát thỏa đáng bất đồng, thúc đẩy hợp tác biển, tạo không khí tốt đẹp cho hợp tác thiết thực giữa hai bên trên các lĩnh vực. Trong đó, hai nước sẽ thúc đẩy hợp tác liên quan cảnh sát biển nhằm làm sâu sắc lòng tin giữa hai nước, tăng cường tình hữu nghị song phương, đồng thời tạo động lực tích cực cho phát triển lành mạnh, ổn định quan hệ Trung Quốc – Philippines.

Có lẽ thành quả lớn nhất trong hai vòng đàm phán vừa qua là các công ty của Trung Quốc và Philippines đang trao đổi thỏa thuận thăm dò dầu khí tại lô 57 và lô 72 (nằm trong vùng tranh chấp ở Bãi Cỏ Rong – Reed Bank) của Philippines. Song những thỏa thuận trên cũng đang rơi vào thế bế tắc do tồn tại bất đồng giữa hai bên. Đáng chú ý, có một số ý kiến cho rằng kế hoạch thăm dò dầu khí chung của doanh nghiệp Philippines với công ty nhà nước Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến tính pháp lý của phán quyết do Tòa Trọng tài. Từ đó, Trung Quốc sẽ làm giảm sức ảnh hưởng của các tuyên bố kêu gọi tuân thủ, thực thi phán quyết của Tòa và phản đối những hành động đơn phương, phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.

Việc thiết lập và triển khai Cơ chế tham vấn song phương cho thấy đã có sự điều chỉnh chính sách của hai nước

Đối với Philippines, chấp nhận tham gia Cơ chế trên cho thấy Chính quyền của Tổng thống Duterte đang thuận theo chủ trương của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông và dùng thái độ mềm dẻo để đổi lấy đầu tư, viện trợ kinh tế từ Trung Quốc. Người phát ngôn Phủ Tổng thống Philippines Harry Roque cho biết Tổng thống Rodrigo Duterte mong muốn giải quyết tranh chấp trên Biển Đông với Trung Quốc thông qua các kênh song phương, khẳng định việc đối thoại với một bên thứ ba không liên quan đến tranh chấp hoàn toàn không mang lại lợi ích gì.

Đối với Trung Quốc, việc thúc đẩy Cơ chế tham vấn song phương là nhằm tuyên truyền và tái khẳng định việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông nên được thực hiện thông qua đàm phán và tham vấn giữa các nước liên quan trực tiếp; thông qua tham vấn để phản bác và chỉ trích Mỹ và một số nước can thiệp vào tranh chấp ở Biển Đông, nhấn mạnh rằng Trung Quốc và ASEAN có thể “tự giải quyết ổn thỏa” các tranh chấp mà không cần sự can thiệp từ bên ngoài; củng cố quan điểm rằng các tranh chấp Biển Đông chỉ liên quan đến Trung Quốc và một số nước ASEAN; từng bước phản bác quán quyết của Tòa trọng tài. Giới chuyên gia quốc tế cho rằng với việc lôi kéo Philippines tham gia đối thoại song phương để giải quyết tranh chấp cho thấy Trung Quốc đã thành công trong việc chia rẽ ASEAN trong vấn đề Biển Đông và Philippines đang làm suy yếu vị thế trên bàn đối thoại của các nước ASEAN đang theo đuổi giải pháp đàm phán đa phương về vấn đề này.

Nhìn chung, sau hai vòng tham vấn cả Trung Quốc và Philippines đều đã “gặt hái” được những kết quả như mong muốn. Nhất là với Trung Quốc, bằng cơ chế tham vấn song phương, Bắc Kinh không những tuyên truyền thành công chủ trương, chính sách của mình trong vấn đề Biển Đông mà còn thắng lợi lớn trong việc chia rẽ đoàn kết trong ASEAN, từng bước hiện thực âm mưu độc chiếm Biển Đông. Để ngăn chặn âm mưu của Trung Quốc và đảm bảo phán quyết của Tòa được các bên liên quan tuân thủ, các nước ASEAN cần tác động, yêu cầu Philippines tôn trọng chủ trương chung của Khối trong vấn đề Biển Đông, tránh xa vào bẫy kinh tế do Trung Quốc đưa ra.

RELATED ARTICLES

Tin mới