Friday, April 26, 2024
Trang chủBiển nóngNhững “cánh tay” của TQ trên Biển Đông và Hoa Đông

Những “cánh tay” của TQ trên Biển Đông và Hoa Đông

Để triển khai âm mưu, ý đồ độc chiếm Biển Đông, Trung Quốc đã tiến hành tái cơ cấu nhiều cơ quan quản lý chuyên trách về biển theo hướng tập trung, thống nhất và chuyên môn hóa cao. Hệ thống cơ quan chuyên trách quản lý nhà nước về biển đảo của Trung Quốc bao gồm: Cục Hải dương Quốc gia, đơn vị phụ trách chính; Hải giám, Hải sự, Ngư chính, Lực lượng tuần duyên và Lực lượng chống buôn lậu trên biển.

Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc

Cục Hải dương Quốc gia (The State Oceanic Administration – SOA)

Cục Hải dương Quốc gia được thành lập năm 1964, là cơ quan chức năng của Quốc vụ viện Trung Quốc, trực thuộc Bộ Tài nguyên và đất đai, có nhiệm vụ chính là bảo vệ quyền và lợi ích biển, bảo vệ môi trường và quản lý sử dụng biển. Cục Hải dương Quốc gia có ba trụ sở ở Thanh Đảo, Hàng Châu tỉnh Chiết Giang và Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến. Tuy nhiên, đến tháng 3/2018, Trung Quốc chính thức thông qua phương án cải cách SOA, tiến hành điều chỉnh cơ cấu tổ chức và chức năng nhiệm vụ của SOA.

Theo chức năng, nhiệm vụ mới, SOA phụ trách soạn thảo các quy định, luật về sử dụng, bảo vệ môi trường sinh thái, điều tra khảo sát hải dương, bảo vệ biển đảo trong nội hải, lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và các vùng biển phụ cận; phối hợp với các cơ quan chức năng giám sát việc triển khai chiến lược phát triển hải dương, phát triển kinh tế biển, quy hoạch bảo vệ biển đảo và khai thác những đảo không có người ở. SOA cũng có nhiệm vụ phụ trách thực thi các biện pháp chấp pháp trên biển; kiểm soát, ngăn chặn các hoạt động phạm pháp, buôn lậu trên biển; bảo vệ an ninh, trật tự và an toàn trên biển; kiểm tra hoạt động đánh bắt cá của ngư dân; tham gia các hoạt động cứu trợ khẩn cấp và điều tra, xử lý các vụ việc phát sinh liên quan ngư nghiệp; phụ trách hợp tác giao lưu quốc tế về biển; giám sát, đánh giá kiểm tra các hoạt động phát triển kinh tế, khoa học kỹ thuật biển; phụ trách lĩnh vực dự báo thời tiết và cảnh báo thiên tai trên biển; triển khai các công tác bảo vệ môi trường biển…

SOA được tái cơ cấu từ Cục Hải dương Quốc gia cũ, sáp nhập với lực lượng Hải giám, Cảnh sát biển trực thuộc Công an biên phòng, Ngư chính của Bộ Nông nghiệp, Cảnh sát chống buôn lậu trên biển thuộc Tổng cục Hải quan. Hiện SOA có 10 Vụ trực thuộc: Quy hoạch chiến lược và kinh tế, Chính sách pháp luật và quyền lợi biển đảo, Cảnh sát biển, Bảo vệ môi trường sinh thái, Quản lý tổng hợp các vùng biển; Dự báo thiên tai, Khoa học kỹ thuật, Hợp tác quốc tế, Nhân sự, Tài chính và trang bị. SOA hiện có 03 chi nhánh tại Bắc Hải, Đông Hải và Nam Hải.

Hải sự Trung Quốc

Cục Hải sự Trung Quốc – Cơ quan An toàn hàng hải (The Chinese Marine Safety Administration – MSA) của Trung Quốc được thành lập từ năm 1998, trực thuộc Bộ Giao thông vận tải, chịu trách nhiệm về an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, phòng ngừa ô nhiễm môi trường biển từ các tàu và bảo vệ quyền lợi của người đi biển. Đến năm 2013, MSA được tái cơ cấu, sáp nhập vào SOA.

Cơ quan an ninh hàng hải MSA có trụ sở chính ở Bắc Kinh, hiện MSA có 31 chi nhánh khác ở địa phương, đặt chủ yếu ở các tỉnh ven biển và một số ở các trung tâm cảng sông trong nội địa. MSA bao gồm 20 phòng, trong đó có một số phòng quan trọng như Quy định chính sách phát luật, Quản lý thông báo hàng hải, Kiểm tra giám sát tàu thuyền, Quản lý phòng chống ô nhiễm, Quản lý an ninh…

Hải giám Trung Quốc

Lực lượng Hải giám Trung Quốc (The China Marine Surveillance – CMS), thành lập ngày 19/10/1998, thuộc Cục Hải dương Quốc gia, là cơ quan thực thi pháp luật hàng hải bán quân sự trong vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, bờ biển của Trung Quốc. CMS có nhiệm vụ chính là tuần tra giám sát hàng hải; kiểm tra, xử lý các hành động xâm phạm vùng biển và lợi ích trên biển, phá hoại môi trường biển và các nguồn tai nguyên thiên nhiên, phá hoại các trang thiết bị trên biển, gây rối an ninh trật tự trên biển…

CMS có 3 trụ sở khu vực ở Thanh Đảo (phụ trách biển Bột Hải và Hoàng Hải), Thượng Hải (phụ trách biển Hoa Đông) và Quảng Châu (phụ trách vùng Biển Đông). Tính đến tháng 1/2013, CMS đã được trang bị tới hơn 400 tàu tuần tra, trong đó có 6 tàu có trọng tải trên 3.000 tấn, 3 tàu có trọng tải trên 1.500 tấn, 27 tàu trọng tải 1.000 tấn và 10 máy bay giám sát hàng hải; CMS có khoảng 10.000 nhân viên. Trong đó, Tổng đội Hải giám tại Nam Hải (Biển Đông) được thành lập từ tháng 8/1999, được trang bị 11 tàu Hải giám cỡ lớn.

Ngư chính Trung Quốc

Cơ quan Thực thi pháp luật ngư nghiệp Trung Quốc (Cơ quan Ngư chính – FLEC) trước đây trực thuộc Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, nhưng nay do SOA quản lý. FLEC có nhiệm vụ quản lý nghề cá và các lĩnh vực khác có liên quan ngư nghiệp. FLEC có trách nhiệm soạn thảo chính sách, chiến lược quản lý ngư chính và phát triển nghề cá, đồng thời chỉ đạo thực thi các chính sách, quy hoạch, kế hoạch liên quan; xây dựng các quy định, luật liên quan; bảo vệ tàu cá Trung Quốc và nhân viên, giải quyết tranh chấp trong hoạt động đánh bắt cá, ngăn ngừa đánh bắt bất hợp pháp và bảo vệ nguồn tài nguyên biển.

FLEC thành lập 3 trụ sở ở Yên Đài, Thượng Hải và Quảng Châu để tuần tra thực thi luật biển lần lượt ở biển Hoàng Hải, Hoa Đông và Biển Đông. Tính đến năm 2011, FLEC có hơn 8 tàu có trọng tải trên 1.000 tấn.

Lực lượng tuần duyên Trung Quốc

Lực lượng tuần duyên Trung Quốc vốn trực thuộc lực lượng Cảnh sát vũ trang Trung Quốc, sau được tái cơ cấu trực thuộc sự quản lý của SOA, do Bộ Tài nguyên và đất đai Trung Quốc quản lý.

Cơ cấu tổ chức của lực lượng lực lượng Trung Quốc có môt số phòng quan trọng như Trị an, Trinh sát, Buôn lậu, Chấp pháp ngư nghiệp, Điều tra ngư nghiệp, Chấp pháp biển đảo, Tình báo… Cơ quan này có nhiệm vụ: Tuần tra vùng lãnh hải và vùng biển tranh chấp; chống buôn lậu, chống vi phạm bản quyền; kiểm soát hàng hải và kiểm tra tàu; đảm bảo an ninh cảng và ven biển; nghiên cứu, khảo sát; tìm kiếm cứu hộ; bảo vệ thủy sản. Lực lượng Tuần duyên được trang bị chủ yếu là tàu cao tốc và tàu thủy loại nhỏ với súng máy và pháo.

Lực lượng chống buôn lậu trên biển

Lực lượng chống buôn lậu đường biển của Trung Quốc, hiện nay trực thuộc Cục Hải dương Quốc gia (trước đây thuộc Tổng cục Hải quan Trung Quốc) và nhận chỉ đạo nghiệp vụ từ Bộ Công an. Lực lượng Chống buôn lậu đường biển được thành lập từ năm 1998, là cơ quan chịu trách nhiệm ngăn chặn, trấn áp và xử lý các hoạt động buôn lậu và tội phạm tại các khu vực ven biển, biên giới trên biển.

Tuy nhiên, gần đây Trung Quốc đã thông qua dự thảo tái cơ cấu SOA, tiến hành sáp nhập Hải giám, Ngư chính, Cơ quan Tuần duyên và Cảnh sát chống buôn lậu thành lực lượng Cảnh sát biển Trung Quốc. Lực lượng này là một lực lượng bán quân sự, hoạt động dưới danh nghĩa của Cục Hải dương Quốc gia triển khai chấp pháp trên biển và tiếp nhận chỉ đạo nghiệp vụ từ Bộ Công an. Cảnh sát biển Trung Quốc có nhiệm vụ chính là “bảo vệ quyền và lợi ích biển, thực thi pháp luật biển”. Sau khi hợp nhất, Cảnh sát biển Trung Quốc được trang bị hàng trăm chiếc tàu tuần tra được trang bị vũ khí hạng nặng như tên lửa, ngư lôi, vòi rồng và súng máy hạng nhẹ, có thể sẽ tiếp tục được trang bị tàu chiến, tàu khu trục, tàu hộ tống và tàu hậu cần. Việc sáp nhập Cảnh sát biển vào SOA nhằm giúp công tác quản lý biển thống nhất, tránh chồng chéo, phân tán, nâng cao hiệu lực và hiệu quả của hoạt động thực thi pháp luật biển.

Nhìn chung, Trung Quốc đang từng bước kiện toàn hệ thống cơ quan quản lý biển đảo theo hương tập trung, thống nhất và hiệu quả cao. Thời gian qua, những cơ quan quản lý biển đảo của Trung Quốc đã thực hiện nhiều hoạt động phi pháp ở Biển Đông, Biển Hoa Đông nhằm góp phần khẳng định và bảo vệ cái gọi là “chủ quyền” của Trung Quốc. Những lực lượng trên ngoài việc tham gia tuần tra, giám sát trên biển còn tiến hành nhiều hoạt động xâm phạm chủ quyền, vùng biển của nước khác; tiến hành bắt bớ phi pháp, trấn lột, đàn áp, đánh đập ngư dân nhiều nước khi đang đánh bắt cá ở Biển Đông; tham gia các hoạt động khiêu khích, gây hấn với lực lượng chức năng của một số nước trong khu vực như Nhật Bản, Việt Nam, Philippines, Indonesia. Đáng chú ý, những lực lượng trên của Trung Quốc cũng góp mặt trong vụ Trung Quốc hạ đặt phi pháp giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển của Việt Nam, cắt cáp tàu thăm dò Bình Minh, Viking II của Việt Nam, hay sử dụng vòi rồng tấn công tàu cá, tàu chấp pháp của các nước.

Thời gian tới, Trung Quốc sẽ tiếp tục đầu tư, phát triển những lực lượng trên nhằm gia tăng sức ép và “quyền kiểm soát” trên thực địa trong khu vực Biển Đông, khiến tình hình an ninh khu vực trở nên căng thẳng. Để đảm bảo an ninh, hòa bình và ổn định trong khu vực, các nước ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc… cần tích cực phối hợp, trao đôi thông tin hơn nữa để đối phó với những hoạt động xâm nhập bất hợp pháp của Trung Quốc trên Biển Đông và Biển Hoa Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới