Ngay sau khi Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII của Liên hợp quốc (PCA) ra phán quyết liên quan vụ Philippines kiện Trung Quốc ở Biển Đông, Bắc Kinh đã triển khai nhiều chính sách mua chuộc, lôi kéo Philippines. Tính đến nay, Philippines gần như thay đổi hoàn toàn chủ trương, chính sách trong vấn đề Biển Đông dưới thời cựu Tổng thống Benigno Aquino III. Philippines đã ngả theo Trung Quốc và bỏ qua phán quyết của PCA để đổi lấy viện trợ và đầu tư từ Trung Quốc.
Tổng thống Philippine Rodrigo Duterte và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
Trung Quốc không tiếc tiền để đầu tư, viện trợ cho Philippines
Ngay sau khi PCA đưa ra phán quyết, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (10/2016) có chuyến thăm 04 ngày tới Trung Quốc. Trong chuyến thăm, Bắc Kinh và Manila đã ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác kinh tế, thương mại với tổng giá trị lên đến 24 tỷ đô la. Theo đó, Trung Quốc sẽ cung cấp cho Philippines 9 tỷ USD vốn vay ưu đãi, bao gồm một hạn ngạch tín dụng 3 tỷ USD từ ngân hàng Bank of China; các thỏa thuận đầu tư có tổng trị giá 15 tỷ USD. Phát biểu tại Bắc Kinh, Bộ trưởng Bộ Thương mại Philippines Ramon Lopez (21/10/2016) cho biết Trung Quốc và Philippines đã ký thỏa thuận sơ bộ trong các lĩnh vực đường sắt, cảng biển, năng lượng và khai mỏ với tổng trị giá 11,2 tỷ USD.
Trong chuyến thăm của Bộ Thương mại Philippines tới Bắc Kinh vào tháng 01/2017, Trung Quốc đã cam kết chi 3,7 tỷ USD vốn vay ưu đãi để Manila triển khai 30 dự án, tập trung trong các lĩnh vực xóa đói, giảm nghèo. Hai bên cũng nối lại các thảo luận về hợp tác khai thác năng lượng qua đàm phán giữa công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) và Công ty PXP Energy Philippines. Ngoài ra, Trung Quốc đồng ý cung cấp 1,7 tỷ USD để mua 900 ngàn tấn gạo và các sản phẩm nông nghiệp của Philippines; cho Manila vay 500 triệu USD để mua sắm trang bị quân sự, đề nghị Philippines mua 03 tàu ngầm với trị giá 108 triệu USD, cam kết cung cấp gói viện trợ vũ khí cho cuộc chiến chống ma túy, khủng bố và bàn giao cho Philippines 23.000 khẩu súng trường M4.
Trong chuyến thăm Trung Quốc lần thứ hai và tham dự hội nghị thượng đỉnh “Một Vành đai, Một Con đường” của ông Duterte(5/2017) , Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết cung cấp gói viện trợ 73 triệu đô la và hỗ trợ xây cơ sở hạ tầng tại Philippines; ngoài ra 9 công ty của Trung Quốc cũng ký ý định thư để đầu tư nhiều dự án kinh doanh trị giá 9,8 tỷ đô la tại Philippines.
Trong chuyến thăm Philippines của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (25/11/2017), Bắc Kinh đã đề xuất kế hoạch hợp tác kinh tế dài hạn với Philippines. Tại cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo đã chứng kiến lễ ký kết 14 thỏa thuận hợp tác liên quan đến kinh tế và quốc phòng. Trung Quốc cũng cam kết viện trợ 150 triệu nhân dân tệ (22,6 triệu đô la Mỹ) để giúp tái thiết thành phố Marawi, nơi bị tàn phá nặng nề sau cuộc xung đột giữa lực lượng chính phủ và các tay súng phiến quân Hồi giáo.
Dư luận cho rằng hợp tác đầu tư, viện trợ của Trung Quốc sẽ giúp Philippines phát triển kinh tế, song Manila sẽ phải đánh đổi bằng “máu và nước mắt”.
Giáo sư Herman Kraft (Đại học Philippines Diliman) nhận định, việc Philippines cải thiện quan hệ với Trung Quốc đã tạo điều kiện cải thiện tình hình kinh tế ở Manila. Cũng chính vì vậy, ông Duterte đã duy trì được sự ủng hộ của nhiều người Philippines. Theo thăm dò của cơ quan nghiên cứu Social Weather Stations ở Manila, mức ủng hộ dành cho ông Duterte lên tới 70% trong quý 1 năm 2018. Nhà kinh tế Rahul Bajoria (Singapore) cho rằng các quan chức Philippines sẽ hoan nghênh các khoản đầu tư lớn từ Trung Quốc để bù đắp cho sự sụt giảm của các khoản đầu tư từ nước khác.
Tuy nhiên, nghị sĩ đối lập Gary Alejano của Philippines (8/5/2018) cảnh báo Chính quyền Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte có thể đang trượt vào chiến lược ngoại giao bẫy nợ của Trung Quốc mà Manila có khả năng phải trả giá trên Biển Đông. Hiện Chính quyền của ông Duterte có thể vẫn chưa đứng trước nguy cơ vỡ nợ nhưng việc cứ liên tục vay những khoản tiền khổng lồ không kiểm soát từ Trung Quốc để hoàn thành các dự án lớn có thể khiến Philippines rơi vào bẫy nợ, đặc biệt là sẽ chứng kiến cảnh ông Duterte quá phụ thuộc vào Trung Quốc. Chuyên gia Tara Francis Chan phân tích cho rằng Trung Quốc luôn cho các nước vay với “lãi suất cắt cổ”; hiện nay các khoản vay của Philippines từ Trung Quốc phải chịu mức lãi suất lên tới 2%-3% trong khi mức lãi suất từ Nhật Bản chỉ ở mức 0,25%-0,75%. Ông Song Seng Wun (chuyên gia kinh tế, Singapore) nhận định, việc Philippines tiếp tục được tài trợ của Trung Quốc là điều không đáng ngạc nhiên, song các khoản tài trợ đó đi kèm điều kiện Philippines phải nghiêng về Trung Quốc trong vấn đề giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.Đáng chú ý, Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc tiết lộ thêm rằng Bắc Kinh đã cho Philippines vay và tài trợ tổng cộng 7,34 tỉ USD để thực hiện 10 dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn, song các khoản vay luôn kèm theo những thỏa thuận chi trả, chẳng hạn dùng một số tài nguyên thiên nhiên thế chấp.
Trong một diễn biến khác, hãng tin Bloomberg cho biết, tại Philippines đang xuất hiện tình trạng bong bóng bất động sản và dòng người nhập cư ồ ạt từ Trung Quốc. Theo ước tính, có khoảng 200.000 người Trung Quốc đã nhập cư vào Philippines từ năm 2016 đến nay.
Philippines đã phải chấp nhận “đi đêm” với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông
Trong 2 năm gần đây, Philippines hầu như đã quên hẳn vấn đề tranh chấp chủ quyền giữa Manila và Bắc Kinh ở Biển Đông. Giới cầm quyền Philippines rất hạn chế đưa ra các tuyên bố, phát biểu liên quan chủ trương, chính sách của Manila hoặc chỉ trích, lên án các hành động phi pháp, khiêu khích của Trung Quốc ở Biển Đông. Ngược lại, giới lãnh đạo Philippines thường đưa ra các tuyên bố ca ngợi việc cải thiện quan hệ với Trung Quốc. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte trong phát biểu ngày 16/5/2017 đã khẳng định, phán quyết của Tòa Trọng tài tuy còn nguyên giá trị nhưng sẽ được hai bên đề cập “tại một thời điểm thích hợp khác”.Trong một bài phát biểu trước các doanh nhân người Philippines và Trung Quốc (19/2), ông Duterte đã bất ngờ đùa rằng nếu Trung Quốc muốn, “họ có thể biến Philippines thành một tỉnh của mình, như Phúc Kiến. Tỉnh Philippines của Trung Quốc”. Trước đó, ông Duterte còn phủ nhận những lo ngại ngày càng gia tăng về các hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc tại những hòn đảo nhân tạo mà họ xây dựng phi pháp ở quần đảo Trường Sa, kể cả hoạt động tại các thực thể lân cận mà Philippines tuyên bố chủ quyền.
Dưới tác động, lôi kéo, mua chuộc của Trung Quốc, Bắc Kinh và Manila đã 02 lần tổ chức “tham vấn song phương” về vấn đề Biển Đông. Tại cuộc họp lần thứ nhất tại Quý Châu (Trung Quốc) vào tháng 5/2017, hai bên đã khởi động Điều khoản tham chiếu (TOR) của Cơ chế tham vấn song phương về vấn đề Biển Đông (BCM), đánh giá lại kinh nghiệm của hai nước về Biển Đông, thảo luận khả năng hợp tác hàng hải thực tiễn, hai nước đã xây dựng cơ sở đối thoại “mang tính cơ chế” nhằm giải quyết tốt hơn vấn đề Biển Đông, xử lý các khác biệt giữa hai bên, đưa đối thoại “quay về quỹ đạo”. Tại cuộc tham vấn lần thứ hai ở Manila vào tháng 2/2018, hai nước tiếp tục thảo luận về vấn đề hợp tác trên Biển Đông, đạt được nhiều thỏa thuận mang tính tích cực về việc triệu tập các nhóm công tác kỹ thuật trong những lĩnh vực như ngư nghiệp, dầu khí, nghiên cứu khoa học biển và bảo vệ môi trường biển và an ninh chính trị. Trong đó, hai nước được cho là đã đồng ý thiết lập một ủy ban đặc biệt để tìm ra cách cùng thăm dò dầu khí ở Biển Đông mà không thiên vị tuyên bố chủ quyền của bên nào trong khu vực…
Tuy nhiên, việc Trung Quốc cố tình mua chuộc Philippines tiến hành tham vấn song phương về vấn đề Biển Đông chẳng qua là biện pháp đánh bóng hình ảnh và lách luật của Bắc Kinh. Mục tiêu đằng sau việc thúc đẩy tham vấn song phương này của Trung Quốc thực chất chỉ nhằm tiếp tục củng cố chiến thuật chia rẽ các bên yêu sách, hạ thấp vai trò của ASEAN; giúp Bắc Kinh giảm thiểu rủi ro chính trị và ảnh hưởng từ phán quyết của Tòa Trọng tà; tuyên truyền việc “hợp tác song phương” để minh chứng hoạt động tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông không bị cản trở và diễn biến tình hình Biển Đông ngày càng càng ổn định.
Tóm lại, Philippines từ nước đầu tàu trong việc bảo vệ chủ quyền và chống lại các hành động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, nay đã bị lợi ích kinh tế và nguồn tiền viện trợ của Bắc Kinh tác động, ảnh hưởng khiến Manila gần như bỏ qua tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Hành động của Philippines là chịu sự tác động, chi phối của chính sách thực dụng do Tổng thống Duterte dẫn đầu và nguồn đầu tư quá lớn từ Trung Quốc. Tuy nhiên, Philippines cần xem xét, cân nhắc cẩn thận, tránh bị rơi vào tình cảnh vừa đi vay nặng lãi, vừa mất chủ quyền ở Biển Đông, lại còn bị người dân trong nước lên án, chỉ trích.