Mỹ là nhân tố quyết định nhất của sự phát triển. EU không dại gì từ bỏ lợi ích để bắt tay Trung Quốc đối phó Mỹ.
Liên quan đến căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, tờ báo Trung Quốc China Daily ngày 18/6 đã kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) hợp sức với Trung Quốc để “dạy Mỹ một bài học”.
PGS.TS Lê Cao Đoàn, nguyên cán bộ Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, động thái trên xuất phát từ lợi ích của Trung Quốc và EU, thể hiện sự khôn lỏi của Trung Quốc, là một hành động “đánh bùn sang ao”, làm nhòe đi cách nhìn sòng phẳng.
Ông khẳng định, lợi ích của EU gắn liền với Mỹ và không dễ gì có chuyện khối này bắt tay với Trung Quốc để đối phó với Mỹ.
“Trong câu chuyện lợi ích, lượng mua bán không phải là cái quan trọng nhất, mà chất lượng mua bán như thế nào. Hiện Mỹ là người thống trị thế giới, nhân tố quyết định nhất của sự phát triển, đó là trí tuệ, công nghệ và người Mỹ có tầm nhìn.
Một minh chứng cho tầm nhìn của Mỹ, đó là cách đây hàng chục năm, Tổng thống Mỹ Johnson đã ủng hộ tài chính cho dự án biến nước mặn thành nước ngọt của Israel. Điều đó không chỉ có ý nghĩa với Israel mà còn có ý nghĩa toàn cầu.
Trong khi đó, một nước như Trung Quốc không có lý luận gì cả. Họ sẵn sàng bỏ tiền để mua chuộc các nước”, PGS.TS Lê Cao Đoàn nói.
Từ đây, vị chuyên gia cho rằng cần có cái nhìn rộng hơn về căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Đối với Trung Quốc, điểm then chốt của quốc gia này là có rất nhiều hàng hóa rẻ, cấp thấp bởi đây là công xưởng của thế giới. Những hàng hóa ấy tràn hết sang lĩnh vực công nghiệp và chiếm lĩnh thị trường kha khá.
Trong khi đó, nước Mỹ đang có sự chuyển đổi cấu trúc kinh tế từ cấu trúc của nền đại công nghiệp sang kinh tế tri thức.
“Lẽ ra, về mặt nào đó, Trung Quốc có thể trám vào phần mà Mỹ giảm đi và nếu theo các trật tự như thế thì Trung Quốc có cái lợi của người đi sau, còn Mỹ có lợi là người đi trước, sẽ không có vấn đề gì xảy ra.
Nhưng Trung Quốc lại có quá nhiều vấn đề về thể chế, thuế má, sở hữu công nghiệp, sở hữu trí tuệ… và trong chừng mực nào đó, người Trung Quốc cũng đã sớm bỏ công nghiệp để cho nó mất đi một thị trường khá lớn của mình.
Khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền, ông ta rất chú ý về thương mại và cảm thấy thương mại của Mỹ bị thua thiệt nhiều quá. Vì thế, Mỹ phải thiết lập lại bằng cách ký kết lại các thỏa thuận để làm ăn cho đúng kiểu, đúng cách.
Đối với châu Âu cũng vậy. Vừa qua, Tổng thống Trump gợi ý mời Nga trở lại nhóm G7 nhưng bị các nước châu Âu phản đối. Nghe có vẻ ông Trump mâu thuẫn nhưng thực ra không phải. Ông Trump là một nhà kinh doanh lọc lõi và các tính toán của ông ta là duy lợi, mà như thế thì không có gì sai bởi nó dựa trên nguyên lý của thị trường.
Ông Trump muốn trở lại một hệ thống thế giới có trật tự thị trường để làm ăn sao cho cho hai bên cùng có lợi. Điều đó là đúng. Việc châu Âu phản đối thì cần phải xem lại.
Châu Âu cũng phản đối Mỹ xung quanh việc Mỹ hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân với Iran. Một trong những lý do phản đối ấy là tài nguyên dầu mỏ của Iran rất dồi dào và châu Âu có lợi ích trong việc buôn bán dầu mỏ với Iran. Vì thế, khi Mỹ hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân với Iran, châu Âu sẽ bị thiệt ở chỗ này”, PGS.TS Lê Cao Đoàn phân tích.
Đánh giá về căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, ông Đoàn cho rằng, chiến thắng thuộc về người mạnh. Thế nhưng không phải người mạnh dìm người thua cuộc xuống mà họ sẽ làm cho lợi ích trở nên sòng phẳng hơn, có quy tắc hơn, không phải bằng bạo lực hay những cách tiêu cực khác.
“Nếu dùng cách tiêu cực ấy thì Mỹ có khả năng hơn Trung Quốc. Họ có thể dùng sự độc quyền, quy mô lớn về tài chính của mình để thực hiện. Tuy nhiên, Mỹ không làm vậy, họ không dùng mưu vặt để giải quyết”, vị chuyên gia nhận xét.
Vì những lẽ đó, theo PGS.TS Lê Cao Đoàn, Mỹ không cần phải bận tâm về lời kêu gọi EU bắt tay Trung Quốc để “dạy Mỹ một bài học” từ truyền thông Trung Quốc.
Ngày 16/6, Mỹ thông báo áp thuế suất nhập khẩu 25% đối với 50 tỉ USD hàng Trung Quốc. Ngay sau đó, Trung Quốc tung gói đáp trả tương xứng khi đánh thuế 25% với 659 mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ trị giá 50 tỷ USD.Ngày 18/6, Tổng thống Donald Trump lại dọa áp thuế 10% đố với 200 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc.
Tiếp đó, ông Trump tuyên bố nếu Trung Quốc không thay đổi cách giao thương và thi hành thuế suất mới, mức thuế 10% đối với 200 tỷ USD hàng hóa sẽ chính thức có hiệu lực. Ngoài ra, ông còn đe dọa nếu Bắc Kinh tiếp tục “ăn miếng trả miếng” thì Washington sẽ đánh thuế tiếp 200 tỷ USD hàng hóa nữa.
Ông Trump một mặt khẳng định có “mối quan hệ tuyệt vời” với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tiếp tục hợp tác với Bắc Kinh về nhiều vấn đề, mặt khác nhấn mạnh “Mỹ sẽ không tiếp tục để Trung Quốc hay các nước khác lợi dụng thương mại”.