Friday, November 29, 2024
Trang chủBiển nóngCuộc chiến giành giật ảnh hưởng kinh tế với Triều Tiên giữa...

Cuộc chiến giành giật ảnh hưởng kinh tế với Triều Tiên giữa Mỹ và TQ

Triều Tiên thời kỳ hậu cấm vận có tiềm năng kinh tế rất lớn, khiến các cường quốc đều muốn áp đặt ảnh hưởng của mình

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đang có chuyến thăm lần thứ ba tới Trung Quốc chỉ trong vài tháng qua để bàn về “hòa bình thực sự” và một “tương lai mới trên bán đảo Triều Tiên”. Chuyến đi này diễn ra chỉ một tuần sau khi Kim có cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Singapore.

Giới phân tích cho rằng chuyến thăm này của Kim không chỉ thể hiện vai trò của Trung Quốc đối với Triều Tiên, mà còn dự báo về một cuộc giành giật quyết liệt giữa Bắc Kinh và Washington nhằm chiếm ưu thế trong ảnh hưởng đối với nền kinh tế, xã hội tương lai của Bình Nhưỡng, theo Eurasia Future.

Dù Trump nhấn mạnh rằng Mỹ sẽ không nới lỏng lệnh cấm vận với Triều Tiên cho đến khi quá trình phi hạt nhân hóa hoàn thành, những hành động thiện chí của Bình Nhưỡng thể hiện cam kết hướng tới phi hạt nhân hóa có thể giúp nền kinh tế nước này hội nhập với thế giới trong tương lai không xa.

Đó là lúc Kim Jong-un sẽ phải đứng trước lựa chọn khó khăn cho nền kinh tế: Hướng tây để tiếp tục dựa vào sự hỗ trợ của Trung Quốc, hay hướng nam để xây dựng một mô hình kinh tế hoàn toàn mới với sự đón nhận của Hàn Quốc và Mỹ.

Trong chuyến thăm của Kim, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định nước này sẽ tiếp tục củng cố và phát triển quan hệ Trung – Triều bất chấp những thay đổi trong tình hình khu vực và thế giới. “Tình hữu nghị giữa nhân dân Trung Quốc với nhân dân Triều Tiên sẽ không thay đổi, sự ủng hộ của Trung Quốc với Triều Tiên xã hội chủ nghĩa cũng sẽ không thay đổi”, ông nhấn mạnh.

Mới chỉ vài tháng trước, quan hệ giữa Triều Tiên và Trung Quốc bị đánh giá là lạnh nhạt nhất từ trước tới nay, khi Trump tung ra những lời đe dọa “hủy diệt hoàn toàn” Triều Tiên, còn Bắc Kinh công khai ủng hộ các biện pháp của Liên Hợp Quốc trừng phạt Bình Nhưỡng vì chương trình tên lửa, hạt nhân.

Nhưng trong bài xã luận gần đây, Global Times, ấn phẩm phụ của People’s Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, cho rằng Triều Tiên không chỉ là một ứng viên rất phù hợp cho sáng kiến Vành đai, Con đường do Bắc Kinh khởi xướng, mà còn có thể hòa nhập vào sáng kiến này với tốc độ nhanh chưa từng thấy.

Vài ngày sau khi thượng đỉnh Mỹ – Triều diễn ra với tuyên bố chung đầy hứa hẹn về tương lai hòa bình, thịnh vượng trên bán đảo Triều Tiên, các quan chức cấp cao ở Bắc Kinh đề cập ngày càng nhiều về tiềm năng của quan hệ hợp tác liên Triều trong khuôn khổ sáng kiến Vành đai, Con đường.

Bắc Kinh thậm chí còn ám chỉ rằng dự án hợp tác kinh tế Hành lang Vận tải mà Nga đề xuất gần đây với Triều Tiên và Hàn Quốc có thể bao gồm một nhánh hành lang nối liền hai miền bán đảo Triều Tiên với lục địa Trung Quốc.

Theo bình luận viên Adam Garrie, Trung Quốc và Nga không phải là lựa chọn duy nhất về kinh tế mà Triều Tiên có thể hướng tới, bởi chính quyền Trump cũng đã vẽ ra viễn cảnh tốt đẹp thời kỳ “hậu cấm vận” mà Mỹ có thể đem lại cho quốc gia này. Từ một nước bị cô lập cả về kinh tế và chính trị, Triều Tiên giờ đây đang ở vị thế có quyền lựa chọn xem cường quốc nào sẽ đem lại nhiều giá trị kinh tế nhất cho sự phát triển của mình.

Sự lôi kéo từ Mỹ

Kim Jong-un (trái) gặp Trump trong hội nghị thượng đỉnh ở Singapore hôm 12/6. Ảnh: AFP.

Kim Jong-un (trái) gặp Trump trong hội nghị thượng đỉnh ở Singapore hôm 12/6. Ảnh: AFP.

Mỹ tỏ ra rất quan tâm đến thị trường đầy tiềm năng chưa từng được khai thác của Triều Tiên, đặc biệt là trong bối cảnh quan hệ giữa Washington với các đồng minh, đối tác ở Đông Bắc Á đang thay đổi vì chính sách “Nước Mỹ trên hết” của Trump.

Video mang phong cách Holywood được Nhà Trắng chiếu tại cuộc gặp thượng đỉnh Trump – Kim đã vẽ ra một tương lai tươi sáng cho Triều Tiên khi hoàn thành quá trình phi hạt nhân hóa và hội nhập vào kinh tế thế giới, với những cơ hội hợp tác đầy mới mẻ với Mỹ.

Theo các chuyên gia kinh tế, trong kịch bản hợp tác tương lai, Mỹ gần như không thể áp đặt mô hình “kiểm soát và khai thác tài nguyên” với Triều Tiên như từng làm ở Afghanistan, Iraq, Libya hay miền bắc Syria, nên chính quyền Trump nhiều khả năng sẽ muốn phát triển kinh tế Triều Tiên theo mô hình của Hàn Quốc hay Nhật Bản để gia tăng ảnh hưởng với quốc gia này.

Chuyên gia địa chính trị Andrew Korybko tại Viện Nghiên cứu và Dự báo Chiến lược thuộc Đại học Hữu nghị Nhân dân Nga cho rằng Mỹ có lợi ích chiến lược trong việc đảm bảo nền kinh tế Triều Tiên phát triển thành công theo các tiêu chuẩn quốc tế.

“Mỹ được nhiều hơn mất khi bảo vệ và giữ cam kết đưa Triều Tiên, nước có nguồn tài nguyên đất hiếm dồi dào và vị trí địa lý chiến lược, trở thành quốc gia phát triển thay vì lâm vào thảm cảnh như Libya”, Korybko nhận định.

Theo ông, nếu bị dồn vào đường cùng, Triều Tiên có thể tung ra đòn tấn công hạt nhân trong nỗ lực tuyệt vọng nhắm các đồng minh của Mỹ như Hàn Quốc và Nhật Bản, trong khi Trung Quốc thừa sức bảo vệ mình trong kịch bản xấu nhất với quốc gia láng giềng này.

“Nhưng Trung Quốc sẽ gặp khá nhiều khó khăn nếu phải đối mặt với sự trỗi dậy của Triều Tiên theo mô hình Đồng thuận Washington Mới, cạnh tranh trực tiếp với sáng kiến Vành đai, Con đường”, Korybko nói.

“Đồng thuận Washington” là cụm từ xuất hiện từ đầu thập niên 1990 để mô tả chương trình cải cách kinh tế gồm 10 chính sách khác nhau được các tổ chức ở Washington như IMF, Ngân hàng Thế giới, Bộ Tài chính Mỹ đề nghị áp dụng ở những nước trải qua khủng hoảng kinh tế.

 

 

Video về viễn cảnh thịnh vượng Nhà Trắng đưa ra với Triều Tiên tại thượng đỉnh Trump – Kim.

Mong muốn lôi kéo Triều Tiên vào “gia đình quốc gia thịnh vượng châu Á” của Mỹ có thể khiến Trung Quốc cảm thấy bất an và thúc đẩy Bắc Kinh xúc tiến sáng kiến Vành đai, Con đường nhanh hơn nữa đối với Bình Nhưỡng. Khi đó, Washington cũng sẽ áp dụng chiến lược tích cực hơn bằng việc ràng buộc Bình Nhưỡng bằng các khoản đầu tư từ Mỹ.

Trước sức ép từ cả Trung Quốc và Mỹ, Kim Jong-un vẫn có thể lựa chọn mô hình “đôi bên cùng có lợi”, biến Triều Tiên thành một nền kinh tế lai giữa mô hình Hàn Quốc thân Mỹ và mô hình phát triển trong Vành đai, Con đường thân Trung Quốc. Nói cách khác, Bình Nhưỡng có thể trở thành một trung tâm tài chính thu hút vốn đầu tư từ nhiều bên theo phương án tất cả cùng có lợi mà không phụ thuộc vào sự áp đặt của bất cứ cường quốc nào.

Nếu Kim biết cách cân bằng lợi ích giữa các đối tác quốc tế để phục vụ cho lợi ích kinh tế quốc gia, nền kinh tế Triều Tiên thời kỳ hậu cấm vận có thể sớm bay cao hơn bất cứ loại tên lửa nào, bình luận viên Adam Garrie nhận định.

RELATED ARTICLES

Tin mới