Monday, January 27, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiTrung Quốc cạnh tranh với Mỹ trong quan hệ với Triều Tiên?

Trung Quốc cạnh tranh với Mỹ trong quan hệ với Triều Tiên?

Theo giới phân tích, cả Mỹ và Trung Quốc dường như đang cố thể hiện mình là người có tầm ảnh hưởng nhiều hơn, có quan hệ tốt hơn với Triều Tiên.

Các nhà quan sát Trung Quốc cho rằng, thúc đẩy quan hệ song phương với Triều Tiên là cách duy nhất để Trung Quốc duy trì ảnh hưởng đối với vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên, đặc biệt là sau cuộc gặp Thượng đỉnh lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuần trước tại Singapore.

Trong bối cảnh Triều Tiên đã có những tiến bộ nhanh chóng trong chương trình tên lửa hạt nhân hồi năm ngoái, Trung Quốc – đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên đã “gia nhập” nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm kiềm chế tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng và bỏ phiếu ủng hộ một loạt nghị quyết của Liên Hợp Quốc về siết chặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Bình Nhưỡng. Điều đó đã làm căng thẳng quan hệ song phương giữa hai đồng minh truyền thống có chung đường biên giới này.

Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump chấp nhận lời mời tổ chức cuộc gặp đầu tiên trong lịch sử với Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hồi tháng 3, nhiều nhà quan sát của Trung Quốc bày tỏ lo ngại Bắc Kinh có thể mất đi vai trò của mình trong giải quyết khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên khi mà Mỹ và Hàn Quốc thiết lập đối thoại trực tiếp.

Chuyến thăm bất ngờ của ông Kim Jong-un tới Bắc Kinh cuối tháng 3 và cuộc gặp lần thứ 2 với Chủ tịch Tập Cận Bình tại Đại Liên vào đầu tháng 5 đã xoa dịu lo ngại rằng, lợi ích của Bắc Kinh có thể bị “phớt lờ” trong các cuộc đàm phán hòa bình về vấn đề hạt nhân.

Mối lo bị gạt sang bên lề

Một tuần sau cuộc gặp Thượng đỉnh lịch sử với Tổng thống Mỹ Donald Trump, ngày 19/6, Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thực hiện chuyến thăm thứ 3 tới Trung Quốc trong vòng chưa đầy 3 tháng. Giới phân tích chính trị Trung Quốc cho rằng, Bắc Kinh cần tái khẳng định vai trò của mình trong giải quyết khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên bằng cách tiếp túc cải thiện quan hệ với Bình Nhưỡng.

Shi Yinhong, Giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân Dân ở Bắc Kinh cho biết: “Sẽ là vô dụng khi Trung Quốc chỉ ngồi đó mà lo ngại về mối quan hệ gần gũi hơn giữa Bình Nhưỡng và Washington. Cải thiện quan hệ với Triều Tiên là cách duy nhất để Trung Quốc duy trì quyền tham gia vào việc giải quyết vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên và tiếp tục đóng một vai trò quan trọng”.

Học giả Bắc Kinh này kỳ vọng Trung Quốc sẽ bắt đầu cung cấp hỗ trợ kinh tế cho Triều Tiên trong tương lai gần. “Sự cải thiện nhanh chóng trong quan hệ song phương giữa Trung Quốc và Triều Tiên trong những tháng gần đây là do mỗi phía cần bảo vệ lợi ích của mình. Cả hai cũng xác định duy trì đà cải thiện quan hệ này. Tôi tin ông Kim Jong-un sẽ làm rõ ý định của mình trong việc tìm kiếm hỗ trợ kinh tế từ Trung Quốc. Chủ tịch Tập Cận Bình cũng sẽ làm rõ cam kết đề xuất hỗ trợ kinh tế cho Triều Tiên”.

Cân bằng với các cường quốc một cách hoàn hảo

Từ một nước bị mắc kẹt trong sự cô lập gần như hoàn toàn của cộng đồng quốc tế vì những vụ thử tên lửa và hạt nhân thường xuyên trong năm ngoái, đến thay đổi thành một “người mới” đầy hấp dẫn trên sân khấu quốc tế mà các cường quốc như Mỹ và Trung Quốc đang cạnh tranh nhau để giành ảnh hưởng trong năm nay, ông Kim Jong-un có vẻ như đã thành công với chiến lược ngoại giao của mình.

Theo các nhà phân tích chính trị, mặc dù Triều Tiên vẫn chưa từ bỏ bất cứ thứ gì trong kho hạt nhân của mình, Mỹ và Trung Quốc vẫn tiếp tục “cạnh tranh” với nhau để giành ảnh hưởng lớn hơn đối với Bình Nhưỡng, điều mà tới nay mới chỉ làm nên được một cam kết phi hạt nhân hóa. Ông Kim Jong-un đã tận dụng lợi thế về căng thẳng các cường quốc như Mỹ và Trung Quốc và đã sử dụng chiến lược “ngoại giao cân bằng” với cả 2 cường quốc một cách hoàn hảo.

Nói với Sputnik, ông Zhao Tong, một nhà nghiên cứu về chính sách toàn cầu tại Bắc Kinh cho rằng: “Dù đó là trước hay sau khi Triều Tiên hoàn thành chương trình vũ khí hạt nhân của mình, thì cả Trung Quốc và Mỹ vẫn luôn có “cách suy nghĩ địa chính trị thiển cận”, chỉ tập trung vào tránh tổn hại những lợi ích riêng của mình. Trong khi đó, Triều Tiên luôn tận dụng lợi thế về sự hoài nghi và bất đồng giữa các nước lớn và đã sử dụng “chiêu bài” này một cách hoàn hảo.

Chuyên gia Zhao Tong miêu tả cách Triều Tiên đã khiến Trung Quốc và Mỹ “đấu” lại nhau như thế nào. “Trước khi Triều Tiên trở thành một cường quốc hạt nhân, Mỹ không muốn đối mặt với nguy cơ về một cuộc tấn công quân sự nhằm vào Bình Nhưỡng và đã cố đẩy quả bóng sang cho Trung Quốc bằng cách thuyết phục Bắc Kinh tận dụng ảnh hưởng về kinh tế đối với Bình Nhưỡng để giải quyết vấn đề. Tất nhiên, Trung Quốc từ chối, vì điều đó có thể khiến Triều Tiên “quay lưng” với Bắc Kinh”.

Sau khi Triều Tiên đạt được thành công trong năng lực hạt nhân và bắt đầu sẵn sàng cải thiện quan hệ với các nước khác, thì cả Trung Quốc và Mỹ đề chỉ muốn đảm bảo quan hệ song phương của mình với Bình Nhưỡng sẽ tốt hơn bên còn lại, chuyên gia này nói thêm.

Ông Zhao Tong tin rằng, phi hạt nhân hóa Triều Tiên sẽ trở thành mối lo ngại thứ yếu đối với cả Trung Quốc và Mỹ trong tương lai gần, vì cả 2 đều cố giành ảnh hưởng lớn hơn với Bình Nhưỡng.

“Với sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ, tôi tin rằng nhiều học giả Trung Quốc sẽ ngày càng lo lắng Triều Tiên sẽ đến gần phía Mỹ hơn. Trọng tâm trong tương lai sẽ là làm thế nào để đảm bảo quan hệ Trung-Triều sẽ tốt hơn quan hệ Mỹ-Triều.

Thỏa thuận mang tính biểu tượng

Trong tuyên bố chung sau cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Triều, hai bên chỉ nhất trí khẳng định lại cam kết của Triều Tiên về phi hạt nhân hóa hoàn toàn mà không đưa ra chi tiết về lộ trình cho mục tiêu này và Triều Tiên cũng chưa phải từ bỏ bất cứ vũ khí hạt nhân nào.

Nhà nghiên cứu chính sách toàn cầu tại Bắc Kinh đưa ra 2 giả thuyết về lý do ông Trump đồng ý một lời cam kết mơ hồ từ ông Kim Jong-un. “Thứ nhất, Mỹ có thể đã thừa nhận rằng họ đã mất các biện pháp bổ sung trong việc tiếp tục áp lực đối với Triều Tiên. Họ phải đối mặt với thực tế này và chấp nhận một thỏa thuận gần như là “trống rỗng” khi không nói đến khả năng hạt nhân hiện nay của Triều Tiên. Thứ hai, có khả năng Mỹ vẫn tin tưởng rằng Triều Tiên có thể phi hạt nhân hóa hoàn toàn trước khi ông Trump kết thúc nhiệm kỳ đầu tiên”.

“Đó chỉ là giả thuyết, và vẫn chưa rõ vì sao Mỹ chấp nhận một thỏa thuận mang tính biểu tượng như vậy về phi hạt nhân hóa”, ông nói.

Chuyên gia này tin rằng, Triều Tiên có thể sẽ không tiến hành thêm các vụ thử tên lửa trong tương lai gần, chừng nào kho hạt nhân hiện nay vẫn còn chưa bị “động” tới.

RELATED ARTICLES

Tin mới