Wednesday, January 8, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiChuyên gia Úc lật tẩy mưu đồ xây "Vạn lý trường thành"...

Chuyên gia Úc lật tẩy mưu đồ xây “Vạn lý trường thành” dưới lòng Biển Đông của TQ

Theo Ewen Levick, với việc TQ đẩy mạnh triển khai các thiết bị ngầm dưới Biển Đông thì số tên lửa, máy bay mà họ bố trí trái phép trên các đảo đá ở đây chỉ là bề nổi của tảng băng chìm.

 

Tàu lặn không người lái Càn Long 3 của Trung Quốc. Ảnh: CAS

“Vạn lý trường thành” dưới lòng Biển Đông

Những tin tức về việc Trung Quốc triển khai trái phép máy bay ném bom và tên lửa hành trình tới các đảo và bãi đá nhân tạo mà họ bồi đắp phi pháp trên Biển Đông (thuộc Quần đảo Trường Sa của Việt Nam – ND) đã làm dấy lên một mối quan ngại to lớn. Bởi vì động thái này cho phép Trung Quốc đưa các tàu hoạt động trong khu vực vào tầm ngắm của các tên lửa có khả năng phóng với vận tốc Mach 3.

Bên cạnh tên lửa và máy bay, Bắc Kinh cũng đã từng sử dụng tới các công cụ khác không kém phần nguy hiểm, đó là các tàu bán quân sự, bộ máy tuyên truyền cũng như các chiến thuật về pháp lý và tâm lý. Đặc biệt, Trung Quốc còn triển khai một mặt trận khác tiềm ẩn nhiều mối đe dọa hơn nhưng ít được bàn luận tới, đó chính là môi trường dưới lòng biển.

Môi trường nước biển làm cho việc lan truyền ánh sáng và sóng vô tuyến diễn ra khó khăn hơn nên các đại dương trên thế giới được đánh giá là một trong những địa điểm kín đáo nhất cất giấu vũ khí cỡ lớn, chẳng hạn như các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo.

Quân đội Trung Quốc (PLA) hiện đang rất tích cực đẩy mạnh phát triển hệ thống các phương tiện dưới lòng biển. Nước này đã chế tạo các tàu lặn không người lái (UUV) có thể lặn sâu tới 6 km để triển khai những biện pháp chống sonar, theo dõi các mục tiêu trên mặt nước và dưới lòng biển hoặc xây dựng một mạng lưới giám sát cho phép phóng ngư lôi qua đường chân trời.

Ngoài ra, còn xuất hiện những thông tin cho rằng Trung Quốc đang thiết lập một “Vạn lý trường thành” dưới lòng biển gồm rất nhiều các cảm biến đặt dưới đáy đại dương truyền thông tin về các trạm cáp quang bố trí ở những bãi đá mà nước này đang triển khai các tên lửa gần đây.

Xét từ khả năng mà một số nước đang đầu tư phát triển cũng có thể tiên đoán thêm về các phương tiện mà Trung Quốc sở hữu. Chẳng hạn như, Tổng cục Nghiên cứu Biển sâu của Nga đang vận hành ít nhất 2 tàu, gồm 1 tàu nổi Yantar và 1 tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo hoán cải được cho là đã trang bị các UUV có khả năng thao túng những vật thể dưới lòng biển.

Không có gì là bất hợp lý khi cho rằng PLA đang phát triển các khả năng tương tự như Yantar hoặc thậm chí là như tàu ngầm tấn công nhanh USS Jimmy Carter – loại có thể nghe lén các cáp ngầm dưới biển và triển khai UUV mặc dù có rất ít thông tin công khai chứng minh cho khả năng này.

Trung Quốc ấp ủ mưu đồ gì dưới đáy biển?

Dựa vào những hoạt động đẩy mạnh đầu tư cho các phương tiện ngầm dưới lòng biển như vậy, chuyên gia phân tích an ninh quốc tế kiêm biên tập viên của Tạp chí Quốc phòng Australia Ewen Levick đã đưa ra nhận định về 3 mục tiêu chiến lược chính của Trung Quốc.

Thứ nhất, PLA đang tăng cường khả năng theo dõi các tàu đi qua vùng biển tranh chấp trên Biển Đông. Nếu những tin tức về một “Vạn lý trường thành” dưới lòng biển là chính xác thì mạng lưới hệ thống này sẽ mang lại cho Trung Quốc những thông tin vô song về sự dịch chuyển của các tàu ngầm và tàu mặt nước ở Biển Đông.

Thứ hai, Bắc Kinh muốn gia tăng thêm chi phí cho những hoạt động can thiệp từ bên ngoài nếu một cuộc xung đột ở Biển Đông xảy ra, nhất là với vấn đề Đài Loan. Giới hoạch định chiến lược ở Bắc Kinh cho rằng, chi phí bỏ ra để lấy lại một bán đảo sẽ lớn hơn nhiều giá trị chiến lược mà nó mang lại.

Do vậy, bên cạnh các khả năng chống tiếp cận, chống xâm nhập khác, PLA đang đầu tư vào các tài sản dưới nước với hy vọng vấn đề Đài Loan sẽ bị rơi vào bẫy chiến lược này.

Thứ ba, Bắc Kinh đang tìm ra cách thức mới dọa nạt hoặc do thám các nước khác. Đáy đại dương là nơi giao thoa của rất nhiều tuyến cáp quang viễn thông vận chuyển tới 98% dữ liệu điện thoại và internet toàn cầu và 95% truyền tải thông tin chiến lược của Mỹ.

Trong khi đó, những tuyến cáp quang này lại rất dễ bị tổn thương: Phần lớn chúng chỉ có đường kính bằng vỏ hộp soda, được bọc bằng một lớp vỏ cao su mỏng và cũng không được các công ước quốc tế về luật biển bảo vệ.

Nếu Bắc Kinh sở hữu các UUV có thể tìm kiếm và thao túng những vật thể dưới đáy biển, họ có thể chiếm quyền hoặc cắt cáp nhằm gây sức ép kinh tế, tạo ra một môi trường tranh giành thông tin hoặc thậm chí ngăn cản các tàu lặn không người lái nước ngoài hoạt động trên Biển Đông.

Vẫn còn rất nhiều câu hỏi chưa có lời giải đáp. Chẳng hạn như, chưa rõ các cảm biến từ xa và tàu lặn không người lái của Trung Quốc sẽ giao tiếp với nhau như thế nào nếu xét tới những hạn chế về truyền dữ liệu dưới lòng biển.

Mỹ cũng đang đầu tư vào các khả năng dưới nước có thể vô hiệu hóa lợi thế chiến lược mà các phương tiện của Trung Quốc mang lại.

Tuy nhiên, với việc Trung Quốc ráo riết đẩy mạnh phát triển mạng lưới hệ thống thiết bị dưới lòng biển như vậy thì các tên lửa và máy bay mà họ triển khai trái phép trên các đảo đá ở Biển Đông, có lẽ cũng chỉ là bề nổi của tảng băng chìm.

RELATED ARTICLES

Tin mới