Friday, November 8, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnHậu thượng đỉnh Mỹ-Triều: Cuộc đua đầu tư vào Triều Tiên

Hậu thượng đỉnh Mỹ-Triều: Cuộc đua đầu tư vào Triều Tiên

Có khả năng Triều Tiên sẽ sớm cải cách, mở cửa nền kinh tế. Doanh nghiệp của nhiều quốc gia bắt đầu tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Bình Nhưỡng.

Theo Yonhap ngày 23/6, khoảng 200 công ty Trung Quốc tham gia hội chợ thương mại quốc tế vừa diễn ra ở Bình Nhưỡng nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác với doanh nghiệp Triều Tiên trong nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, điện tử, cơ khí, xây dựng và thực phẩm.

Một số nguồn tin còn cho hay, giới chức Tây An, thủ phủ tỉnh Thiểm Tây của Trung Quốc, vừa quyết định mở đường bay trực tiếp tới Bình Nhưỡng kể từ tháng 7/2018.

“Trung Quốc dường như đang chuẩn bị cho những dự án hợp tác kinh tế quy mô lớn qua việc mở thêm tuyến hàng không với Triều Tiên”, một nhà phân tích tại Hàn Quốc nói.

Trong khi đó, các doanh nghiệp Singapore cũng đang hào hứng nhắm tới thị trường đầy tiềm năng ở Triều Tiên.

Reuters dẫn lời chuyên gia tư vấn kinh doanh Michael Heng cho hay ông sẽ cùng một phái đoàn 18 doanh nhân Singapore đến Triều Tiên vào tháng 9 để gặp gỡ giới hữu trách cũng như một số doanh nhân nước ngoài khác. Chuyến thăm sẽ tập trung tìm hiểu những ngành cụ thể như bán lẻ, dệt may và công nghệ thông tin.

“Chúng tôi cần chiếm được ưu thế của người đến đầu tiên trước khi Triều Tiên tràn ngập các công ty Trung Quốc hoặc Hàn Quốc”, ông Heng chia sẻ.

Về phía Mỹ, giới chức nước này từng tuyên bố sẽ cho phép doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng đồng ý hủy bỏ chương trình hạt nhân.

Theo giới quan sát, triển vọng giảm bớt không khí thù địch trên bán đảo Triều Tiên cũng như việc nhà lãnh đạo Kim Jong Un công du nước ngoài thường xuyên hơn mở ra khả năng Bình Nhưỡng sẽ sớm tiến hành cải cách, mở cửa nền kinh tế.

Điều quan trọng lúc này là thỏa thuận trong hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều được thực thi nghiêm túc.

Ngày 24/6, truyền thông Triều Tiên đã kêu gọi thực hiện đúng thỏa thuận đạt được trong Hội nghị thượng đỉnh giữa nhà lãnh đạo nước này Kim Jong Un với Tổng thống Mỹ Donald Trump ở Singapore hôm 12/6.

Kêu gọi trên được đưa ra trong bối cảnh Bình Nhưỡng dường như sẽ trao trả các hài cốt lính Mỹ tử trận trong Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.

Việc trao trả các hài cốt là một phần trong thỏa thuận nêu trên, vốn còn bao gồm thiết lập các quan hệ song phương “mới” và cùng nỗ lực xây dựng một cơ chế hòa bình “bền vững và ổn định” trên Bán đảo Triều Tiên.

Hôm 23/6, quân đội Mỹ đã đưa 100 quách gỗ tới biên giới liên Triều để tiếp nhận các hài cốt lính Mỹ. Ngoài ra, Washington cũng đã đưa 158 quan tài kim loại tới căn cứ không quân Osan ở tỉnh Gyeonggi.

Uriminzokkiri – trang tuyên truyền của Triều Tiên – cho rằng “lập trường vững chắc, kiên định của chúng tôi là mở ra tương lai mới cho hòa bình và an ninh của thế giới. Bằng việc thực thi chính xác tuyên bố chung mà Triều Tiên và Mỹ đã công bố, chúng tôi sẽ tận tụy thực thi trách nhiệm của mình nhằm giải quyết những căng thẳng cũng như các mối quan hệ thù địch kéo dài nhiều thập niên qua, đồng thời mở ra một thời đại mới trong quan hệ hợp tác Triều-Mỹ”.

Kênh tuyên truyền khác là DPRK Today, cũng có bài viết tương tự: “Con đường hướng tới thực thi triệt để tuyên bố chung Triều-Mỹ là con đường đảm bảo các lợi ích chung của nhân dân hai nước, đồng thời đảm bảo hòa bình, an ninh, thịnh vượng trên Bán đảo Triều Tiên và trên thế giới”.

Trước đó, hôm 22/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định kéo dài các lệnh trừng phạt Triều Tiên thêm một năm với lý do mối đe dọa “khác thường” từ chương trình vũ khí hạt nhân của nước này.

Động thái này diễn ra chỉ 10 ngày sau cuộc gặp lịch sử của ông Trump với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại Singapore. Trở về Washington sau cuộc gặp, Tổng thống Trump khi đó hồ hởi tuyên bố “Triều Tiên đã không còn là mối đe dọa hạt nhân” và rằng “mọi người đã có thể ngủ ngon tối nay”.

RELATED ARTICLES

Tin mới