Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và EU đã đẩy các nước đồng minh ngày càng xa rời Mỹ và gần gũi hơn với Trung Quốc.
Ngày 23/6, phát biểu tại Thượng Hải trong khuôn khổ chuyến công du Trung Quốc, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe tuyên bố Pháp ủng hộ dự án Con đường Tơ lụa Thế kỷ 21.
Ông Edouard Philippe tuyên bố Pháp chờ đợi dự án “Vành đai, Con đường” của Trung Quốc nhằm kết nối các quốc gia dọc Con đường Tơ lụa cổ xưa một cách chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, Thủ tướng Pháp mong muốn đây là dự án minh bạch để tất cả những công ty Pháp quan tâm đều có thể tham gia.
Tham quan cảng nước sâu tại Thượng Hải, Thủ tướng Philippe nhấn mạnh rằng “trên các tuyến đường giao thông hàng hải của thế giới, châu Âu và Pháp đóng một vai trò hết sức quan trọng”.
Chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Pháp Philippe diễn ra trong bối cảnh quan hệ thương mại giữa các nước EU với Mỹ đang ngày càng căng thẳng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra các quyết định áp thuế 25% đối với thép và 10% với nhôm nhập khẩu từ EU. Không dừng ở đó, Tổng thống Trump còn cảnh báo sẽ áp thuế 20% đối với ô tô nhập khẩu từ EU.
Đáp trả lại, EU cũng quyết định áp thuế với các sản phẩm từ Mỹ như rượu bourbon, quần jean, xe máy, việt quất, nước ép việt quất, nước ép cam, ngô ngọt, bơ lạc, đồ trang điểm và sản phẩm thép.
Không chỉ Pháp, nhiều đồng minh khác của Mỹ trong khối EU cũng hợp tác kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc như Đức, Anh…
Đức xuất khẩu lượng hàng hóa khổng lồ sang Trung Quốc và đầu tư lớn ở đó và Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Đức. Năm 2017, kim ngạch thương mại hai chiều Đức-Trung Quốc đạt kỷ lục 187 tỷ euro.
Các nhà đầu tư Trung Quốc tích cực mua cổ phần hoặc mua lại nhiều công ty lớn của Đức. Mới đây nhất, nhà đầu tư Trung Quốc đã mua lại gần 10% cổ phần của tập đoàn Daimler – một biểu tượng của ngành công nghiệp sản xuất ô tô Đức trị giá 7,2 tỷ euro.
Trong khi đó, Anh xem việc tăng cường quan hệ thương mại với Trung Quốc là liều thuốc để giảm bớt cơn đau Brexit.
Nếu trước đây khi Mỹ và phương Tây bắt tay thực hiện các lệnh trừng phạt Nga đã dồn Moskva bắt tay với Trung Quốc thì giờ đây, khi Mỹ khơi mào cuộc chiến thương mại toàn cầu, quốc gia này cũng đang đẩy EU về phía Trung Quốc.
Hiện Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU sau Mỹ, và ngược lại, EU là bạn hàng lớn nhất của quốc gia châu Á này. Một nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu chính sách châu Âu ước tính rằng một thỏa thuận thương mại tự do song phương với Trung Quốc sẽ đóng góp thêm 83 tỷ euro (88,3 tỷ USD) cho GDP của EU đến năm 2030, và tạo ra hơn 2,5 triệu việc làm.
Lãnh đạo EU từng tuyên bố, khối này sẵn sàng sát cánh với Trung Quốc trong cuộc chiến chống chủ nghĩa bảo hộ.
Theo giới quan sát, về lâu dài, Mỹ có thể đối diện với viễn cảnh bị cô lập vì quan điểm “nước Mỹ là trên hết” của ông Trump.