Trước, trong và sau khi Tòa án Trọng tài thường trực ở Hague (PCA – Hà Lan) ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan vấn đề Biển Đông, Bắc Kinh đã triển khai tuyên truyền một cách đồng bộ, nhất quán, theo từng giai đoạn về lập trường, chủ trương, chính sách của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông nói chung và về vụ kiện nói riêng. Hoạt động tuyên truyền của Bắc Kinh đã gặt hái được nhiều kết quả khả quan, song vẫn không thể “đổi trắng thay đen” và phản bác lại phán quyết công tâm, công bằng của Tòa Trọng tài.
Trước phán quyết, Trung Quốc triển khai rầm rộ mặt trận thông tin tuyên truyền nhằm bác bỏ thẩm quyền xét xử của Tòa
Trung Quốc đã huy động tất cả các nguồn lực từ ngoại giao đến kinh tế để triển khai chiến dịch tuyên truyền mang tính toàn cầu về vấn đề Biển Đông. Quan chức cấp cao của Trung Quốc (từ Chủ tịch nước, Thủ tướng, Ngoại trưởng, đến người phát ngôn Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng) lợi dụng các chuyến thăm cấp cao, các diễn đàn đa phương, song phương để lồng ghép đưa ra các tuyên bố phản bác thẩm quyền xét xử của Tòa và bảo vệ chủ trương, chính sách của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Các Đại sứ quán, Lãnh sự quán Trung Quốc đặt tại những nước lớn, những nước có ảnh hưởng trên thế giới (Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Hà Lan, Nga, Nam Phi, Camaron, Sudan, Arập, Singapore, Australia, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia…) đều được huy động tham gia viết bài đăng trên các tạp chí uy tín của nước sở tại để tuyên truyền, xuyên tạc về vụ kiện. Bộ Ngoại giao, Quốc vụ Viện Trung Quốc cũng đưa ra những văn kiện thể hiện lập trường của Bắc Kinh trong vụ kiện này. Giới chuyên gia, học giả Trung Quốc tích cực tham gia các hội thảo quốc tế và khu vực, viết bài biện minh cho chính sách của Trung Quốc. Và không kém phần quan trọng, giới truyền thông Trung Quốc (báo chí, đài truyền hình, đài phát thanh…) đã hoạt động hết công suất khi liên tục đăng tải những bài viết, video cho rằng Trung Quốc là “nạn nhân” trong vấn đề Biển Đông, đổ lỗi cho Philippines vi phạm các thỏa thuận liên quan.
Nội dung tuyên truyền trước khi Tòa Trọng tài ra phán quyết chủ yếu tập trung tuyên truyền về “quyền lịch sử” của Trung Quốc ở Biển Đông; khẳng định Trung Quốc luôn “tuân thủ” các quy định, thỏa thuận song phương, đa phương trong việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng; đổ lỗi cho Philippines và một số nước ngoài khu vực (ám chỉ Mỹ, Nhật Bản) là nguyên nhân làm gia tăng căng thẳng ở khu vực; nhấn mạnh những luận điểm Philippines trình Tòa Trọng tài không có tính thuyết phục, không đúng với thẩm quyền xét xử của Tòa (các vấn đề Philippines đưa ra đều liên quan giải quyết tranh chấp lãnh thổ mà Trung Quốc đã bảo lưu quyền giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ theo Điều 298 của UNCLOS); việc Trung Quốc không tham gia vụ kiện là “xuất phát từ đại cục bảo vệ quan hệ song phương và hòa bình, ổn định của khu vực”; chỉ trích Philippines kiện Trung Quốc là nhằm khẳng định “chủ quyền” ở Biển Đông, tìm kiếm sự đồng thuận của cộng đồng quốc tế, định hướng dư luận trong nước để “che lấp” tình thế khó khăn và sự thất bại của Chính phủ Philippines trong vụ bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham; đồng thời lồng ghép chỉ trích, cảnh báo “vụ kiện không chỉ ảnh hưởng đến quan hệ Trung Quốc – Philippines mà còn ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định trong khu vực”…
Mặc dù Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, xuyên tạc nhằm tạo sự hiểu lầm về bản chất của vụ kiện, song vẫn không thể đánh lừa được cộng đồng quốc tế, cũng như không thể ngăn chặn được Tòa Trọng tài xem xét, thụ lý và đưa ra phán quyết cuối cùng liên quan vụ việc.
Ngay sau khi Tòa Trọng tài ra phán quyết, Trung Quốc vẫn tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về chủ trương, lập trường của Bắc Kinh, song tần suất và cách thức đã giảm nhiệt hơn
Trung Quốc chủ yếu thông qua Bộ Ngoại giao, Quốc vụ Viện để phản bác phán quyết của Tòa. Trong khi đó, giới chuyên gia, học giả và truyền thông Trung Quốc tập trung phân tích, đánh giá, cho rằng Bắc Kinh có “chủ quyền không thể tranh cãi ở Biển Đông”.
Trong giai đoạn này, Chính phủ Trung Quốc ra “Tuyên bố của Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi hải dương tại Biển Đông”, trong đó cho rằng Trung Quốc có “chủ quyền lịch sử” đối với các đảo ở Biển Đông, bao gồm quần đảo Đông Sa, quần đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa và quần đảo Nam Sa; các đảo này có vùng nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa; khẳng định Trung Quốc “sẵn sàng tiếp tục cùng với các nước đương sự giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán hiệp thương trực tiếp” và rằng Trung Quốc “tôn trọng, ủng hộ các nước được hưởng quyền tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông”. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng ra tuyên bố liên quan phán quyết, cho rằng phán quyết “không có hiệu lực, không có sức ràng buộc, Trung Quốc không tiếp nhận, không thừa nhận phán quyết”; đồng thời tái khẳng định chủ trương, chính sách và lập trường của Bắc Kinh đối với vụ kiện. Quốc vụ viện Trung Quốc (13/7/2016) công bố Sách Trắng “Trung Quốc kiên trì thông qua đàm phán giải quyết tranh chấp giữa Trung Quốc với Philippines ở Biển Đông”, trong đó nhấn mạnh các đảo ở Biển Đông là “lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc”, khẳng định “Bắc Kinh và Manila đã đạt được nhận thức chung về biện pháp giải quyết tranh chấp ở Biển Đông”, đồng thời tái khẳng định chủ trương, chính sách của Trung Quốc trong vấn đề này.
Trong khi đó, giới truyền thông Trung Quốc đã đăng tải nhiều bài viết với lập trường cứng rắn, tập trung vào một số nội dung: Phản bác phản quyết của Tòa, cho rằng “phán quyết không có giá trị pháp lý”, đồng thời tuyên truyền, tán phát, biện minh cho chủ trương “không tham gia, không chấp nhận, không tuân thủ phán quyết” của Bắc Kinh; chỉ trích Mỹ “lợi dụng” Chính quyền Philippines để leo thang tranh chấp trong khu vực, cảnh báo Mỹ “nên tránh xa vấn đề Biển Đông”; tán phát tin xuyên tạc khi cho rằng “đã có hơn 90 nước và 230 chính đảng và tổ chức chính trị công khai ủng hộ lập trường của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông”. Ngoài ra, truyền thông Trung Quốc cũng đưa nhiều tin, bài, hình ảnh về các hoạt động quân sự mang tính răn đe, dọa nạt và cảnh cáo Mỹ, Philippines cũng như các nước “có ý định ủng hộ phán quyết”. Trang mạng Sohu (12/7) tán phát tin một bộ phận quân dự bị thuộc lực lượng Hải quân Trung Quốc đã xuất ngũ nhận được yêu cầu tái ngũ để thực thi nhiệm vụ; hay Thời báo Hoàn Cầu (12/7) đưa tin có dư luận cho rằng để đối phó với phán quyết bất lợi với Trung Quốc và khả năng Mỹ lợi dụng phán quyết để khiêu khích, Quân ủy Trung ương Trung Quốc đã ra lệnh “chuẩn bị tác chiến”, yêu cầu quân đội “sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ”. Khu vực tác chiến miền Nam đặt trong tình trạng khẩn cấp cấp độ 1; Hạm đội Nam Hải, Lực lượng tên lửa và Không quân đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu…
Bất chấp hoạt động tuyên truyền và răn đe, cảnh báo của Trung Quốc, cộng đồng quốc tế liên tục đưa ra các tuyên bố thể hiện sự ủng hộ đối với phán quyết của Tòa Trọng tài, yêu cầu Bắc Kinh tuân thủ, tôn trọng và thực thi phán quyết.
Từ năm 2017 đến nay, Trung Quốc đã “bỏ quên” phán quyết của Tòa Trọng tài
So với trước, trong và ngay sau khi Tòa tuyên bố phán quyết, từ năm 2017 đến nay Bắc Kinh lại triển khai một chiến dịch mới – chiến dịch “bỏ qua tất cả” để tuyên truyền về vụ kiện. Trung Quốc chủ động không đưa tin, không đề cập, không phát biểu, không nhắc đến phán quyết của Tòa trên tất cả các phương tiện truyền thông đại chúng. Thậm chí giới quan chức Trung Quốc, hay những chuyên gia, học giả theo phe cánh “Diều hâu”, hiếu chiến cũng rất ít khi đề cập về phán quyết. Hành động này của Bắc Kinh chủ yếu là do:
Thứ nhất, Bắc Kinh muốn thể hiện thái độ, lập trường “không tiếp nhận, không thừa nhận, không tuân thủ phán quyết”; coi phán quyết chỉ là “tờ giấy trắng”, không có giá trị pháp lý, ràng buộc đối với Bắc Kinh.
Thứ hai, Bắc Kinh muốn định hướng dư luận trong nước, hay nói cách khác, Bắc Kinh đang triển khai chính sách kiểm duyệt thông tin, không muốn để người dân trong nước hiểu rõ bản chất vụ kiện và cộng đồng quốc tế phản đối Trung Quốc như thế nào.
Thứ ba, Bắc Kinh tìm cách đánh lạc hướng sự chú ý của cộng đồng quốc tế khi “chịu trận” để các nước lên án, chỉ trích mà không đáp trả (trái ngược so với cách hành động, phản ứng của Trung Quốc từ trước đến nay), trong khi Trung Quốc đẩy nhanh tốc độ cải tạo các thực thể nhân tạo ở Trường Sa, thúc đẩy quân sự hóa ở Biển Đông, đưa nhiều loại vũ khí, khí tài sát thương (tên lửa, máy bay chiến đấu, pháo cao xạ…) ra Hoàng Sa, Trường Sa…
Cuối cùng, Bắc Kinh không nhắc đến vụ kiện là muốn để nó dần dần chìm vào quên lãng, vì cho rằng khi mà Trung Quốc không nhắc đến thì có lẽ dần dần cộng đồng quốc tế cũng quên đi, không nhắc đến phán quyết nữa.
Có thể thấy, từ khi Philippines (22/1/2013) chính thức nộp bản Thông báo và Tuyên bố khởi kiện Trung Quốc tại Tòa Trọng tài về “Thẩm quyền trên các vùng biển của Philippines đối với Biển Tây Philippines” theo các quy định của Phụ lục VII Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCSLOS) năm 1982 đến nay, Bắc Kinh đã triển khai đồng bộ, nhất quán các chiến dịch tuyên truyền phản bác lại vụ kiện. Nội dung, cách thức của mỗi đợt tuyên truyền khác nhau, song đều nhằm tìm cách biện minh, khẳng định “chủ quyền” của Trung Quốc ở Biển Đông. Tuy nhiên, trái với những gì Bắc Kinh mong đợi, hoạt động tuyên truyền của họ đã không thể đánh lừa được cộng đồng quốc tế. Hiện nay, các nước vẫn tiếp tục gây sức ép buộc Trung Quốc phải tuân thủ, thực thi phán quyết của Tòa Trọng tài.