Mối quan hệ ấm dần giữa Triều Tiên với Mỹ và hòa giải với Hàn Quốc không phải là thay đổi duy nhất mang tích lịch sử trên Bán đảo Triều Tiên. Trung Quốc và Nga cũng muốn trở thành một phần của lịch sử đó.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (phải) tới Bình Nhưỡng gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Ảnh: KCNA
Vai trò của Trung Quốc
Ông John Ross, thành viên cấp cao Viện Chongyang thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc đã nhận định trên đài Sputnik về động lực kinh tế và địa chính trị đằng sau những cuộc gặp thượng đỉnh liên quan tới Triều Tiên giữa nhiều quốc gia thời gian gần đây và sắp tới.
Sau khi mối quan hệ có phần rạn nứt trong những năm gần đây, Triều Tiên và Trung Quốc thời gian qua đã có nhiều động thái củng cố quan hệ lịch sử từng được ví là “môi hở răng lạnh”. Việc nhà lãnh đạo Triều Tiên tới thăm Trung Quốc lần thứ ba trong chưa đầy ba tháng qua là một minh chứng rõ nhất.
Các nhà phân tích cho rằng ba chuyến thăm Trung Quốc chưa từng có tiền lệ ngày 19 và 20/6 cho thấy hai quốc gia này vẫn là đồng minh thân cận. Ông Stephen R. Nagy, một thành viên Tổ chức Châu Á – Thái Bình Dương ở Canada, nhận định: “Hai quốc gia có ảnh hưởng lẫn nhau. Đó thực sự là một phần quan trọng của vấn đề”.
Trọng tâm phát triển nền kinh tế của ông Kim Jong-un có thể mang lại nhiều điều đôi bên cùng có lợi cho Trung Quốc và Triều Tiên. Nhất là trong bối cảnh Trung Quốc đang cách mạng hóa thương mại ở châu Á với sáng kiến Vành đai và Con đường.
Ông Ross giải thích: Có mối liên hệ lịch sử rất mạnh giữa Trung Quốc và Triều Tiên. Do đó, Trung Quốc sẽ hài lòng nếu Triều Tiên gắn chính sách kinh tế với Trung Quốc, mở ra mối quan hệ thương mại dự kiến sẽ phát triển mạnh.
Tính toán của Nga
Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin có cuộc gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đang ở thăm Nga ngày 22/6. Vào tháng 9 tới, ông Putin cũng sẽ đón nhà lãnh đạo Kim Jong-un thăm Nga.
Trước thềm cuộc gặp với ông Putin, ông Moon Jae-in đã đề xuất một kế hoạch xây đường ống dẫn khí để chuyển khi đốt của Nga qua Triều Tiên, Hàn Quốc và thậm chí là tới cả Nhật Bản.
Theo ông Ross, Nga có lợi ích trong dịch chuyển quan hệ ngoại giao trong khu vực. Ông nói: “Triều Tiên có biên giới chủ yếu với Trung Quốc nhưng cũng có biên giới với Nga. Và thật ra mà nói, ai có thể tin tưởng Mỹ nếu nước này kiểm soát Triều Tiên, một viễn cảnh mà một số người ở Mỹ đặt ra khi hai miền Triều Tiên tái thống nhất và Hàn Quốc kiểm soát Triều Tiên”.
Trong bối cảnh Mỹ di chuyển lực lượng vào Đông Âu cùng NATO, sát sườn Nga, ông Ross cho rằng Nga sẽ không mấy thích thú viễn cảnh Mỹ hướng tới Triều Tiên – nước có biên giới với Nga ở phía đông. Do đó, xây dựng mối quan hệ với Triều Tiên có lợi về mặt địa chính trị với Nga.
Không phải ngẫu nhiên mà trước khi Mỹ-Triều tổ chức hội nghị thượng đỉnh ở Singapore, ông Putin đã cử Ngoại trưởng Nga tới Bình Nhưỡng. Đây là chuyến thăm chính thức đánh dấu sự trở lại của Nga trong vấn đề Triều Tiên.
Theo bình luận của USNews, cuộc gặp của Ngoại trưởng Nga với ông Kim Jong un là một phần trong chiến dịch làm ấm quan hệ với Triều Tiên của Nga. Đây là minh chứng mới nhất cho thấy Nga mong muốn tham gia vào cuộc đàm phán quốc tế này và tin rằng Nga có thể đóng vai trò trung gian giữa Bình Nhưỡng, Bắc Kinh và các bên tham gia đàm phán sáu bên về hạt nhân Triều Tiên.
Nga coi Bán đảo Triều Tiên là một cửa ngõ để đạt được các mục tiêu tại châu Á. Theo USNews, một Bán đảo Triều Tiên không bạo lực có lợi cho Nga rất nhiều. Phi hạt nhân hóa bán đảo và khôi phục hòa bình trong khu vực có thể giúp Nga mở đường ống đưa dầu tới Hàn Quốc cũng như Trung Quốc. Tàu của Nga có thể tiếp cận các cảng của Triều Tiên. Các đoàn tàu từ Hàn Quốc có thể đi qua Triều Tiên để tới Nga rồi tới châu Âu.
Nga và Trung Quốc sẽ có lợi nếu Mỹ và Triều Tiên có thể đạt được một thỏa thuận hướng tới rút lực lượng Mỹ trong khu vực sau khi Mỹ tuyên bố ngừng tập trận chung với Hàn Quốc.
Trước đây, thậm chí tạp chí Newsweek còn đánh giá rằng Triều Tiên có thể không cần tới hội nghị thượng đỉnh với Mỹ mà chỉ cần hỗ trợ từ Nga và Trung Quốc là đủ.
Ông Joel Wit, sáng lập trang mạng 38 North và là thành viên cấp cao trung tâm nghiên cứu Stimson, cho rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên luôn có kế hoạch B, để cả khi mọi sự diễn ra không suôn sẻ với Mỹ thì ông vẫn có chỗ đứng tốt cùng Trung Quốc, Nga và cả Hàn Quốc.