Thursday, November 28, 2024
Trang chủĐiểm tinBản tin Biển Đông ngày 26/06/2018

Bản tin Biển Đông ngày 26/06/2018

Bản tin Biển Đông ngày 26/06/2018.

Cựu Tướng quân đội Trung Quốc Yao Yunzhu nguỵ biện cho hành động quân sự hoá của Trung Quốc ở Biển Đông

Trang Financial Review đưa tin, ngày 25/6, trong một phiên thảo luận tại Diễn đàn Lãnh đạo Crawford ANU, bà Yao Yunzhu, cựu tướng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã lên tiếng “bảo vệ” cho hoạt động quân sự hoá của Trung Quốc ở Biển Đông và không những thế còn yêu cầu các nước phương Tây không “lạm dụng” quyền tự do hàng hải để thực hiện các cuộc diễn tập quân sự và các hoạt động trinh sát nhằm thách thức các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc. Ngoài ra, bà Yao còn cho rằng trật tự quốc tế dựa trên luật lệ “cần phải được viết lại” do sự phát triển của Trung Quốc đã không được nhìn nhận đúng, và nêu cụ thể rằng Biển Đông là một trong những khu vực mà trật tự cần phải “được viết lại” để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ và xử lý những chỉ trích đối với việc Trung Quốc cải tạo các đảo và cáo buộc nước này quân sự hoá khu vực thông qua việc xây dựng các đường băng và lắp đặt các hệ thống tên lửa. Bà này khăng khăng rằng việc quân sự hoá các đảo của Trung Quốc “không phải là nguy cơ đe doạ đối với thương mại toàn cầu” và đặt ra câu hỏi rằng: định nghĩa thế nào là “quân sự hoá” và “không quân sự hoá”, khi mà gần 50 cấu trúc ở Trường Sa hiện đang do nhiều bên tranh chấp chiếm đóng và tất cả đều có sự hiện diện của quân đội các nước này. Tuy nhiên, mặt khác bà Yao vẫn tỏ ra lạc quan về tương lai quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ dù gần đây giữa hai nước vẫn còn tồn tại một số căng thẳng.

Nhật Bản sẽ hỗ trợ phát triển các đảo của Indonesia trên Biển Đông

Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng đưa tin, ngày 25/6, tại Jakarta, Indonesia, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono và người đồng cấp Indonesia Retno Marsudi đã chứng kiến lễ ký thoả thuận nhằm hỗ trợ Indonesia 2,5 tỉ yên (tương đương 23 triệu đô la Mỹ) nhằm phát triển các cảng và cơ sở nghề cá trên 6 đảo xa bờ của nước này, trong đó có đảo Natuna, trước tháng 1/2020, trong bối cảnh Trung Quốc đang ngày càng gia tăng ảnh hưởng của mình ở khu vực. Theo một quan chức Nhật Bản cho biết, khoản hỗ trợ này là một phần trong những nỗ lực của Tokyo nhằm thúc đẩy “chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở”.

Trước đó, ông Kono và bà Marsudi đã có cuộc trao đổi về nhiều vấn đề, từ hợp tác kinh tế và an ninh biển đến các biện pháp chống khủng bố. Trong tuyên bố chung với bà Marsudi, ông khẳng định: “hai nước sẽ tăng cường hợp tác trên biển, điều này rất có ý nghĩa đối với chiến lược của cả hai nước”.

Giáo sư Philipppines: đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc không còn mang ý nghĩa thực chất

Ngày 25/6, The Philippine Star đưa tin, tại buổi thảo luận bàn tròn ở thành phố Pasig, Philippines, bà Aileen Baviera, Giáo sư Đại học Philippines cho biết việc giải quyết tranh chấp Biển Đông thông qua đàm phán giữa Trung Quốc và các nước ASEAN không còn mang ý nghĩa thực chất. Mặt khác, bà cho rằng nên có một cơ chế “đơn phương” thay vì đưa tất cả ASEAN vào các cuộc đàm phán này vì nhận thấy “ASEAN có vai trò rất quan trọng đối với một số vấn đề nhất định song liệu toàn bộ ASEAN sẽ quan tâm đến Biển Đông?”. Thêm vào đó, bà Baviera cho biết các cuộc đàm phán về một Bộ Quy tắc ứng xử mang tính ràng buộc về mặt pháp lý đã diễn ra từ giữa những năm 1990 song đạt được rất ít tiến triển dù đã có Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Bà cho biết, thực ra “vấn đề của Trung Quốc là Mỹ, và ASEAN là bên bị kẹt giữa hai nước lớn”, “tất cả những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông chịu sự chi phối của quan điểm mà nước này nhìn nhận về các động thái của Mỹ… do đó, sẽ là không thực tế nếu các bên (Trung Quốc và ASEAN) cứ tiếp tục giữ nguyên cách làm không hiệu quả trước đây”.

RELATED ARTICLES

Tin mới