Sự thay đổi của chính quyền ở các nước mà sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) đi qua sớm được nhìn nhận là một rủi ro đối với BRI. Tuy nhiên, có một rủi ro khác mà nhiều chuyên gia ít ngờ tới, đó là sự tăng giá của đồng USD.
Sau cơn chấn động chính trị ngày 9/5/2018 đánh dấu bằng việc Mặt trận Quốc gia (BN) chấm dứt 61 năm cầm quyền liên tục, chính phủ mới do Liên minh Hi vọng (PH) lên nắm quyền. Lịch sử Malaysia lần đầu tiên ghi nhận một chính trị gia làm thủ tướng 2 lần, đó là Mahathir Mohamad. Trở lại cương vị người đứng đầu chính phủ, Mahathir công khai tuyên bố hủy bỏ (sau này chuyển thành trì hoãn) dự án đường sắt cao tốc nối Kuala Lumpur với Singapore (HSR). Mahathir cũng tuyên bố sẽ xem xét lại hoặc hủy bỏ dự án đường sắt kết nối khu vực bờ biển phía Đông (ECRL) do nợ công nghiêm trọng, lên tới 80,3% GDP thay vì 50,8% GDP như chính phủ tiền nhiệm công bố. ECRL được nhìn nhận là dự án trọng điểm của BRI tại Malaysia. Và quyết định của chính phủ mới ở Malaysia có thể sẽ đặt ECRL trước nguy cơ rủi ro. Bởi trước đó, trong một số cuộc phỏng vấn, ông Mahathir đã đề cập tới trường hợp của Sri Lanka mất cảng Hambantota vào tay Trung Quốc do không trả được nợ.
Ngoài Malaysia, BRI còn đi qua nhiều nước mà nợ công trở thành gánh nặng tài chính quốc gia. Trong khi đó, kinh tế Mỹ những tháng gần đây đón nhận nhiều tín hiệu tích cực. Trong năm 2018 và 2019, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ tăng lãi suất nhiều lần. Điều đó có nghĩa đồng USD sẽ tăng giá so với các đồng tiền khác. Đồng nội tệ giảm giá, đối với các nước có nền kinh tế bền vững, ảnh hưởng sẽ hữu hạn, thậm chí là có lợi cho xuất khẩu. Tuy nhiên, đối với các nước có nền tảng kinh tế không tốt, việc đồng nội tệ mất giá có thể dẫn tới tình trạng tháo chạy của dòng vốn nước ngoài. Trong trường hợp đồng nội tệ mất giá mạnh, khủng hoảng tiền tệ có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Và như vậy, đồng USD tăng giá trở thành nhân tố gián tiếp ảnh hưởng tiêu cực tới việc triển khai BRI tại các nước đang gánh nợ công khổng lồ mà nó đi qua.
Vào thượng tuần tháng 6/2018, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã đồng ý cho Argentina vay 50 tỷ USD trong thời hạn 3 năm để vực dậy nền kinh tế đang lao dốc và trong tình trạng khủng hoảng thu chi này. Như vậy, Argentina đã trở thành quân bài domino đầu tiên đổ xuống trong cái gọi là “nhóm 4 nước dễ đổ vỡ” (VITA), gồm Venezuela, Italy, Thổ Nhĩ Kỳ và Argentina. Đương nhiên, đồng USD tăng giá không phải là nguyên nhân chủ yếu khiến các nước này trở nên “mong manh trước gió”, nhưng nó lại là “ngọn cỏ cuối cùng kéo đổ con lạc đà”. Bởi các nước VITA có một số điểm chung như không có nền công nghiệp xuất khẩu vững mạnh, thâm hụt thu chi quốc tế liên miên, nợ cao như núi và đồng nội tệ đang mất giá. Ví dụ trường hợp của Venezuela, xuất khẩu của nước này dường như hoàn toàn dựa vào dầu mỏ (chiếm 95%), năm 2015 khi giá dầu lao dốc lập tức rơi vào khủng hoảng kinh tế. Cộng thêm áp lực từ chính sách trợ cấp, theo S&P, cuối năm 2017, Venezuela đã vỡ nợ với khoản nợ 60 tỷ USD không trả đúng hạn.
Venezuela đã vậy, vấn đề của Italy còn đau đầu hơn. Vào mùa xuân năm nay, nợ của Italy đã đạt mức 132% GDP, tại châu Âu chỉ đứng sau Hy Lạp và vượt hơn 2 lần so với mức trần nợ 60% GDP mà Liên minh châu Âu (EU) đặt ra. Ngày 26/5 vừa qua, Ủy viên Ngân sách EU Guenther Oettinger đã cảnh báo quỹ giải cứu của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ không thể làm ổn định nền kinh tế của Italy. Nền kinh tế của nước này có quy mô gấp 10 lần Hy Lạp, một khi xảy ra khủng hoảng nợ, sức công phá chắc chắn cũng sẽ gấp nhiều lần so với trường hợp của Hy Lạp. Giới chuyên gia e rằng ngay cả khi IMF làm việc với Cơ chế ổn định châu Âu (ESM) cũng khó có thể giải cứu thành công.
Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, nước này từ lâu đã ở trong tình trạng thâm hụt thu chi quốc tế, nợ nước ngoài lên tới 60% GDP, cao hơn của Argentina và cao nhất trong nhóm các nền kinh tế mới nổi. Thổ Nhĩ Kỳ đang đứng trước nguy cơ tiến gần cuộc khủng hoảng nợ khi từ đầu năm tới nay, đồng Lira đã mất giá tới 20% so với đồng USD. Trong khi đó, với vị trí chiến lược nằm vắt qua châu Âu và châu Á, Thổ Nhĩ Kỳ là mắt xích quan trọng trong chiến lược BRI của Trung Quốc. Nếu nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đổ vỡ, các dự án hợp tác với Trung Quốc đương nhiên sẽ bị thu hẹp, làm giảm hiệu quả của BRI.
Trên thực tế, Chỉ số Toàn cầu S&P chỉ rõ do nợ công và thâm hụt thương mại nghiêm trọng, Pakistan, Ai Cập, Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ và Argentia được liệt vào danh sách “5 nước mong manh” (Fragile Five). Ngoài Argentina ở Nam Mỹ, 4 nước còn lại đều nằm ở tiền duyên của BRI. Một khi kinh tế lao dốc, các nước này đương nhiên không thể thực hiện được các dự án như thỏa thuận, thậm chí sẽ xem xét lại hoặc hủy bỏ dự án đã ký kết như trường hợp của Malaysia. Theo tờ Tin tức thế giới, quan trọng là các nước nằm ở tiền duyên BRI có nợ công cao và thâm hụt thu chi quốc tế không chỉ giới hạn trong 4 nước thuộc Fragile Five. Việc đồng USD tăng giá, đồng nội tệ các nước đó giảm giá sẽ khiến hai vấn đề nêu trên trầm trọng thêm, buộc chính quyền sở tại phải xem xét cẩn trọng các dự án hợp tác, tránh để việc tham gia vào BRI trở thành “oan gia”.