Phục vụ nhu cầu chiến lược cường quốc biển và sáng kiến “vành đai và con đường” là những lý do chính khiến Trung Quốc thời gian qua gia tăng tốc độ phát triển lực lượng tàu sân bay.
Tàu sân bay thứ 3 của Trung Quốc. Ảnh: Tập đoàn công nghiệp nặng đóng tàu Trung Quốc (CSIC)
Trung Quốc liên tục công bố tàu sân bay mới
Ngày 20/6, trên trang web chính thức của Tập đoàn công nghiệp nặng đóng tàu Trung Quốc đã tiết lộ hình ảnh mới nhất về chiếc tàu sân bay thứ 3 của Trung Quốc.
Những hình ảnh đầu tiên về chiếc tàu sân bay thứ 3 này được tiết lộ trong buổi họp của Sở 701 thuộc Trung tâm thiết kế nghiên cứu tàu thuyền Trung Quốc do Tổng chỉ huy công trình trọng điểm kiêm Bí thư đảng ủy Tập đoàn công nghiệp nặng đóng tàu Trung Quốc Hồ Vận Minh chủ trì.
Trên màn hình cỡ lớn trong phòng họp đã xuất hiện hình ảnh về chiếc tàu sân bay thứ 3. Đây là tàu sân bay thế hệ mới sử dụng hệ thống phóng điện từ để khởi động máy bay. Công nghệ mới này khác so với 2 chiếc tàu sân bay trước đó đã được bàn giao cho hải quân Trung Quốc.
Vào ngày 26/4/2017, Trung Quốc cho hạ thủy tàu sân bay 70.000 tấn tự đóng đầu tiên và là tàu sân bay thứ hai của nước này, từ cảng Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh.
Tàu sân bay này mang ký hiệu Type-001A sử dụng đường băng kiểu “nhảy cầu” tương tự tàu sân bay Liêu Ninh. Tàu sân bay này được cho là có nhiều cải tiến quan trọng so với Liêu Ninh và có khả năng chiến đấu tốt hơn.
Trước đó vào ngày 23/9/2012, tại cảng Đại Liên, Trung Quốc đã chính thức biện chế tàu sân bay đầu tiên Liêu Ninh cho hải quân nước này. Động thái này đánh dấu Trung Quốc trở thành quốc gia thức 10 trên thế giới sở hữu tàu sân bay.
Như vậy, tính tới thời điểm hiện tại Trung Quốc đã có tổng cộng 3 tàu sân bay.
Theo kế hoạch của Trung Quốc, tới năm 2030 quốc gia này sẽ hạ thủy ít nhất 4 tàu sân bay, đồng thời tập trung nguồn lực để hạ thủy 1 tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Phục nhu nhu cầu chiến lược quốc gia
Các chuyên gia phân tích quân sự cho rằng, việc Trung Quốc đẩy nhanh tốc độ phát triển tàu sân bay là nhằm phục vụ nhu cầu chiến lược xây dựng cường quốc biển và sáng kiến “vành đai và con đường” của nước này.
Trung Quốc tiết lộ hình ảnh mới nhất về chiếc tàu sân bay thứ 3 thế hệ mới không nhằm ngoài mục đích phản ánh nhu cầu cấp thiết của nước này trong việc thúc đẩy chiến lược hải dương.
Đối với Trung Quốc, đưa lực lượng hải quân đi ra biển sâu là một phương hướng đặc biệt quan trọng để thúc đẩy chiến lược cường quốc biển.
Theo các tài liệu công khai, từ năm 2014 đến nay, số lượng tàu ngầm, tàu chiến, tàu đổ bộ và tàu hậu cần của Trung Quốc nhiều hơn so với số lượng tàu của các nước Đức, Ấn Độ, Tây Ban Nha và Anh cộng lại.
Theo tạp chí “lợi ích quốc gia” của Mỹ, tính tới năm 2017, Trung Quốc có số lượng tàu chiến thuộc dạng hàng đầu thế giới. Trong đó, xét về thực lực, Hải quân Trung Quốc hiện đứng thứ 2 thế giới.
Đối với Trung Quốc, lực lượng tàu sân bay đã trở thành tượng trưng cho trang bị hải quân và thực lực quốc phòng của nước này.
Đặc biệt, trong bối cảnh Trung Quốc đang đẩy mạnh cụ thể hóa trên thực địa sáng kiến “vành đai và con đường”, hải quân đặc biệt là lực lượng tàu sân bay đóng vai trò “sức mạnh cứng” không thể thiếu được.