Friday, November 15, 2024
Trang chủBiển nóngNhìn lại cách TQ phản bác phán quyết của Tòa Trọng tài

Nhìn lại cách TQ phản bác phán quyết của Tòa Trọng tài

Ngay từ khi Philippines đệ đơn kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), Bắc Kinh đã triển khai rầm rộ nhiều mặt trận như chính giới, truyền thông, học giả… để nghiên cứu đưa ra những lập luận bác bỏ thầm quyền thụ lý cũng như phán quyết của Tòa Trọng tài, đồng thời lồng ghép chỉ trích, lên án Philippines.

1. Ngày 22/1/2013, Philippines đệ đơn kiện Trung Quốc lên Tòa Trọng về cách Trung Quốc giải thích và áp dụng UNCLOS ở Biển Đông. Trong đơn kiện, Philippines yêu cầu Toà xem xét 15 đệ trình, xoay quanh ba nhóm vấn đề chính: Yêu sách của Trung Quốc dựa trên “quyền lịch sử” bao hàm trong cái gọi là “đường chín đoạn” không phù hợp với UNCLOS và vì thế vô giá trị; Yêu cầu Toà xác định liệu theo UNCLOS, một số các thực thể mà cả Philippines và Trung Quốc yêu sách có thể được xem là đảo, đảo đá, bãi nửa nổi nửa chìm hay bãi chìm; Yêu cầu Toà tuyên bố Trung Quốc đã vi phạm UNCLOS thông qua việc can thiệp vào việc thực thi các quyền chủ quyền và quyền tự do của Philippines, hoạt động xây dựng đảo và đánh bắt cá của Bắc Kinh cũng gây tổn hại đến môi trường biển.

Phía Trung Quốc ngay lập tức đưa ra tuyên bố phản đối, không tham gia và không thừa nhận thẩm quyền xét xử của Tòa Trọng tài. Trung Quốc cho rằng:

Đầu tiên, bản chất của vụ kiện là các tranh chấp về chủ quyền các thực thể ở Trường Sa. Vấn đề chủ quyền không thuộc phạm vi điều chỉnh của UNCLOS nên cơ chế giải quyết tranh chấp của UNCLOS không có thẩm quyền giải quyết vụ việc.

Tiếp đến, cơ chế trọng tài quốc tế cần sự đồng thuận của cả hai phía trong tranh chấp, việc Philippines đơn phương tiến hành khởi kiện là trái với luật quốc tế và vụ kiện không có giá trị với Trung Quốc. Bắc Kinh và Manila đã ký kết, tham gia các các Hiệp định như Tuyên bố ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (DOC), Hiệp ước Hợp tác hữu nghị Đông Nam Á (TAC), hay các tuyên bố chung, biên bản cuộc họp, trao đổi, tham vấn giữa hai nước… đều quy định các bên chỉ sử dụng duy nhất phương pháp đàm phán để giải quyết vấn đề Biển Đông. Vì vậy, việc Philippines đơn phương khởi kiện là phá vỡ cam kết với Trung Quốc và các nước ASEAN.

Ngoài ra, giữa Trung Quốc và Philippines chưa có trao đổi cụ thể, thực chất về tranh chấp, vậy nên “nghĩa vụ trao đổi quan điểm” – một điều kiện tiền đề để vận dụng cơ chế tài phán của UNCLOS – chưa được hoàn thành, do đó Philippines không thể sử dụng biện pháp trọng tài. Cuối cùng, Trung Quốc đã tuyên bố loại trừ thẩm quyền của Tòa theo Điều 298 UNCLOS nên Bắc Kinh không phải tham gia vào vụ kiện và không bị ràng buộc vào quyết định của Tòa Trọng tài.

Tuy nhiên, những lập luận phi lý, ngang ngược của Trung Quốc đã không thuyết phục và bị Tòa bác bỏ. Toà cho rằng việc giải quyết các đệ trình của Philippines sẽ không đòi hỏi Toà phải đưa ra một quyết định về chủ quyền một cách trực tiếp hay gián tiếp và mục đích thực sự của các đệ trình của Philippines không phải là để tranh cãi về yêu sách chủ quyền của các bên.

Việc xác định quy chế pháp lý của các thực thể, không đồng nghĩa với việc xác định phạm vi vùng biển mà thực thể đó có thể được hưởng theo quy định của UNCLOS và rằng tranh chấp liên quan đến việc xác định các vùng biển mà một thực thể được hưởng và tranh chấp liên quan đến phân định các vùng biển chồng lấn là hai tranh chấp hoàn toàn khác biệt.

Toà Trọng tài cũng xác định rằng cả DOC và các tuyên bố song phương mà Philippines và Trung Quốc đưa ra đều không mang tính ràng buộc về mặt pháp lý và vì thế không tạo ra nghĩa vụ bắt buộc cho các bên phải đàm phán; kể cả có mang tính ràng buộc đi nữa thì các văn bản này đều không chứa đựng một cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc nào, đồng thời cũng không loại trừ quyền của các bên sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp của UNCLOS để giải quyết tranh chấp của mình.

Toà cho rằng Philippines và Trung Quốc đã tiến hành đàm phán, tham vấn về các tranh chấp tồn tại giữa hai bên liên quan đến Biển Đông trong một thời gian dài, trong đó hai bên đã thảo luận về các phương án giải quyết tranh chấp khả thi, nhưng không đi đến một kết quả cuối cùng nào cho đến trước khi Philippines khởi kiện. Việc một bên đơn phương khởi kiện ra trước toà trọng tài theo Phần XV không thể cấu thành một sự lạm dụng quyền; đồng thời Điều 286 UNCLOS cũng trao cho quốc gia thành viên của UNCLOS quyền đơn phương khởi kiện mà không cần phải đàm phán hay được sự đồng ý của bên còn lại, miễn sao phù hợp với quy định về thủ tục của Công ước.

Vì vậy, Tòa trọng tài Thường trực khẳng định quyền tài phán với 7 trong 15 nội dung Philippines khởi kiện. Các nội dung này liên quan tới tính pháp lý của các đá và bãi cạn trên Biển Đông mà Trung Quốc đang chiếm đóng, bồi lấp phi pháp nhằm hiện thực hóa yêu sách “chủ quyền”; việc Trung Quốc cản trở ngư dân đánh bắt trên Biển Đông cũng như việc tàu công vụ Trung Quốc gây nguy hiểm với các tàu hành pháp Philippines trên các thực thể tranh chấp ở Biển Đông.

2. Ngay sau khi Tòa công bố phán quyết khẳng định không có cơ sở pháp lý nào để Trung Quốc đòi chủ quyền lịch sử, vượt quá các quyền mà UNCLOS cung cấp, tại vùng biển thuộc phạm vi “Đường chín đoạn”. Tòa trọng tài cũng kết luận không có thực thể nào ở quần đảo Trường Sa có thể mang lại vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) cho Trung Quốc; khẳng định Bắc Kinh đã gây ra những thiệt hại không thể khắc phục đối với hệ san hô ở quần đảo Trường Sa; cho rằng Trung Quốc đã xâm phạm quyền chủ quyền của Philippines tại Vùng Đặc quyền kinh tế thông qua các biện pháp như ngăn chặn tàu đánh cá và tàu thăm dò của Philippines, xây dựng đảo nhân tạo và không thể ngăn ngư dân Trung Quốc đánh cá trong khu vực này.

Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng Trung Quốc lần lượt ra Tuyên bố phản đối phán quyết trên:

Thứ nhất, Chính phủ Trung Quốc ra “Tuyên bố của Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa liên quan chủ quyền lãnh thổ và lợi ích biển ở Biển Đông”, trong đó không đề cập đến vụ kiện cũng như phán quyết của Tòa trọng tài, mà tập trung nhắc lại cái gọi là “chủ quyền” của nước này đối với các quần đảo ở Biển Đông (bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam), liệt kê các quyền và lợi ích phi pháp của Bắc Kinh đối với quần đảo Trường Sa, bao gồm cả cái gọi là “quyền lợi lịch sử”; cho rằng phán quyết của Tòa là “vô hiệu, không có tính ràng buộc” và khẳng định nước này không chấp nhận, không thừa nhận”. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng cho biết Bắc Kinh sẽ không chấp nhận bất kỳ đề xuất hay hành động nào dựa trên phán quyết của tòa án; cho rằng “chủ quyền và lợi ích” của Trung Quốc trong vùng biển sẽ không bị ảnh hưởng bởi phán quyết trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Thứ hai, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra tuyên bố tiếp tục chỉ trích Philippines khi khởi kiện lên Tòa trọng tài, đồng thời ngang ngược cho rằng phán quyết của Tòa là “không công bằng” và “không hợp pháp”; khẳng định các đảo, đá mà nước này đang kiểm soát có vùng đặc quyền kinh tế và ngư dân nước này đã hoạt động trong khu vực suốt 2.000 năm qua; nhấn mạnh Trung Quốc không chấp nhận bất cứ bên thứ 3 nào tham gia giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, cho rằng việc làm của Bắc Kinh “hợp pháp và phù hợp với thông lệ quốc tế”, đồng thời kêu gọi thông qua đàm phán hiệp thương để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng khẳng định Bắc Kinh “không quan tâm” đến phán quyết về vụ kiện, ngang nhiên cho rằng phán quyết của Tòa sẽ khiến “tình hình khu vực thêm căng thẳng” và rằng phán quyết của Tòa sẽ “không có bất cứ ảnh hưởng nào” tới Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ áp dụng các biện pháp cứng rắn để bảo vệ “chủ quyền” và “lợi ích” ở Biển Đông.

Thứ ba, Bộ Quốc phòng Trung Quốc ra thông báo khẳng định phán quyết của Tòa Trọng tài sẽ không ảnh hưởng đến “chủ quyền” phi pháp của bắc Kinh, nhấn mạnh “quân đội Trung Quốc kiên quyết bảo vệ chủ quyền, an ninh, các quyền và lợi ích hàng hải quốc gia, kiên quyết gìn giữ hòa bình và ổn định khu vực, đối phó với mọi thách thức và mối đe dọa”.

Thứ tư, Văn phòng Thông tin của Quốc vụ viện Trung Quốc công bố Sách Trắng “Trung Quốc kiên quyết giải quyết tranh chấp với Philippines ở Nam Hải (Biển Đông) thông qua đàm phán”, trong đó khẳng định, “tuyên bố chủ quyền của Philippines” đối với một phần quần đảo Trường Sa là “vô căn cứ” xét trên cả 2 phương diện lịch sử và luật pháp quốc tế; cho rằng, tranh chấp Biển Đông giữa 2 nước xuất phát từ “hành động xâm lược” của Philippines (Manila đã “chiếm đóng trái phép” một số đảo, đá mà Bắc Kinh tự tuyên bố chủ quyền phi pháp); Trung Quốc coi việc Philippines đơn phương khởi kiện lên Tòa Trọng tài là hành vi vi phạm thỏa thuận song phương; vi phạm quyền được lựa chọn biện pháp giải quyết tranh chấp của Bắc Kinh; lạm dụng Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS); tiếp tục tái khẳng định luận điệu sai trái rằng: Tòa được thành lập theo yêu cầu đơn phương của Philippines không có thẩm quyền xét xử vụ kiện, vì thế phán quyết của tòa là “vô giá trị và không bị ràng buộc pháp lý”.

Thứ năm, giới chuyên gia, học giả và truyền thông Trung Quốc tích cực tuyên truyền, cổ súy lập luận của Chính phủ, đồng thời đưa ra những nhận định, đánh giá phản bác thẩm quyền cũng như phán quyết của Tòa Trọng tài. Tân Hoa xã chỉ trích Tòa trọng tài “lạm dụng luật pháp đã ban hành một phán quyết không căn cứ” về vụ kiện do Philippines khởi xướng; cho rằng các nước phương Tây cố tình kìm hãm sự trỗi dậy của Bắc Kinh. Hàng loạt tờ báo của đảng Cộng sản Trung Quốc đã lên tiếng cảnh báo sự leo thang quân sự nhằm đáp trả lại cái mà họ gọi là “mưu đồ của Mỹ để ngăn sự trỗi dậy của Trung Quốc”. Ngô Sỹ Tồn, Chủ tịch Viện nghiên cứu Biển Đông nhận định Tòa trọng tài không có thẩm quyền xử lý tranh chấp lãnh thổ và Trung Quốc có quyền chọn cách giải quyết khác; cho rằng quy trình tố tụng mà Philippines khởi đầu là “một âm mưu chính trị” được lên kế hoạch kỹ lưỡng được che đậy bởi luật pháp. Một số quan chức Trung Quốc còn ngang nhiên nói rằng việc phớt lờ phán quyết của Tòa Trọng tài là hành động cần thiết để “bảo vệ và duy trì luật pháp quốc tế”, đồng thời cáo buộc ngược Philippines đã “vi phạm” luật pháp quốc tế khi tiến hành vụ kiện.

Thứ sáu, song song với việc đưa ra tuyên bố phản đối, Trung Quốc đồng thời triển khai nhiều hoạt động trên thực địa nhằm thể hiện “quyết tâm” không tuân thủ, coi phán quyết của Tòa là “vô giá trị”. Trung Quốc triển khai máy bay ném bom H6K tuần tra trong khu vực, thúc đẩy quá trình cải tạo phi pháp 7 thực thể nhân tạo ở Trường Sa; tiến hành quân sự hóa, triển khai nhiều loại hình vũ khí, radar ra các đảo nhân tạo của Bắc Kinh; tiến hành các hoạt động tập trận bắn đạn thật, tập trận phòng không; tiếp tục ngăn cản ngư dân các nước đánh bắt cá hợp pháp trên Biển Đông…

Thứ bảy, Trung Quốc gần đây đang tích cực triển khai nghiên cứu, phân tích và đưa ra những chủ trương, chính sách mới nhằm “lách luật”, tránh để bị cộng đồng quốc tế lên án, chỉ trích khi không tuân thủ phán quyết. Từ đầu năm 2017 đến nay, rất ít khi Trung Quốc đề cập đến “đường chín đoạn” trên các phương tiện truyền thông đại chúng, hay trong các phát biểu mang tính chính thống. Thay vào đó, Bắc Kinh đang chuyển sang vận dụng thuật ngữ “Tứ Sa”. Trung Quốc tuyên truyền rằng “Tứ Sa” được hiểu là bao gồm việc ngụy xưng vùng nước lịch sử và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý đối với một vùng biển rộng lớn xung quanh 4 khu vực bao gồm quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam (mà Trung Quốc lần lượt gọi là “Nam Sa” và “Tây Sa”), quần đảo Pratas ở phía Bắc Biển Đông (Trung Quốc gọi là “Đông Sa”) và bãi Macclesfield ở phía Tây (Trung Quốc gọi là Trung Sa).

Kết luận: Bất luận Trung Quốc tuyên truyền, phản bác ra sao đều không thể phản bác lại phán quyết công tâm, công bằng của Tòa Trọng tài. Phán quyết này đã góp một tiếng quan trọng nhằm bác bỏ các luận điệu thường được Trung Quốc sử dụng từ trước đến nay để né tránh việc giải quyết tranh chấp một cách thực chất, đồng thời nó cũng giúp mở ra một biện pháp hữu hiệu giải quyết tranh chấp ở Biển Đông – sử dụng các cơ chế tài phán theo luật quốc tế, nhất là các cơ chế giải quyết tranh chấp của UNCLOS.

Với tư cách là một thành viên đã ký kết, phê chuẩn và tham gia UNCLOS, Trung Quốc cần phải tuân thủ và thực hiện đầy đủ phán quyết của Tòa Trọng tài. Vì theo khoản 1 Điều 296 của UNCLOS quy định về “Tính chất tối hậu và bắt buộc của các quyết định” đã ghi rõ: “Các quyết định do tòa án có thẩm quyền theo mục này đưa ra là có tính chất tối hậu và tất cả các bên tranh chấp phải tuân theo”. Trung Quốc đừng có đi ngược lại luật pháp quốc tế, đi ngược lại những văn bản mà chính mình ký kết, tránh để cộng đồng quốc tế coi thường và chỉ trích.

RELATED ARTICLES

Tin mới