Sunday, May 5, 2024
Trang chủBiển nóngCác nước lớn đang ngày càng tăng cường hiện diện ở Biển...

Các nước lớn đang ngày càng tăng cường hiện diện ở Biển Đông

Trong bối cảnh Trung Quốc bất chấp sự phản đối của cộng đồng và luật pháp quốc tế để đẩy nhanh quá trình quân sự hóa ở Biển Đông và gia tăng quyền kiểm soát trên thực địa nhằm hiện thực hóa khát vọng độc chiếm Biển Đông, nhiều nước lớn trên thế giới (Mỹ, Anh, Pháp, Ấn Độ, Australia, Nhật Bản…) đã tăng cường hiện diện trong khu vực để ngăn chặn dã tâm của Trung Quốc và đảm bảo quyền tự do hàng hải, hàng không trong khu vực.

 

Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Chafee của Mỹ – ảnh Reuters.

Vì sao ngày càng nhiều nước lớn gia tăng hiện diện ở Biển Đông?

Đầu tiên, các nước trên đều khẳng định có lợi ích quan trọng ở Biển Đông, nhất là việc đảm bảo vấn đề tự do hàng hải, hàng không trong khu vực. Biển Đông là biển duy nhất nối liền Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương; tại vùng biển này có những tuyến đường thiết yếu vận chuyển dầu và các nguồn tài nguyên thương mại từ Trung cận Đông và Đông Nam Á tới Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc; hơn 90% lượng vận tải thương mại của thế giới được thực hiện bằng đường biển và 45% trong số đó phải đi qua vùng Biển Đông; lượng dầu lửa và khí hóa lỏng được vận chuyển qua vùng biển này lớn gấp 15 lần lượng chuyên chở qua kênh đào Panama. Hàng năm, có khoảng 70% khối lượng dầu mỏ nhập khẩu và khoảng 45% khối lượng hàng hóa xuất khẩu của Nhật Bản được vận chuyển qua Biển Đông, khoảng 60% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, 70% lượng dầu mỏ nhập khẩu của Trung Quốc được vận chuyển bằng đường biển qua Biển Đông. Ngoài ra, khu vực Biển Đông có những eo biển quan trọng đối với nhiều nước, trong đó có eo biển Malacca là eo biển nhộn nhịp thứ hai trên thế giới. Do đó, vùng biển này hết sức quan trọng đối với tất cả các nước trong và ngoài khu vực về địa – chiến lược, an ninh, giao thông hàng hải và kinh tế.

Thứ hai, hòa bình, ổn định và thịnh vượng khu vực Biển Đông có ảnh hưởng, quan hệ trực tiếp đối với nhiều nước lớn trên thế giới. Việc Trung Quốc tăng cường kiểm soát trên thực địa ở Biển Đông sẽ làm xói mòn những nguyên tắc cơ bản về một vùng biển châu Á có trật tự dựa trên luật pháp quốc tế, đe dọa vị thế đồng minh của một số nước trong khu vực, gây ảnh hưởng đến quan hệ, lợi ích của các nước lớn. Vì vậy, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông là lợi ích và mối quan tâm của khu vực và thế giới.

Cuối cùng, các nước lớn muốn thông qua can dự vấn đề Biển Đông để ngăn chặn các hành động đơn phương của Trung Quốc nhằm kiểm soát hoàn toàn Biển Đông. Nhật Bản, Australia, Mỹ, Philippines và nhiều nước đã phản đối hành động quân sự hóa của Trung Quốc. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera cho rằng đây là bước đi tiếp theo của Trung Quốc nhằm đơn phương thay đổi hiện trạng trên Biển Đông và “tạo sự đã rồi”, trong khi người phát ngôn Lầu Năm Góc Christopher Logan lo ngại hành động quân sự hóa liên tục của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ làm gia tăng căng thẳng và gây bất ổn trong khu vực. Ngoại trưởng Australia Julie Bishop cho biết Australia quan ngại về hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc tại các thực thể ở Biển Đông…

Nhiều nước đã triển khai các hoạt động thiết thực để ngăn chặn, kiềm chế Trung Quốc độc chiếm Biển Đông

Trong những năm gần đây, Mỹ là nước có tiếng nói và hành động cụ thể nhất thể hiện sự quan ngại trước những hành động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Mỹ đã triển khai tổng hợp nhiều biện pháp để đối phó với Bắc Kinh, cụ thể:

Thứ nhất, Mỹ thường xuyên đưa ra các tuyên bố chính thức (Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng…) phản đối các hoạt động phi pháp của Trung Quốc. Trong chuyến thăm tới Trung Quốc, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (14/6) đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc Trung Quốc xây dựng và quân sự hóa các căn cứ trên Biển Đông, cũng như những hành động làm gia tăng căng thẳng, phức tạp hóa và leo thang tranh chấp, gây nguy hiểm cho dòng chảy tự do thương mại và làm tổn hại tới ổn định khu vực. Ông Pompeo cũng kêu gọi chính quyền Mỹ không nên có thỏa thuận ủng hộ những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông để đổi lấy việc Bắc Kinh giúp thuyết phục Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa. Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis (5/2018) mạnh mẽ chỉ trích việc Trung Quốc quân sự hóa các đảo ở Biển Đông, ông nhấn mạnh rằng các hệ thống vũ khí được triển khai gần đây trong khu vực này có mục đích đe dọa và cưỡng ép các nước láng giềng của Bắc Kinh; đồng thời nhấn mạnh Mỹ sẽ tiếp tục thách thức yêu sách “chủ quyền” của Trung Quốc trên Biển Đông.

Thứ hai, Mỹ đã triển khai nhiều kế hoạch tuần tra đảm bảo tự do hàng hải, hàng không trong khu vực; cử tàu sân bay, tàu chiến, máy bay trinh sát, máy bay ném bom B-52 áp sát khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Trường Sa và một số đảo, đá ở Hoàng Sa. Đáng chú ý, trong những tháng đầu năm 2018, Mỹ đã điều 03 nhóm tàu sân bay (tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Theodore Roosevelt, tàu sân bay USS Carl Vinson…) tuần tra ở Biển Đông.

Thứ ba, Mỹ tăng cường phối hợp với các nước trong khu vực tiến hành tập trận, giao lưu hải quân nhằm nâng cao năng lực tác chiến, khả năng sẵn sàng chiến đấu, ứng phó với những tình huống bất ngờ có thể xảy ra trên biển. Tính đến thời điểm hiện tại, Mỹ đã phối hợp với các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, Australia, Singapore… tiến hành tập trận hải quân chung trong khu vực Biển Đông.

Thứ tư, các cơ quan luật pháp của Mỹ đã đưa ra nhiều dự luật kêu gọi trừng phạt những hành động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Hai Thượng nghị sĩ Mỹ Marco Rubio và Ben Cardin (3/2017) đã đưa ra Dự luật Trừng phạt nhằm vào các cá nhân, tổ chức Trung Quốc do tham gia các hoạt động phi pháp ở khu vực Biển Đông và Biển Hoa Đông. Trước đó, ông Rubio (12/2016) cũng từng đề xuất Dự luật “Hành động trừng phạt Biển Đông và Biển Hoa Đông 2016”, đề nghị trừng phạt các cá nhân và tổ chức của Trung Quốc khi cho rằng hành động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông là phạm pháp, đe dọa an ninh khu vực và hoạt động thương mại của Mỹ.

Cuối cùng, Mỹ cũng tích cực triển khai chính sách viện trợ kinh tế, vũ khí (tàu chiến, máy bay, súng…) cho một số nước trong khu vực, như Philippines, Indonesia, Singapore, Việt Nam, Malaysia…, nhằm hỗ trợ những nước này nâng cao năng lực tuần tra, giám sát và bảo vệ hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông.

Trong khi đó, các nước đồng minh của Mỹ (Anh, Pháp, Nhật Bản, Australia…) đều đưa ra những tuyên bố, hành động thể hiện sự đồng thuận và ủng hộ chính sách của Mỹ liên quan vấn đề Biển Đông, nhất là hoạt động tuần tra, đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông. Những nước trên đã đơn phương hoặc phối hợp với Mỹ triển khai nhiều chính sách can dự vấn đề Biển Đông. Đầu tiên, Nhật Bản triển khai chính sách hỗ trợ các nước Đông Nam Á tăng cường năng lực hải quân và bảo vệ bờ biển, các hoạt động hỗ trợ bao gồm chuyển giao các tàu tuần tra phi quân sự và đào tạo nhân viên thực thi pháp luật trên biển (Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono cho biết nước này sẽ viện trợ 500 triệu USD cho các quốc gia ven biển tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong vòng 3 năm để giúp các nước tăng cường an ninh hàng hải); tích cực ủng hộ hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải của Mỹ ở Biển Đông, cử nhiều tàu chiến, máy bay chiến đấu tham gia các hoạt động song phương, đa phương do Mỹ phát động. Nhật Bản cũng thúc đẩy các cuộc diễn tập song phương và đa phương với quân đội các nước Đông Nam Á ven biển (Australia, Indonesia, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Brunei, Philippines và Việt Nam), phối hợp với Hạm đội 7 của Mỹ tiến hành diễn tập quân sự ở Biển Đông. Tiếp theo là một số nước như Australia, Anh, Pháp… cũng đang tích cực thể hiện thái độ quan ngại về tình hình căng thẳng ở Biển Đông, phản đối các hoạt động quân sự hóa, phi pháp của Trung Quốc, tiến hành các hoạt động tuần tra, giám sát và tập trận ở Biển Đông.

Trung Quốc đã có những hành động khiếm nhã nhằm cản trở các nước can dự vấn đề Biển Đông

Về ngoại giao, Trung Quốc thường thông qua Người phát ngôn Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng “lên án” những hành động của Mỹ cũng như các nước đồng minh, chỉ trích những nước trên đã khiến tình hình khu vực Biển Đông trở nên căng thẳng, cho rằng hoạt động của các nước trên “không có ích gì” cho việc tìm giải pháp đối với vấn đề Biển Đông cũng như hòa bình và ổn định của khu vực. Trung Quốc cũng nhiều lần đe dọa sẽ có hành động cứng rắn đáp trả hoạt động tuần tra của các nước ở Biển Đông. Bộ Ngoại giao Trung Quốc (20/01/2018) từng ngang ngược cáo buộc tàu khu trục mang tên lửa USS Hopper đã đi vào vùng 12 hải lý quanh đảo Hoàng Nham/Scarborough là xâm phạm “lãnh hải” bất hợp pháp của Trung Quốc, đồng thời đe dọa Trung Quốc sẽ sử dụng “mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền”.

Về quân sự, mỗi khi tàu chiến, máy bay các nước tiến hành các hoạt động tuần tra hàng hải ở Biển Đông, Trung Quốc đều cử tàu chiến, máy bay chiến đấu theo dõi. Đã có những trường hợp Trung Quốc cho tàu chiến và máy bay chiến đấu áp sát, khiêu khích tàu chiến của các nước. Đáng chú ý, khi tàu chiến Antiem mang tên lửa hành trình và tàu khu trục USS Higgins của Mỹ (27/5) vừa tiến vào khu vực 12 hải lý quanh đảo Cây, đảo Lincon, đảo Tri Tôn và đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam), Trung Quốc đã triển khai nhiều tàu chiến và máy bay áp sát và có hành động khiêu khích để “gửi cảnh báo tới các tàu Mỹ”. Trước đó, Bộ Quốc phòng Mỹ đã nhiều lần chỉ trích Trung Quốc cho máy bay chiến đấu (tiêm kích J-10 và tiêm kích J-11) áp sát nguy hiểm đối với máy bay do thám EP-3 của Mỹ khi tiến hành “tuần tra định kỳ” trong khu vực thuộc không phận quốc tế ở Biển Đông.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng tích cực tiến hành các hoạt động tập trận ở Biển Đông, đẩy nhanh hoạt động quân sự hóa, triển khai các loại vũ khí sát thương (thậm chí triển khai cả tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân) ra các đảo nhân tạo phi pháp ở Trường Sa, Hoàng Sa. Hành động trên của Trung Quốc không ngoài mục đích răn đe, cảnh cáo các nước “đừng có chọc phá âm mưu” của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Về kinh tế, Trung Quốc thường sử dụng chiêu bài cấm nhập khẩu hoặc gây khó khăn trong hợp tác thương mại để cản trở và “trả đũa” các nước khi tiến hành tuần tra đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông. Trong vụ Philippines kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII của Liên hợp quốc, Bắc Kinh đã triển khai một loạt các biện pháp trả đũa bằng kinh tế như không nhập khẩu hoa quả (chuối, xoài…) từ Philippines, gây thiệt hại nghiêm trọng đối với nền nông nghiệp của Philippines.

Đáng chú ý, Bắc Kinh cũng thường sử dụng chiêu trò dùng tiền tệ để mua chuộc, lôi kéo quan chức của Mỹ, Nhật Bản, Australia… nhằm chia rẽ, gây mâu thuẫn nội bộ để trục lợi trong vấn đề Biển Đông. Trường hợp điển hình là vụ lãnh đạo Công đảng Australia (ALP) đối lập Bill Shorten (30/11/2017) đã cách chức ông Sam Dastyari khỏi các vị trí trong Thượng viện Australia do có những phát biểu biện hộ chi tiết cho chính sách của Bắc Kinh ở Biển Đông, đi ngược lại chính sách chính thức của ALP và bị coi là có quan hệ gần gũi với tỷ phú Trung Quốc Hoàng Hướng Mạc.

Nhìn chung, do có những yếu tố đặc thù khác nhau về chính trị, kinh tế, quân sự, vị trí địa lý, nên mức độ, tần suất và khả năng can dự vấn đề Biển Đông của mỗi nước là khác nhau. Tuy nhiên, rõ ràng là hành động can dự của các nước này đã góp phần không nhỏ trong việc duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực và ngăn chặn âm mưu kiểm soát, thôn tính Biển Đông của Trung Quốc. Hy vọng Mỹ và các nước sẽ tiếp tục triển khai thêm các hoạt động thiết thực nhằm ngăn chặn các hoạt động phi pháp của Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới