Wednesday, January 15, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiThủ tướng Malaysia: "TQ thì có gì phải sợ"

Thủ tướng Malaysia: “TQ thì có gì phải sợ”

“Không có gì phải sợ” là điều thủ tướng 92 tuổi của Malaysia, ông Mahathir Mohamad, nói về Trung Quốc khi đề cập người láng giềng khổng lồ và quan điểm đối ngoại với Bắc Kinh.

Trong cuộc phỏng vấn độc quyền với tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) vào tháng 6/2018, thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đã chia sẻ về quan hệ với Trung Quốc cùng những ý tưởng của ông để giúp đất nước tiếp tục đi lên. 

Dưới đây là trích lược nội dung bài phỏng vấn tại văn phòng của ông Mahathir ở Putrajaya.

Ông nghĩ thế nào về Trung Quốc?

Chúng tôi luôn có liên hệ với Trung Quốc. Trên thực tế, trong suốt thời gian qua, chúng tôi phát triển quan hệ rất tốt với Trung Quốc. Đôi khi chúng tôi còn trở thành phát ngôn viên cho Trung Quốc bởi vì đi đến đâu người ta cũng hỏi tôi “Ông nghĩ như thế nào về Trung Quốc? Ông có sợ không?”. Tôi đáp rằng, “Không có gì phải sợ cả”.

Hai nước đã là láng giềng suốt 2.000 năm qua và các anh (Trung Quốc) vẫn chưa chinh phục được chúng tôi. Nhưng người Bồ Đào Nha đã xuất hiện vào năm 1509, hai năm sau đó họ tới và khuất phục chúng tôi.

Bởi vậy, tôi luôn kể lại câu chuyện này mỗi khi mọi người hỏi. Tôi luôn coi Trung Quốc là láng giềng tốt, đồng thời là thị trường rất lớn đối với mọi mặt hàng chúng tôi sản xuất. Malaysia là một đất nước thương mại, chúng tôi cần các thị trường và do đó không thể gây bất hòa với thị trường lớn như thế được.

Một số ý kiến nói ông “bài Trung Quốc”, có đúng như vậy không?

Có một số chuyện rõ ràng đã được [Trung Quốc] thực hiện mà không hướng tới lợi ích hay thậm chí là không mang lại điều gì tốt đẹp cho Malaysia.

Chúng tôi chào đón đầu tư nước ngoài từ bất kỳ đâu, tất nhiên cả từ Trung Quốc.

Nhưng đối với các hợp đồng được trao cho Trung Quốc và các khoản tiền lớn vay từ Trung Quốc, khi Trung Quốc nhận được các gói thầu, thì nhà thầu của họ lại muốn sử dụng nhân công từ Trung Quốc, muốn dùng mọi thứ nhập khẩu từ Trung Quốc, ngay cả việc thanh toán cũng không thực hiện ở đây mà ở Trung Quốc.

Như thế thì chúng tôi không được gì cả. Loại thỏa thuận như vậy không phải điều tôi hoan nghênh.

Một điều nữa là họ phát triển “trọn gói” những thành phố hết sức tân tiến và đắt đỏ, mà người Malaysia không thể mua nổi. Vậy là họ sẽ đưa người nước ngoài đến các thành phố đó, mà hiện nay thì không nước nào trên thế giới lại cho phép quá nhiều người nhập cư vào quốc gia mình. Mọi người có thể thấy điều này ở Mỹ, châu Âu hay bất cứ nơi nào.

Vì thế chúng tôi không muốn có những “thành phố trọn gói” mọc lên tại Malaysia, nơi nhà đầu tư bỏ tiền mua những khu đất lớn của Malaysia rồi đưa người nước ngoài đến sống. Đó là điều tôi phản đối.

Tôi cũng phản đối nếu việc đầu tư như thế đến từ Ấn Độ, các nước Ả Rập hay châu Âu. Không một ai muốn thấy làn sóng nhập cư ồ ạt, rõ ràng ở Malaysia cũng vậy.

Mặt khác, nếu đầu tư nước ngoài đi kèm những ý tưởng như ông Jack Ma (người đứng đầu tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ của Trung Quốc Alibaba – PV) đề cập – đó là đào tạo người Malaysia, để người Malaysia vận hành công việc, và thúc đẩy người Malaysia buôn bán ở Trung Quốc – thì tốt.

Trung Quốc đã có 300 triệu dân thuộc tầng lớp trung lưu. Đó là thị trường lớn. Ông ấy (Jack Ma) nói nếu mọi thứ đều được sản xuất ở Trung Quốc thì Trung Quốc sẽ rất ô nhiễm.

Vì vậy cách tiếp cận và giới thiệu đề án của ông ấy hoàn toàn khác với những nhà thầu Trung Quốc khác – những người chỉ muốn lấy hợp đồng, rồi không thèm thuê công nhân [Malaysia]; mà đưa tất cả nhân công từ Trung Quốc qua. Đó là điều không được hoan nghênh.

Liệu Malaysia có hưởng lợi từ sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc?

Từ trước đây tôi đã nêu ý tưởng phát triển Con đường tơ lụa. Khi tàu bè phải chở nhiều dầu hơn thì chúng sẽ được chế tạo ngày càng lớn hơn… đến 500.000 tấn, trong khi tàu hỏa vẫn giữ nguyên kích cỡ như thế. 

Vậy là tôi viết thư cho ông Tập Cận Bình, gợi ý ông xây dựng một đoàn “siêu tàu”, có thể là gấp rưỡi kích cỡ hiện nay, với toa tàu dài hơn và có thể di chuyển từ Trung Quốc sang châu Âu, bởi công nghệ ngày nay đã cho phép làm điều đó.

Sau đó thì hiển nhiên ông ấy đã đưa ra sáng kiến Vành đai, Con đường, [bao gồm] cả một tuyến hàng hải tới châu Âu.

Chúng tôi cần có tuyến đường “mở” cho tất cả tàu bè, bởi chúng tôi giao thương với tất cả các nước và cần vùng biển khai phóng với tất cả mọi người, chúng tôi không cần tạo ra căng thẳng bằng các chiến hạm hiện diện.

Nhưng chúng ta cũng cần có các tàu nhỏ để bảo đảm vùng biển an toàn trước hải tặc. Đó là điều mà các nước Đông Nam Á, Trung Quốc và các nước phương Đông khác có thể phối hợp, nhằm gìn giữ an ninh hàng hải cho tàu thuyền qua lại. Đây là ý kiến của chúng tôi.

Chúng tôi không chống lại sáng kiến Vành đai, Con đường, nhưng sáng kiến này cần mở cửa đối với tất cả thương thuyền trên thế giới.

Theo ông, đâu là cách tốt nhất để gìn giữ hòa bình ở biển Đông?

Tôi cho rằng không cần có quá nhiều tàu chiến. Các chiến hạm sẽ gây ra căng thẳng. Đến lúc nào đó, ai đó có thể phạm sai lầm và dẫn đến xung đột, một vài tàu chiến sẽ thiệt hại, thậm chí có khả năng chiến tranh. Chúng tôi không muốn điều đó.

Điều chúng tôi mong muốn là các vùng biển được giám sát bởi những nhóm tàu tuần tra nhỏ, được trang bị để đối phó với cướp biển chứ không phải để đánh trận.

Ý tưởng tàu nhỏ này sẽ là một phần trong cơ chế hợp tác của ASEAN?

Tất nhiên là như thế, bởi vì toàn bộ biển Đông được bao quanh bởi các quốc gia Đông Nam Á. Nhưng nếu Trung Quốc muốn gửi các tàu cỡ nhỏ tham gia thì họ cũng được chào đón. Bất kỳ ai, bao gồm Mỹ, cũng được hoan nghênh nếu muốn tham gia, nhưng đừng đưa các chiến hạm đến đây.

Liệu Trung Quốc có để các vùng biển mở cửa tự do?

Tôi nghĩ các vùng biển mở mang lại lợi ích cho chính Trung Quốc, bởi như vậy sẽ có nhiều giao thương hơn. Anh không thể đòi hỏi mọi hàng hóa chuyển đến Trung Quốc phải đổi sang vận chuyển bằng tàu Trung Quốc trước khi tiến vào eo Malacca và biển Đông.

Hàng hóa từ châu Âu và Mỹ sẽ đi qua eo Malacca, và những tàu thuyền này cần được tự do đi qua eo biển, rồi tiến vào biển Đông để tới Trung Quốc. Anh không thể bắt một tàu chở dầu của người Mỹ dừng lại để bơm dầu sang tàu Trung Quốc, chuyện đó quá nực cười. Vùng biển phải luôn luôn rộng mở.

Chúng tôi có Malacca – một eo biển rất hẹp, chỉ rộng khoảng 20 dặm (32 km) và khá cạn. Chúng tôi chưa từng tìm cách chặn tàu đi qua. Mọi người đều được chào đón.

Mặc dù eo biển này nằm giữa Malaysia và Indonesia, và chúng tôi có thể đặt tên nó là “biển Malaysia-Indonesia”, nhưng đã không làm vậy. Chúng tôi muốn vùng biển này mở bởi điều này tốt cho thương mại. Biển Đông cũng tốt cho các nước giao thương với nhau.

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung Quốc leo thang sẽ tác động đến khu vực như thế nào?

Tôi thấy tư duy rằng anh có thể bảo vệ điều gì đó bằng cách đe dọa chiến tranh là sai lầm. Chiến tranh không giúp giải quyết vấn đề mà nó tạo ra vấn đề, gây nên chết chóc và hủy diệt toàn bộ nền văn minh.

Nếu một cuộc chiến xảy ra thì tôi nghĩ không chỉ Mỹ và Trung Quốc thiệt hại, mà cả thế giới cũng tổn thất. Do đó chúng ta nên suy nghĩ theo phương diện giúp đại dương an toàn, chứ không phải là các tàu chiến, mẫu hạm Trung Quốc đối đầu với tàu chiến và mẫu hạm Mỹ, hay một bên có đánh bại bên kia, chế tạo các tàu chiến lớn hơn… và tiêu tốn rất nhiều tiền.

Ngày nay, chế tạo một phi cơ không hề rẻ. Từng có thời một chiến đấu cơ như chiếc Spitfire chỉ tốn 1 triệu ringgit. Bây giờ thì một chiếc máy bay ngốn đến 200 triệu ringgit (khoảng 50 triệu USD). Chúng tôi không thể đáp ứng được những thứ như vậy. Cho nên giá thành sản xuất vũ khí thấp hơn sẽ tốt cho nền kinh tế toàn cầu.

Dĩ nhiên các nhà buôn vũ khí sẽ kém vui, nhà sản xuất vũ khí không hài lòng, nhưng rồi họ sẽ sớm biết tận dụng cơ sở của mình để chế tạo ra các công cụ hòa bình.

RELATED ARTICLES

Tin mới