Thursday, November 28, 2024
Trang chủBiển nóngQuan điểm của Pháp về vấn đề tự do hàng hải ở...

Quan điểm của Pháp về vấn đề tự do hàng hải ở Biển Đông

Pháp tuy không có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, song với tư cách là nước có vùng đặc quyền kinh tế rộng thứ hai thế giới, việc đảm bảo tự do hàng hải và hàng không ở Thái Bình Dương nằm trong lợi ích của nước Pháp. Ngoài ra, khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương cũng là một vùng biển mà Pháp có nhiều quyền lợi cần bảo vệ. Đây là nơi Pháp có 5 vùng lãnh thổ hải ngoại, 1,5 triệu công dân Pháp sinh sống và có 9 triệu km2 vùng đặc quyền kinh tế của Pháp. Chính vì vậy, trong nhiều năm qua, Pháp đã có những tuyên bố, hành động cụ thể khẳng định quyết tâm bảo vệ hoạt động tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông.

Tàu chiến của Pháp tham gia tập trận ở Biển Đông

Tình hình khu vực Biển Đông đang ngày càng trở nên căng thẳng, Biển Đông không chỉ đang phải đối mặt với các thách thức ngày càng tăng về môi trường, tài nguyên biển mà còn phải đối mặt với thách thức về tự do hàng hải và hàng không liên quan tới hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc ở vùng biển này.

Theo quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), các nước có nghĩa vụ phải đảm bảo quyền tự do hàng hải, bao gồm cả trong vùng nội thủy. Theo đó, nếu như vùng nội thủy của một quốc gia trước đây có tuyến đường hàng hải quốc tế đi qua thì quốc gia ven biển đó có trách nhiệm đảm bảo quyền tự do đi qua vô hại giống như trong lãnh hải.

Quan chức cấp cao của Pháp đã đưa ra nhiều tuyên bố thể hiện sự quan ngại về tình hình căng thẳng ở Biển Đông, khẳng định Pháp sẽ tiến hành tuần tra đảm bảo tự do hàng hải, hàng không trong khu vực này.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (4/2018) đã đề ra mục tiêu “xây dựng trục Ấn Độ -Thái Bình Dương để các quyền tự do giao thông trên biển và trên không phải được tôn trọng” (ám chỉ ngăn ngừa mọi tham vọng bá quyền của Trung Quốc trên Biển Đông). Trước đó, trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe (20/3/2017), cựu Tổng thống Pháp Francois Hollande tuyên bố Pháp và Nhật ủng hộ tự do hàng hải ở châu Á – Thái Bình Dương. Tại Đối thoại Shangri-La 2018, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly cho biết, mặc dù Pháp không có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, nhưng việc tuần tra tự do hàng hải định kỳ như vậy cùng với “các đồng minh và bạn bè” sẽ góp phần củng cố một trật tự dựa trên luật pháp quốc tế; cho rằng thông qua việc thực hiện quyền tự do hàng hải, Pháp kiên quyết phản đối bất kỳ hành động đơn phương tuyên bố chủ quyền trên các hòn đảo (ám chỉ hành động phi pháp của Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa); đồng thời tái khẳng định Pháp ủng hộ Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) với sự ràng buộc pháp lý, toàn diện, hiệu quả và phù hợp với luật pháp quốc tế. Trước đó, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian (hiện là Ngoại trường Pháp) cho biết Hải quân Pháp đã nhiều lần triển khai hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông, cho rằng Pháp sẽ tiếp tục cho tàu thuyền và máy bay hoạt động ở bất cứ nơi nào luật quốc tế cho phép. Trong khi đó, Quốc vụ khanh Bộ châu Âu và Ngoại giao Pháp Jean-Baptiste Lemoyne khẳng định, Pháp quan tâm thực thi nguyên tắc tự do, an toàn, an ninh hàng hải trong khu vực với tư cách là một tác nhân quan trọng tại Thái Bình Dương – châu Đại dương; kêu gọi các bên liên quan cần thiện chí thực hiện các nghĩa vụ quốc tế, tránh các hoạt động có thể làm phức tạp thêm tình hình và gia tăng căng thẳng trong khu vực; khẳng định các tranh chấp phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Đại sứ Pháp tại Việt Nam Bertrand Lortholary nhấn mạnh việc đảm bảo tự do hàng hải và hàng không ở Thái Bình Dương nằm trong lợi ích của Pháp; khẳng định là một trong 5 nước thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ, Pháp có quyền và trách nhiệm trong việc đảm bảo hòa bình, ổn định trên các vùng biển quốc tế; cho rằng châu Âu nói chung và nước Pháp nói riêng hưởng lợi từ việc đảm bảo dòng chảy thương mại được tự do và ổn định tại châu Á – Thái Bình Dương.

Một số hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông của Pháp.

Từ năm 2014, hải quân Pháp đã cho tàu tuần tra vùng Biển Đông như là một cách duy trì tự do hàng hải trên nguyên tắc tuân thủ luật pháp quốc tế. Trong năm 2016, Pháp đã cử chiến hạm tàng hình lớp La Fayette tuần tra đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông. Chiến hạm La Fayette (hay còn gọi là FL-3000) là lớp khinh hạm tàng hình đa năng do Tập đoàn DCNS thiết kế cho Hải quân Pháp. Tàu có lượng giãn nước 3.200 tấn; dài 125 m; rộng 15,4 m; mớn nước 4,1 m; vận tốc tối đa 25 hải lý/h; tầm hoạt động 9.000 hải lý khi chạy ở tốc độ 12 hải lý/h; thủy thủ đoàn 80 người; trang bị pháo hạm 100 mm, tên lửa chống hạm Exocet Block 3, tên lửa phòng không tầm trung – xa Aster-15/30, pháo tự động bắn nhanh 30 mm F2 và ngư lôi chống ngầm hạng nhẹ MU90 Impact. Năm 2017, Pháp cho tàu hộ vệ đa dụng Auvergne tiến hành tuần tra trên Biển Đông. Năm 2018, Pháp cử tàu chiến Pháp Dixmude và một tàu khu trục của Pháp đã tiến vào khu vực các cụm đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp trái phép thuộc quần đảo Trường Sa. Tàu Dixmude là một trong những tàu lớn nhất của Hải quân Pháp, có lượng giãn nước 21.500 tấn, dài 200m, rộng 32m và chiều cao tối đa 48m. Tàu có chức năng như một bộ chỉ huy trên biển. Ngoài ra, Pháp cũng đang có kế hoạch sẽ thực hiện đợt tập trận lớn nhất tại Đông Nam Á vào tháng 8/2018, khi cử máy bay chiến đấu Rafale, tàu vận tải quân đội A400M và tàu chở dầu tiếp nhiên liệu C135 sẽ di chuyển từ Australia đến Ấn Độ.

Dư luận đánh giá tích cực các hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải của Pháp ở Biển Đông, cho rằng Pháp đang đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định của khu vực.

Trang mạng China Topix (của Mỹ) cho rằng “Pháp sẽ thúc giục các nước EU phối hợp tuần tra hải quân nhằm đảm bảo sự hiện diện thường xuyên và rõ rệt ở vùng biển tranh chấp, như dấu hiệu mới nhất của nỗ lực quốc tế chống lại hành vi quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông để củng cố yêu sách lãnh thổ phi pháp của mình”. Trong khi đó, hãng tin Bloomberg đánh giá đây được xem là tín hiệu mới nhất cho thấy sự phản đối của cộng đồng quốc tế đối với việc Trung Quốc bành trướng quân sự trên Biển Đông. Chính phủ Pháp xem việc bảo vệ tự do hàng hải là vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng trên phương diện kinh tế, và lo ngại rằng việc để mất tự do hàng hải trên Biển Đông có thể dẫn tới tình trạng tương tự ở Bắc Băng Dương và Địa Trung Hải. Báo Philstar (Philippines) cho rằng với việc thực hiện các cam kết tuần tra đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông, Pháp hiện đang dẫn đầu châu Âu trong nỗ lực phản đối các hành động hung hăng của Trung Quốc trong khu vực.

Giới chuyên gia, học giả quốc tế nhận định với việc Pháp tích cực tuần tra ở Biển Đông cho thấy Mỹ không còn là nước duy nhất ở phương Tây tham gia vào khu vực Biển Đông. Hành động của Pháp cho thấy Tổng thống Emmanuel Macron đang đưa ra những chính sách hữu hiệu, thực tế hơn so với người tiền nhiệm trước thách thức mà Trung Quốc đang đặt ra cho khu vực này. Ông Gavin Williamson cho biết, lợi ích kinh tế của Biển Đông không chỉ liên quan đến các nước trong khu vực mà còn ảnh hưởng đến toàn thế giới. Hiện Pháp, Anh, Australia và nhiều nước khác đều đang tuyên bố quyền lợi đi lại ở khu vực này.

Trong khi đó, dư luận Trung Quốc nhìn chung đang tìm cách biện minh cho hành động của mình và chỉ trích các hoạt động của Pháp ở Biển Đông, cho rằng việc Pháp tiến hành các hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông là hành động “khiêu khích”, nhằm tìm đạt được một số “lợi ích” từ Trung Quốc. Trung tướng Hà Lôi, Phó Viện trưởng Viện Hàn lâm Khoa học Quân sự Trung Quốc – Trưởng đoàn đại biểu Trung Quốc tham dự Đối thoại Shangri-La 2018 cho rằng Biển Đông luôn mở với tất cả các hoạt động hàng hải và không hề bị giới hạn, song “nhưng hành động vi phạm chủ quyền của Trung Quốc là điều không được phép” và rằng “các nước sẽ có những hậu quả nếu không làm theo những điều đó”.

Theo Đại tá Chu Ba, một thành viên của đoàn đại biểu Trung Quốc tham dự Đối thoại Shangri-La 2018, nếu tàu chiến của Pháp đi vào khu vực 12 hải lý của các đảo, đá ngầm do Trung Quốc kiểm soát (phi pháp) ở Biển Đông thì đó sẽ là hành động “cố tình khiêu khích”. Một số học giả Trung Quốc cho rằng Anh và Pháp gia nhập tham gia tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông là có ý định gây sức ép với Trung Quốc để giành được một số lợi ích từ Bắc Kinh.

Nhìn chung, việc Pháp tích cực tham gia tuần tra đảm bảo tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông là hành động đóng góp lớn cho hòa bình, ổn định ở khu vực, cũng là hành động bảo vệ thiết thực bảo vệ lợi ích của Pháp trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Thông qua hoạt động của Pháp ở Biển Đông có thể thấy được cộng đồng quốc tế đang hết sức quan tâm, lo ngại về hoạt động quân sự hóa phi pháp của Trung Quốc. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có ba nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Mỹ, Anh và Pháp đưa ra các tuyên bố, hành động cụ thể phản đối hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông. Thời gian tới, cùng với Mỹ, Pháp, Anh sẽ còn nhiều nước khác tiến hành các hoạt động tuần tra ở Biển Đông nhằm ngăn chặn các hành vi bá quyền, phi pháp của Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới