Cạnh tranh Trung – Mỹ ở Biển Đông ngày một gia tăng ảnh hưởng đến lợi ích của các nước nhỏ. Song, các nước nhỏ nếu khéo lựa có thể giữ được sự an toàn và vượt qua được khó khăn thông qua thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trên tàu khu trục Trường Sa quan sát lễ diễu binh trên biển ngày 12/4. Ảnh: CNN.
Tháng 4/2018 Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thị sát cuộc tập trận lớn nhất của hải quân Trung Quốc kể từ khi thành lập đến nay. Tại đây, ông Tập Cận Bình chỉ đạo hải quân Trung Quốc phải phát triển ngang tầm các cường quốc hải quân quốc tế. Đây được cho là động thái phô diễn sức mạnh nhằm cảnh báo sự hiện diện quân sự gia tăng của Mỹ xung quanh Biển Đông.
Tiếp sau đó, Trung Quốc đưa tên lửa hành trình chống hạm YJ-12B và tên lửa đất đối không HQ-9B ra ba đảo nhân tạo chủ chốt nước này xây dựng trái phép ở Trường Sa gồm Chữ Thập, Vành Khăn và Xu Bi.
Hành động của Trung Quốc rõ ràng gây lo ngại cho Mỹ. Lý do là tiến trình Trung Quốc quân sự hóa các tiền đồn ở Biển Đông tạo thuận lợi cho Trung Quốc phát huy sức mạnh quân sự lớn hơn ở khu vực. Nhưng, Mỹ trước đây phản ứng cầm chừng vì các hệ thống vũ khí Trung Quốc đưa ra Trường Sa có tầm hoạt động hẹp, chủ yếu mang tính phòng thủ xung quanh các đảo nhân tạo và chưa đe dọa lớn đến tàu chiến của Mỹ đi qua khu vực.
Tuy nhiên, hệ thống tên lửa hành trình chống hạm YJ-12B và tên lửa đất đối không HQ-9B hoàn toàn khác biệt. YJ-21B có tầm bắn 250 hải lý và HQ-9B có tầm bắn 100 hải lý, có thể tấn công tác tàu chiến và diệt tàu sân bay hoạt động ở phía Nam Biển Đông. Theo nhận định của Tư lệnh Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ David Davinson, với các hệ thống tên lửa này, Trung Quốc có thể kiểm soát toàn bộ Biển Đông trong mọi kịch bản chiến tranh với Mỹ. Vì thế phản ứng của Mỹ có vẻ mạnh mẽ hơn.
Theo đó, Mỹ nhấn vào tuyên bố của Tập Cận Bình trong hội đàm với Obama trong chuyến thăm Mỹ năm 2015 rằng Trung Quốc ủng hộ tự do hàng hải và không có ý định quân sự hóa Biển Đông. Mỹ coi đây là cam kết của Trung Quốc sẽ kiềm chế hành động trong tương lai, và Mỹ cho rằng Trung Quốc nói một đằng làm một nẻo. Người phát ngôn Nhà Trắng cảnh báo Trung Quốc phải đối mặt với “hậu quả trong ngắn hạn và dài hạn” do các nỗ lực quân sự hóa của Trung Quốc. Minh chứng đầu tiên là Mỹ hủy bỏ lời mời Trung Quốc tham gia Tập trận RIMPAC 2018.
Nhưng, trong con mắt của Trung Quốc, Mỹ lại là đối tượng quân sự hóa. Một mặt, Trung Quốc triển khai các chiến dịch xoa dịu các nước khu vực về hành xử hung hăng trên Biển Đông thông qua thúc đẩy sáng kiến Vành đai và Con đường tăng cường kết nối thương mại và cơ sở hạ tầng với các nước trong khu vực. Đồng thời, Trung Quốc cũng tăng cường thúc đẩy xây dựng quan hệ nước lớn kiểu mới với Mỹ, trấn an Mỹ về sự trỗi dậy của Trung Quốc là hòa bình, không đe dọa đến vị thế cường quốc toàn cầu của Mỹ. Mặt khác, Người Phát ngôn Trung Quốc cho rằng việc điều động các thiết bị quốc phòng của Trung Quốc là cần thiết để bảo vệ cái gọi là chủ quyền và an ninh quốc gia của Trung Quốc, rằng hệ thống vũ khí này không nhắm vào nước nào. Trung Quốc hàm ý lên án Mỹ quân sự hóa Biển Đông: “nước nào không có ý định xâm lược sẽ không có lý do gì mà lo ngại về việc này”. Trung Quốc vơ đũa cả nắm để lấy cớ tăng cường quân sự hóa. Theo quan điểm của Trung Quốc, việc Mỹ triển khai quân đội và trang thiết bị vũ khí đến khu vực là hành động quân sự hóa. Các hoạt động tự do hàng hải (FONOPs) của Mỹ, tàu chiến Mỹ cũng là quân sự hóa. Mỹ hỗ trợ quân sự cho các nước ở khu vực, gồm các nước yêu sách như Philippines, Malaysia và Việt Nam cũng bị Trung Quốc coi là quân sự hóa. Phản ứng lại, Trung Quốc cho biết nước này sẽ triển khai các trang thiết bị, vũ khí ra Biển Đông để tự vệ trước các hành động quân sự của Mỹ.
Cả Mỹ và Trung Quốc đều chứng tỏ không bên nào chịu nhường bên nào. Tiến trình “quân sự hóa kiểu Trung Quốc” và “gia tăng hiện diện quân sự kiểu Mỹ” còn tiếp tục trong thời gian tới. Nhưng, hai nước vẫn chủ trương tránh xung đột quân sự với nhau vì nếu chiến sự xảy ra, cả hai nước đều bị thiệt hại nghiêm trọng. Sức mạnh của Mỹ và Trung Quốc sẽ bị mài mòn. Vì thế, để tránh cảnh tượng không mong đợi đó, hai nước đã đạt thỏa thuận tránh va chạm trên biển và trên không (năm 2014). Hệ quả là, Mỹ và Trung Quốc tuy liên tục chỉ trích lẫn nhau về quân sự hóa, song cả hai nước đều đạt được mục đích riêng. Mỹ gia tăng hiện diện quân sự ở khu vực. Tàu thuyền Mỹ tiếp tục được điều chuyển đến khu vực theo kế hoạch. Mỹ vẫn được coi là một lực lượng quan trọng ở khu vực để đối trọng với sự bành trướng của Trung Quốc. Các nước yêu sách nhỏ hơn ở khu vực vẫn cần đến Mỹ, nhất là hợp tác để phát triển năng lực an ninh biển và để gây áp lực với sự quyết đoán của Trung Quốc. Các đường dây nóng trở nên nguội lạnh. Trong khi đó, Trung Quốc vẫn tiếp tục quân sự hóa, lấy cớ phản ứng lại Mỹ đề điều động quân đội, vũ khí ra các thực thể chiếm đóng và xây dựng trái phép ở Biển Đông mà các nước yêu sách nhỏ hơn không thể cản phá được. Trung Quốc sử dụng quân sự hóa Biển Đông để tăng cường tuyên truyền trong nước về sức mạnh nhằm tăng cường quyền lực của giới cầm quyền, đồng thời để đối phó với mối đe dọa từ hải quân Mỹ, trước hết là đẩy Mỹ ra khỏi Biển Đông, càng xa càng tốt. Tiếp đó là có thể đánh thắng cuộc đụng độ nhỏ và dằn mặt Mỹ bất cứ khi nào có thể, và cuối cùng là kiểm soát toàn bộ khu vực, ép các nước khác ở khu vực, đánh chiếm nếu có thể.
Các nước yêu sách ở Đông Nam Á rơi vào thế khó. Nếu ủng hộ Mỹ thì bị Trung Quốc coi là đi với Mỹ để chống Trung Quốc, càng tạo cớ và quyết tâm Trung Quốc quân sự hóa hơn nữa. Nếu phản đối hoặc tảng lờ trước các hoạt động quân sự của Mỹ thách thức yêu sách biển của Trung Quốc thì phù hợp với mục tiêu của Trung Quốc là đẩy Mỹ ra khỏi Biển Đông để dễ bề sử dụng sức mạnh vượt trội lấn lướt các nước yêu sách nhỏ hơn.
Có vẻ lựa chọn nào cũng hàm chứa rủi ro, song không phải là không có lối ra. Các nước yêu sách ở Đông Nam Á nên tránh rơi vào cuộc cạnh tranh nước lớn, giữ khoảng cách đủ an toàn, đưa ra tín hiệu thông minh phù hợp sự phát triển tình hình. Đồng thời, không ngừng tăng cường sức mạnh nội tại, vươn lên thành những con hổ, con rồng khu vực, có khả năng đàn hồi và chống chịu được với sự biến động của môi trường quốc tế, nhất là trước các cuộc cọ xát giữa các nước lớn. Các nước cũng có thể liên kết chặt chẽ với nhau dưới danh nghĩa ASEAN, thúc đẩy “vai trò trung tâm của ASEAN” vì ASEAN có thể tăng cường các mối quan hệ đối ngoại với các nước lớn và dung hòa cạnh tranh giữa các nước lớn trong một kiến trúc khu vực mở, minh bạch và bao trùm.