Theo Tân Hoa xã, hôm 22/6 vừa qua, Ủy ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc đã thông qua “Quyết định về chức quyền của Cục Hải cảnh Trung Quốc trong việc thực thi chấp pháp trên biển”.
Trong đó quy định “Toàn bộ đội ngũ Hải cảnh đặt dưới quyền lãnh đạo chỉ huy của Bộ đội Cảnh sát vũ trang; điều chỉnh tên gọi của Tổng đội Hải cảnh thành Cục Hải cảnh Trung Quốc, thống nhất thực thi toàn bộ quyền chấp pháp trên biển”. Quyết định này có liệu lực từ 1/7/2018.
Đây là bước điều chỉnh mới quan trọng về tổ chức, sử dụng lực lượng trên biển của Trung Quốc. Như thế có nghĩa là từ nay, toàn bộ lực lượng chấp pháp trên biển đều đặt dưới sự quản lý, chỉ đạo của Quân ủy trung ương Trung Quốc thay vì nhiều bộ, ban ngành trước đây.
Đó là bởi từ ngày 1/1/2018, lực lượng Cảnh sát Vũ trang Trung Quốc (tên tiếng Anh là The Chinese Armed Police Force – gọi tắt là Vũ cảnh) đã được đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ huy của Quân ủy, trở thành một bộ phận của quân đội Trung Quốc thay vì đặt dưới sự quản lý của cả Quân ủy và Quốc Vụ viện như trước đó.
Ngày 10/1/2018, Chủ tịch Quân ủy Tập Cận Bình đã trao quân kỳ cho Tư lệnh Vũ cảnh Vương Ninh và Chính ủy Chu Sinh Lĩnh, đánh dấu việc lực lượng này chính thức trở thành lực lượng quân sự trực thuộc Quân ủy.
Trước đây, lực lượng chấp pháp (thực thi pháp luật) trên biển của Trung Quốc bao gồm nhiều loại thuộc các bộ, ngành như Hải tuần, Hải giám, Ngư chính, Cảnh sát biển, Đo đạc biển…bị coi là “Cửu long trị thủy, quần long náo hải”, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, không hiệu quả.
Chính vì vậy, năm 2013, Quốc hội Trung Quốc đã thông qua “Phương án cải cách cơ cấu và chuyển biến chức năng của Quốc Vụ viện”, quyết định tổ chức lại Cục Hải dương Trung Quốc, đưa tất cả các lực lượng chấp pháp trên biển về một mối, thống nhất sử dụng tên gọi chung “Trung Quốc Hải cảnh” cho tất cả các lực lượng thực thi pháp luật trên biển, Bộ Công an chịu trách nhiệm chỉ đạo nghiệp vụ đối với “Trung Quốc Hải cảnh”.
Tuy nhiên, tháng 3/2018, Hội nghị lần 3 Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 19 lại ra nghị quyết về “Phương án đi sâu cải cách cơ cấu Đảng và nhà nước” và “Phương án thực thi cải cách bộ đội Vũ cảnh”, trong đó quy định “đưa toàn bộ lực lượng Hải cảnh trực thuộc Cảnh sát vũ trang” để Quân ủy trung ương nắm quyền lãnh đạo chỉ huy thống nhất Hải quân cùng mọi lực lượng thực thi pháp luật trên biển.
Lính hải cảnh Trung Quốc trên tàu
Theo các quyết định trên, từ nay lực lượng Hải cảnh Trung Quốc có tên gọi là Cục Hải cảnh Trung Quốc trực thuộc Bộ đội Cảnh sát Vũ trang, có các chức năng quyền hạn sau:
Thực thi việc duy trì, chấp hành pháp luật trên biển, bao gồm triệt phá hoạt động phạm tội, vi phạm pháp luật trên biển, duy trì trị an và bảo vệ an ninh trên biển, bảo vệ sử dụng khai thác tài nguyên biển và môi trường sinh thái biển, quản lý nghề đánh bắt thủy sản, chống buôn lậu trên biển và hiệp đồng chỉ đạo công tác chấp pháp trên biển của các địa phương.
Giữa Cục Hải cảnh và cơ quan Công an, các cơ quan hành chính hữu quan có cơ chế hợp tác để chấp pháp.
Trước thời điểm 1/7/2018, Cục Hải cảnh có tên là “Bộ đội cảnh vệ biên giới hải dương nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa”, gọi tắt là “Trung Quốc Hải cảnh”, được thành lập theo Nghị quyết kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa 12, tháng 3/2013 bao gồm Tổng đội Hải giám thuộc quyền quản lý của Bộ Tài nguyên Đất đai, Hải cảnh thuộc Bộ Công an, Ngư chính thuộc Bộ Nông nghiệp, lực lượng chống buôn lậu trên biển của Cục Hải quan.
Trung Quốc Hải cảnh và Cục Hải dương quốc gia là “một cơ quan, hai biển hiệu”. Cục trưởng là một cán bộ cấp Thứ trưởng Bộ Công an, còn Chính ủy do Cục trưởng Hải dương kiêm nhiệm; làm nhiệm vụ chấp pháp trên biển, chịu sự chỉ đạo về nghiệp vụ của Bộ Công an.
Máy bay tuần tra của Hải cảnh Trung Quốc
Theo bố trí lực lượng hiện nay, Cục Hải cảnh Trung Quốc gồm có các Phân cục: Bắc Hải (trụ sở ở Thanh Đảo), Đông Hải (trụ sở ở Thượng Hải), Nam Hải (trụ sở ở Quảng Châu).
Phân cục Nam Hải phụ trách quản lý, chỉ huy các lực lượng Hải cảnh hoạt động ở Biển Đông bao gồm các đơn vị sau: Chi đội Hải giám số 7 (căn cứ ở Hải Chu, Quảng Châu), Chi đội Hải giám số 8 (căn cứ ở Hoàng Phố, Quảng Châu), Chi đội Hải giám số 9 (căn cứ ở Bắc Hải, Quảng Tây), Chi đội Hải giám số 10 (căn cứ đặt ở Hoàng Sa Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép của Việt Nam, hậu cứ ở Văn Xương, Hải Nam), Chi đội hàng không Hải giám Nam hải, Tổng đội Hải cảnh Quảng Đông, Tổng đội Hải cảnh Quảng Tây và Tổng đội Hải cảnh Hải Nam).
Dưới các Tổng đội Hải cảnh cấp tỉnh này có các Chi đội, bên dưới Chi đội là các Đại đội.
Trung Quốc Hải cảnh được tổ chức thành 11 Tổng đội với lực lượng khoảng 150 ngàn người. Ở thời điểm 1/8/2013, lực lượng này có 135 tàu cỡ 1000 tấn trở lên, tổng cộng các tàu đạt trên 360 ngàn tấn.
Hiện nay các tàu Hải giám, Ngư chính đều thống nhất sơn màu trắng, trên thân có các vạch chéo màu đỏ và xanh, được trang bị vũ khí, hai bên có hình huy hiệu và chữ “中国海警 CHINA COAST GUARD”.
Ngoài ra, Hải cảnh Trung Quốc còn được trang bị các máy bay MA-60, (còn gọi là Tân Chu 60) là loại máy bay cánh bằng 2 động cơ cánh quạt được cải tiến trên cơ sở máy bay vận tải Y-7 của Tập đoàn công nghiệp hàng không Tây An.
Tàu Hải cảnh Trung Quốc được trang bị pháo hạm
Các tàu của Hải cảnh Trung Quốc gồm các loại: tàu chấp pháp mang tên “Trung Quốc Hải cảnh” (bao gồm cả các tàu Trung Quốc Ngư chính và Trung Quốc Hải giám trước đây); tàu kéo mang tên “Hải cảnh thác” và tàu bệnh viện mang tên “Hải Y”.
Theo tài liệu Trung Quốc, hiện Hải cảnh Trung Quốc chỉ còn duy nhất tàu “Trung Quốc Hải cảnh 44020” có trọng tải 300 tấn, vài tàu 1000 tấn, còn lại phần lớn đều từ 2000 đến 5000 tấn; trong đó có 2 tàu “khủng” là “Trung Quốc Hải cảnh 3901” và “Trung Quốc Hải cảnh 2901” có lượng giãn nước tới 12.000 tấn.
Những năm gần đây Trung Quốc đã tiến hành cải tạo nhiều tàu chiến lớn của Hải quân thành tàu Hải Cảnh (như Tàu 31239 vốn là tàu hộ vệ lớp 053H2G mang tên An Khánh, 339; tàu 31240 vốn là tàu hộ về tên lửa Hoài Nam, 540; tàu 31241 nguyên là tàu hộ vệ tên lửa Hoài Bắc, 541; các tàu 46111 vốn là tàu tuần tra Type 718B; tàu 46341 nguyên là tàu tuần tra Type 818….hay tàu Hải cảnh thác – 25 nguyên là tàu đổ bộ Type 072 của Hải quân có lượng giãn nước 4.170 tấn.
Dư luận cho rằng, với việc thay đổi quan trọng về tổ chức lực lượng này, từ nay khoảng 135 hạm tàu của Hải cảnh Trung Quốc sẽ nằm dưới sự chỉ huy của Quân ủy Trung Quốc và trở thành một lực lượng trợ chiến quan trọng của Hải quân nước này.
Sự thay đổi này sẽ tạo điều kiện cho lực lượng Hải cảnh tham gia sâu hơn vào các cuộc tập trận và huấn luyện thường xuyên của Hải quân Trung Quốc cũng như sẵn sàng tham gia tác chiến khi có tình hình xảy ra.