Bản tin Biển Đông ngày 03/07/2018.
Trung Quốc sẽ trở thành kẻ bại trận ở Biển Đông
Ngày 01/7, Forbes đăng bài viết “Trung Quốc sẽ trở thành kẻ bại trận ở Biển Đông” của Giáo sư Panos Mourdoukoutas, Đại học Columbia, Mỹ. Trong bài viết, tác giả cho rằng, dù cho Trung Quốc luôn mong muốn kiểm soát toàn bộ Biển Đông song đây cũng chính là lý do mà nước này sẽ “mất trắng”, bởi luôn có những hành vi đi ngược lại các bên tranh chấp khác ở Biển Đông và cả các quốc gia ngoài khu khu vực như Mỹ, Nhật, Pháp, Anh và Úc để đạt được mục tiêu của mình – trở thành lãnh đạo toàn cầu về kinh tế, khởi nguồn cho cái gọi là “con đường tơ lụa trên biển của Trung Quốc”. Ngoài ra, theo Vijay Eswaran, một doanh nghiệp Malaysia đồng thời là Chủ tịch Tập đoàn QI cho hay, một nguyên nhân khác nữa đó là Trung Quốc luôn xem Biển Đông cùng các nguồn tài nguyên của nó là “của riêng”, khiến chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc cũng như nhu cầu làm thay đổi nguyên trạng khu vực ngày càng gia tăng. Tuy vậy, tác giả cho rằng lực lượng hải quân nhiều nước đã sẵn sàng thách thức các tham vọng của Trung Quốc, nhất là những nước phương Tây có nhiều ảnh hưởng như Mỹ, Pháp, Anh… và dự đoán rằng điều này sẽ đam lại tác động lớn hơn tới chính sách của Trung Quốc ở khu vực. Trong bối cảnh đó, ông Panos nhận định rằng, sẽ khó để khẳng định rằng Trung Quốc sẽ làm gì để đối phó với thách thức này, song có thể dự đoán rằng “những nước này tìm cách đi ngược lại tất cả sẽ đánh mất tất cả”.
Trung Quốc trao thẩm quyền quản lý lực lượng hải cảnh cho quân đội nước này
Ngày 02/7, Nikkei đưa tin, ngày 01/7, Trung Quốc đã trao thẩm quyền quản lý lực lượng hải cảnh nước này cho quân đội, cụ thể là chuyển từ Quốc Vụ viện Trung Quốc sang Lực lượng Cảnh sát vũ trang Nhân dân Trung Quốc, một động thái mà Nikkei đánh giá là “tạo ra nguy cơ leo thang căng thẳng cho Nhật Bản về những lùm xùm liên quan đến các tàu qua lại khu vực chồng lấn yêu sách giữa hai bên”. Nikkei cho biết, bước chuyển đổi này đã được đề xuất từ tháng 3 nhằm tái cơ cấu chính phủ quy mô lớn. Ban Thường trực Quốc hội Trung Quốc đã chấp thuận đề xuất này từ cuối tháng 6. Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho hay nhiệm vụ chấp pháp cơ bản của hải cảnh Trung Quốc sẽ không thay đổi, song Trung Quốc sẽ tăng cường thêm các tàu lớn hơn, bao gồm các tàu chiến cũ, và hải cảnh mới đây đã tiến hành tuần tra chung với hải quân Trung Quốc ở Biển Đông vào tháng 5.