Monday, December 30, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiBiển Đông: Cân bằng quyền lực và lợi ích của chúng ta

Biển Đông: Cân bằng quyền lực và lợi ích của chúng ta

Việc xác định rõ các mối quan hệ với các siêu cường trong một thế giới đầy biến động và cực kỳ phức tạp như hiện nay ở Biển Đông nói riêng và trên thế giới nói chung cần hết sức uyển chuyển, khai thác tối đa các mối quan hệ trong tương quan quyền lực này để phục vụ cho lợi ích dân tộc.

Trung tướng Kenneth McKenzie – Giám đốc Liên quân Bộ QP Mỹ  (Ảnh REUTERS)

Báo South China Morning Post của Hồng Kông công bố thông tin Trung Quốc đang xây dựng một trạm ra đa cực mạnh ở Biển Đông được cho là có khả năng làm gián đoạn các hệ thống thông tin liên lạc, can thiệp thời tiết và thậm chí gây ra thiên tai, có phạm vi hoạt động đến tận Singapore cách đó 2.000 km.

Công nghệ này có những ứng dụng dân sự lẫn quân sự, nhưng nguy hiểm nhất phải kể đến khả năng (trên lý thuyết) can thiệp vào thời tiết, gây ra thiên tai trên diện rộng như bão, động đất, sóng thần… dù điều này vẫn còn gây tranh cãi trong giới khoa học.

Trước đó, ngày 31/5/2018, Trung tướng Kenneth McKenzie, Giám đốc Liên quân thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ đã đưa ra tuyên bố cứng rắn đối với việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông, và lần này là khả năng có thể “xóa sổ” các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh bồi đắp trái phép.

Cả hai sự kiện này đều nhắc nhở chúng ta rằng: sự hình thành một kỷ nguyên đa cực từ đầu thế kỷ đang lớn dần trong một thế giới đầy nguy hiểm với cách hành xử nhiều khi bất chấp luật pháp quốc tế. 

Càng ngày Trung Quốc càng muốn chứng tỏ họ đã bắt đầu áp đặt luật chơi. Đây là hành động được tính toán rất kỹ và có tính chiến lược lâu dài của nhà cầm quyền Bắc Kinh. Đồng thời với hành động này Bắc Kinh muốn trực tiếp gửi đến Tổng thống Mỹ Donald Trump một “cảnh báo” rằng tại vùng biển Đông, Trung Quốc mới là “bá chủ”.

Tham vọng của Trung Quốc sẽ không bao giờ dừng lại một khi Biển Đông chưa là “cái ao nhà” của họ. Bởi vì Biển Đông có vai trò đặc biệt quan trọng trên thế giới, chỉ đứng sau Địa Trung Hải. 

Biển Đông là nơi tất yếu phải qua của nhiều tuyến đường vận tải biển quốc tế, là hành lang nối liền Thái Bình dương với Ấn Độ dương, Đông Á với châu Đại Dương. Biển Đông còn là chốt giữ nhiều eo biển quan trọng như Malacca, Sunda, Lombok, có vị trí chiến lược hết sức quan trọng. Nơi đây còn có một trữ lượng dầu mỏ lên tới 1 tỷ tấn. Ngoài ra còn có trên 20 ngàn loài sinh vật biển.

Với vị trí then chốt giao thông quan trọng và nguồn tài nguyên khổng lồ ấy thực sự là “miếng mồi” quá hấp dẫn đối với một quốc gia có gần 1,5 tỷ người như Trung Quốc. Đây là vấn đề mà không một quốc gia châu Á nào không biết. Và cụ thể hơn, không một quốc gia châu Á nào không ý thức được, nếu không kiềm chế được tham vọng của Trung Quốc thì sẽ hết sức nguy hiểm.

Lợi ích của người Mỹ

Vậy Mỹ có lợi ích gì ở khu vực Biển Đông không? Câu trả lời là có, rất nhiều là khác!
Trong 16 tuyến đường thủy chiến lược toàn cầu mà Mỹ công khai tuyên bố phải kiểm soát, có 3 tuyến nằm ở khu vực Biển Đông. Đó là các eo biển Malacca, Sunda và Lombok. Mỹ là nước thương mại lớn nhất trên thế giới, trên 90% hoạt động thương mại cần phải đi qua vùng Biển Đông. Chính vì vậy mà không ngạc nhiên gì, trong chiến lược “Trở lại Chấu Á-TBD” Mỹ đã nhiều lần tuyên bố “Mỹ là quốc gia TBD”. Năm 2011 Chính quyền Obama tuyên bố rằng Hoa Kỳ dự định tiếp cận khu vực châu Á-TBD với một trọng tâm mới. Họ gọi đây là sự “Xoay trục về châu Á”.

Cho dù, trong thời gian tranh cử cũng như khi lên cầm quyền tân Tổng thống Donald Trump có tuyên bố gì đi chăng nữa thì Hoa Kỳ cũng không thể không quan tâm đến tình hình biển Đông. 

Để cân bằng quyền lực và đảm bảo an ninh khu vực Châu Á- TBD rất cần sự hiện diện của người Mỹ. Không ai ngây thơ đến mức nghĩ rằng Hoa Kỳ tới châu Á chỉ là để bảo vệ các quốc gia ở khu vực này và Mỹ không có lợi ích gì ở đây. Tuy nhiên có một thực tế là trong nhiều năm, sự hiện diện của Hoa Kỳ là một nhân tố quan trọng giúp ổn định khu vực. Kéo dài sự hiện diện này sẽ giúp duy trì ổn định và an ninh. Với Trung Quốc chỉ có Hoa Kỳ- kết hợp với Nhật Bản và Hàn Quốc, đồng thời hợp tác với các quốc gia ASEAN- mới có thể đối trọng lại được nước này.

Ông Lý Quang Diệu từng phát biểu rằng: “Khi cuộc chiến tranh giành quyền bá chủ trên TBD giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc diễn ra, những quốc gia nhỏ hơn ở châu Á bắt buộc phải thích ứng với cục diện mới. Thucydides (sử gia Hy Lạp, đồng thời là  tác giả cuốn sách “Lịch sử chiến tranh”) đã từng viết rằng, “kẻ mạnh làm những gì mà họ có thể và kẻ yếu phải chịu đựng những gì họ phải chịu đựng”.

Các quốc gia nhỏ hơn ở châu Á có thể không phải có một kết cục bi thảm như thế, nhưng bất cứ góc nhìn hiện thực chủ nghĩa nào về sự suy giảm ảnh hưởng của Hoa Kỳ tại Châu Á- TBD đều sẽ khiến các quốc gia phải điều chỉnh chiến lược đối ngoại của mình. Người ta sẽ phải quan tâm hơn đến những gì người Trung Quốc thích hoặc không thích khi Trung Quốc ngày càng lớn mạnh về kinh tế lẫn quân sự. Nhưng điều quan trọng không kém là không để cho Trung Quốc hoàn toàn thống trị”.

Tóm lại với vai trò là các nước nhỏ Việt Nam cũng như các nước ASEAN khác chỉ có thể tồn tại và phát triển trong một môi trường hòa bình và ổn định ở khu vực Biển Đông. Môi trường đó chỉ tồn tại một khi có sự hiện diện của Mỹ ở khu vực này, hay nói đúng hơn là có sự cân bằng, kiềm chế lẫn nhau giữa Mỹ và Trung Quốc, và ở mức độ thấp hơn là Nga.

Việt Nam cần phải làm gì?

Trước hết chúng ta hãy xem nước được coi là có tốc độ phát triển nhanh và bền vững nhất ở khu vực là Singapore đã xử lý vấn đề này như thế nào?

Ông Lý Quang Diệu từng khái quát một cách tổng thể: “Trong cục diện đang thay đổi này, chiến lược chung của Singapore là đảm bảo rằng mặc dù chúng ta lợi dụng bộ máy tăng trưởng thần kì của Trung Quốc, chúng ta sẽ không cắt đứt với phần còn lại của thế giới, đặc biệt là Hoa Kỳ. Singapore vẫn quan trọng với người Mỹ. Singapore nằm ở vị trí chiến lược ở trung tâm của một khu vực quần đảo, nơi mà người Mỹ không thể bỏ qua nếu muốn duy trì ảnh hưởng ở Châu Á-TBD.

Và mặc dù chúng ta xúc tiến các mối quan hệ với người Trung Quốc, họ cũng không thể cản chúng ta có các mối quan hệ kinh tế, xã hội, văn hóa và an ninh bền chặt với Hoa Kỳ. Người Trung Quốc biết rằng họ càng gây áp lực với các quốc gia Đông Nam Á thì các quốc gia này càng tiến lại gần Mỹ hơn. Nếu người Trung Quốc muốn đưa tàu chiến đến viếng thăm cảng của Singapore khi có nhu cầu, như là người Mỹ đang làm, chúng ta sẽ chào đón họ. Nhưng chúng ta sẽ không ngả về phía nào bằng cách chỉ cho phép một bên và cấm đoán bên kia. Đây là một lập trường mà chúng ta có thể tiếp tục duy trì trong một thời gian dài”.

Việt Nam không phải là Singapore vì địa chính trị là khác nhau. Việt Nam không thể hành xử như người Singapore “không ngả về phía nào bằng cách chỉ cho phép một bên và cấm đoán bên kia”. Tuy nhiên có một gợi ý không tồi, mà như trên chúng tôi đã phân tích “Việt Nam cũng như các nước ASEAN khác chỉ có thể tồn tại và phát triển trong một môi trường có sự cân bằng, kiềm chế lẫn nhau giữa Mỹ và Trung Quốc”. Vì vậy điều quan trọng là việc phát triển quan hệ chiến lược với Hoa Kỳ, nhất là về an ninh và quốc phòng cần phải tính toán một cách kỹ lưỡng. 

Tuy nhiên ở một khía cạnh khác, nếu coi Trung Quốc là “ đối tượng không thể hợp tác được” sẽ là cực đoan. Việc xác định rõ các mối quan hệ với các siêu cường trong một thế giới đầy biến động và cực kỳ phức tạp như hiện nay ở Biển Đông nói riêng và trên thế giới nói chung cần hết sức uyển chuyển, khai thác tối đa các mối quan hệ trong tương quan quyền lực này để phục vụ cho lợi ích dân tộc.

RELATED ARTICLES

Tin mới