Saturday, January 11, 2025
Trang chủBiển nóngTập trận chung với ASEAN – bước đi đầy toan tính của...

Tập trận chung với ASEAN – bước đi đầy toan tính của TQ

Thời gian gần đây, dư luận quốc tế và khu vực đặc biệt quan ngại về việc Trung Quốc tiến hành hàng loạt các cuộc tập trận hải quân, không quân trên Biển Đông. Đáng chú ý, Trung Quốc cũng nhiều lần đề nghị các nước ASEAN tiến hành tập trận chung ở Biển Đông và theo khuyến cáo của giới chuyên gia, các nước ASEAN cần thận trọng, cảnh giác trước động thái này của Trung Quốc.

Trung Quốc rầm rộ tập trận ở Biển Đông liệu có thể hiện thiện chí?

Bất chấp những nỗ lực của các nước nhằm giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, vừa qua Trung Quốc đã liên tục tiến hành các cuộc tập trận quy mô lớn ở Biển Đông, khiến cộng đồng quốc tế lo ngại về các hoạt động quân sự hóa, gây phức tạp tình hình của Trung Quốc. Giới quan sát cho rằng Trung Quốc đang muốn phô trương sức mạnh quân sự và tăng cường “mở rộng kiểm soát” Biển Đông khi lần đầu tiên triển khai tàu sân bay Liêu Ninh, máy bay ném bom đường dài H-6K, máy bay chiến đấu Su-30, Su-35, hệ thống tên lửa, rada… tham gia các cuộc tập trận. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc công khai tuyên bố rằng các cuộc tập trận là “nhằm tập dượt cho chiến tranh trong tương lai và sự chuẩn bị trực tiếp cho giao chiến”.

Trung Quốc từng nhiều lần đề nghị ASEAN tập trận chung ở Biển Đông

Hãng tin BBC cho biết từ đầu năm 2015, Trung Quốc đã chủ động đề xuất tổ chức các cuộc tập trận hải quân chung với các nước ASEAN ở Biển Đông, mà theo như Bộ Quốc phòng nước này thì các cuộc tập trận sẽ là một cách để đạt được mục đích “cùng nhau giải quyết tranh chấp và kiểm soát rủi ro”. Tuy nhiên, một số nước thành viên ASEAN đã từ chối tham gia với lý do“Trung Quốc muốn tập trận ở vùng biển có chủ quyền chồng lấn”, tức là ở các khu vực tranh chấp.

Vào năm 2016, Trung Quốc tiếp tục đề nghị các nước ASEAN tập trận chung với “mục đích” là nhằm giảm nguy cơ xung đột. Tuy nhiên, cũng chưa có nước nào đồng ý tham gia tập trận chung với Trung Quốc. Đến ngày 31/10/2017, báo chí, truyền thông Trung Quốc đồng loạt loan tin Trung Quốc và 6 nước ASEAN đã tham gia một cuộc diễn tập chung về cấp cứu trên biển ở ngoài khơi tỉnh Quảng Đông, với tình huống giả định là vụ va chạm giữa một tàu chở khách Trung Quốc với một tàu hàng lớn của Campuchia ở trên biển. Cuộc tập trận có sự tham gia của khoảng 1.000 nhân viên cứu hộ cùng 20 tàu thuyền các loại và 03 máy bay trực thăng của Trung Quốc, Thái Lan, Philippines, Campuchia, Myanmar, Lào và Brunei. Việt Nam, Malaysia, Singapore và Indonesia không tham gia cuộc tập trận này.

Tại Hội nghị hẹp các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại Singapore (6/2/2018), các nhà lãnh đạo ASEAN đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiềm chế hoạt động quân sự và phi quân sự hóa trong tất cả hoạt động ở Biển Đông, đặc biệt là những hoạt động có thể làm phức tạp thêm tình hình, leo thang căng thẳng. Theo truyền thông khu vực và quốc tế (Straits Times, Rappler, Reuters), trong cuộc gặp giữa các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn diễn ra cùng ngày tại Singapore, hai bên đã bàn luận về những biện pháp tăng cường quan hệ và đồng ý tiến hành một cuộc tập trận hàng hải chung ASEAN – Trung Quốc vào cuối năm 2018 theo đề nghị của phía Trung Quốc. Cuộc tập trận đầu tiên dự kiến sẽ diễn ra tại vùng biển của Trung Quốc vào tháng 10 và cuộc tập trận thứ hai diễn ra ở vùng biển của một nước ASEAN, nhiều khả năng là Philippines vào cuối tháng 11 hoặc tháng 12. Gần đây nhất, tại buổi họp báo thường kỳ (28/6), Bộ Quốc phòng Trung Quốc xác nhận Trung Quốc và 10 nước ASEAN sẽ tổ chức tập trận chung trên biển trong năm nay nhằm “tăng cường sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, mở rộng giao lưu, hợp tác, giữ gìn hòa bình và ổn định của khu vực”. Như vậy, khả năng diễn ra các cuộc tập trận chung giữa Trung Quốc và ASEAN trong năm nay là rất lớn.

Ý đồ của Trung Quốc trong các cuộc tập trận

Giới chuyên gia các nước đưa ra nhiều bình luận, phân tích cho rằng các nước ASEAN cần cảnh giác và thận trọng trước các cuộc tập trận chung ở Biển Đông với Trung Quốc, vì:

Thứ nhất, Trung Quốc cho rằng các cuộc tập trận chung trên biển sẽ “tăng cường sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, mở rộng giao lưu và hợp tác, giữ gìn hòa bình và ổn định của khu vực”, song phải khẳng định rằng tình hình Biển Đông căng thẳng như hiện nay chủ yếu là do các hoạt động đơn phương, đòi hỏi chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, trong đó Trung Quốc đã liên tục gây phức tạp tình hình bằng hoạt động quân sự hóa, bồi đắp và mở rộng các đảo nhân tạo quy mô lớn ở Biển Đông… Do vậy, để “tăng cường sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, mở rộng giao lưu và hợp tác, giữ gìn hòa bình và ổn định của khu vực” thì chính Trung Quốc phải ngừng ngay các hành động nói trên, nếu không, mọi sáng kiến hay tuyên bố của Trung Quốc đưa ra chỉ là hình thức, nhằm đánh lừa dư luận.

Thứ hai, cùng với các cuộc tập trận hải quân, không quân liên tục thời gian qua của Trung Quốc ở Biển Đông, các cuộc tập trận chung với ASEAN sẽ giúp Trung Quốc phô trương sức mạnh quân sự, gửi đi thông điệp cảnh báo đối với các nước bên ngoài như Mỹ, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ… không nên can dự vào vấn đề Biển Đông. Trung Quốc đã nhiều lần chỉ trích sự can dự của Mỹ và phương Tây vì cho rằng các nước này “không có tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông, nên để cho các quốc gia trong khu vực quản lý tranh chấp của mình một cách hữu nghị và hiệu quả”. Đây cũng là dịp để Trung Quốc chứng tỏ khả năng dẫn dắt các nước khu vực thực hiện theo các sáng kiến do Trung Quốc khởi xướng.

Thứ ba, Trung Quốc sẽ sử dụng các cuộc tập trận chung với ASEAN để tuyên truyền theo dụng ý rằng tình hình Biển Đông đang ổn định, phát triển và hợp tác nhờ vào những nỗ lực của Trung Quốc và các nước ASEAN. Trong đó, Trung Quốc và các nước hoàn toàn có thể xây dựng các cơ chế giải quyết tranh chấp mà không cần sự can dự của các nước bên ngoài. Theo như Giáo sư Carl Thayer (Australia) cho rằng Trung Quốc đã nhanh chóng đề nghị tập trận chung để tăng sự tự tin của các nước và bảo vệ tàu thuyền của mình. Các cuộc tập trận này được Trung Quốc coi là một “vụ thu hoạch sớm” trong quan hệ hợp tác dài hạn với khối ASEAN.

Thứ tư, các cuộc tập trận chung với ASEAN cũng nhằm xoa dịu dư luận về hoạt động quân sự hóa ồ ạt của Trung Quốc hiện nay ở Biển Đông; song cũng nhằm phục vụ cho ý đồ này một cách thuận lợi hơn, tránh các phản ứng quyết liệt từ các nước. Chuyên gia về các vấn đề Đông Á của Hiệp hội Nghiên cứu Chiến lược Đài Loan Fabrizio Bozzato cho rằng “Lần này, Trung Quốc tiến tới hợp tác với ASEAN ở cấp độ đa phương và trong tư cách một khối để giành được lòng tin của các nước, xoa dịu nỗi sợ hãi về sức mạnh quân sự áp đảo của Trung Quốc bằng cách tăng sự tự tin và vai trò của ASEAN, lấy hiệp hội các nước ASEAN làm nền tảng cho cuộc đối thoại, là giải pháp chọn lựa của Trung Quốc”.

Kết luận: Trong bối cảnh hiện nay, các nước ASEAN cần phát huy vai trò trung tâm trong việc thúc đẩy hòa bình, ổn định trong khu vực, tăng cường đoàn kết nội khối để có tiếng nói chung trong vấn đề quân sự hóa ở Biển Đông của Trung Quốc. Ngoài ra, ASEAN cũng cần tăng cường trao đổi, minh bạch hóa thông tin về các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông; thúc đẩy các hoạt động hợp tác, trong đó có các cuộc tập trận chung với Trung Quốc ở Biển Đông một cách thực chất, tránh rơi vào những tính toán chiến lược hoặc dụng ý tuyên truyền của Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới