Wednesday, January 8, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnTính ngụy biện trong lập luận của TQ: Biển Đông do "tổ...

Tính ngụy biện trong lập luận của TQ: Biển Đông do “tổ tiên” để lại

Tuyên bố của Chủ tịch Tập Cận Bình, lần này, cũng chỉ là một hình thức thể hiện lập trường “chủ quyền lịch sử” mà chúng ta đã nhiều lần được nghe.

Ngày 27/6/2018, trước những chỉ trích của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis về vấn đề Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông, leo thang căng thẳng và gây lo ngại trong khu vực, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố:

“Lãnh thổ mà tổ tiên (Trung Quốc) để lại, một tấc cũng không được đánh mất. Thứ gì của người khác thì một phân chúng tôi cũng không cần”.

Bài viết “Tổ tiên” nào để lại Biển Đông cho ông Tập Cận Bình? đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 2/7/2018 đã cung cấp cho bạn đọc những thông tin và nhận xét khá thú vị có liên quan đến tuyên bố nói trên của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Tuy nhiên, để làm rõ tuyên bố của ông Tập Cận Bình trong bối cảnh này có hợp lý và có căn cứ hay không, theo chúng tôi, thiết nghĩ không đơn giản chỉ là tìm câu trả lời cho câu hỏi mà ông Ilshat Hassan, nhà bình luận người Duy Ngô Nhĩ, đã đặt ra rằng:

Vậy tổ tiên của ông Tập Cận Bình là ai?

Theo ông Ilshat Hassan, nếu xem các vương triều Trung Nguyên của người Hán là “Tổ tiên” và ông Tập Cận Bình là người thừa kế, thì triều đại cuối cùng là nhà Minh, trên đất liền lấy Vạn Lý Trường Thành làm biên giới, các vùng duyên hải lấy bờ biển làm biên giới. 

Nếu chỉ như thế thôi thì cũng có thể nói rằng chẳng những Biển Đông không phải do “Tổ tiên” (nhà Minh) truyền lại, mà ngay cả Tân Cương, Tây Tạng, Nam Mông Cổ, Mãn Châu và Đài Loan cũng không phải là “di sản thừa kế” mà ông Tập Cận Bình được thừa hưởng. 

Chúng tôi cũng có thể chia sẻ ý kiến nhận xét này nếu chỉ nhìn nhận dưới góc độ lịch sử. 

Tuy nhiên, dưới góc độ pháp lý có liên quan đến quyền thụ đắc lãnh thổ quốc gia, chúng tôi cho rằng nhận xét trên là chưa đủ sức thuyết phục.

Thậm chí có thể gây nên sự nhầm lẫn nghiêm trọng về kiến thức pháp lý và hành vi ứng xử trong công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền hợp pháp đối với một số bộ phận lãnh thổ đang trong tình trạng tranh chấp.

Để góp phần làm sáng tỏ nội dung phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình đang được dư luận hết sức quan tâm, chúng tôi xin được nhắc lại quá trình hình thành các nguyên tắc và thực tiễn quốc tế về thụ đắc lãnh thổ.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ảnh: DVIDS.

Vấn đề này đã được chúng tôi phân tích nhiều lần, ví dụ như trong bài:

Quý bạn đọc quan tâm tới vấn đề thụ đắc lãnh thổ có thể theo dõi qua các bài viết này, xin không nhắc lại ở đây kẻo làm mất thời giờ của quý vị.

Tuy nhiên, những định chế mang tầm vóc quốc tế về thụ đắc lãnh thổ như chúng tôi đề cập trong các bài viết nói trên cũng không thể ngăn cản được tình trạng sử dụng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực để tiếp tục tranh giành thị trường;

Không ngăn được việc một số siêu cường thực hiện tham vọng bá quyền, tranh chấp lãnh thổ, nhất là đối với các hải đảo, lãnh thổ biển…, các khu vực địa lý có giá trị về địa-kinh tế, địa- chính trị, địa- chiến lược.

Đỉnh điểm của những tranh chấp khốc liệt giữa các nước lớn là Chiến tranh Thế giới lần thứ I, lần thứ II, xảy ra vào những năm đầu của thế kỷ XX, đã cướp đi hàng chục triệu sinh mạng và tàn phá biết bao làng mạc, phố phường, của cải vật chất của nhân loại…

Chiến tranh cũng hủy hoại sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia của nhiều nước trên thế giới bị xâm phạm nghiêm trọng.

Tiếp đến là tình trạng chạy đua vũ trang của thời kỳ Chiến tranh Lạnh, đến nạn khủng bố, tranh chấp sắc tộc, tôn giáo, biên giới, lãnh thổ không ngừng xảy ra ở hầu khắp hành tinh này…  

Để ngăn chặn những hiểm họa chiến tranh do những tham vọng bá chủ thiên hạ, xâm chiếm lãnh thổ của quốc gia có chủ quyền bằng cách đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, Hiến chương Liên Hợp Quốc đã được ký ngày 26/6/1945 ở thành phố San Francisco và có hiệu lực từ ngày 24/10/1945.

Với sự ra đời của Hiến chương Liên Hợp Quốc có thể nói đã trở thành nguyên tắc pháp lý quốc tế cao nhất để bảo vệ sự tồn tại của các quốc gia, với tư cách là các thực thể trong quan hệ quốc tế thời hiện đại.

Về nguyên tắc, nó là vũ khí được sử dụng để vô hiệu hóa các phương thức thụ đắc lãnh thổ bằng sức mạnh đã tồn tại trong các thời kỳ lịch sử trước đây.

Đấy chính là lý do lý giải cho câu hỏi tại sao mãi đến đầu thế kỷ 20, quốc tế vẫn còn thừa nhận việc dùng vũ lực để xâm chiếm một bộ phận hay toàn bộ lãnh thổ của một quốc gia là hành động hợp pháp.

Và đấy cũng chính là nội dung trả lời câu hỏi vì sao trong Hiến chương Liên Hợp Quốc lại có điều khoản:

“Tất cả các nước thành viên Liên Hợp Quốc không được dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế nhằm chống lại sự bất khả xâm phạm về lãnh thổ hay nền độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào”.

Từ những thông tin nói trên, chúng tôi hy vọng có thể đã cung cấp cho bạn đọc quan tâm có căn cứ để nhận diện bản chất của những tuyên bố có vẻ rất “sòng phẳng, có tình, có lý” của Chủ tịch Tập Cận Bình, rằng: 

“Lãnh thổ mà tổ tiên để lại, một tấc cũng không được đánh mất. Thứ gì của người khác thì một phân chúng tôi cũng không cần”. 

Theo chúng tôi, tuyên bố của Chủ tịch Tập Cận Bình, lần này, cũng chỉ là một hình thức thể hiện lập trường “chủ quyền lịch sử” mà chúng ta đã nhiều lần được nghe. 

Dựa vào lập trường này, Trung Quốc đã và đang tìm mọi cách, viện dẫn nhiều sách, tài liệu địa lý, lịch sử để chứng minh và bảo vệ cho quan điểm pháp lý về quá trình xác lập và thực thi cái gọi là “chủ quyền lịch sử” của Trung Quốc yêu sách đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, mà họ gọi là “Tây Sa” và “Nam Sa”.

Nhưng theo quan điểm của ông Lý Lệnh Hoa, một chuyên gia nổi tiếng về Công pháp quốc tế người Trung Quốc, thì: 

“…Chứng cứ (lịch sử) đó có ý nghĩa ngày càng nhỏ trong luật quốc tế hiện đại…, chứng cứ thật sự có sức thuyết phục chính là sự kiểm soát thực sự. 

Anh nói chỗ đó của anh, vậy anh đã từng quản lý nó chưa, người ở đó có phục tùng sự quản lý của anh không, có phải người khác không có ý kiến gì không? 

Nếu đáp án của những câu hỏi này đều là “có” thì anh thắng là điều chắc. Ở Nam Sa, chúng ta không có được điều đó…”

Bà Monique Chemillier Gendreau, giáo sư công pháp và khoa học chính trị ở Trường Đại học Paris VII Denis Diderot, nguyên Chủ tịch Hội luật gia dân chủ Pháp, nguyên Chủ tịch Hội luật gia châu Âu kết luận: 

“Người Trung Quốc cách đây khá lâu đã biết ở Biển Đông có nhiều đảo mọc rải rác, nhưng điều đó không đủ làm cơ sở pháp lý để bảo vệ cho lập luận rằng, Trung Quốc là nước đầu tiên phát hiện, khám phá, khai thác và quản lý hai quần đảo này…”

Vì vậy, thực chất tuyên bố của Chủ tịch Tập Cận Bình có thể nói đó chỉ là những lời lẽ ngụy biện;

Ông đang sử dụng những căn cứ lịch sử không có giá trị pháp lý để biện minh cho các hành động xâm chiếm lãnh thổ của nước khác, biến các lãnh thổ đó trở thành các căn cứ quân sự, phục vụ cho chiến lược độc chiếm Biển Đông;

Trung Quốc tham vọng dùng Biển Đông làm bàn đạp để vươn lên vị trí siêu cường trong cuộc cạnh tranh địa- chính trị, địa- chiến lược, đia- kinh tế đang diễn ra trên phạm vi khu vực và quốc tế.

Từ những phân tích nói trên, chúng tôi xin được một lần nữa nhắc lại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong Biển Đông hoàn toàn thuộc chủ quyền của Nhà nước Việt Nam theo đúng nguyên tắc thụ đắc lãnh thổ hiện hành mà luật pháp và thực tiễn quốc tế đã quy định rất rõ ràng. 

Đó là nguyên tắc “chiếm hữu thật sự”.

RELATED ARTICLES

Tin mới