Thursday, November 28, 2024
Trang chủBiển nóngNga đang cân bằng lợi ích tại Biển Đông

Nga đang cân bằng lợi ích tại Biển Đông

Trong những năm gần đây, nhiều nước lớn trên thế giới tích cực thể hiện thái độ quan ngại về tình hình căng thẳng ở Biển Đông và triển khai nhiều biện pháp thiết thực góp phần đảm bảo hòa bình và ổn định trong khu vực. Nhưng Nga với tư cách là một nước lớn, có lợi ích ở Biển Đông lại hạn chế thể hiện quan điểm của mình liên quan vấn đề này. Có những đồn đoán cho rằng Nga đã bị Trung Quốc mua chuộc, thao túng, song nhìn một cách tổng quát Nga vẫn giữ vững lập trường và đang cân bằng lợi ích trong vấn đề Biển Đông.

Mỏ Bạch Hổ thuộc Liên doanh dầu khí Vietsovpetro (Việt Nam – Nga)

Nga không thay đổi lập trường trong vấn đề Biển Đông, tiếp tục kêu gọi các nước liên quan giải quyết tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế

Lãnh đạo cấp cao của Nga nhiều lần đưa ra các tuyên bố khẳng định chủ trương, chính sách trung lập, không đứng về bên nào trong tranh chấp ở Biển Đông. Tổng thống Nga V.Putin khẳng định lập trường của Nga là cần giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, đồng thời tuyên bố ủng hộ ASEAN và Trung Quốc sớm đàm phán, ký kết thông qua Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông. Trước đó, Chủ tịch Duma Quốc gia Nga S.Naryshkin cũng cho biết lập trường của Nga là trước sau như một, kêu gọi các bên liên quan sử dụng biện pháp hòa bình, tôn thủ luật pháp quốc tế để giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông. Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga S.Lavrov nhấn mánh Nga “chưa bao giờ là một bên trong các tranh chấp ở Biển Đông” và coi “việc không đứng về phía bất kỳ bên nào là một nguyên tắc rõ ràng”. Trước đó, Đại sứ Nga tại Việt Nam K.Vnukov cho rằng Nga quan tâm lợi ích trong việc đảm bảo tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông, nhấn mạnh việc xảy ra xung đột hoặc quân sự hóa trong khu vực sẽ gây nguy hiểm cho lợi ích của các công ty dầu khí của Nga hoạt động trên thềm lục địa của Việt Nam (công ty Rosneft, Gazpron, liên doanh Vietsopetro).

Nga không muốn can dự sâu vào tranh chấp Biển Đông là để cân bằng lợi ích và tập trung giải quyết những vấn đề khó khăn, thách thức từ trong nước

Thứ nhất, trong bối cảnh nền kinh tế Nga đang gặp nhiều khó khăn, xung đột quyền lợi với phương Tây ngày càng sâu sắc và Nga đang bị chi phối, ảnh hưởng trong vấn đề Syria, Ucraina khiến tranh chấp Biển Đông không được ưu tiên trong chính sách ngoại giao của Nga.

Thứ hai, tranh chấp Biển Đông rất phức tạp, bao gồm nhiều vấn đề (chủ quyền, kiểm soát thực tế, quân sự hóa, cải tạo đảo, đá, quản lý tài nguyên và tự do hàng hải) và liên quan đến nhiều đối tác của Nga ở trong khu vực, khiến nước này không thể công khai tất cả chủ trương, chính sách, quan điểm liên quan vấn đề Biển Đông, nhằm tránh bị các nước lôi kéo vào tranh chấp chủ quyền trong khu vực.

Thứ ba, Nga cũng muốn lợi dụng tranh chấp Biển Đông để phát huy ưu thế của các doanh nghiệp quân sự, bán các trang thiết bị, khí tài quân sự cho các nước trong khu vực Biển Đông; đồng thời thông qua các hoạt động hợp tác, giao lưu quân sự để kiềm chế các hoạt động của Mỹ ở Biển Đông.

Thứ tư, Nga đang tìm cách cân bằng quan hệ với Trung Quốc và Việt Nam trong vấn đề Biển Đông. Nga không muốn vì vấn đề Biển Đông để ảnh hưởng đến quan hệ với các nước liên quan. Gần đây, quan hệ Nga và Việt Nam đang ngày càng được cải thiện; hai nước cũng đã nâng cấp quan hệ lên hàng “đối tác chiến lược toàn diện” để thúc đẩy quan hệ song phương, trong đơ hợp tác về quân sự vẫn là một trong những ưu tiên hàng đầu. Theo Asia Times, Việt Nam hiện là thị trường nhập khẩu vũ khí lớn thứ 3 của Nga trên toàn thế giới, chỉ sau Ấn Độ và Trung Quốc. Từ 2011 đến 2015, 93% lượng vũ khí của Việt Nam là do Nga cung cấp. Kể từ 2011, Việt Nam mua 129 hệ thống tên lửa và 36 máy bay cũng như 8 tàu hải quân của Nga. Trong khi đó, Nga và Trung Quốc hiện là đối tác chiến lược toàn diện; hai nước có nhiều thỏa thuận quan trọng về an ninh, quốc phòng, kinh tế. Ngoài ra, Nga và ASEAN cũng đang tích cực thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, chính trị.

Thời gian tới, Nga sẽ có sự điều chỉnh chính sách liên quan vấn đề Biển Đông một cách linh hoạt hơn

Để tăng cường ảnh hưởng trong khu vực Đông Nam Á, thúc đẩy hợp tác kinh tế, cũng như ngăn chặn, kiềm chế Mỹ tăng cường hiện diển, ảnh hưởng ở châu Á – Thái Bình Dương, Nga sẽ có những điều chỉnh nhất định trong chính sách liên quan tranh chấp Biển Đông.

Thứ nhất, Nga cần tham gia sâu vào khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói chung và vấn đề Biển Đông nói riêng, tích cực thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại với các nước trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Philippines… để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Thứ hai, việc Nga tích cực can dự vào tranh chấp Biển Đông sẽ giúp nước này nâng cao vai trò, ảnh hưởng trong khu vực, thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại với các nước ASEAN, từng bước khắc phục và giải quyết lệnh trừng phạt tinh kế của phương Tây.

Nhìn chung, Nga vẫn giữ lập trường trung lập trong vấn đề Biển Đông, song sẽ có sự điều chỉnh linh hoạt hơn nhằm cân bằng lợi ích của Nga với các nước liên quan và hạn chế Mỹ gia tăng ảnh hưởng trong khu vực. Thời gian tới, Nga sẽ tích cực can dự vào tranh chấp Biển Đông để bảo vệ những lợi ích của nước này trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Ngoài ra, Trung Quốc sẽ tiếp tục lợi dụng vấn đề đầu tư thương mại, hợp tác kinh tế để lôi kéo Nga ủng hộ Bắc Kinh trong vấn đề Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới