Saturday, September 7, 2024
Trang chủBiển nóngTQ tăng cường sử dụng hệ thống vệ tinh để kiểm...

TQ tăng cường sử dụng hệ thống vệ tinh để kiểm soát phi pháp ở Biển Đông

Cùng với trình độ khoa học kỹ thuật của Trung Quốc ngày càng phát triển, trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã tích cực nghiên cứu, chế tạo và đưa vào sử dụng nhiều hệ thống vệ tinh hiện đại, có tầm quan sát tốt. Ngoài việc phục vụ các mục đích dân sự, hệ thống vệ tinh của Trung Quốc còn được triển khai thành lực lượng trinh sát chiến lược, được sử dụng trong các hoạt động trinh sát, kiểm soát và theo dõi quân sự. Trong đó, việc giám sát, theo dõi phi pháp ở Biển Đông là một trong những mục tiêu chiến lược được Bắc Kinh đặc biệt quan tâm.

Trung Quốc phóng vệ tinh

Giám sát biển được coi là một nhiệm vụ trọng tâm của kế hoạch phát triển vệ tinh của Bắc Kinh, được ưu tiên ở cấp quốc gia và là một trong 8 lĩnh vực quan trọng đã được xác định trong Kế hoạch Phát triển Công nghệ Cao của Nhà nước mang số hiệu 863. Viện Công nghệ Vũ trụ Trung Quốc (CAST) và một cơ quan nhà nước (SOA) có nhiệm vụ thiết kế, phát triển và quản lý các vệ tinh giám sát biển đầu tiên của Trung Quốc. Thời gian vừa qua, quân đội Trung Quốc đã phóng khá nhiều vệ tinh trinh sát biển với khả năng hỗ trợ tác chiến cho tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình và tên lửa phòng không, như các vệ tinh quang – điện tử (EO) cung cấp hình ảnh số; vệ tinh mang rađa mặt mở tổng hợp (SAR) để quan sát ban đêm, cung cấp hình ảnh trong mọi điều kiện thời tiết; vệ tinh tình báo điện tử (ELINT) để xác định vị trí và nhận dạng các tàu bằng phát xạ điện từ.

Bắt đầu từ tháng 5/2002, Trung Quốc phóng vệ tinh giám sát biển đầu tiên Hải Dương-1A (HY-1A) lên quỹ đạo. Vệ tinh này theo dõi nhiệt độ và màu sắc nước biển, đồng thời thực hiện cả nhiệm vụ quân sự. Đến tháng 4/2006, Bắc Kinh phóng vệ tinh Dao cảm để đẩy nhanh quá trình kiểm soát, theo dõi ở Biển Đông. Tháng 4/2007, Trung Quốc tiếp tục phóng vệ tinh Hải Dương-1B để giám sát các vùng biển, kể cả các vùng biển phía Đông và Nam Trung Quốc. Cùng năm, Bắc Kinh triển khai 3 vệ tinh dẫn đường Bắc Đẩu-1, tuy việc cung cấp dịch vụ ở phạm vi từ 70-140 kinh độ đông và từ 5-55 vĩ độ bắc còn hạn chế nhưng khu vực dẫn đường chính xác tới 20m. Năm 2012, quân đội Trung Quốc đã phóng 11 vệ tinh cảm biến từ xa (remote sensing) mới, 3 vệ tinh thông tin liên lạc và 1 vệ tinh chuyển tiếp để liên lạc với các trạm mặt đất. Trung Quốc cũng đã phóng các hệ thống vệ tinh cảnh giới đại dương hải quân (NOSS) phiên bản thứ ba vào tháng 9/2013. Trong năm 2016, Bắc Kinh phóng vệ tinh “Gaofen3” được trang bị hệ thống radar, có khả năng chụp hình ảnh từ vũ trụ với độ phân giải lên tới 1 mét và hoạt động được trong mọi thời thiết để “giám sát môi trường biển, đảo, đá, tàu và các giếng dầu”. Hiện Trung Quốc đang có kế hoạch sẽ phóng thêm 10 vệ tinh quang học và 15 vệ tinh Hải Dương để tăng cường giám sát Biển Đông. Đáng chú ý, những vệ tinh trên còn có khả năng phân tích mọi vật thể trên vùng biển này một cách chi tiết đến mức có thể xác định được cấu trúc của các con tàu.

Song song với việc phóng vệ tinh vào vũ trụ, Trung Quốc cũng xây dựng, đưa vào sử dụng các trạm thu nhận tín hiệu mặt đất, trong đó có trạm đặt tại thành phố Tam Á, tỉnh Hải Nam, được lắp đặt hai hệ thống truyền và nhận dữ liệu, lấy thông tin từ hơn 10 vệ tinh gồm: vệ tinh Thực tiễn số 9, vệ tinh Gám sát môi trường và thiên tai, vệ tinh Giám sát tài nguyên số 3… và truyền dữ liệu bằng cáp quang tốc độ cao. Với trạm này, Trung Quốc được cho là có khả năng thu thập dữ liệu qua vệ tinh về khu vực Biển Đông, qua đó, phân tích, dự báo tình hình môi trường, giám sát thiên tai, nghiên cứu tác động biến đổi khí hậu, giám sát trái phép những thay đổi đối với các đảo trên Biển Đông cũng như giúp nước này hoàn thiện trái phép các hệ thống nghiên cứu khoa học như: hệ thống bảo vệ môi trường sinh thái, hệ thống giám sát băng cháy, hệ thống nghiên cứu địa chất đáy biển, hệ thống giám sát tài nguyên nguồn cá… .

Kế hoạch sử dụng vệ tinh để giám sát Biển Đông là bước đi nằm trong tính toán của Trung Quốc, nhằm thực hiện mưu đồ kiểm soát mọi mặt ở khu vực

Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mọi hoạt động của các nước trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, bao gồm các hoạt động trên mặt biển, trên vùng trời, hay dưới đáy đại dương mà chưa được phép của Việt Nam là vi phạm chủ quyền hợp pháp của Việt Nam. Vì vậy, việc Trung Quốc triển khai hệ thống vệ tinh giám sát là hành vi xâm phạm chủ quyền vùng trời của Việt Nam đối với không phận bên trên lãnh thổ quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời đe dọa trực tiếp đến các đảo và thực thể hợp pháp của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Không những vậy, việc sử dụng các thiết bị vệ tinh do thám như vậy gây ra mối đe dọa đến an ninh và chủ quyền lãnh thổ của các nước trong khu vực Biển Đông.

Trung Quốc triển khai hệ thống vệ tinh giám sát ngày đêm ở Biển Đông chính là nhằm gia tăng sự kiểm soát trên vùng biển mà Bắc Kinh tuyên bố “chủ quyền” phi pháp trong khu vực. Hoạt động này dẫn đến việc Trung Quốc sẽ theo dõi, nắm được hoạt động hàng hải, hàng không hợp pháp của các nước liên quan, gây ra mối đe dọa sâu sắc đối với các hoạt động tự do hàng hải, hàng không trong khu vực. Ngoài ra, một hệ thống định vị toàn cầu độc lập cho phép Trung Quốc nâng cao khả năng kiểm soát, theo dõi tất cả các mục tiêu từ trên không, nâng cao năng lực phối hợp tác chiến, giành ưu thế trong mọi tình huống…

Ngoài ra, các hệ thống vệ tinh sẽ cho phép quân đội Trung Quốc theo dõi, trinh sát, thông tin liên lạc và chuyển tiếp số liệu cho các hoạt động theo dõi và phát hiện mục tiêu trên biển. Thu thập thành công hình ảnh trung thực và độ phân giải cao, xác định mục tiêu và định vị của vệ tinh sẽ tạo thuận lợi cho quân đội Trung Quốc ngăn chặn tàu thuyền các nước bằng các loại tên lửa đạn đạo có điều khiển chính xác và tên lửa hạt nhân tầm thấp. Theo Phó Đô đốc David Dorsett, Phó Tư lệnh phụ trách Các Hoạt động của Hải quân Mỹ: “Cách đây 10 năm, Trung Quốc chưa có rađa phát hiện mục tiêu ngoài chân trời và chưa có IRS (tình báo, giám sát và do thám). Các vệ tinh là đường kết nối quan trọng trong cơ cấu ISR mà quân đội Trung Quốc rất cần để phát hiện, theo dõi và tiến công các tàu nổi nước ngoài trong khu vực biển tranh chấp. Hiện nay Trung Quốc vận hành khá nhiều vệ tinh, từ đó có thể cung cấp các số liệu quan trọng về mục tiêu trong khu vực Biển Đông.

Nhìn chung, trong bối cảnh Hiện nay, tuy Trung Quốc đã đạt được tiến bộ nhanh chóng về các hệ thống độc lập hoặc “phần cứng”, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế trong việc theo dõi và bắt bám mục tiêu trên biển. Trung Quốc ngày càng đẩy mạnh các hoạt động phi pháp trên Biển Đông, từ tập trận cho tới tuần tra phi pháp, đánh bắt cá trái phép… việc dùng vệ tinh để viễn thám “kiểm soát” trái phép mọi động thái diễn ra trên hầu như toàn bộ Biển Đông là một bước leo thang mới hết sức nguy hiểm và khó lường của Bắc Kinh.

RELATED ARTICLES

Tin mới