Friday, November 29, 2024
Trang chủBiển nóngTQ và ASEAN đang thúc đẩy đàm phán về Bộ Quy tắc...

TQ và ASEAN đang thúc đẩy đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông?

Ngày 27/6, tại tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc), Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc đã tổ chức Cuộc họp các quan chức cấp cao (SOM) ASEAN-Trung Quốc phiên họp lần thứ 15 về thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Tại cuộc họp, các bên liên quan đã trao đổi về tình hình thực hiện DOC, tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của việc tuân thủ đầy đủ và hiệu quả văn kiện này đối với việc duy trì đối thoại hợp tác vì hòa bình và ổn định ở Biển Đông; đồng thời các bên cũng tiến hành kiểm điểm quá trình thực hiện DOC, đàm phán văn kiện Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) và xác định các hoạt động tiếp theo liên quan đến vấn đề này. Các nước cũng trao đổi quan điểm về COC và cách thức đàm phán văn kiện này, định hướng các bước đi tiếp theo cũng như xây dựng nội dung báo cáo lên Hội nghị các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – Trung Quốc vào tháng 8 tới tại Singapore.

Các quan chức tham dự cuộc họp nhấn mạnh việc cần thiết phải tiếp tục thúc đẩy và mở rộng các biện pháp xây dựng lòng tin trong khuôn khổ thực hiện DOC, tạo môi trường thuận lợi cho đàm phán COC.Phát biểu tại SOM-DOC, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng khẳng định tầm quan trọng của thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC đối với việc duy trì hòa bình, ổn định và an ninh khu vực, hoan nghênh một số kết quả trong việc thực hiện DOC; đồng thời bày tỏ lo ngại trước các hoạt động tái tạo đảo, lắp đặt và thử nghiệm các thiết bị quân sự tại các cấu trúc có tranh chấp ở Biển Đông, đi ngược lại nguyên tắc của DOC, ảnh hưởng bất lợi tới tiến trình đàm phán COC. Ông Nguyễn Quốc Dũng cũng kêu gọi các bên kiềm chế, không có các hoạt động làm phức tạp tình hình trên thực địa, tạo môi trường thuận lợi cho đàm phán COC. Ngoài ra, ông Nguyễn Quốc Dũng cũng nhấn mạnh Việt Nam ủng hộ một COC có hiệu lực thực thi, có tính ràng buộc về pháp lý và là công cụ điều chỉnh hành vi của các bên trên Biển Đông, có các nội dung phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, đóng góp thực chất cho việc xây dựng khu vực hòa bình, ổn định, hoạt động dựa trên luật lệ.      

Trước đó, từ ngày 25-26/6 cũng đã diễn ra phiên họp lần thứ 24 Nhóm công tác chung (JWG) ASEAN-Trung Quốc về thực hiện DOC. Cuộc họp lần này tập trung lần vào trao đổi các nội dung cụ thể của văn kiện Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), xác định các nguyên tắc và bước triển khai sắp tới của JWG-DOC.

 Tuy được các bên tích cực thảo luận, trao đổi quan điểm, nhưng một COC hữu hiệu còn là điều xa vời đối với ASEAN và Trung Quốc

Thứ nhất, Trung Quốc tiếp tục tiến hành các hoạt động quân sự hóa trên Biển Đông, đồng thời tìm cách tăng cường khả năng quản lý, giám sát (phi pháp) đối với khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và ngăn chặn ngư dân Philippines tiếp cận bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham. Những hành động trên của Trung Quốc tiếp tục làm xói mòn lòng tin, làm gia tăng căng thẳng và có thể ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh và sự ổn định trong khu vực. Chuyên gia an ninh biển Collin Koh tại Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) cho rằng Bắc Kinh đang lợi dụng tình hình tương đối ổn định để âm thầm củng cố năng lực kiểm soát ở Biển Đông. “Bắc Kinh có lẽ cũng nhận ra rằng hòa bình hiện nay, so với căng thẳng dâng cao hồi năm ngoái, có thể là tạm thời hoặc ngắn ngủi, nên nước này sẽ tiếp tục củng cố sự hiện diện của mình ở khu vực”, ông Collin Koh cho biết.

Thứ hai,bản thân Trung Quốc không muốn có một COC mang tính ràng buộc pháp lý, vì cho rằng nếu COC mang tính ràng buộc về pháp lý sẽ ngăn chặn âm mưu độc chiếm Biển Đông của Bắc Kinh. Việc Trung Quốc tích cực tuyên truyền, đầy mạnh hoạt động đàm phán, trao đổi với các nước ASEAN về vấn đề Biển Đông nói chung và thảo luận DOC, COC nói riêng chỉ là hành động đánh bóng hình ảnh của Trung Quốc, góp phần xoa dịu và trấn an các nước ASEAN về cam kết “thực hiện nghiêm DOC” của Bắc Kinh. Ngoài ra, Trung Quốc cũng muốn thông qua những hành động này nhằm phản bác lại phần nào phán quyết của Tòa Trọng Tài (7/2016) về vấn đề Biển Đông.

Thứ ba, việc Trung Quốc tích cực thúc đẩy đàm phán COC, song không đạt được kết quả khả quan, cụ thể nào cũng là bước tính toán của Bắc Kinh trong việc “câu giờ” để củng cố sức mạnh trên biển. Tính đến thời điểm hiện tại, các cuộc đàm phán về COC mang tính ràng buộc pháp lý đã được thực hiện kể từ giữa những năm 1990, song đạt được rất ít tiến triển, kể cả khi DOC được thông qua từ năm 2002.

Thứ tư, Bắc Kinh muốn thông qua các cuộc đàm phán, tham vấn với ASEAN để nghiên cứu, nắm quan điểm của các nước ASEAN đối với Trung Quốc. Từ đó, Bắc Kinh sẽ đưa ra những đối sách cụ thể với từng nước, để lôi kéo hoặc ép buộc phải ủng hộ quan điểm của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Nói một cách khác, Trung Quốc vẫn muốn tìm cách chia rẽ ASEAN và chèn ép những nước “không nghe lời”.

Nhìn chung, trong bối cảnh tình hình tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông đang ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt là Trung Quốc liên tục có các hành vi vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các nước liên quan ở Biển Đông khiến việc tìm ra một giải pháp hữu hiệu, mang tính ràng buộc pháp lý còn gặp nhiều bế tắc. Nguyên nhân chính là do Trung Quốc tiếp tục ngoan cố, tìm mọi cách để chiếm Biển Đông làm của riêng.

Nhìn từ những hành động thực tế của Trung Quốc sau phán quyết của Tòa Trong tài theo Phụ lục VII của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 cho thấy, một COC mang tính ràng buộc pháp lý chưa chắc đã đủ mạnh để ràng buộc Trung Quốc phải tuân thủ luật pháp quốc tế và chấm dứt các hành động phi pháp ở Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới