Cuộc chinh phục này thầm lặng nhưng hiệu quả và không ít lần phía EU phải dùng luật bảo hộ và chống độc quyền để đối phó và ngăn cản Trung Quốc.
Ảnh EPA
Vừa rồi, báo chí và truyền thông ở nước Đức đồng loạt đưa tin về việc Trung Quốc hoạt động gián điệp trong quốc hội Đức. Dân biểu và nhân viên liên quan trong quốc hội Đức không bị nêu danh cụ thể nhưng vụ việc rất cụ thể, cách thức hoạt động tình báo của Trung Quốc rất cụ thể, mức độ tiền bạc rất cụ thể.
Cơ quan bảo vệ hiến pháp Đức, tức là cơ quan phản gián của Đức, cũng đã lên tiếng, mà không hề nhẹ nhàng và cũng chẳng phải lần đầu tiên, cảnh báo về việc Trung Quốc tăng cường hoạt động tình báo chính trị ở nước Đức, bên cạnh tình báo kinh tế. Đến khi báo chí và giới truyền thông biết thì chuyện này xem ra không phải là mới nữa.
Điều đáng chú ý giới truyền thông Đức tung chuyện này ra công khai ngay trước khi diễn ra lần tham vấn thứ 7 giữa chính phủ Đức và chính phủ Trung Quốc tại Berlin (Đức). Thủ tướng Trung Quốc và gần 10 bộ trưởng Trung Quốc tham dự.
Đức thận trọng trong quan hệ với Trung Quốc
Hai năm trước đây, Thủ tướng Đức Angela Merkel cùng nhiều thành viên chính phủ Đức trong tham vấn chính phủ với Trung Quốc đã để cập vấn đề này với phía Trung Quốc. Hai bên thoả thuận thành lập cơ chế tham vấn chung để xử lý.
Sự trùng hợp về thời điểm của cuộc tham vấn chính phủ giữa hai nước và những công bố của giới truyền thông Đức không thể tình cờ. Giới truyền thông Đức xem ra được bật đèn xanh cho việc phát đi thông điệp cảnh báo cả phía Trung Quốc lẫn những đối tác ở châu Âu được Trung Quốc tranh thủ từ lâu nay.
Đối với Trung Quốc, đó là thông điệp về điểm dừng. Đối với các nước châu Âu kia, đó là thông điệp về phải cảnh giác và thận trọng trong quan hệ với Trung Quốc.
Trên phương diện chính thức, Đức cũng như EU nói chung đều tỏ ra rất coi trọng và tranh thủ Trung Quốc. Nhưng rõ ràng trong thực chất vẫn luôn có sự nghi ngại rất lớn về Trung Quốc.
Cho tới nay, Trung Quốc đã tiến hành khá thành công cuộc chinh phục châu lục về kinh tế và thương mại. Hàng hoá của Trung Quốc đã ngập tràn thị trường châu Âu. Nhiều thương hiệu lừng danh của châu Âu cứ dần lọt vào tay Trung Quốc.
Cuộc chinh phục này thầm lặng nhưng hiệu quả và không ít lần phía EU phải dùng luật bảo hộ và chống độc quyền để đối phó và ngăn cản.
Mức độ chinh phục châu lục về kinh tế và thương mại như thế tự khắc sản sinh ra nhu cầu chinh phục châu lục cả về chính trị nữa đối với Trung Quốc. Hoạt động tình báo chính trị phục vụ cho chinh phục châu lục về chính trị. Trong cuộc chinh phục ấy, nước Đức đương nhiên là một trong những trọng tâm đối với Trung Quốc.
Quan hệ của Trung Quốc với Mỹ càng khó khăn, phức tạp và trắc trở thì các nước châu Âu càng thêm quan trọng đối với Trung Quốc, tức là cuộc chinh phục châu lục này có ý nghĩa càng thêm sống còn đối với Trung Quốc.
Giữa Mỹ và các đồng minh, đối tác ở châu Âu càng thêm xa lạ và phân cách, như chiều hướng diẽn biến hiện tại, thì Trung Quốc càng dễ dàng và thuận lợi trong việc chinh phục các nước châu Âu.
Một trong những sách lược được Trung Quốc sử dụng thường xuyên nhất là “chia để trị”, cụ thể là phân hoá nội bộ các nước châu Âu với nhau và các thành viên EU với EU.
Từ 7 năm nay, Trung Quốc khá thành công với sách lược ấy sau khi gây dựng được khuôn khổ diễn đàn tiếp xúc và tham vấn thường niên với 16 nước thành viên EU ở khu vực Trung và Đông Âu.
Việc phía Đức công khai đưa tin và cáo buộc Trung Quốc hoạt động tình báo chính trị vào thời điểm hiện tại và trong bối cảnh tình hình hiện tại ở châu Âu và nước Đức không thể không phủ bóng đen xuống cuộc tham vấn giữa hai chính phủ.
Nó cho thấy giữa hai nước này hiện còn cách rất xa mối quan hệ đối tác chiến lược thật sự và mức độ tin cậy lẫn nhau trong thực chất hiện còn cách rất xa như hai phía biểu lộ ra bên ngoài.