Friday, November 15, 2024
Trang chủĐiểm tinBản tin Biển Đông ngày 12/07/2018

Bản tin Biển Đông ngày 12/07/2018

Bản tin Biển Đông ngày 12/07/2018.

Các quan chức nghỉ hưu của Philippines hối thúc Chính phủ có các biện pháp cứng rắn hơn để bảo vệ chủ quyền của nước này trên Biển Đông

Ngày 11/7, Gulf Times đưa tin, ngày 10/7, tại một cuộc họp báo tại San Juan, Philippines, một nhóm các sỹ quan quân đội nghỉ hưu của Philippines (Nhóm Vì Lợi ích quốc gia – AGNI) đã lên tiếng hối thúc chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte triển khai các biện pháp “quyết liệt hơn” để bảo vệ các quyền của nước này trên Biển Đông. Tuy nhiên, cựu Đại tướng nghỉ hưu Ramon Farolan của Không lực Philippines nhấn mạnh rằng nhóm này mong muốn có một giải pháp hoà bình đối với tranh chấp Biển Đông.

Bên cạnh đó, ông Farolan cũng cho rằng Chính phủ cần đảm bảo an toàn cho các nhóm tiếp viện của Hải quân Philippines trên Bãi Cỏ Mây và bãi Scarborough trước nguy cơ có thể bị phía Trung Quốc gây sách nhiễu vì lo ngại những vụ việc đã xảy ra với hai khu vực này có thể sẽ bị tái diễn lại lần nữa.

Phó Tổng thống Philippines cảnh báo về nguy cơ đánh mất lợi thế từ Phán quyết vụ kiện Trọng tài Biển Đông

Tờ The Philippines Star đưa tin, ngày 12/7, phát biểu tại một diễn đàn nhân kỷ niệm 2 năm Phán quyết của Toà Trọng tài vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc được đưa ra vào ngày 12/7/2016, Phó Tổng thống Philippines Leni Robredo cho rằng Philippines cần bắt đầu việc lên kế hoạch về các bước tiếp theo để bảo vệ chủ quyền của mình trên Biển Đông. Bà Rebredo đặc biệt nhấn mạnh rằng nguy cơ đe doạ chủ quyền của Philippines trên Biển Đông và an ninh của người dân đang là những thách thức lớn nhất và cấp bách nhất đối với nước này. Phát biểu khai mạc diễn đàn, bà Robredo còn mô tả hành động xâm lấn của Trung Quốc đối với lãnh thổ của Philippines trên Biển Đông “là nguy cơ đe doạ nghiêm trọng nhất đối với nước này kể từ Thế chiến thứ II”. Bà tỏ ra lo ngại rằng Philippines bắt đầu mất đi những lợi thế có được từ Phán quyết khi mà chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte quyết định tạm gác Phán quyết sang một bên để thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc. Bà cho biết đã đến lúc Philippines cần sử dụng biện pháp hoà bình để phản đối bất kỳ nỗ lực nào nhằm hạn chế hoặc kiểm soát các bên ở Biển Đông. Bà Robredo cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng một hệ thống dựa trên luật lệ quốc tế, là những gì “nằm ở giữa xung đột và hòa bình”.

Thẩm phán Toà án tối cao Philippines: “Thực thi Phán quyết vì các thế hệ của hiện tại và tương lai”

Ngày 12/7, Rappler đăng bài viết “Thực thi Phán quyết vì các thế hệ của hiện tại và tương lai” của ông Antonio Carpio, Thẩm phán Toà án tối cao Philippines. Trong bài viết, Thẩm phán Carpio khẳng định Phán quyết của Toà Trọng tài vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc ngày 12/7/2016 là “Phán quyết quan trọng nhất” được đưa ra theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS), có tác động lớn trên toàn thế giới vì đã kết luận rằng các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa mở rộng không thể chỉ dựa trên tài nguyên thiên nhiên của họ mà tạo ra khả năng có thể duy trì một cộng đồng cư dân ổn định. Đặc biệt, ông cho rằng ý nghĩa quan trọng nhất của Phán quyết là Phán quyết đã bác bỏ rằng yêu sách lịch sử “đường chín đoạn” của Trung Quốc không thể là cơ sở pháp lý để đòi hỏi bất kỳ vùng biển hay tài nguyên nào của Biển Đông. Trung Quốc, giống như tất cả các quốc gia ven biển khác ở Biển Đông, chỉ có thể đòi hỏi các vùng biển không vượt quá 350 hải lý tính từ bờ biển của mình. Đồng thời, Phán quyết cũng khẳng định sự tồn tại của các vùng biển ở Biển Đông và các vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia ven biển trong khu vực. Đối với Philippines, Phán quyết đã ghi nhận Philippines có đầy đủ vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý trên Biển Đông, ngoại trừ các lãnh hải của đảo và đá cao triều vẫn còn tranh chấp vì Toà không có thẩm quyền đối với các vấn đề lãnh thổ hoặc chủ quyền. Như vậy, khu vực biển mà Philippines giành được trong Phán quyết đã lớn hơn diện tích các đảo trong quần đảo Philippines kết hợp lại cũng như tất cả các loại cá, dầu khí và các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác ở Biển Đông đều thuộc về Philippines.

Tuy nhiên, tác giả bài viết đặt ra nghi vấn đối với việc thực thi Phán quyết của Chính phủ Philippines mà rõ ràng có lợi cho nước này, khi mà Tổng thống Rodrigo mới chỉ khẳng định sẽ nêu vấn đề Phán quyết với Trung Quốc vào một số thời điểm nào đó trong nhiệm kỳ của ông, trước khi kết thúc vào ngày 30/6/2022. Trong khi đó, hải quân của các cường quốc trên thế giới như Mỹ, Anh, Pháp, Úc, Ấn Độ, Nhật Bản đang góp phần thực thi Phán quyết và khẳng định tự do hàng hải, gián tiếp khẳng định sự tồn tại của các vùng biển và vùng đặc quyền kinh tế ở Biển Đông. Ông Antonio Carpio cho rằng “đây là điều may mắn cho người dân Philippines”. Bên cạnh đó, ông Carpio kêu gọi người dân Philippines thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Phán quyết, bảo vệ lợi ích quốc gia của Philippines, lên tiếng với các quốc gia khác để họ hiểu rằng sự tuân thủ của Trung Quốc đối với Phán quyết là cần thiết cho sự tồn tại của UNCLOS.

Ngoài ra, ông cũng nêu ra những lý do mà căn cứ vào đó, một số ý kiến cho rằng chưa nên thực thi Phán quyết: (i) Việc thực thi Phán quyết sẽ gây ra chiến tranh với Trung Quốc (tuy nhiên Chiến tranh là hành vi bị cấm bởi luật quốc tế và Hiến pháp Philippines), (ii) Cho rằng Trọng tài không phải là biện pháp hòa bình để giải quyết các tranh chấp giữa các quốc gia (dù biện pháp Trọng tài đã được công nhận bởi Hiến chương Liên Hợp Quốc và UNCLOS); (iii) Có ý kiến nói rằng trọng tài không phải là một phần của ngoại giao và tranh chấp Biển Đông chỉ có thể được giải quyết thông qua con đường ngoại giao (thực chất, Trọng tài là một phần của biện pháp ngoại giao, một trong những công cụ của các nhà ngoại giao trong đàm phán giải quyết hòa bình các tranh chấp giữa các quốc gia); (iv) có những ý kiến nói rằng tranh chấp Biển Đông là một sự cạnh tranh địa chính trị giữa Trung Quốc và Mỹ, và Philippines nên tránh ra khỏi cuộc chiến giữa hai siêu cường này (tuy nhiên thực tế Trung Quốc mới là quốc gia đang tìm cách hiện thực hoá tham vọng kiểm soát Biển Đông trong đó có các vùng biển của Philippines, sẽ không có tranh chấp nóng nào ở khu vực nếu nước này chịu từ bỏ việc chiếm đoạt một các bất hợp pháp các vùng biển).

Trung Quốc và hành động sử dụng vũ lực của nước này trên Biển Đông

Ngày 11/7, tạp chí The Diplomat đăng bài viết “Trung Quốc đang sử dụng vũ lực/chèn ép trên Biển Đông” của TS. Constantinos Yiallourides, Nghiên cứu viên tại Viện Luật quốc tế và So sánh Anh (BIICL). Ông Yiallourides cho rằng, dù Trung Quốc đã nhiều lần cam đoan rằng “sẽ không sử dụng vũ lực” để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ nhưng các hoạt động cải tạo và xây dựng quân sự không ngừng tại các vùng lãnh thổ tranh chấp nhằm tạo ra một “sự đã rồi” và ép buộc các bên tranh chấp khác chấp nhận nguyên trạng mới này. Tác giả nhận định, những hành động của Trung Quốc được xem là một sự mở rộng lãnh thổ bất hợp pháp thông qua vũ lực, trái với luật pháp quốc tế. Bằng cách quân sự hóa các cấu trúc tranh chấp, Trung Quốc muốn cho các “đối thủ” của mình thấy rằng họ chỉ có hai lựa chọn, một là chấp nhận nguyên trạng mới và hai là “đối mặt với một cuộc chiến tranh tốn kém với một cường quốc lớn trong khu vực”. Thậm chí, ngay cả sau khi Toà Trọng tài quốc tế ra Phán quyết vào ngày 12/7/2016 vô hiệu hoá các yêu sách biển phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông, nước này vẫn tiếp tục tăng cường và mở rộng lãnh thổ chiếm đóng của mình ở khu vực. Theo nhà khoa học chính trị hàng đầu M. Taylor Fravel, việc sử dụng vũ lực của Trung Quốc trong các tranh chấp lãnh thổ của họ là nhằm mục đích “tạo ra cái uy đầy cứng rắn trong các tranh chấp lãnh thổ và răn đe các đối thủ của mình trong tất cả các tranh chấp khác.”

Giải thích về hành động quân sự của Trung Quốc theo khía cạnh luật pháp quốc tế, ông Yiallourides khẳng định ngay cả khi sự triển khai vũ trang đơn lẻ không đủ nghiêm trọng để được coi là một cuộc tấn công vũ trang nhưng khi được thực hiện một cách tổng thể, những hành động của Trung Quốc vẫn có thể nằm trong phạm vi của một cuộc tấn công vũ trang được quy định tại Điều 51 của Hiến chương Liên Hợp Quốc. Thêm vào đó, nếu việc Trung Quốc chiếm đóng và đơn phương triển khai lực lượng vũ trang trong quần đảo Trường Sa đủ điều kiện để bị xem là “sử dụng vũ lực chống lại các bên tranh chấp khác”, Trung Quốc sẽ bị xem là vi phạm “erga omnes”, các quốc gia bên thứ ba ngay cả khi họ không bị ảnh hưởng bởi những hành động của Trung Quốc cũng có thể yêu cầu nước này thực hiện trách nhiệm quốc tế. Có nghĩa là các quốc gia khác ngoài các nước yêu sách Biển Đông cũng có thể áp đặt một loạt các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, theo tác giả nhận định, liệu có nước nào sẵn sàng sử dụng các biện pháp đáp trả đối với Trung Quốc hay không vẫn là câu chuyện còn đang bỏ ngỏ.

RELATED ARTICLES

Tin mới