Tờ Asahi Shimbun Nhật Bản (4/7) dẫn lời quan chức Nhật Bản cho biết Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản có kế hoạch điều tàu sân bay trực thăng Kaga cùng 1 tàu hộ vệ tiến hanh các hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông trong tháng 9/2018. Kế hoạch trên của Nhật Bản là nhằm phục vụ nhiều mục đích chiến lược trong việc bảo đảm tự do hàng hải, hàng không ở khu vực, cũng như ngăn chặn Trung Quốc độc chiếm Biển Đông.
Tàu sân bay Kaga của Nhật Bản
Tờ Asahi Shimbun cho biết, hai tàu trên của Nhật Bản sẽ tiến hành thăm Ấn Độ, Sri Lanka và một số nước Đông Nam Á, đồng thời tham gia huấn luyện, diễn tập liên hợp đa quốc gia trong khu vực. Kế hoạch trên của Nhật Bản là một phần trong chiến luocj “Ấn Độ – Thái Bình Dương rộng mở”. Tàu sân bay trực thăng Kaga chính thức đi vào hoạt động từ ngày 22/3/2017, dài 248 m, có thể chở theo nhiều nhất 14 máy bay trực thăng; nó là một trong hai chiến hạm mạnh nhất của hải quân Nhật Bản.
Nhật Bản cử tàu sân bay trực thăng Kaga giao lưu hải quân và tuần tra trong khu vực nhằm thực hiện nhiều mục đích quan trọng
Thứ nhất, việc Nhật Bản cử tàu sân bay Kaga tham gia huấn luyện, tuần tra trong khu vực là một hành động phô diễn sức mạnh hải quân với quy mô lớn. Đây là lần thứ hai Nhật Bản cử tàu sân bay tiến hành diễn tập ở Biển Đông (năm 2017, Nhật Bản cử tàu sân bay Izumo tuần tra trong khu vực), nó có ý nghĩa quan trọng trong việc khẳng định sức mạnh hải quân của Nhật Bản.
Thứ hai, Nhật Bản liên tục cử tàu sân bay tham gia tập trận, tuần tra ở Biển Đông trong 2 năm liên tục cho thấy Tokyo đã có bước điều chỉnh chính sách trong vấn đề Biển Đông, muống cùng Mỹ mở ra một chiến tuyến thống nhất kiềm chế các hoạt động phi pháp của Trung Quốc trong khu vực.
Thứ ba, việc điều tàu sân bay tập trận và tuần tra ở Biển Đông cho thấy quyết tâm của Nhật Bản trong việc bảo vệ các tuyến đường giao thông hàng hải huyết mạch có ý nghĩa sống còn đối với Tokyo ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và Biển Đông. Ngoài ra, Nhật Bản điều tàu Kaga tới Biển Đông cũng để bảo vệ hoạt động trên biển của tàu thuyền Nhật Bản trước sự đe dọa từ lực lượng tàu ngầm Trung Quốc.Tiến sĩ Andrew Shaerer, Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế từng cho rằng, Nhật Bản đang thực hiện một “nước cờ” an ninh cứng rắn dưới thời Thủ tướng Shinzo Abe. “Biển Đông là một tuyến đường thủy quốc tế rất quan trọng không chỉ với Nhật Bản, mà còn nhiều nước trong khu vực. Dù không có tranh chấp tại vùng biển này, nhưng Tokyo cũng cần thể hiện là một cường quốc có trách nhiệm trong khu vực trong bối cảnh Mỹ chưa có nhiều động thái rõ ràng tại đây. Đây sẽ là bàn đạp giúp Nhật Bản gia tăng ảnh hưởng trong khu vực”.
Thứ tư, không loại trừ khả năng Nhật Bản cử tàu sân bay trực thăng Kaga tuần tra Biển Đông là để thu thập thông tin, số liệu nhằm đánh giá về sức manh quân sự của hải quân Trung Quốc (tàu chiến, máy bay chiến đấu, tàu ngầm…). Khi tàu Kaga vào khu vực Biển Đông, Trung Quốc sẽ sử dụng các hệ thống như vệ tinh, máy bay tuần tra, máy bay cảnh báo sớm, tàu trinh sát mặt nước, tàu khu trục, tàu hộ vệ, tàu ngầm theo đuôi để giám sát tàu Kaga Nhật Bản. Hành động này của Bắc Kinh sẽ giúp Nhật Bản thu thập, đánh giá khách quan về sức mạnh hải quân Trung Quốc.
Thứ năm, việc Nhật Bản “lộ” thông tin cử tàu sân bay trực thăng Kaga đến Biển Đông và đi thăm một số nước (Ấn Độ, Sri Lanka và một số nước Đông Nam Á) là để thăm dò, thử phản ứng của Mỹ và Trung Quốc. Một mặt, nó thể hiện cam kết của Nhật Bản trong việc sát cánh với Mỹ nhằm thực hiện các kế hoạch, hành động đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông; mặt khác, Nhật Bản cũng muốn gửi “thông điệp” cứng rắn đến Trung Quốc, cảnh cáo, thách thức những hành động phi pháp của Bắc Kinh ở Biển Đông cũng như Biển Hoa Đông.
Thứ sáu, Nhật Bản cũng muốn thông qua những hoạt động giao lưu hải quân, cử tàu chiến hiện đại tuần tra, tập trận trong khu vực Biển Đông để cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc trong khu vực Đông Nam Á, thể hiện mong muốn sát cánh cùng các nước ASEAN chống lại tham vọng bá quyền của Trung Quốc trong khu vực. Ông Jonathan Spangler, Giám đốc Viện nghiên cứu Biển Đông Think Tank có trụ sở ở Đài Loan nhận định: “Giống Trung Quốc và Mỹ, Nhật Bản đang tìm cách củng cố vai trò của một nước lãnh đạo trong khu vực. Một phần của nỗ lực này bao gồm việc chứng tỏ rằng họ có khả năng và sự can đảm để hoạt động ở các khu vực ở xa biên giới của họ”. Cùng với quan điểm trên, Giáo sư Carl Thayer, Đại học New South Wales, Australia, từng nhận định Trung Quốc và Nhật Bản đang tranh giành ảnh hưởng về kinh tế ở Đông Nam Á, một điểm nóng cho đầu tư và là một thị trường tiêu dùng sôi động của khoảng 600 triệu người. Vì vậy, thông qua các hoạt động hải quân trong khu vực, Nhật Bản muốn hình thành một “mặt trận thống nhất” với các nước Đông Nam Á để chống lại tham vọng bá quyền của Trung Quốc.
Việc Nhật Bản cử tàu sân bay Kaga tuần tra ở Biển Đông là bước hiện thực hóa chiến lược đảm bảo tự do hàng hải, hàng không trong khu vực:
Chính phủ Nhật Bản cho rằng tự do hàng hải là quyền cơ bản khi các tàu thuyền được qua lại vô hại ở những vùng biển theo quy định của luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Cùng với kế hoạch cử tàu sân bay trực thăng Kaga tuần tra ở Biển Đông, Nhật Bản đã triển khai nhiều biện pháp nhằm thể hiện quyết tâm đảm bảo hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông: Chính phủ Nhật Bản đưa ra nhiều tuyên bố chính trị ủng hộ các hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông và phản đối các hoạt động đơn phương đe dọa ổn định, hòa bình trong khu vực. Thủ tướng Nhật Shinzo Abe (20/03/2017) tuyên bố Nhật Bản ủng hộ một “trật tự hàng hải tự do và mở rộng” tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Chính phủ Nhật Bản (21/3/2017) công bố Báo cáo thường niên về hỗ trợ nước ngoài, trong đó nhấn mạnh cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ năng lực giám sát của các quốc gia Đông Nam Á. Nhật Bản cũng đã triển khai nhiều hoạt động tuần tra, tập trận trong khu vực nhằm đảm bảo hoạt động giao thông hàng hải trên Biển Đông không bị gián đoạn. Cử máy bay P-3C tuần tra, phòng chống cướp biển trên Biển Đông, cử tàu sân bay Izumo tuần tra Biển Đông và bảo vệ các tuyến đường hải hải ở Biển Đông, đảm bảo an ninh, giao thông hàng hải của Nhật Bản không bị ảnh hưởng trước các mối đe dọa từ tàu ngầm của TQ…
Tuy nhiên, việc Nhật Bản triển khai các hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông còn gặp nhiều khó khăn và phụ thuộc vào diễn biến tình hình Biển Đông, nhất là các hoạt động phi pháp của Trung Quốc và xu hướng chính sách của Mỹ đối với khu vực.
Trong khi đó, Trung Quốc đang có những phản ứng khiếm nhã trước kế hoạch tuần tra đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông của Nhật Bản
Truyền thông Trung Quốc cho rằng việc Nhật Bản có kế hoạch điều tàu sân bay trực thăng Kaga đến tuần tra Biển Đông là một thông tin “gai mắt”, Tokyo đang cố tình gây căng thẳng trong khu vực, hành động sắp tới không phù hợp với không khí cải thiện quan hệ Trung – Nhật hiện nay; đồng thời cảnh báo tàu chiến Nhật Bản đến Biển Đông sẽ bị coi là “khiêu khích chính trị và ngoại giao” và Trung Quốc sẽ có hành động “báo thù”. Thời báo Hoàn Cầu (4/7) cho rằng Nhật Bản là quốc gia phối hợp với Mỹ ở mức cao nhất trong hành động tự do đi lại ở Biển Đông, đồng thời tìm cách đạt được nhiều mục đích khác, chẳng hạn tiến hành kiềm chế Trung Quốc, tạo ra một “quân bài” để đấu với Trung Quốc, có lý do để tăng cường sức mạnh quân sự, tạo ra một điểm tựa ngoại giao mới, tăng khả năng tham gia vào các vấn đề an ninh khu vực.
Đáng chú ý, một số tờ báo Trung Quốc còn ngang nhiên đe dọa, nếu tàu chiến Nhật Bản đi vào khu vực 12 hải lý của các đảo, đá ngầm do Trung Quốc chiếm đóng phi pháp ở Biển Đông thì sẽ gặp “rủi ro rất lớn”. Còn tờ “Liberty Times Net” của Đài Loan (4/7) cho rằng trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đang gia tăng tranh đoạt bá quyền trên biển và Biển Đông trở thành một trong những khu vực rất căng thẳng thì việc Nhật Bản tiếp tục điều tàu sân bay trực thăng đến Biển Đông là để tránh bị “cho ra rìa” và thúc đẩy quyền lợi tự do đi lại ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.
Trước đây, khi Nhật Bản (5/2017) cử tàu sân bay Izumo tuần tra Biển Đông, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh từng cáo buộc, “dựa vào lợi ích của riêng mình, Nhật Bản gần đây đã làm hại đến sự ổn định ở Biển Đông, “gây ra sự bất bình và phản đối rất lớn của người dân Trung Quốc. Nếu Nhật Bản tiếp tục có những hành động sai lầm như vậy và thậm chí có ý định can thiệp quân sự đe dọa đến chủ quyền vàan ninh của Trung Quốc… thì Bắc Kinh chắc chắn sẽ tung ra những đòn đáp trả mạnh mẽ”.