Friday, November 15, 2024
Trang chủĐiểm tinTQ tiến hành chiến dịch truyền thông đả kích kế hoạch đưa...

TQ tiến hành chiến dịch truyền thông đả kích kế hoạch đưa tàu sân bay của Nhật vào Biển Ðông

Ngay sau khi có thông tin Nhật Bản có kế hoạch điều tàu sân bay trực thăng Kaga cùng 1 tàu hộ vệ đến Biển Đông tuần tra vào tháng 9 tới, báo chí, truyền thông Trung Quốc đã đồng loạt đăng tải nhiều bài viết đả kích, bình luận tiêu cực và đưa ra các cảnh báo đe dọa đối với kế hoạch này của Nhật Bản.

Báo chí Trung Quốc sử dụng những lời lẽ hăm dọa

Tờ “Thời báo Hoàn Cầu” (4/7) đăng bài xã luận cho rằng đối với người Trung Quốc, việc Nhật Bản có kế hoạch điều tàu sân bay trực thăng Kaga đến tuần tra Biển Đông là một thông tin “gai mắt”, không phù hợp với không khí cải thiện quan hệ Trung – Nhật hiện nay. Theo tờ báo này, Nhật Bản là quốc gia phối hợp với Mỹ ở mức cao nhất trong hành động tự do đi lại ở Biển Đông, đồng thời tìm cách đạt được nhiều mục đích khác, chẳng hạn tiến hành kiềm chế Trung Quốc, tạo ra một “quân bài” để đấu với Trung Quốc, có lý do để tăng cường sức mạnh quân sự, tạo ra một điểm tựa ngoại giao mới, tăng khả năng tham gia vào các vấn đề an ninh khu vực. Cũng trong bài viết khác, tờ “Thời báo Hoàn Cầu” cảnh báo tàu chiến Nhật Bản đến Biển Đông với bất cứ lý do gì thì đều sẽ bị coi là “khiêu khích chính trị và ngoại giao” đối với Trung Quốc. Hành động này chắc chắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ Trung – Nhật và Trung Quốc sẽ có hành động “báo thù” và thủ đoạn báo thù hoàn toàn “không ít”.

Cho rằng “hành động của Nhật Bản không ảnh hưởng đến việc xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông”

“Thời báo Hoàn Cầu” đe dọa, Biển Đông không phải là nơi để Nhật Bản tìm kiếm cảm giác hiện diện. Nhật Bản cần kiềm chế sự phối hợp với hành động của Mỹ trên Biển Đông, cân nhắc đầy đủ cảm giác của Trung Quốc. Tờ báo này hăm dọa rằng Biển Đông không phải là nơi thích hợp để triển khai đối đầu với Trung Quốc. Tờ báo này còn cho rằng, tàu sân bay trực thăng Nhật Bản đến Biển Đông cũng không thể tạo ra được mối đe dọa thực tế cho Trung Quốc, không ảnh hưởng đến việc xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông.

Một số bài báo khác của Trung Quốc cũng đe dọa, nếu tàu chiến Nhật Bản đi vào khu vực 12 hải lý của các đảo, đá ngầm do Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp ở Biển Đông thì sẽ gặp “rủi ro rất lớn” và Nhật Bản biết mình không thể gánh được những rủi ro này. Còn tờ “Liberty Times Net” của Đài Loan (4/7) cho rằng trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đang gia tăng tranh đoạt bá quyền trên biển và Biển Đông trở thành một trong những khu vực rất căng thẳng thì việc Nhật Bản tiếp tục điều tàu sân bay trực thăng đến Biển Đông là để tránh bị “cho ra rìa” và thúc đẩy quyền lợi tự do đi lại ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.

Các nước tiếp tục triển khai các hoạt động tự do hàng hải và lưu thông bình thường ở Biển Đông theo luật pháp quốc tế

Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) quy định rõ rằng, quyền tự do hàng hải phải luôn được đảm bảo. Ngay trong vùng nội thủy – vùng biển mà một quốc gia có chủ quyền tuyệt đối tương tự như lãnh thổ trên đất liền thì UNCLOS 1982 vẫn bảo lưu quyền tự do hàng hải. Theo nguyên tắc qua lại vô hại của UNCLOS, lực lượng hải quân nước ngoài có quyền quá cảnh trong lãnh hải 12 hải lý của một quốc gia, miễn là chiếc tàu đó không làm gì gây phương hại đến hòa bình. Nhiều ý kiến từ lâu đã khẳng định tự do hàng hải là quyền cơ bản khi các tàu thuyền được qua lại vô hại ở những vùng biển theo quy định của luật pháp quốc tế. Hiện nay những hành động của Trung Quốc đã và đang gây ra những lo ngại cho tất cả mọi người. Điều này rõ ràng ảnh hưởng đến giao thương hàng hải mà giao thương hàng hải lại liên quan trực tiếp đến quyền qua lại vô hại.

Thời gian qua, bất chấp những hành động hăm dọa, phi lý của Trung Quốc, nhiều nước đã thực hiện hoạt động hàng hải, hoạt động tuần tra thông thường theo luật pháp quốc tế ở Biển Đông. Tháng 5/2017, Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản cũng từng điều tàu sân bay trực thăng Izumo đến Biển Đông, tiến hành diễn tập liên hợp với biên đội tàu sân bay Mỹ, đồng thời thăm nhiều quốc gia Đông Nam Á. Mỹ cũng đã nhiều lần tiến hành tuần tra trên không và trên biển theo quyền tự do hàng hải ở Biển Đông. Mới đây, Mỹ đã đổi tên Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương ở Hawaii thành Bộ Tư lệnh Ấn Độ – Thái Bình Dương nhằm thể hiện những cam kết mạnh mẽ hơn về đảm bảo, duy trì tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông. Tờ “The Paper” (3/7) dẫn tin từ Mạng tin tức Hiệp hội Nghiên cứu Hải quân Mỹ (2/7) cho biết biên đội tàu Sân bay Regan của Mỹ đã đến vịnh Manila của Philippines và sẽ thực hiện nhiệm vụ ở Biển Đông một thời gian. Tờ “The time” của Anh (3/7) cho biết tàu hộ vệ tên lửa Sutherland của Hải quân Anh khi đi qua Biển Đông đã bị 16 tàu quân sự của Trung Quốc theo sát. Trong khi đó, tờ “Thời báo Hoàn Cầu” của Trung Quốc bình luận rằng tàu Sutherland của hải quân Anh sử dụng từ năm 1997, không chỉ cũ hơn rất nhiều mà tính năng cũng hoàn toàn lạc hậu so với tàu hộ vệ 054A có cùng trọng tải của hải quân Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới