Friday, April 26, 2024
Trang chủBiển nóngXây nhà máy điện từ sóng biển: TQ dùng mọi thủ đoạn...

Xây nhà máy điện từ sóng biển: TQ dùng mọi thủ đoạn để kiểm soát Biển Đông

Trong những năm gần đây, Trung Quốc tích cực nghiên cứu, chế tạo hàng loạt nhà máy phát điện trên biển. Tính đến thời điểm hiện tại, Bắc Kinh đã và đang nghiên cứu, chạy thử mô hình nhà máy điện hạt nhân trên biển, điện gió trên biển và sản xuất điện từ sóng biển. Tất cả những kế hoạch trên của Trung Quốc đều nhằm phục vụ một mục đích duy nhất, mục đích độc chiếm Biển Đông.

Nhà máy sản xuất điện từ sóng biển do Trung Quốc xây ở Biển Đông. Ảnh: SCPM

Viện chuyển đổi năng lượng Quảng Châu, thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc cho biết Bắc Kinh đang nghiên cứu, chế tạo nhà máy sản xuất điện từ sóng biển nhằm đảm bảo nguồn cung năng lượng cho các đảo xa bờ. Trước đó, tờ South China Morning Post (Hồng Kông) dẫn các nguồn tin cho biết, Trung Quốc đang thử nghiệm mô hình đầy đủ của nhà máy sản xuất điện từ sóng biển ở ngoài khơi quần đảo Vạn Sơn, gần thành phố Chu Hải, tỉnh Quảng Đông. Nhà máy trên có công suất khoảng 200 KW, là một trong những nhà máy phát điện bằng sóng biển có công suất lớn trên thế giới. Cơ chế hoạt động của nhà máy dựa trên nguyên lý dùng sức đẩy của sóng biển để quay turbine phát điện. Theo thiết kế, hệ thống tạo năng lượng từ sóng sẽ được đặt nổi trên mặt biển thay vì dưới đáy, nó có thể hoạt động ở mọi điều kiện khắc nghiệt. Khi bão xảy ra, chúng sẽ tự động chìm một phần để tránh thiệt hại do gió mạnh.

Tính đến thời điểm hiện tại, đã có nhiều nước trên thế giới chế tạo và đưa vào sử dụng nhà máy sản xuất điện từ sóng biển:

Giải pháp sản xuất điện từ sóng biển lần đầu thử nghiệm năm 2012 trong một bể chứa tại Viện Thủy Cơ học ở Kiev (Ucraina). Nhóm nghiên cứu đã tiến hành rất nhiều cuộc thử nghiệm, bao gồm các cuộc thử nghiệm đầy căng thẳng trong điều kiện giông bão tại Biển Đen cũng như một nhà máy điện dạng mô phỏng tại Cảng Jaffa, Israel, nhằm đánh giá và cải tiến công nghệ. Theo số liệu thống kê, một số nước phát triển trên thế giới đang tích cực nghiên cứu và đưa vào sử dụng các nhà máy sản xuất điện từ nguồn nguyên liệu tái tạo, thân thiện với môi trường như gió, nước, năng lượng mặt trời, sóng biển… Trong đó, Bồ Đào Nha có nhà máy sản xuất điện từ sóng biển với công suất 750KW, nhà máy ở Mỹ và Australia có công suất 150KW, nhà máy ở Scotland có công suất khoảng 1,5MW…

Được biết, Công ty điện lực Nova Innovation ở Shetland (Scotland) vừa đưa vào hoạt động một nhà máy điện dùng năng lượng thủy triều quy mô lớn nhất thế giới, có khả năng cấp điện sinh hoạt cho hàng 100.000 hộ gia đình. Nhà máy trên sử dụng turbine cao tới 15m, nặng 200 tấn và những cánh quạt có đường kính 16m; hoạt động dựa trên cơ chế đặt các turbine dưới nước, khi thủy triều dâng, nước biển sẽ được đẩy vào trong làm các turbine hoạt động và phát điện. Trong giai đoạn đầu của dự án, turbine đầu tiên trong 4 tổ máy sẽ cho công suất khoảng 1,5 MW điện. Sau đó, Chính phủ Scotland sẽ chi thêm khoảng 30,5 triệu USD từ nguồn ngân sách quốc gia để xây dựng thêm 269 turbine, nâng công suất lên 398 MW, có khả năng cung cấp điện đủ cho 175.000 hộ gia đình.

Trung Quốc thúc đẩy kế hoạch trên nhằm phục vụ mục đích kiểm soát Biển Đông

Bắc Kinh dự kiến triển khai một loạt các nhà máy sản xuất điện từ sóng biển nhằm phục vụ hệ thống radar ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa (của Việt Nam). Nguyên nhân chủ yếu là do các radar cảnh báo quân sự trên cần có nguồn năng lượng lớn để hoạt động liên tục, song quá trình chuyển năng lượng hóa thạch (dầu khí) đến các đảo trên Biển Đông rất tốn kém và mất nhiều thời gian. Điều này gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động ổn định của hệ thống radar mà Trung Quốc đã triển khai trong khu vực.

Ngoài ra, Trung Quốc có kế hoạch đưa các nhà máy trên ra Biển Đông cũng nhằm tuyền truyền và khẳng định “chủ quyền” của nước này ở trong khu vực. Với việc triển khai nhà máy điện ở Biển Đông nó sẽ trở thành “cột mốc” đánh dấu “chủ quyền” trên biển của Trung Quốc và là công cụ đắc lực để Chính quyền Bắc Kinh sử dụng tuyên truyền, định hướng dư luận trong nước.

Âm mưu sản xuất điện từ sóng biển để phục vụ các mục đích quân sự của Trung Quốc sẽ gặp rất nhiều khó khăn và thách thức:

Thứ nhất, hệ thống ra đa quân sự có nhu cầu sử dụng điện năng rất lớn, trung bình một radar cảnh báo quân sự cần được cung cấp khoảng 200-400KW điện để hoạt động hiệu quả, do đó với việc đưa vào sử dụng một vài nhà máy sản xuất điện từ sóng biển hoàn toàn không thể đáp ứng nhu cầu năng lượng của hệ thống radar.

Thứ hai, chi phí vận hành và duy trì các nhà máy sản xuất điện từ sóng biển như vậy rất lớn. Trung Quốc đã phải chi 20 triệu nhân dân tệ, tương đương khoảng 3,12 triệu USD để chế tạo và vận hành trạm sản xuất điện thử nghiệm tại Vạn Sơn.

Thứ ba, trình độ khoa học kỹ thuật của Bắc Kinh chưa đủ để chế tạo những nhà máy sản xuất điện từ sóng biển có công suất lớn. Ngoài ra, khu vực Biển Đông có thời tiết khắc nghiệt, hàng năm phải chịu ảnh hưởng của nhiều cơn bão và áp thấp lớn.

Nếu Trung Quốc triển khai nhà máy trên ở Biển Đông, nó không chỉ đi ngược lại những tuyên bố của Trung Quốc mà còn xâm phạm chủ quyền của Việt Nam

Đầu tiên, lãnh đạo Trung Quốc đã nhiều lần nhấn mạnh nước này sẽ không quân sự hóa, không có hành động làm phức tạp thêm tình hình tranh chấp ở Biển Đông. Trong cuộc gặp Thượng đỉnh với cựu Tổng thống Mỹ B.Obama, ông Tập Cận Bình (9/2015) cũng từng đưa ra cam kết “Trung Quốc không có dự định theo đuổi quân sự hóa ở Biển Đông”, hay trong cuộc gặp bên lề Hội Nghị Diễn Đàn Kinh Tế Á Châu Thái Bình Dương (APEC) ở Đà Nẵng với Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, ông Tập Cận Bình (11/2017) cam kết với Philippines rằng “Trung Quốc sẽ không mang chiến tranh đến Biển Đông vì các tranh chấp chủ quyền”… song nếu triển khai nhà máy trên sẽ là hành động rõ ràng nhất minh chứng Bắc Kinh đang đi ngược lại những gì mình đã tuyên bố.

Thứ hai, Điều 5 của Tuyên bố về ứng xử của các các bên ở Biển Đông (DOC)quy định: “Các bên chịu trách nhiệm thực hiện sự tự chế trong việc thi hành các hoạt động có thể gây phức tạp hoặc leo thang tranh chấp, ảnh hưởng tới hòa bình và sự ổn định, kiềm chế không tiến hành đưa người đến sinh sống trên những hòn đảo hiện không có người sinh sống, trên các rặng đá ngầm, bãi cát ngầm, đảo nhỏ và những yếu tố khác và phải được xử lý những khác biệt của mình bằng phương pháp có tính xây dựng”. Vậy nếu Bắc Kinh đưa nhà máy trên ra Biển Đông sẽ là hành động vi phạm Điều 5 của DOC, khi cố tình gây phức tạp và leo thang tranh chấp, ảnh hưởng hòa bình, ổn định trong khu vực.

Không những vậy, Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và căn cứ pháp lý khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việc Trung Quốc sử dụng vũ lực chiếm đóng phi pháp các đảo, đá, bãi cạn của Việt Nam là vi phạm luật pháp quốc tế và cái gọi là “chủ quyền” của Trung Quốc ở Biển Đông hoàn toàn không được luật pháp cũng như cộng đồng quốc tế thừa nhận. Do đó, nếu Trung Quốc triển khai nhà máy trên ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là đi ngược lại các quy định của luật quốc tế, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

RELATED ARTICLES

Tin mới