Friday, January 17, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiPutin-Trump họp thượng đỉnh: Thế giới chờ đợi gì?

Putin-Trump họp thượng đỉnh: Thế giới chờ đợi gì?

Dù cho mối quan hệ đã rạn nứt đến đâu, sự kiện 2 siêu cường hạt nhân thế giới ngồi lại với nhau để thiết lập những kênh đối thoại là rất đáng trông đợi, National Interests cho biết.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và tổng thống Mỹ Donald Trump.

Ông Donald Trump đã rất kiên định trong ý muốn sẽ thỏa thuận với tổng thống Nga Vladimir Putin kể từ khi ông bắt đầu chiến dịch tranh cử tổng thống. Không giống như những người tiền nhiệm ông có thể sẽ thành công trong việc khôi phục lại quan hệ với nước Nga.

Trong 18 tháng vừa qua, rất nhiều cuộc điều tra về “bê bối Nga” và sự hoài nghi của những vị ngoại trưởng cùng các cố vấn an ninh quốc gia của chính quyền Trump đã gây trở ngại cho khả năng theo đuổi một nghị trình với Nga. Nhưng kể từ những gì cuộc họp thượng đỉnh Mỹ – Triều mà ông Trump coi là một thành công lớn, quyết tâm gặp ông Putin trong một cuộc họp thượng đỉnh song phương đã thắng thế. Hai nhà lãnh đạo sẽ gặp nhau tại Helsinki vào ngày 16.7 tới.

Với tình trạng căng thẳng trong các mối quan hệ Mỹ – Nga và sự thiếu vắng những cuộc gặp cấp cao là những lý do mạnh mẽ cho ông Trump để tổ chức cuộc họp thượng đỉnh với ông Putin. — Dù cho mối quan hệ đã rạn nứt đến đâu, rất đáng trông đợi sự kiện 2 siêu cường hạt nhân thế giới ngồi lại với nhau để thiết lập những kênh đối thoại đã bị hủy bỏ sau khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014 và cuộc chiến tại vùng đông nam của Ukraine.

Có rất nhiều vấn đề hai bên cần bàn thảo như: Ukraine, Syria, Iran, Triều Tiên, chủ nghĩa khủng bố và  những xung đột trên không gian mạng. Phía Nga rõ ràng sẽ muốn bàn thảo về các lệnh trừng phạt mặc dù sau khi quốc hội Mỹ thông qua đạo luật CAATSA (chống lại các đối thủ của Mỹ thông qua các lệnh trừng phạt) vào tháng 8.2017 thì khả năng để tổng thống loại bỏ các lệnh trừng phạt đã bị hạn chế.

Vậy điều gì sẽ diễn ra trong cuộc họp thượng đỉnh giữa hai vị tổng thống? Ông Trump muốn thể hiện rằng không giống như ông Barack Obama ông sẽ có một mối quan hệ tích cực với ông Putin người mà ông nói rằng xứng đáng có một ghế trong việc bàn thảo về những quyết định quan trọng trên trường quốc tế điều mà ông Putin cũng tin tưởng. Vẫn chưa rõ ông Trump tìm kiếm điều gì từ ông Putin bên cạnh thỏa thuận chung mà hai bên sẽ hợp tác về các vấn đề trong cuộc họp thượng đỉnh như: Syria, Ukraine và “những mối quan hệ song phương”.

Với ông Putin, cuộc họp thượng đỉnh này có nghĩa là sự kết thúc của việc Mỹ định tìm cách cô lập Nga về những hành động của nước này tại Ukraine dù cuộc chiến tại Donbass vẫn tiếp tục với hơn 10.300 người thương vong. Thực tế rằng cuộc họp diễn ra là sự chứng tỏ tính chính đáng của ông Putin.

Tình thế tại Syria sẽ được ưu tiên. Những cuộc bàn thảo giảm xung đột đã ngăn cuộc đối đầu trực tiếp giữa Nga và Mỹ trên chiến trường. Nhưng cuộc chiến giữa đội quân do Mỹ chỉ đạo và lính đánh thuê của Nga để tìm cách chiếm vùng dầu mỏ tại khu vực Deir Ezzor vào hồi tháng 2 với hơn 200 thương vong cho Nga là cảnh báo sự nguy hiểm của tình hình Syria và trạng thái căng thẳng giữa những đội quân do Mỹ dẫn đầu cùng Nga.

Iran cũng sẽ là một chủ đề bởi vai trò của nước này trong cuộc nội chiến Syria và bởi Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận hành động chung JCPOA mà Nga cũng là một nước ký kết. Ông Putin đã chỉ trích những hành động của Mỹ nhưng có thể sẽ đóng vai trò trong việc tìm ra một giải pháp cho vấn đề Iran mà Mỹ có thể chấp nhận được.

Một lĩnh vực mà ông Trump và ông Putin có thể đạt được sự tiến triển là việc kiểm soát vũ khí. Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (Strategic Arms Reduction Treaty – START) hạn chế những vũ khí hạt nhân chiến lược sẽ hết hạn vào năm 2021. Hai bên sẽ muốn đàm phán ký kết một hiệp ước mới, hai vị tổng thống cũng có thể đồng ý gia hạn hiệp ước trong 5 năm – điều khoản trong hiệp ước cho phép họ hành động như vậy.

Dĩ nhiên, hội nghị thượng đỉnh sẽ có thể gây ra nhiều bất ngờ. Ông Trump sẽ đến cuộc họp sau khi tham dự cuộc họp NATO, đã khiến nhiều đồng minh của Mỹ có những lo ngại về những chỉ trích của ông Trump về liên minh này và vì ông xác nhận Crimea thuộc về Nga. NATO cũng muốn tránh việc sẽ lặp lại những gì vừa qua khi ông Trump rời bỏ cuộc họp thượng đỉnh các nước G-7 và từ chối ký vào thông cáo cuối cùng, đồng thời không ngớt lời khen ngợi ông Kim Jong-un. Các đồng minh của Mỹ sẽ lo ngại về những gì có thể xảy ra tại cuộc họp trong phòng kín ở Helsinki.

Kết quả có thể xảy tới nhất trong cuộc họp thượng đỉnh là cả hai vị tổng thống sẽ tuyên bố thành công và đồng ý để các quan chức của họ bắt đầu cùng giải quyết những vấn đề khó khăn. Nhưng với những hành động cả hai nhà lãnh đạo đã từng làm, mọi phỏng đoán đều là liều lĩnh.

RELATED ARTICLES

Tin mới