Thursday, November 28, 2024
Trang chủBiển nóngBản tin Biển Đông ngày 16/07/2018

Bản tin Biển Đông ngày 16/07/2018

Bản tin Biển Đông ngày 16/07/2018.

Học giả Philippines: việc Trung Quốc tiếp tục cản trở hoạt động khoan dầu tại Bãi Cỏ Rong có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển kinh tế của Philippines

Ngày 16/7, The Philippines Star đưa tin, ngày 15/7, phát biểu trong Chương trình phát thanh của Phó Tổng thống Philippines Leni Robredo, G.S Jay Batongbacal, Viện trưởng Viện Các vấn đề biển và Luật biển của Philippines cho rằng việc Trung Quốc tiếp tục ngăn chặn hoạt động khoan dầu khí trên Bãi Cỏ Rong ở Biển Đông có thể gây ra những hậu quả kinh tế cho Philippines. Cụ thể, ông cho rằng các hoạt động phát triển kinh tế của Philippines sẽ bị ảnh hưởng nếu mỏ Malampaya cạn kiệt dầu và khí đốt. The Philippine Star cho hay, Philippines sẽ mất 30% nhu cầu năng lượng vào năm 2025 nếu điều này xảy ra. Ông Batongbacal nhận định “Luzon sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Nhưng không chỉ vậy, điều này cũng sẽ dẫn tới những tác động về tài chính, kéo theo những hậu quả lớn bởi khi không có tiềm lực, ngành công nghiệp quốc gia sẽ bị thụt lùi”. Bãi Cỏ Rong là khu vực có trữ lượng khí nhiều hơn 21% so với trữ lượng có tại mỏ Malampaya, là một trong hai khu vực được cho là địa điểm tiến hành thăm dò chung giữa Philippines và Trung Quốc. Trong khi đó, theo ý kiến của một số chuyên gia, việc tìm kiếm những nguồn dự trữ mới thay thế cho Malampaya được cho là tốn kém hơn do phải mất ít nhất 10 năm đầu để triển khai các dự án năng lượng dầu khí và khí đốt tự nhiên.

Trung Quốc đưa tàu hải giám giám sát cuộc Diễn tập Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC)

Ngày 14/7, USNI đưa tin, ngày 13/7, Phát ngôn viên Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ Charlie Brown xác nhận xác nhận một tàu thu thập thông tin tình báo (AGI) của hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAN) đang hoạt động ngoài vùng biển Hawaii để “theo sát” cuộc Diễn tập Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) do Mỹ dẫn đầu. Ông Brown cho biết tàu này đã có mặt ở khu vực kể từ ngày 11/7 và cho biết: “Chúng tôi hy vọng tàu này sẽ duy trì khoảng cách bên ngoài lãnh hải của Mỹ và không làm ảnh hưởng đến cuộc diễn tập RIMPAC đang diễn ra”. Bên cạnh đó, ông khẳng định Mỹ đã tiến hành mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ những thông tin trọng yếu và sự hiện diện của tàu này sẽ không làm ảnh hưởng đến RIMPAC. Liên quan đến vụ việc này, Đại tá Hải quân Chile Pablo Niemann cho hay: “quả thật rất thất vọng khi sự hiện diện của một tàu không phận sự lại có thể gây ảnh hưởng đến cuộc diễn tập”, “tôi mong rằng tất cả các bên hành động một cách chuyên nghiệp để có thể tiếp tục tập trung vào các công việc hiện nay và xây dựng trên tinh thần hợp tác nhằm phục vụ mục đích của cuộc diễn tập này”. Truyền thông Úc cho hay, tàu AGI của Trung Quốc đã bám theo một tàu hải quân Hoàng Gia Úc đang chuẩn bị tham gia RIMPAC. Tuy nhiên, USNI cho hay không rõ liệu tàu này có phải là tàu đang hiện diện bên ngoài Hawaii hay không mà chỉ có thể khẳng định rằng tàu bên ngoài Hawaii là tàu hải giám lớp Đông Điều, cùng loại với tàu mà Trung Quốc đã sử dụng để giám sát cuộc diễn tập RIMPAC năm 2014.

Trung Quốc thông báo về việc tìm thấy nước ngầm gần Đá Chữ Thập

Ngày 13/7, Mạng Quân sự Trung Quốc cho biết các nhà nghiên cứu thăm dò địa chất của Trung Quốc gần đây đã tìm thấy nguồn nước ngầm gần Đá Chữ Thập. Các chuyên gia của Trung Quốc cho rằng, nguồn nước này “có thể sẽ giúp cải thiện đời sống của các sỹ quan và binh lính đóng ở khu vực này”

Mạng Quân sự Trung Quốc biện giải như sau: “từ lâu, quần đảo Nam Sa (Trường Sa) ở Biển Đông đã thiếu những điều kiện cần thiết để duy trì sự sống. Do đó, thậm chí những hỗ trợ hậu cần đối với những người sinh sống trên các “đảo, đá” lớn phải phụ thuộc vào quá trình vận chuyển trên một chặng đường dài, với chi phí rất tốn kém”. Trang mạng này cũng khẳng định điều kiện sinh sống trên Đá Chữ Thập rất khó khăn về điều kiện lương thực, thực phẩm, nước uống, phải phụ thuộc nhiều vào bên ngoài, không đủ để cung cấp hỗ trợ cho các ngư dân đang đánh cá ở Biển Đông, “do đó để giải quyết những vấn đề này, Trung Quốc đã hết sức nỗ lực trong việc tìm kiếm nguồn nước sạch”.

Mạng Quân sự Trung Quốc cho biết quân đội Trung Quốc đã điều một đội thăm dò dẫn đầu bởi các kỹ sư quân sự và các chuyên gia kỹ thuật tới Đá Chữ Thập để thăm dò nước ngầm từ năm 2016. Nhóm này đã ấn định 27 điểm thăm dò phục vụ cho hoạt động khảo sát nước ngầm trong phạm vi 0,6 km của Đá Chữ Thập và nước ngầm đã được tìm thấy ở 11/27 điểm.

Dù Đá Chữ Thập là khu vực tranh chấp nhưng trang mạng này vẫn ngang nhiên khẳng định rằng: “sự kiện mới này có ý nghĩa rất quan trọng đối với Trung Quốc trong việc quản lý và kiểm soát quần đảo Trường Sa”.

Ý kiến học giả quốc tế: cuộc diễn tập quân sự chung giữa Mỹ và Philippines trên Biển Đông góp phần củng cố quan hệ song phương giữa hai nước

Ngày 13/7, VOA News cho hay, các chuyên gia gần đây đánh giá rằng cuộc diễn tập hải quân chung giữa Mỹ và Philippines từ ngày 9 – 16/7 trên Biển Đông là “chỉ dấu cho thấy Philippines đang xích lại gần hơn với Mỹ sau vài năm gần đây có những động thái thúc đẩy quan hệ nồng ấm với Trung Quốc”.

Theo thông báo trên trang web của Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trực thuộc Hải quân Mỹ, cuộc diễn tập có sự tham gia của hai tàu chiến Philippines cùng hai tàu và một tàu sân bay của Mỹ. Cuộc diễn tập này được tiến hành bên ngoài bờ phía Tây đảo Luzon của Philippines, giáp với một phần vùng biển nơi Philippines và Trung Quốc có tranh chấp chủ quyền.

Ông Oh Ei Sun, một chuyên gia nghiên cứu tại Trường Đại học Nanyang, Singapore cho rằng, “trong những tháng gần đây đã có một sự thay đổi lập trường rất tinh tế về phía Philippines, và tôi nghĩ rằng động thái cùng tham gia diễn tập với Mỹ là phù hợp với sự thay đổi đó”. Trong khi đó, PGS. Eduardo Araral thuộc Đại học Chính sách công, Đại học Quốc gia Singapore cho rằng Philippines cũng đang nỗ lực củng cố lực lượng hải quân của nước này, trong bối cảnh Chính phủ Philippines có thể cần đến sự hỗ trợ của Mỹ trong công tác huấn luyện vận hành các tàu hải quân mới nhận được từ quân đội Mỹ. Ngoài ra, ông cho rằng Trung Quốc “cũng sẽ không quá bận tâm đến cuộc diễn tập chung này bởi chúng diễn ra ở khu vực nằm ngoài các cấu trúc tranh chấp”.

RELATED ARTICLES

Tin mới