Saturday, January 11, 2025
Trang chủBiển nóngÂm mưu, thủ đoạn kiểm soát nghề cá ở Biển Đông của...

Âm mưu, thủ đoạn kiểm soát nghề cá ở Biển Đông của TQ

Cùng với các hoạt động quân sự hóa ở Biển Đông, hiện nay Trung Quốc đang triển khai nhiều biện pháp nhằm kiểm soát toàn bộ hoạt động nghề cá ở Biển Đông, đã khiến dư luận các nước đặc biệt quan ngại.

Biển Đông là một trong những khu vực đánh bắt cá năng suất cao nhất trên thế giới, chiếm khoảng 12% tổng lượng đánh bắt cá toàn cầu. Hơn một nửa tàu cá trên thế giới hoạt động trong vùng biển này, cung cấp công ăn việc làm cho hơn 3,7 triệu người. Tuy nhiên, hiện nay người dân các nước tại vùng biển này đang phải chịu tác động to lớn bởi các biện pháp kiểm soát và hoạt động nghề cá của Trung Quốc. Bao gồm:

Một là, ráo riết nghiên cứu, chế tạo và đưa vào sử dụng “Ngư trường thông minh” tại các vùng biển sâu ở Biển Đông

Vừa qua Tập đoàn Công nghiệp Đóng tàu Vũ Xương (Công ty con của Tổng Công ty Công nghiệp đóng tàu Trung Quốc) đã khởi công dự án xây dựng “Ngư trường thông minh”, có thể chống chọi trước các cơn bão mạnh và chỉ cần 9 công nhân phục vụ tại trại hỗ trợ, nơi họ có thể cho cá ăn, vớt cá và làm sạch lồng bằng điều khiển từ xa. “Ngư trường thông minh” của Trung Quốc thực chất là tổ hợp gồm 3 trại cá và 1 trại hỗ trợ. Mỗi trại cá là một lồng lưới thép hình lục giác lớn, có kích thước 110 m x 75 m và có thể chứa 250.000 mét khối nước và nuôi 10 triệu con cá nục. Theo giới chức Trung Quốc, các “Ngư trường thông minh” này sẽ sớm được triển khai các vùng biển sâu ở Biển Đông và dự kiến, sản lượng của mỗi lồng thép này sẽ đạt khoảng 6.000 tấn cá. Trước đó, hồi tháng 6/2017, Tập đoàn Công nghiệp Đóng tàu Vũ Xương cũng đã bàn giao cho Công ty SalMar ASA của Na Uy một trại cá nửa chìm, nửa nổi lớn. Trong tương lai, nếu được triển khai tại các vùng biển sâu, vùng biển tranh chấp do Trung Quốc chiếm đóng phi pháp ở Biển Đông, những “ngư trường thông minh” này sẽ giúp Trung Quốc tăng cường sự hiện diện, củng cố các tuyên bố chủ quyền, đồng thời Trung Quốc sẽ tiếp tục xuôi đuổi ngư dân các nước ra xa khỏi những “ngư trường thông minh” này.

Hai là, ngang nhiên tuyên bố Trung Quốc có chủ quyền đối với toàn bộ các “ngư trường truyền thống” ở Biển Đông

Tháng 3/2016, Chính phủ và người dân Indonesia đã phản ứng mạnh mẽ khi Trung Quốc tuyên bố nước này có chủ quyền đối với “ngư trường truyền thống” ở quần đảo Natuna của Indonesia. Phát biểu trước các phóng viên hôm qua, ông Arif Havas Oegroseno, Thứ trưởng Điều phối Hàng hải và Tài nguyên biển của Indonesia cho biết tuyên bố mà Trung Quốc đưa ra về “ngư trường truyền thống” của nước này ở quần đảo Natuna là hoàn toàn phi pháp, không được công nhận theo UNCLOS 1982. Ông cho rằng tuyên bố của Trung Quốc “là điều bịa đặt, mơ hồ về mặt thời gian, không rõ năm tháng nào nó trở thành lịch sử, truyền thống”. Theo ông Oegrosen, UNCLOS 1982 không công nhận ngư trường truyền thống và chỉ công nhận “quyền đánh bắt cá truyền thống” do công dân của một quốc gia thực hiện trong phạm vi một nước khác nhưng phải được thông qua bằng hiệp ước với bên liên quan. Indonesia cho đến nay chỉ có một hiệp ước về quyền đánh cá truyền thống với Malaysia và được áp dụng trong một khu vực cụ thể. Indonesia vốn không phải một bên trong cuộc tranh chấp trên Biển Đông, song nước này đã bị kéo vào cuộc, sau khi Trung Quốc tuyên bố Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia là một phần trong “ngư trường truyền thống” của Trung Quốc và tàu cá Trung Quốc được tự do đánh bắt trong khu vực này. Còn theo Chỉ huy Hạm đội phía Tây của Hải quân Indonesia, Chuẩn Đô đốc Taufiq R nhận định sự xuất hiện của các tàu Trung Quốc là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang nhăm nhe “đánh dấu lãnh thổ” trong vùng biển của Indonesia.

Theo hãng tin Channel News Asia của Singapore nhận định, phía Trung Quốc thường sử dụng chiêu bài và cụm từ “ngư trường truyền thống” để bao biện cho các sai trái của tàu cá nước này trong vùng EEZ của nước khác. Trung Quốc cũng thường xuyên tuyên bố các vùng biển ở Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam và Vùng biển phía Tây Philippines là các “ngư trường truyền thống” của mình và ngư dân cũng như tàu thuyền Trung Quốc có quyền hoạt động, xuôi đuổi tàu thuyền các nước khác.

Ba là, đơn phương ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trên toàn Biển Đông

Từ năm 1999 đến nay, hàng năm Trung Quốc đều tự ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông từ đầu tháng 5 đến giữa tháng 6. Gần đây nhất, Trung Quốc (8/2/2018) đơn phương thông báo lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông từ 12h ngày 1/5 đến 12h ngày 16/8, trên phạm vi từ 12 độ vĩ Bắc đến khu vực biển giao giữa tỉnh Phúc Kiến và tỉnh Quảng Đông, bao gồm cả khu vực Vịnh Bắc Bộ và bãi cạn Scarborough. Lệnh cấm này cũng được áp dụng ở vùng biển Bột Hải, Hoàng Hải và Hoa Đông. Phía Việt Nam đã nhiều lần phản đối, nêu rõ “Quy chế này xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam trên các vùng biển của mình, vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982”. Quy định của Trung Quốc cũng đi ngược lại tinh thần của Tuyên bố của các bên ở Biển Đông (DOC), trái với thoả thuận về nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc, không phù hợp với thoả thuận quan trọng lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được về kiểm soát tốt bất đồng trên biển. Quy chế của Trung Quốc cũng không có lợi cho việc duy trì môi trường hoà bình, ổn định, hợp tác ở Biển Đông và xu thế phát triển tốt đẹp của quan hệ Việt Nam và Trung Quốc, cũng như nỗ lực của các nước trong việc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử (COC) hiện nay. Đối với Philippines, nước đang thúc đẩy hợp tác song phương với Trung Quốc và từng nhận được nhiều cam kết từ phía Trung Quốc, song trên thực tế tàu thuyền Trung Quốc cũng thường xuyên vi phạm ngư trường và đe nạt ngư dân của Philippines ngay trong EEZ.

Bốn là, trang bị vũ khí và sẵn sàng hỗ trợ tàu cá Trung Quốc vi phạm chủ quyền vùng biển của các nước

Trung Quốc là nước có đội tàu cá đông nhất thế giới (khoảng 450.000 tàu cá), trong đó khoảng 200.000 tàu đánh cá đại dương. Hàng năm, số tàu cá Trung Quốc khai thác, đánh bắt khoảng 71 triệu tấn cá ở khu vực Biển Đông. Theo số liệu thống kê, Trung Quốc là nước đứng đầu thế giới về tốc độ phát triển nghề cá. Những tàu cá của Trung Quốc thường được trang bị súng, mìn, vòi rồng, hệ thống vệ tinh hàng hải cấp độ quân sự, kết nối với lực lượng tuần duyên Trung Quốc và dễ dàng nhận được sự “trợ giúp” của lực lượng này. Tại Nam Hải, ngư dân Trung Quốc thậm chí còn được khuyến khích đi vào các vùng biển tranh chấp của các nước và hệ thống vệ tinh trên tàu cá sẽ giúp cảnh báo, phát hiện các tàu nước ngoài. Theo các chuyên gia, khi khoác lên mình đồng phục màu xanh, ngư dân TQ trở thành dân quân biển, núp bóng tàu cá để tiến hành trinh sát, do thám cũng như nhiều hành động gây rối tại vùng biển các nước. Ngoài ra, Trung Quốc còn huy động lực lượng hải cảnh Trung Quốc sẵn sàng tiếp tế xăng dầu cho tàu cá, thậm chí ra tay can thiệp khi tàu cá bị cơ quan hành pháp của nước khác truy đuổi, bắt giữ vì hành vi đánh bắt trộm trong vùng đặc quyền kinh tế của họ.

Kết luận: Biển Đông vốn là vùng biển đã gắn bó lâu đời với nhân dân các nước, trong đó nghề cá đang nuôi sống hàng triệu người dân, biết bao thế hệ sống trong vùng biển này. Đây là nguồn lợi chung cần được các quốc gia chung tay giữ gìn, bảo vệ. Tuy nhiên, hiện nay những hành động nhằm độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc đã và đang đe dọa trực tiếp đến đời sống của người dân các nước. Điều này là hoàn toàn trái với các cam kêt của Trung Quốc, vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS mà Trung Quốc là nước tham gia ký kết. Để đối phó với các hoạt động gây hại của Trung Quốc, cộng đồng quốc tế, nhất là các nước ven biển ASEAN cần tăng cường hợp tác, đặc biệt để bảo vệ các nguồn tài nguyên trong khu vực. Trên cấp độ khu vực, các nước có thể hợp tác kiểm soát hoạt động khai thác tài nguyên cá thông qua việc thành lập một tổ chức nghề cá khu vực, để có tiếng nói chung trong vấn đề này, cũng như trong việc tố cáo, lên án những hành động phi pháp của Trung Quốc. Trên cấp độ quốc gia, các nước ven bờ cần tăng cường khả năng kiểm soát trên biển và có các quy định mạnh để đối phó hoạt động đánh cá bất hợp pháp của Trung Quốc. Đồng thời, các nước cần phối hợp xây dựng các chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế, giúp người dân ven biển ổn định cuộc sống, tuyên truyền phổ biến luật pháp tới người dân nhằm hạn chế tối đa hoạt động đánh cá bất hợp pháp ở Biển Đông của Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới