Sunday, May 19, 2024
Trang chủĐiểm tinBản tin Biển Đông ngày 18/07/2018

Bản tin Biển Đông ngày 18/07/2018

Bản tin Biển Đông ngày 18/07/2018.

Học giả quốc tế lo ngại Trung Quốc thắng thế ở Biển Đông, kêu gọi Mỹ có bước đi mạnh mẽ

Ngày 17/7, tờ Thời báo Phố Wall đăng bài viết “Trung Quốc đang thắng thế ở Biển Đông” của Lynn Kuok, Nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Chiến lược và Trung tâm Các cường quốc mới nổi, Đại học Cambridge, Anh. Bà Kuok cho rằng hai năm sau khi Phán quyết Toà Trọng tài vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc ngày 12/7/2016 bác bỏ các yêu sách thái quá của Trung Quốc trên Biển Đông, nước này vẫn ngang nhiên củng cố quyền kiểm soát đối với vùng biển cũng như tài nguyên ở khu vực này. Trong khi đó, dù Mỹ vẫn duy trì các hoạt động tự do hàng hải song lại không thể bảo vệ quyền lợi cho các nước liên quan trong khu vực đã được khẳng định trong nội dung Phán quyết, khiến Trung Quốc được đà lấn tới, tiếp tục chèn ép các quốc gia Đông Nam Á khác ở Biển Đông. Mặt khác, Trung Quốc tăng cường thúc đẩy quân sự hóa Biển Đông, triển khai hàng loạt các tên lửa hành trình đối hạm, tên lửa đất đối không, các máy bay ném bom, các thiết bị chế áp điện từ tới các đảo nhân tạo mà nước này xây dựng trái phép ở Trường Sa và Hoàng Sa. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng nỗ lực tập trung vào “chiến tranh pháp lý” bằng cách công bố nghiên cứu về vụ kiện Trọng tài Biển Đông hồi tháng 5, tiếp tục khẳng định và “làm mới” những luận điệu trước đây, cho rằng Trung Quốc có quyền yêu sách các vùng biển dựa trên nhóm các cấu trúc thay vì từng cấu trúc riêng lẻ cũng như yêu sách các tài nguyên nằm trong một phạm vi rộng lớn trên cơ sở vùng đặc quyền kinh tế tạo ra từ các quần đảo xa bờ, những yêu sách không hề được công nhận trong luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).

Tác giả bài viết cho rằng, mặc dù chính quyền Tổng thống Donald Trump đã không thể buộc Bắc Kinh phải tuân thủ Phán quyết của Tòa Trọng tài, khiến cán cân quyền lực ở Biển Đông nghiêng về phía Trung Quốc và đe dọa đến lợi ích của Mỹ ở khu vực song Mỹ vẫn còn cơ hội để thay đổi tình hình và có động thái hiệu quả hơn nhằm đẩy lùi tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông và bảo vệ trật tự dựa trên luật lệ ở khu vực. Bà cho rằng Chính phủ Mỹ cần huy động những nỗ lực trong khu vực và quốc tế để yêu cầu Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế; giúp các quốc gia ven biển đối phó với mọi hành động xâm lược vào vùng đặc quyền kinh tế của họ

Tổng thống Philippines: chưa tới lúc nêu vấn đề Biển Đông với Trung Quốc

Ngày 18/7, The Philippine Star đưa tin, phát biểu tại lễ khởi công xây dựng cầu Binondo-Intramuros do Trung Quốc đầu tư ngày 17/7, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte bày tỏ tin tưởng đối với “sự công bằng” của Bắc Kinh, người dân Philippines cần xem Trung Quốc “như một người láng giềng tốt” và cho rằng “chưa tới lúc để thảo luận về tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc” mà “sẽ trao đổi vào một thời điểm khác theo như cam kết với Chủ tịch Tập Cận Bình”. Bên cạnh đó, ông Duterte khẳng định sẽ không gây sức ép buộc Trung Quốc phải tuân thủ Phán quyết của Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông bác bỏ yêu sách phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông.

Phát biểu của ông Duterte được đưa ra sau khi kết quả khảo sát của Social Weather Stations cho thấy đa số người dân Philippines đều mong muốn Chính phủ Philippines có phản ứng trước những hành động bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông.

Cựu Ngoại trưởng Philippines: Đàm phán song phương với Trung Quốc sẽ “không bao giờ có kết quả”

Ngày 18/7, Rappler đưa tin, trả lời phỏng vấn với hãng tin Rappler ngày 16/7, cựu Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario khẳng định các cuộc thảo luận song phương với Trung Quốc về việc giải quyết tranh chấp giữa hai bên sẽ không bao giờ có kết quả, thay vào đó cần tìm đến một cơ chế đa phương khác. Cũng tại buổi phỏng vấn, ông Rosario cũng đề cập đến các cuộc gặp trước đây giữa ông và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để thảo luận về vấn đề Biển Đông. Trong các cuộc gặp này, ông Tập Cận Bình cương quyết khẳng định “chủ quyền không thể tranh cãi” của Trung Quốc trên Biển Đông trên cơ sở yêu sách “đường chín đoạn” và không có tranh chấp nào ở khu vực

Rappler cho hay buổi phỏng vấn đã được thực hiện sau khi Philippines kỷ niệm 2 năm thắng lợi pháp lý trong vụ kiện Trọng tài giữa Trung Quốc và Philippines ngày 12/7/2016. Đây là buổi lên sóng đầu tiên của ông Rosario kể từ khi Tổng thống Duterte lên nhậm chức từ năm 2016.

Dự thảo Hiến pháp mới của Philippines khẳng định chủ quyền của nước này ở Biển Đông và yêu sách lịch sử của nước này đối với vùng Sabah

Ngày 18/7, CNN Philippines đưa tin, ngày 17/7, cựu Chủ tịc Thượng viện Philippines Aquilino “Nene” Pimentel, một trong 22 chuyên gia do Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte chỉ định triển khai đánh giá và đề xuất sửa đổi Hiến pháp năm 1987 của nước này, khẳng định dự thảo Hiến pháp mới của Philippines sẽ khẳng định chủ quyền của nước này trên Biển Đông và yêu sách lịch sử đối với vùng Sabah, khu vực hiện đang là một bang của Malaysia. Ông Pimentel cho biết ông mong muốn Hiến pháp mới sẽ khẳng định cụ thể chủ quyền của Philippines đối với bãi cạn Scarborough, Benham Rise và Trường Sa trên Biển Đông. Đáng chú ý, điều 1 của dự thảo Hiến pháp mới có nêu rằng “Philippines có chủ quyền đối với các đảo và cấu trúc nằm ngoài đường cơ sở quần đảo của nước này theo luật Cộng hòa Liên bang, luật quốc gia và các phán quyết của tòa án và tòa trọng tài quốc tế”, một nội dung được cho là có liên hệ mật thiết tới Phán quyết của Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông ngày 12/7/2016. Liên quan đến khu vực Philippine Rise (trước đây là Benham Rise), dự thảo Hiến pháp mới đã khẳng định rõ ràng Philippines có quyền chủ quyền đối với khu vực này và người dân Philippines sẽ được thụ hưởng quyền đối với tất cả các tài nguyên nằm trong khu vực này.

RELATED ARTICLES

Tin mới