Monday, May 20, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiChuyên gia quốc tế: Cần phải coi hành động của TQ ở...

Chuyên gia quốc tế: Cần phải coi hành động của TQ ở Biển Đông hiện nay là việc “sử dụng vũ lực”

Vừa qua, Tiến sĩ Constantinos Yiallourides, chuyên gia Luật quốc tế về tranh chấp lãnh thổ tại Viện Luật quốc tế và so sánh của Anh (BIICL) đã đưa ra những phân tích, đánh giá về ý đồ và hành động của Trung Quốc ở Biển Đông thời gian qua, trong đó cho rằng Trung Quốc có thể được coi là đang “đe dọa sử dụng và sử dụng vũ lực” ở Biển Đông.

Tàu Trung Quốc (trái) dùng vòi rồng tấn công tàu cảnh sát biển Việt Nam trong vụ đưa Giàn khoan HD 981 vào thềm lục địa Việt Nam hôm 3/5/2015. Nguồn: Reuters/AFP

TQ đang ép buộc các nước phải chấp nhận một “nguyên trạng mới” do nước này tạo ra ở Biển Đông

Thứ nhất, Tiến sĩ Constantinos Yiallourides cho rằng căng thẳng thường xuyên gia tăng tại Biển Đông trong những năm gần đây là do các hoạt động bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc và hiện nay chúng đã trở thành một chuỗi các căn cứ quân sự hoàn chỉnh, được trang bị các hệ thống tên lửa phòng không, chống hạm và thiết bị chiến tranh điện tử… Và điều này đã khiến dư luận các nước lên án mạnh mẽ. Vừa qua, tại cuộc họp cấp Bộ trưởng Quốc phòng ba nước, gồm Australia, Nhật Bản và Mỹ (3/6/2018) đã ra Tuyên bố chung “phản đối mạnh mẽ việc sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lưc, cũng như hành động đơn phương để thay đổi nguyên trạng và sử dụng các thực thể chiếm đóng cho các mục đích quân sự ở Biển Đông của Trung Quốc”. Gần đây nhất, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis cũng đã cáo buộc Trung Quốc sử dụng quân đội cho “mục đích đe dọa và ép buộc”, đồng thời cảnh báo những hành động này sẽ phải gánh chịu “hậu quả”.

Thứ hai, bất chấp các tuyên bố, cam kết “sẽ không sử dụng vũ lực” để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ của Trung Quốc, các hoạt động cải tạo và quân sự hóa tại các vùng lãnh thổ tranh chấp rõ ràng đã tạo ra việc đã rồi trên thực địa. Theo Tiến sĩ Constantinos Yiallourides, điều này cấu thành việc bành trướng lãnh thổ bất hợp pháp thông qua vũ lực, rõ ràng vi phạm luật pháp quốc tế. Chắc chắn là với việc quân sự hóa các đảo tranh chấp, Trung Quốc đã buộc các đối thủ không có chọn lựa nào khác hoặc là ngậm ngùi chấp nhận hiện trạng mới, hoặc phải đối mặt với một cuộc chiến tranh nhiều tổn thất trước một quốc gia hùng mạnh, có vai trò chiến lược trong khu vực.

Thứ ba, mặc dù Tòa Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (7/2016) đã ra phán quyết bác bỏ hầu như toàn bộ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, song nước này vẫn đều đặn tiến hành các hành động bành trướng trong khu vực. Theo Giáo sư Taylor Fravel, một nhà nghiên cứu chính trị nổi tiếng, Trung Quốc đang sử dụng vũ lực trong tranh chấp lãnh thổ nhằm “tỏ ra cứng rắn về mặt chủ quyền và răn đe các đối thủ khác trong mọi xung đột”.

Các nước hoàn toàn có quyền áp đặt các biện pháp trừng phạt và ngăn chặn hành động của Trung Quốc

Theo Tiến sỹ Constantinos Yiallourides, trước hết phải đánh giá các hành động của Trung Quốc ở Trường Sa như là việc “sử dụng vũ lực” và theo luật pháp quốc tế sẽ mở ra khả năng đáp ứng bằng hành động tự vệ. Tuy nhiên, tự vệ chỉ có thể coi là chính đáng nếu đối mặt với một cuộc tấn công vũ trang (theo Điều 51, Hiến chương Liên hợp quốc). Ông cho rằng việc sử dụng vũ lực của Trung Quốc nhiều khi chỉ là tương đối nhỏ để có thể coi là tấn công vũ trang theo nghĩa pháp luật, tuy nhiên nó lại là một phần của các hành động vũ trang tiệm tiến, mà khi cộng dồn lại sẽ trở thành một sự chuyển đổi mang tính chiến lược trên lãnh thổ, có lợi cho Trung Quốc. Như vậy, cho dù mỗi lần triển khai lực lượng đơn lẻ không đủ nghiêm trọng để coi là tấn công vũ trang, nhưng nhìn một cách tổng thể, các hành động của Trung Quốc có thể nằm trong phạm vi điều chỉnh của Điều 51, Hiến chương Liên hợp quốc.

Ngoài ra, các quốc gia khác ngoài các nước liên quan đến tranh chấp Biển Đông (Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan) cũng có thể áp đặt, thực thi các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc theo Điểm 2 của Điều 2, Hiến chương Liên hợp quốc, trong đó quy đinh “Tất cả các thành viên của Liên hợp quốc giải quyết các tranh chấp quốc tế của họ bằng biện pháp hoà bình, sao cho không tổn hại đến hoà bình, an ninh quốc tế và công lý” và Điểm 4 quy định “Tất cả các quốc gia thành viên Liên hợp quốc từ bỏ đe dọa bằng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế nhằm chống lại sự bất khả xâm phạm về lãnh thổ hay nền độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào cũng như bằng cách khác trái với những mục đích của Liên hợp quốc”.

RELATED ARTICLES

Tin mới