Thursday, November 28, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnChâu Âu vỡ mộng về Mỹ

Châu Âu vỡ mộng về Mỹ

Rạn nứt giữa Mỹ với EU ngày càng tăng khi Tổng thống Trump đưa ra cáo buộc mới đối với EU. Châu Âu nhận ra rằng không thể dựa vào Mỹ.

Ngày 20/7, tuyên bố trên mạng xã hội Twitter, Tổng thống Donald Trump khẳng định: “EU, Trung Quốc và những quốc gia khác đã thao túng tiền tệ và duy trì lãi suất thấp…trong khi Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất, trong khi USD ngày càng mạnh hơn…điều này đang làm mất đi lợi thế cạnh tranh lớn của chúng ta”.

“Mỹ cần được cho phép lấy lại những gì đã mất vì thao túng tiền tệ bất hợp pháp và các thỏa thuận thương mại tệ hại”, ông Trump nhấn mạnh.

Cáo buộc mới của Tổng thống Donald Trump được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và EU gia tăng sau khi Washington áp mức thuế cao lần lượt là 25% và 10% đối với các sản phẩm thép và nhôm của các nước EU xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Đầu tháng 7 này, Tổng thống Trump đe dọa áp thuế 20% đối với mọi ôtô lắp ráp tại EU.

Đáp lại, EU đã gửi tới Bộ Thương mại Mỹ một tài liệu dài 10 trang, cảnh báo việc áp thuế này sẽ ảnh hưởng xấu đến ngành sản xuất ôtô của chính nước Mỹ và Washington có thể đối diện với nhiều biện pháp trả đũa từ các đối tác thương mại trị giá tới 294 tỷ USD.

Không chỉ đe dọa áp thuế, Mỹ còn cảnh báo trừng phạt các công ty châu Âu tiếp tục làm ăn với Iran trong bối cảnh Tổng thống Trump tái áp đặt các lệnh trừng phạt đối với nhà nước Hồi giáo này sau khi Washington rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran ký hồi năm 2015.

Rạn nứt giữa Mỹ và EU khiến cho nhiều quốc gia châu Âu nhận ra rằng không thể dựa vào Washington được nữa, trong đó có Đức.

Trong cuộc họp báo ngày 20/7 tại Berlin, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã đưa ra cảnh báo này.

Theo bà Merkel, điều này thể hiện ở sự căng thẳng trong mọi lĩnh vực từ quốc phòng tới thương mại của ông Donald Trump với các đồng minh châu Âu và Đức nói riêng trong hội nghị thượng đỉnh NATO mới nhất.

Trong chuyến công du châu Âu của mình, Tổng thống Mỹ đã trách móc các nước đồng minh NATO vì không chi nhiều hơn cho quốc phòng và cáo buộc Đức “bị phụ thuộc” vào Nga vì mua khí đốt của Moscow. Ông Trump nói Berlin đang làm giàu cho Nga trong khi trông chờ vào sự bảo vệ an ninh của Mỹ.

Thậm chí, ông Trump còn gọi EU là “kẻ thù” của Mỹ với những gì họ đã làm về thương mại. Mới đây nhất, ông Washington kiện EU lên WTO vì đánh thuế nhập khẩu hàng Mỹ, mặc dù đây chỉ là hành động trả đũa lên việc Mỹ đánh thuế lên hàng hóa EU trước đó.

“Để duy trì được quan hệ đối tác với Mỹ, chúng ta phải điều chỉnh lại nó. Điều quan trọng đầu tiên là chúng ta cần phải hợp tác chặt chẽ hơn nữa ở châu Âu”, bà Merkel nói.

Không phải đến bây giờ Thủ tướng Đức mới nhận ra điều này. Vào tháng 5 vừa qua, trong một bài phát biểu về quyết định của Mỹ rút khỏi thoả thuận hạt nhân Iran, bà Merkel cũng tuyên bố, đã đến lúc châu Âu cần phải ngừng ‘dựa dẫm’ vào Mỹ

“Mỹ không còn có thể bảo vệ châu Âu một cách đơn thuần nữa, chúng ta cần phải nắm lấy vận mệnh của mình trong tay. Đây là nhiệm vụ của chúng ta trong tương lai”, Thủ tướng Đức nói.

Tương tự, cách đây hơn 1 năm, sau khi tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 lần thứ 43 ở Taormina, Sicily (Italia), bà Merkel nhấn mạnh: “Thời gian chúng ta phụ thuộc hoàn toàn vào nước khác đã hết rồi. Tôi vừa nhận ra điều này vài ngày trước. Châu Âu chúng ta phải nắm vận mệnh mình trong bàn tay, dĩ nhiên vẫn hữu nghị với Mỹ, với Anh, với các láng giềng nếu có thể, cả với Nga và các nước khác – nhưng phải biết chúng ta cần chiến đấu vì tương lai và vận mệnh của châu Âu chúng ta”.

Những tuyên bố của Thủ tướng Đức có thể coi là mang tính cách mạng đối với mối quan hệ Mỹ-EU. Tuy nhiên, dù là lĩnh vực kinh tế hay quân sự, mối ràng buộc Mỹ-EU không hề đơn thuần khi nói về “ngừng dựa dẫm”.

RELATED ARTICLES

Tin mới