Monday, October 21, 2024
Trang chủĐàm luậnSức mạnh của TQ đến đâu?

Sức mạnh của TQ đến đâu?

Sự cạnh tranh, xung đột giữa cường quốc mới nổi lên và cường quốc đang suy yếu không phải lúc nào cũng nổ ra chiến tranh. Nhưng với “giấc mộng Trung Hoa” và so sánh lực và thế quân sự Trung Quốc hiện nay với từng nước khu vực, không loại trừ khả năng Trung Quốc ngày càng hung hăng xâm lấn, đánh chiếm các đảo của các nước ven Biển Đông. Đây là điều các nước, nhất là các nước nhỏ và trung bình, cần tích cực chuẩn bị lực lượng, phương án để sẵn sàng đối phó.

Về lực và thế quân sự của Trung Quốc, không phải nước này không có những điểm yếu chí tử.

Trung Quốc liên tục tăng ngân sách quân sự, nhưng đến nay mới đạt khoảng 147,7 tỷ USD, trong khi đó ngân sách quân sự năm 2017 của Mỹ đã lên tới 626 tỷ USD. Như vậy ngân sách quốc phòng Trung Quốc mới bằng một phần tư chi phí quân sự của Mỹ. Ấy là chưa nói ngân sách này lại phải chi phí cho giảm quân, tăng cường trang bị hiện đại quân đội, nên chi phí cho huấn luyện sẽ bị hạn chế.

Từ lâu Trung Quốc đã rất khó có khả năng thu hẹp khoảng cách với các cường quốc phát triển về sản xuất những trang bị chủ yếu. Công nghiệp quốc phòng nước này đứng thứ tư trên thế giới. Trung Quốc không phải là nước nắm công nghệ gốc, cho nên rất hạn chế khả năng nghiên cứu, phát triển các phương tiện chiến đấu chủ yếu như máy bay chiến đấu hay tên lửa không đối không tiên tiến.

Việc tinh giản biên chế gặp khó khăn về tạo việc làm, bảo đảm phúc lợi xã hội. Chính phủ khó bố trí ngân sách hỗ trợ quân nhân giải ngũ. Trong khi đó nội trị Trung Quốc gặp nhiều thách thức, như khủng bố, xung đột sắc tộc, tôn giáo, vấn đề Hồng Công, Ma Cao… Do vậy quân đội phải dàn trải nguồn lực để đối phó.

Quân đội Trung Quốc nhìn chung vẫn ít dịp thử thách, thiếu kinh nghiệm tác chiến, năng lực sử dụng vũ khí hạn chế, khả năng tấn công từ xa và kỹ thuật tác chiến chống tàu ngầm còn yếu; chưa phát triển được năng lực tác chiến biển xa đáng tin cậy.

Đó là về lực, còn thế thì sao?

Việcthực hiện mục tiêu “cường quân” của Trung Quốc thách thức trực tiếp lợi ích và địa vị của Mỹ. Điều đó khiến cho thách thức an ninh của Trung Quốc tăng lên. Mỹ tăng cường hiện diện, củng cố các liên minh quân sự trong khu vực. Mỹ có căn cứ ở Hawaii, 54.000 quân đóng tại Nhật Bản, 28.500 quân đồn trú tại Hàn Quốc, tăng cường quan hệ quân sự, bán vũ khí cho Đài Loan. Tuy thực hiện chính sách “một Trung Quốc”, nhưng Mỹ vẫn đối xử với Đài Loan như “đồng minh”. 

Đồng thời, Mỹ lại có kế hoạch triển khai hệ thống đánh chặn tên lửa tầm xa giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc, đem mối họa đến gần biên giới Trung Quốc hơn, tạo nên thế bao vây, kiềm chế Trung Quốc ở phía Bắc. Mỹ tăng cường quan hệ quân sự với Ấn Độ, Ô-xtrây-li-a, Áp-ga-ni-xtan, tạo thế kiềm chế Trung Quốc ở phía Nam Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương và phía Tây. Giới quan sát nhận định rằng, Biển Đông là môi trường tác chiến thuận lợi cho hải quân và không quân Mỹ khi can thiệp vào eo biển Đài Loan để bảo vệ vùng lãnh thổ này.

Do vậy, việc giành và giữ quyền khống chế Biển Đông trở nên rất quan trọng đối với việc duy trì sức mạnh quân sự của Mỹ ở Đông Á. Mỹ tỏ thái độ cứng rắn trong vấn đề Biển Đông, trong hoạt động ngoại giao cũng như trên thực địa nhằm kiềm chế Trung Quốc, cam kết đảm bảo an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không trên vùng biển này. 

Nên nhớ, từ năm 2016 tới nay, Mỹ tập trận chung với Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc để tăng cường khả năng phối hợp. Đáp lại, việc kiểm soát Biển Đông, tranh chấp trên Biển Hoa Đông, tăng cường sức mạnh tổng hợp, Trung Quốc đang tạo nên sức ép, nguy cơ đối với Mỹ, ngăn chặn sự hiện diện quân sự của Mỹ ở khu vực naỳ. Không những thế, Trung Quốc từng bước ép Việt Nam, Philippines và tất cả các nước khác phải chấp nhận yêu sách về Biển Đông của Trung Quốc, buộc các nước ven Biển Đông chạy đua vũ trang, làm cho khu vực thêm bất ổn.

Mỹ có tới hơn 60 đồng minh quân sự trên thế giới, trong khi đó  Trung Quốc gần như không có đồng minh (trừ Triều Tiên và chừng mực nào đó là Cam-pu-chia). Trung Quốc vẫn bị bao vây trong vành đai đảo thứ nhất (từ Nhật kéo xuống Phi-líp-pin và Ma-lai-xi-a). Họ lại ít kinh nghiệm tác chiến thực tế và chính trị nội bộ bất ổn. Những thách thức này sẽ tiếp tục gây khó khăn cho Trung Quốc.

Về quan hệ Trung-Nhật. Nhật Bản nỗ lực hiện đại hóa quân đội và tăng cường các chính sách an ninh, phản ứng nhanh, mạnh đối với việc Trung Quốc triển khai hoạt động “quân sự hóa” ở Biển Đông, tranh chấp quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư ở biển Hoa Đông. Nhật Bản lo lắng về các giàn khoan mới do Trung Quốc xây dựng trên vùng biển mà cả hai nước đều tuyên bố là vùng đặc quyền kinh tế. Nhật Bản luôn khẳng định không có tranh chấp  vì quần đảo này thuộc chủ quyền của Nhật Bản cả về pháp lý lẫn lịch sử.

Trong khi đó, các tàu hải giám Trung Quốc ngang nhiên đi vào vùng lãnh hải của Nhật Bản ở gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, khiến một số nhà phân tích dự đoán rằng cuộc tranh chấp này có thể leo thang thành xung đột.

Trung Quốc không chỉ cạnh tranh chiến lược với Mỹ, tranh chấp với Nhật Bản mà còn tranh chấp biên giới với Ấn Độ. Tranh chấp này tồn tại từ khi Ấn Độ mới ra đời. Ấn Độ cho rằng địa vị địa -chính trị của mình ở Nam Á bị Trung Quốc thách thức khi Trung Quốc thúc đẩy toàn diện ý tưởng “Vành đai và Con đường” đi qua khu vực Nam Á và Trung Á gần Ấn Độ.

Cạnh tranh, tranh chấp không chỉ diễn ra giữa Trung Quốc với các nước lớn, mà Trung Quốc còn uy hiếp chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của các nước có yêu sách chủ quyền ở Trường Sa, làm gia tăng cuộc chạy đua vũ trang ở khu vực, khiến môi trường an ninh Trung Quốc và các nước xung quanh Biển Đông phức tạp hơn. Trung Quốc có “truyền thống” dùng vũ lực đánh chiếm các đảo,15  do đó các nước khu vực tỏ lo ngại trước việc Trung Quốc tôn tạo đảo, đá, triển khai tên lửa, quân sự hóa các đảo nhân tạo.

Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 đặt mục tiêu đến năm 2035 cơ bản thực hiện hiện đại hóa quốc phòng và quân đội; đến giữa thế kỷ XXI, hoàn thành xây dựng quân đội Trung Quốc thành quân đội hàng đầu thế giới. Đây là nhiệm vụ không dễ dàng. Bởi hiện nay Trung Quốc gặp không ít thách thức bên trong, lo bất ổn nội trị, sợ bị phong tỏa, sợ không kiểm soát được vấn đề Đài Loan, Hồng Công, Ma Cao, sợ bị láng giềng tấn công trên bộ, sợ có lãnh thổ ly khai, sợ bị ném bom tầm xa, sợ bị tấn công vào các vị trí chiến lược, sợ tình hình leo thang hoặc mất kiểm soát. 

Bên ngoài, trên các hướng, trừ hướng phía Bắc, đều tồn tại những nguy cơ an ninh; những thách thức này tăng lên cùng với quá trình Trung Quốc vươn lên thành cường quốc khu vực, cường quốc toàn cầu, nên không dễ gì Trung Quốc có thể dành chiến thắng dễ dàng nếu gây ra chiến tranh với các nước lớn. Bên cạnh đó, cạnh tranh Trung – Mỹ gay gắt, “không hòa, không chiến”, không có điểm kết thúc ngay tại khu vực.

RELATED ARTICLES

Tin mới