Saturday, January 11, 2025
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiThép Việt lao đao vì bị điều tra bán phá giá

Thép Việt lao đao vì bị điều tra bán phá giá

Ngành thép Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều vụ điều tra bán phá giá từ các nước nhập khẩu khiến việc xuất khẩu thép gặp nhiều khó khăn.

Ngày 24/7, Tòa Trọng tài Thương mại Quốc tế Canada (CITT) đã ra phán quyết về mức độ ảnh hưởng của thép cuộn cán nguội Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam đối với ngành công nghiệp sản xuất thép trong nước.

CITT đưa ra phán quyết dựa trên kết quả điều tra được thực hiện theo Đạo luật về các biện pháp nhập khẩu đặc biệt (SIMA) và cuộc điều tra bán phá giá, trợ giá của Cục Biên Mậu Canada (CBSA).

Phán quyết của CITT nêu rõ: “Có dấu hiệu xác thực cho thấy việc bán phá giá và trợ giá thép cán nguội dạng cuộn và dạng sợi của Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho ngành công nghiệp trong nước”.

Trong khi đó, CBSA cũng đang tiến hành điều tra sơ bộ về việc có đúng thép cán nguội từ 3 nước trên đang được bán phá giá trên thị trường Canada hay không. Theo kế hoạch, CBSA sẽ công bố phán quyết vào ngày 20/8 tới.

Ngoài thép cán nguội, CITT và CBSA cũng đang điều tra một số sản phẩm thép ống hàn carbon của Việt Nam, Philippines, Pakistan và Thổ Nhĩ Kỳ với thời hạn đưa ra phán quyết lần lượt là vào ngày 18/9 và 18/10 tới.

Trước đó, ngày 18/7, Ủy ban châu Âu (EC) đã thông báo tới WTO về việc Liên minh châu Âu (EU) sẽ áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời trong vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp tự vệ với một số sản phẩm thép nhập khẩu. Thời gian áo dụng biện pháp là 200 ngày, tính từ ngày 19/7/2018.

Có 28 nhóm sản phẩm bị điều tra, trong đó mỗi nhóm sẽ được quy định một mức hạn ngạch riêng, đối với lượng hàng hóa vượt hạn ngạch, mức thuế áp dụng là 25%. Việt Nam cũng có 3 nhóm sản phẩm bị áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời, gồm: thép cán nguội hợp kim và không hợp kim, thép tấm mạ kim loại và thép không gỉ cán nguội dạng tấm và thanh.

Cũng trong tháng 7/2018, Cục Ngoại thương (DFT) – Bộ Thương mại Thái Lan đã khởi xướng điều tra gia hạn lần hai biện pháp tự vệ đối với sản phẩm thép tấm không hợp kim cán nóng dạng cuộn và không cuộn, có hoặc không có hoa văn, có độ dày 0.9-50,0 mm và chiều rộng 100-3.048 mm.

Theo Bộ Công thương, hiện nay Việt Nam đang được loại ra khỏi danh sách các nước bị áp dụng biện pháp vì lượng xuất khẩu không đáng kể và là nước đang phát triển. Tuy nhiên, trong vụ việc điều tra gia hạn lần 2 này, nếu lượng xuất khẩu của Việt Nam chiếm trên 3% tổng lượng nhập khẩu của Thái Lan, DFT có thể sẽ không loại trừ hàng xuất khẩu của Việt Nam ra khỏi biện pháp tự vệ (nếu áp dụng).

Vào giữa tháng 6/2018, một số doanh nghiệp sản xuất thép tại Mỹ đã nộp yêu cầu điều tra, áp dụng biện pháp chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp tới Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đối với sản phẩm thép chống ăn mòn nhập khẩu từ Việt Nam do nghi ngờ lẩn tránh thuế từ Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc và thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam do nghi ngờ lẩn tránh thuế từ Hàn Quốc.

Các doanh nghiệp Mỹ cáo buộc rằng sau khi Mỹ tiến hành điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp vào năm 2015, lượng nhập khẩu thép từ Hàn Quốc và Đài Loan giảm, trong khi đó lượng nhập khẩu từ Việt Nam gia tăng nhanh chóng.

Ngoài ra, các doanh nghiệp này còn cáo buộc rằng Việt Nam nhập khẩu thép cán nóng từ Đài Loan và Hàn Quốc để sản xuất sản phẩm bị điều tra, và việc sản xuất này không được coi là “chuyển đổi đáng kể”.

Trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đang diễn ra, trước những quan ngại về việc thép Trung Quốc sẽ tìm đường đi vòng sang Mỹ qua Việt Nam hoặc đưa vào Việt Nam cạnh tranh với các sản phẩm nội địa, Hiệp hội Thép Việt Nam vừa qua đã khuyến cáo các doanh nghiệp sản xuất thép Việt Nam không nên tiếp tay cho việc chuyển xuất xứ từ thép Trung Quốc sang Việt Nam để xuất khẩu sang các nước khác.

Lãnh đạo Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, nếu các nước khác đánh thuế với thép Trung Quốc và họ lại tiếp tục đánh thuế triệt để hơn nữa vào việc lẩn tránh thuế thì đó thực sự là điều đáng lo ngại.

RELATED ARTICLES

Tin mới