Friday, January 10, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiTQ – Đài Loan, những gam màu đối lập

TQ – Đài Loan, những gam màu đối lập

Tin tức tuần qua cho thấy chủ đề nóng bỏng nhất mà dư luận quan tâm là mối quan hệ giữa Trung Quốc và Đài Loan, trong bối cảnh Bắc Kinh gia tăng sức ép quân sự và ngoại giao nhằm cô lập chính phủ Đài Bắc. 

Hải quân Trung Quốc gần đây liên tục thực hiện các cuộc tập trận trong vùng biển gần Đài Loan như một biểu hiện hăm dọa hòn đảo mà Bắc Kinh coi là một tỉnh ly khai. Trung Quốc yêu cầu doanh nghiệp nước ngoài nói chung, và các hãng hàng không nói riêng, khi nhắc đến Đài Loan, Hong Kong hay Ma Cao, đều phải thể hiện rõ các nước này thuộc Trung Quốc. 

Nhiều hãng bay đã thuận theo yêu cầu của Bắc Kinh vì không bị tẩy chay ở quốc gia đông dân nhất thế giới. Trung Quốc cũng tìm cách cắt đứt các mối quan hệ ngoại giao hiếm hoi của Đài Loan với các nước khác từ châu Phi. Hiện Đài Bắc chỉ còn một đồng minh duy nhất ở châu Phi là vươnq quốc eSwatini, trước kia gọi là Swaziland.

Đáp lại hàng loạt động thái uy hiếp từ Bắc Kinh, Tổng thống Đài Loan kêu gọi thế giới kiềm chế Trung Quốc. “Chúng ta cần hợp tác để tái khẳng định các giá trị dân chủ và tự do nhằm kiềm chế Trung Quốc, giảm thiểu bành trướng ảnh hưởng bá chủ của Đại Lục”, bà Thái nói với AFP hôm 25/6.

Bà nhận định: “Đây không chỉ là thách thức của riêng Đài Loan, mà là thách thức của cả khu vực và thế giới nói chung, bởi vì hôm nay là Đài Loan, nhưng ngày mai có thể là bất kỳ quốc gia nào khác phải đối mặt với bành trướng ảnh hưởng của Bắc Kinh”.

Đài Loan và Trung Quốc được nhìn nhận là “hai người anh em” chỉ cách nhau một bờ eo biển, nhưng những đối lập về tư tưởng và văn hóa tồn tại sâu sắc giữa hai nước. Nếu khắc họa về Trung Quốc và Đài Loan qua một bức tranh, dường như đây sẽ là một bức tranh với hai gam màu đối lập.

Những xung đột về chính trị

Trung Quốc trong thời gian qua không ngừng nhấn mạnh tham vọng muốn thống trị Đài Loan như một phần lãnh thổ không tách rời của Trung Quốc. Nhưng người Đài Loan không chấp nhận khuất phục, đồng thời kêu gọi thế giới hãy dũng cảm đối mặt với Trung Quốc.

Bên cạnh những đòn hù dọa bằng quân sự, Bắc Kinh còn nỗ lực cô lập Đài Loan tại các tổ chức quốc tế, giảm dần số đồng minh của Đài Bắc. Mới đây, Trung Quốc yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài có hoạt động tại Trung Quốc phải sử dụng từ khóa “Đài Loan (Trung Quốc)” để ám chỉ Đài Loan là một phần của nước này.

Trung Quốc cũng ra sức dụ dỗ giới trí thức và tinh hoa của Đài Loan trong kinh tế sang định cư tại Hoa lục, với rất nhiều ưu đãi. Tuy nhiên “giới trẻ Đài Loan không bị hấp dẫn bởi viễn cảnh công ăn việc làm do Trung Quốc mang đến”. Họ vẫn gắn bó với các giá trị tự do, dân chủ ở Đài Loan, theo Le Figaro.

Ông Đổng Chấn Viễn, một chuyên gia về nghiên cứu phát triển của Đại học Chính Trị ở Đài Bắc, cho biết : “Tôi nghĩ rằng người dân ở Đài Loan đã dần dần nhận thấy những sự khác biệt giữa Đài Loan với Trung Quốc, đặc biệt là những sự khác biệt về giá trị, như tự do, nhân quyền và dân chủ. Thêm vào đó họ cũng nhận ra sự khác biệt về lối sống giữa Đài Loan với Trung Quốc. Vì thế cho nên họ dần dần giữ một khoảng cách với Trung Quốc về thân phận hay lý lịch của mình.”

Đối lập về tư tưởng cai trị

Liu Xliao, một du khách người Trung Quốc, đã viết một bài so sánh về sự khác biệt văn hóa giữa hai đất nước sau khi tự mình thực hiện một chuyến du lịch đến Đài Loan. Anh đã đưa ra rất nhiều ví dụ để so sánh sự khác biệt trong văn hóa và cách ứng xử của người dân Đài Loan và Trung Quốc, đặc biệt là những cảm nhận khi được chứng kiến cuộc vận động tranh cử ở đất nước này.

Liu Xliao so sánh cuộc vận động tranh cử ở Đài Loan giống như “một đôi tình nhân đang cãi nhau”: “Tôi cảm thấy mình giống như kẻ cô đơn bắt gặp một đôi tình nhân đang cãi vã bên đường, nhìn cảnh ấy thật náo nhiệt! Nghĩ lại mình thì quả thật đáng buồn, ngay cả cơ hội để cãi nhau cũng không có.”

Đây rõ ràng là một sự so sánh rất ngọt ngào nhưng cũng không kém phần chính xác, khi giữa những tranh cãi và xung đột, một người ngoài như anh lại vẫn có thể cảm nhận được tình cảm ấm nồng ẩn phía sau khung cảnh đó.

Sự tự do dân chủ trong bầu cử tại Đài Loan. (Ảnh: Blogspot.com)

Đằng sau những tranh cãi mà Trung Quốc tuyên truyền về Đài Loan, là tình anh em, là tinh thần dân tộc, hay nói cách khác là tư tưởng cùng nhau nỗ lực tiến bộ, minh chứng cho một sự thật, rằng bình đẳng và dân chủ thực sự vẫn luôn hiện diện ở Đài Loan.

Đối lập với Đài Loan, sự “hài hòa” ở Trung Quốc chỉ là vỏ bọc, một điều mà chính công dân của họ cũng phải thừa nhận: “Hãy nhìn lại “sự hài hòa” trong xã hội của chúng ta thì sẽ hiểu, đó là một sự hài hòa thật đáng sợ, ẩn đằng sau là biết bao bão tố”, Liu Xliao viết.

Một ví dụ điển hình khác về sự đối lập giữa hai chế độ cai trị là chính sách dành cho Pháp Luân Công – một môn khí công tu luyện cổ xưa chiểu theo nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn.

Du khách dừng lại và chăm chú xem những thông tin về Pháp Luân Công ở Đài Loan (Ảnh: Epochtimes)

Đảng Cộng sản Trung Quốc với chủ nghĩa vô Thần đã tiến hành cuộc đàn áp dã man đối với những người tập môn khí công này ở đại lục. Thậm chí, tội ác mổ cướp nội tạng các học viên Pháp Luân Công – một tội ác chống lại loài người và bị thế giới lên án, cũng có sự tiếp tay của chính quyền Trung Quốc. Tự do tín ngưỡng ở Trung Quốc dường như là một điều không tưởng.

Chính quyền Trung Quốc bị cả thế giới lên án vì những hành động đàn áp dã man đối với học viên Pháp Luân Công (Ảnh: Falun Dafa)

Trái lại, Pháp Luân Công được chính quyền Đài Loan công khai ủng hộ và đã phát triển mạnh mẽ ở đây. Nhiều trường học ở Đài Loan thậm chí còn cử các giáo viên tham gia khóa học Pháp Luân Công miễn phí trong dịp nghỉ hè. Các học viên Pháp Luân Công cũng được mời đến dạy cho các tù nhân luyện tập.

Sự phổ biến của Pháp Luân Công ở Đài Loan được thể hiện qua những lời khen ngợi của quan chức chính phủ thuộc tất cả các đảng phái. Cựu Tổng thống Đài Loan, ông Mã Anh Cửu, từng phát biểu rằng những nguyên tắc đạo đức và bài giảng của Pháp Luân Công đã “giúp hàng triệu người khỏe mạnh và nâng cao đạo đức”.

Nét an yên trên khuôn mặt cậu học trò khi đang tập Pháp Luân Công ở một trường tiểu học tại Đài Loan (Ảnh: Minhhui.org)

Cái nôi nuôi dưỡng văn hóa Thần truyền

Người Trung Quốc và Đài Loan đều là con cháu của Tam Hoàng Ngũ Đế, đều trải qua 5.000 năm văn hóa Thần truyền. Thế nhưng Trung Quốc – đất nước được mệnh danh có bề dày lịch sử trải hàng nghìn năm, dường như lại đang đánh mất những nét tinh hoa trong văn hóa mà cha ông truyền lại. Trái lại, Đài Loan mới chính là cái nôi nuôi dưỡng văn hóa Thần truyền một cách vẹn nguyên nhất.

Điều này được công nhận bởi nhiều du khách thế giới du lịch đến Đài Loan. Đặt chân đến quốc đảo xinh đẹp này, bất kì ai cũng giật mình ngạc nhiên về những nét đẹp văn hóa mà người Đài Loan còn lưu giữ được.

Làng cổ Cửu Phần ở Đài Loan (Ảnh: Bucketlisting)

Nét đẹp văn hóa thể hiện qua những công trình kiến trúc được người Đài Loan trân trọng và bảo tồn. Điển hình như Cố Cung, những kiến trúc cổ kính, trang nghiêm như nơi thâm cung Tử Cấm Thành trong những bộ phim cổ trang của Trung Quốc…

Truyền thống này có lẽ bắt nguồn từ một câu nói của cố lãnh đạo Tưởng Giới Thạch: “Đất nước bị diệt vong rồi còn có thể phục hưng, văn hóa bị tiêu hủy thì tất cả sẽ bị hủy diệt“.

Vào những năm 60 thế kỷ trước, Trung Quốc chìm trong khói lửa tang thương của các cuộc vận động chính trị, đặc biệt là “Đại Cách mạng văn hóa”. Nhà cầm quyền ra lệnh hủy diệt nhiều di sản văn hóa, đào xới, phá hủy tận gốc rễ tinh thần văn hóa Thần truyền 5.000 năm.

Cố lãnh đạo Tưởng Giới Thạch: “Đất nước bị diệt vong rồi còn có thể phục hưng, văn hóa bị tiêu hủy thì tất cả sẽ bị hủy diệt“.

Chỉ cách đó một eo biển, Đài Loan dưới sự dẫn dắt của Tưởng Giới Thạch lại tiến hành phong trào “Phục hưng văn hóa Trung Hoa”, biến Đài Loan thành “nhà bảo tàng” lớn nhất của văn hóa Á Đông 5.000 năm. Ngay cả người Trung Quốc ngày nay tới đây cũng phải ngỡ ngàng thốt lên: “Tới Đài Loan, tôi có thể tìm lại những gì không còn tồn tại ở đại lục“.

Người Đài Loan lưu giữ văn hóa ông cha của họ qua từng ánh mắt cử chỉ

Những gì tinh hoa của văn hóa Thần truyền đều được Đài Loan lưu lại và nuôi dưỡng trong tâm hồn những người dân của họ. Người Đài Loan niềm nở và hiếu khách, nhiệt tình một cách kì lạ là những gì mà mọi du khách đến đây đều đồng ý. Du khách từ nhiều nước không tiếc những lời lẽ mỹ miều để hình dung về văn hóa ứng xử của người dân nơi đây:

“Con người Đài Bắc, có thể bạn chưa biết, họ hiền hòa và nhiệt tình. Họ không quá kính cẩn như người Nhật, không thật kiểu cách như người Hàn, với tôi họ có 1 sự quan tâm nhẹ nhàng và không quá vồn vã. ”, một du khách nước ngoài đến Đài Loan nhận xét trên blog của mình.

Cách mà người Đài Loan để những chiếc ô ở 1 vài nơi trên đường, khiến du khách hay cả những người bản xứ đều cảm thấy ấm áp vì bạn được quan tâm đến tận những cơn mưa bất chợt. (Ảnh: UpwardClass)

McCarthy, một người nước ngoài vượt vạn trùng dương để tới Đài Loan cho biết, anh đã bị thuyết phục hoàn toàn bởi tình cảm nồng ấm mà người dân ở đây thể hiện. Anh gọi nét đẹp văn hóa của Đài Loan là “nét đẹp chỉ có ở một nơi vô cùng văn minh”.

Người Đài Loan lịch sự và trân trọng mỗi người khách hàng mà họ phục vụ. Một sinh viên đến từ Thiên Tân đang theo học tại Đại học Thanh Hoa tại Tân Trúc nói rằng, khi mua cơm ở cửa hàng ăn dù là trả tiền hay gọi đồ thì cũng nghe thấy những lời “cảm ơn” không ngớt, nhiều tới mức cậu bắt đầu thấy ngại ngùng, sau đó cậu cũng bắt đầu học cách nói lời cảm ơn với họ.

Du khách đến Đài Loan có cảm giác như đang được trở về nhà (Ảnh: Travelpx.net)

Đó chỉ là một vài trong vô vàn những lời bình luận mỹ miều mà du khách mô tả về Đài Loan khi họ đặt chân đến quốc đảo xinh đẹp này. Mấy ai có thể hình dung một khái niệm Đài Loan chưa phát triển trong mắt nhiều người, một Đài Loan mà Trung Quốc luôn cố gắng làm lu mờ, hóa ra lại đẹp và khiêm nhường đến thế.

Chữ Hán mất đi nhiều nét, tựa như người hiện đại đánh mất nội hàm chân chính làm người

Cả thế giới từ lâu đã thừa nhận sự kì diệu của chữ Hán xưa, thâm ý sâu xa ẩn trong từng nét chữ Hán chính thể là điều mà cả nhân loại phải “ngả mũ thán phục”. Thế nhưng ở Trung Quốc, những ý nghĩa đó giờ đây đã biến dị theo cái gọi là “cuộc cách mạng Văn Hóa” của Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Một người Trung Quốc đã từng chỉ ra những điềm báo tồi tệ ẩn trong chữ Hán được cải tổ.

Chẳng hạn như chữ “Tiến” (進) chính thể gồm bộ Sước (辶): bước đi, và bộ Giai: tốt đẹp. Tiến bộ là bước đi hướng đến những điều tốt đẹp. Thế nhưng chữ Tiến (进) giản thể lại gồm bộ Sước (辶) và bộ Tỉnh (井): cái giếng, tức là tiến bộ thay vì đi lên lại là nhảy xuống hố. Điều này khiến nhiều người liên tưởng đến cuộc cách mạng Đại Nhảy Vọt do Mao Trạch Đông thực hiện làm chết 43 triệu người từ 1958 đến 1960.

Những điềm báo của chữ Hán giản thể đã trở thành sự thực, chuẩn xác một cách đáng sợ!

So với chữ “Ái” chính thể (愛), chữ “Ái” giản thể (爱) mất chữ “Tâm” (心) – trái tim. Phải chăng mang hàm nghĩa  “ái vô tâm”, yêu mà không xuất phát từ trái tim. Ngày nay thử hỏi có mấy người còn giữ tấm chân tình son sắt, hay là chỉ quen chạy theo thời thế xô bồ.

Hay chữ “Thân” chính thể (親) (người thân). Chữ “Thân” giản thể (亲), mất chữ “Kiến”. Thân bất kiến: Người thân không gặp được nhau. Một năm chẳng biết cha mẹ, con cái, người thân được đoàn tụ bao nhiêu lần?

Chữ Hán mất đi nhiều nét, tựa như người hiện đại đánh mất nội hàm chân chính làm người. May mắn thay, nét chữ chính thể ấy vẫn được người Đài Loan lưu truyền qua từng thế hệ. Người Đài Loan sử dụng chữ Hán chính thể truyền thống như một văn tự chính thống của đất nước.

Người Đài Loan sử dụng chữ Hán chính thể để lưu giữ nét đẹp văn hóa dân tộc (Ảnh: Shutterstock)

Quay ngược lịch sử về những năm 1950, bất chấp làn sóng phản đối rộng khắp đất nước, ĐCSTQ tận dụng mọi  biện pháp để thúc đẩy việc sử dụng chữ Hán giản thể, từ bỏ chữ Hán chính thể, tuyên bố rằng việc thực hiện đơn giản hóa chữ viết để giải quyết vấn đề tiếng Trung khó viết khó học, tạo thuận lợi xóa nạn mù chữ.

Sự thực không phải thế, chữ Hán chính thể không hề khó học, ngược lại cấu trúc chặt chẽ, cân đối, các bộ đều có quan hệ mật thiết và lô gic với nhau, vừa có nội hàm, vừa dễ nhớ. Chữ Hán giản thể kết cấu chông chênh, dễ vỡ, không có lô gic, học rất khó vào, còn bị chêm nhiều ý nghĩa xấu.

Cần lưu ý rằng khái niệm “phồn thể” và “giản thể” là không chính xác, hai khái niệm sai lầm này sinh ra dưới thời Đại cách mạng Văn Hóa, vì mục đích khiến người nghe tin rằng chữ Hán xưa phức tạp và chữ Hán do ĐCSTQ vẽ ra đơn giản. Nói đúng hơn, chỉ có chữ Hán xưa mới là “chính thể”.

Sự thật chứng minh, người Hoa ở Hồng Kông, Macao, Đài Loan và nhiều nơi trên thế giới vẫn sử dụng chữ Hán chính thể, nhưng tỷ lệ người mù chữ ít hơn nhiều so với Trung Quốc đại lục, mọi người không cảm thấy học chữ Hán chính thể có khó khăn gì.

Việc cải cách chữ Hán đã chặt đứt mối liên kết cội nguồn văn hoá của con dân Trung Hoa với tổ tiên. Bởi lẽ văn tự, văn vật và tín ngưỡng đều là cái nôi nuôi dưỡng nội hàm, sức mạnh văn hoá tiềm ẩn. Người Trung Quốc không còn biết chữ Hán chính thể, không còn khả năng tìm lại hình dạng văn hóa truyền thống. Lịch sử xưa có bị sửa đổi cũng chẳng hề gì, vì đâu còn ai kiểm chứng.

Hai khái niệm “phát triển”

Không thể phủ nhận những phát triển vượt bậc của Trung Quốc – một gã khổng lồ châu Á đang không ngừng vươn lên trong kinh tế. Tuy nhiên, Đài Loan cũng tỏ ra không kém cạnh, bất chấp những trở ngại mà “người anh em bên kia eo biển” tạo ra, kinh tế Đài Loan vẫn vươn lên trở thành một trong “Bốn con Rồng châu Á”.

Theo thống kê của Quỹ Tiền tệ Quốc tế năm 2018, GDP của Trung Quốc là 17,943, xếp thứ 75 trên bảng tổng sắp thế giới, trong khi đó GDP của Đài Loan đạt 51,637, xếp thứ 18 trên thế giới.

Điều đáng quý ở đây là người Đài Loan tập trung phát triển về kinh tế nhưng vẫn không quên tuân thủ tinh thần tôn trọng Mẹ Thiên Nhiên.

Trung Quốc hiện đang là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, tuy nhiên bên cạnh sự chênh lệch giàu-nghèo sâu sắc (điều vốn đi ngược lại với đường lối xã hội chủ nghĩa mà nhà nước Trung Quốc vẫn tuyên truyền) thì vấn đề môi trường là một vấn đề nan giải đối với xã hội Trung Quốc trong suốt ba thập kỷ qua.

Tháng 12/2015, Bắc Kinh phải ra báo động đỏ đầu tiên về ô nhiễm. Chính quyền phải cho học sinh nghỉ học, hạn chế lưu thông trên đường, tạm ngưng các công trình xây dựng ngoài trời, và dừng hoạt động sản xuất ở các nhà máy.

Trong khi đó, mọi thứ ở Đài Loan dường như đi theo chiều hướng ngược lại. Có thể nói Đài Loan là quốc gia nằm trong top các quốc gia sạch nhất Châu Á, bên cạnh Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc. Không khí ở đây rất trong lành, mát mẻ, trên mặt đất không có lấy một chiếc túi nilon hay cọng rác nào. 

Đài Loan nằm trong top những đất nước sạch nhất thế giới (Ảnh: Tansinh)

Rác thải ở đây được phân loại rất kỹ và phần lớn được tái chế. Người dân cũng có ý thức phân loại rác thải một cách nghiêm chỉnh. Theo số liệu của Cục Bảo vệ Môi trường Đài Loan (EPA), tỷ lệ tái chế rác ở nước này đã đạt đến 55% vào năm 2015, cao hơn cả mức 35% tái chế của Mỹ.

Đài Loan cũng được công nhận là nơi đáng sống nhất dành cho người nước ngoài theo một khảo sát quy mô lớn của InterNations Expat Insider năm 2016.

Trên đây chỉ là một vài trong rất nhiều những điểm khác biệt giữa Đài Loan và Trung Quốc. Nếu nói Trung Quốc và Đài Loan là hai nhánh chảy ra từ một dòng sông, thì có lẽ Trung Quốc là một con sông lớn màu mỡ phù sa với dòng nước đục ngầu đang cuồn cuộn chảy. Còn Đài Loan lại là một dòng suối nhỏ bình đạm nhưng vẹn nguyên vị trong lành của nguồn cội. Bên nào thật sự tốt hơn, có lẽ mỗi người sẽ tự có cho riêng mình một đáp án.

RELATED ARTICLES

Tin mới