Saturday, September 7, 2024
Trang chủĐiểm tinBản tin Biển Đông ngày 30/07/2018

Bản tin Biển Đông ngày 30/07/2018

Bản tin Biển Đông ngày 30/07/2018.

Lần đầu tiên Trung Quốc ngang nhiên đưa tàu tìm kiếm cứu nạn tới neo đậu thường trú ở Trường Sa

Ngày 29/7, tờ Japan Times đưa tin, hãng tin Tân Hoa Xã ngày 28/7 thông báo Trung Quốc lần đầu tiên đưa tàu tìm kiếm cứu nạn có tên “Nam Hải cứu 115” tới neo đậu thường trú tại Đá Su Bi, một trong các cấu trúc lớn nhất trong các đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng trái phép ở Trường Sa. Tân Hoa Xã cho biết tàu này có thể triển khai trực thăng cứu hộ cỡ trung bình, dự kiến ​​sẽ đến Đá Su Bi vào ngày 30/7. Ông Vương Trịnh Lương, Giám đốc Cục tìm kiếm và cứu nạn thuộc Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố Trung Quốc sẽ tiến hành củng cố các hoạt động tìm kiếm, cứu nạn ở Trường Sa và các khu vực xung quanh. Ông Đỗ Hải Bằng, một quan chức thuộc Cục này cũng thản nhiên khẳng định rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục chế tạo các tàu cứu hộ lớn với chiều dài lớn hơn cùng các thiết bị và công nghệ tiên tiến hơn. Đồng thời, nước này sẽ triển khai các máy bay trực thăng với khả năng cứu hộ tốt và nhanh hơn.

Vấn đề xây dựng lòng tin ở Biển Đông

Ngày 28/7, trang Diễn đàn Đông Á đăng bài viết “Vấn đề xây dựng lòng tin ở Biển Đông” của Giáo sư Aileen S P Baviera, Đại học Philippines. Trong bài viết của mình, bà Baviera cho rằng vẫn có một số thách thức đặt ra với ASEAN sau khi Trung Quốc đồng ý sẽ bắt đầu đàm phán nội dung chi tiết Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) vào tháng 2/2018. Bà cho rằng: (i) tới nay vẫn chưa có sự rõ ràng về việc liệu văn kiện này có thể mang tính “ràng buộc về mặt pháp lý” như ban đầu dự kiến hay không do khó khăn trong việc thiết lập các cơ chế xác minh và thực thi giữa các bên trong khi có sự bất đối xứng cao về năng lực của mỗi bên; (ii) COC chỉ giới hạn với các bên đàm phán là Trung Quốc và ASEAN trong khi vấn đề Biển Đông đã nổi lên từ đầu những năm 1990 trong một cuộc cạnh tranh chiến lược địa lý lớn hơn giữa Trung Quốc và Mỹ, với ASEAN bị kẹt ở giữa, và bà lo ngại rằng có vẻ như sự sốt sắng hiện nay của Trung Quốc trong cam kết đàm phán COC với ASEAN được thúc đẩy bởi “mong muốn giảm bớt sự tham gia hơn nữa của Mỹ” ở khu vực. Ngoài ra bà cũng lo ngại rằng ASEAN hiện đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng hơn nhiều trong việc duy trì vai trò trung tâm nhằm đảm bảo không gian biển riêng của mình, và dù Bắc Kinh hiện đang đóng vai trò là nhà cung cấp thương mại chính cho các nước láng giềng trong khu vực song điều này vẫn chưa đủ để thuyết phục các quốc gia Đông Nam Á về những tuyên bố và cam kết của nước này về việc tuân thủ các quy định và quy ước quốc tế, đặc biệt là khi nước này vẫn cương quyết không thừa nhận Phán quyết của Toà Trọng tài vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc năm 2016. Tác giả bài viết cho rằng, nếu ASEAN có kế hoạch giảm thiểu căng thẳng ở Biển Đông, đối phó với tham vọng bá quyền của Trung Quốc và tránh việc một lần nữa trở thành đấu trường cạnh tranh quyền lực giữa các nước lớn, thì ASEAN phải thuyết phục rằng khối này vẫn là “xương sống về an ninh đa phương”. ASEAN phải chứng minh rằng cách tiếp cận an ninh hợp tác của nó vẫn tồn tại ngay cả dưới (hoặc đặc biệt là) môi trường địa chính trị đang biến đổi.

Mặt khác, bà nhận định, các biện pháp xây dựng lòng tin không còn đủ và cũng không có ý nghĩa ràng buộc hiệu quả nhằm đạt được những mục tiêu rõ ràng. Bà cho rằng, có thể đã đến lúc ASEAN cần vượt ra ngoài các biện pháp xây dựng lòng tin và tiến lên mức cao hơn nhiều so với thông, trong đó ADMM+ là nền tảng toàn diện và hiệu quả nhất từ ​​trước đến nay.

Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Mat Sabu bày tỏ lo ngại về sự hiện diện quân sự của Trung Quốc và Mỹ ở Biển Đông

The Star đưa tin, ngày 30/7, phát biểu tại Quốc hội, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Mohamad Saby bày tỏ lo ngại về sự hiện diện của Mỹ và Trung Quốc trên Biển Đông. Ông cho biết Malaysia sẽ tăng cường đối thoại với Trung Quốc và Mỹ để tránh việc khu vực bị trở thành “chiến trường”. Khi được hỏi về sự hiện diện của các tàu hạt nhân dọc trên eo biển Malacca, Mohamad cho rằng các tàu hải quân như vậy được phép đi qua song Malaysia sẽ không cho phép nếu các nước đó muốn tổ chức các cuộc tập trận quân sự chung hoặc neo tàu ở khu vực vì nó có thể gây ra xung đột cho khu vực. Ông cũng lưu ý rằng an toàn dọc khu vực eo biển là vấn đề rất quan trọng vì đây là tuyến đường nhộn nhịp nhất trên thế giới với khoảng 100.000 tàu đi qua mỗi năm.

Quyền Chánh án Toà án tối cao Philippines hoan nghênh lập trường của Tổng thống Duterte về vấn đề Biển Đông

Ngày 30/7, trang Mindanao Examiner đưa tin, Quyền Chánh án Toà án tối cao Philippines Antonio Carpio đã hoan nghênh tuyên bố mới đây của Tổng thống Rodrigo Duterterằng Philippines sẽ không từ bỏ việc bảo vệ các lợi ích của nước này trên Biển Đông dù vẫn đang đẩy mạnh quan hệ với Trung Quốc. Ông Carpio cho rằng đây là “một lập trường đúng đắn”, “Philippines có thể vẫn tiếp tục trao đổi thương mại với Trung Quốc đồng thời bảo vệ các quyền chủ quyền của mình”. Tuy nhiên, ông cho rằng sẽ tốt hơn nếu Tổng thống có phát biểu rõ ràng về việc Philippines sẽ làm thế nào để bảo vệ các quyền chủ quyền của mình trên Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới