GS Đài Loan cho rằng, Mỹ sẽ không tiến hành chiến tranh trên bộ, tránh việc đụng độ quân sự ở châu Á, đặc biệt, tránh đối đầu quân sự với Trung Quốc.
Quân đội Trung Quốc diễn tập. Ảnh: Tân Hoa Xã
Ngày 23/7, trong cuộc trả lời phỏng vấn đài CNN, người đứng đầu cơ quan ngoại giao Đài Loan Ngô Chiêu Nhiếp cho biết, quan hệ Mỹ-Đài đã trở nên mật thiết hơn trong những năm gần đây, nhưng quan trọng nhất vẫn là Washington tiếp tục trợ giúp Đài Loan về quân sự lẫn ngoại giao.
Ông này cho biết, nếu không có sự hỗ trợ quân sự từ phía Mỹ, Đài Loan có thể dễ dàng bị Bắc Kinh tấn công.
Cho dù giai đoạn hiện nay kể từ khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền được xem là một trong những giai đoạn phát triển tốt nhất của mối quan hệ Mỹ – Đài Loan từ khi Mỹ cắt đứt quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan năm 1979 nhưng đảo này vẫn lo lắng rằng Washington sẽ vì lợi ích quốc gia mà không can thiệp vào vấn đề eo biển Đài Loan.
Ông Đổng Lập Văn, ủy viên tư vấn chính sách Đài Loan cho rằng, phát biểu của ông Ngô Chiêu Nhiếp đã miêu tả chính xác tình hình hiện nay, bởi vì từng có tiếng nói từ Đại lục tuyên bố “nếu không có Mỹ, Trung Quốc sẽ sớm thống nhất Đài Loan” cũng như “nếu Trung Quốc thống nhất Đài Loan, Mỹ sẽ phải rút khỏi Tây Thái Bình Dương”.
Mỹ sẽ đưa quân tới Đài Loan?
Nhiều ý kiến cho rằng Đài Loan có vị trí địa chính trị chiến lược quan trọng, là một mắt xích quan trọng trong “chuỗi đảo thứ nhất” ngăn chặn Trung Quốc của Mỹ. Để duy trì lợi thế chiến lược này, Mỹ chắc chắn sẽ ra sức bảo vệ Đài Loan.
Tuy nhiên, chuyên gia quân sự Đài Loan – Giáo sư Lâm Uất Phương cho rằng, từ những kinh nghiệm của chiến tranh vùng Vịnh, Iraq, Mỹ sẽ không tiến hành chiến tranh trên bộ, tránh việc đụng độ quân sự ở châu Á, chưa kể đến việc hai cường quốc hạt nhân Mỹ và Trung Quốc sẽ cố gắng tránh đối đầu quân sự với nhau.
Ngày 22/7, Phó Giáo sư Hoàng Khuê Bác, Phó Viện trưởng Viện vấn đề quốc tế Đại học Chính trị Đài Loan đã đưa nhận định về việc Mỹ liệu có gửi binh lính tới Đài Loan hay không.
Ông này chỉ ra, mức độ xung đột của Mỹ trong cuộc chiến với Trung Quốc sẽ phải lớn hơn rất nhiều so với cuộc chiến tại Iraq, và các hạm đội tàu sân bay của Mỹ bắt buộc phải tiếp cận chiến trường Trung Quốc đại lục, một tàu sân bay chở được 5.600 người của Mỹ nếu bị đánh chìm thì hậu quả khôn lường.
Các căn cứ quân sự của Mỹ ở Châu Á-Thái Bình Dương cũng sẽ trở thành tâm điểm trong các cuộc tấn công của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Theo ước tính, thương vong của Mỹ trong cuộc chiến có thể vượt quá tổng số người thiệt mạng trong cuộc chiến tranh Iraq.
Nếu những suy đoán sát với thực tế thì không có một nhà lãnh đạo nào của Mỹ dám đưa ra quyết định gửi quân để hỗ trợ Đài Loan.
TT Trump có những tính toán của riêng mình
Giáo sư Lâm Uất Phương cho rằng nếu Trung Quốc đại lục đưa quân đến Đài Loan, những việc Mỹ có thể làm là cung cấp tin tình báo, linh kiện và vũ khí cho đảo này nhưng sẽ không tham chiến trực tiếp.. Ông cho rằng, Tổng thống Trump đã có những tính toán riêng của mình.
Ông Lâm Uất Phương nói: “Mỹ và Trung Quốc đang có tranh chấp thương mại nhưng cả hai bên sẽ kiềm chế. Hai bên sẽ gặp khó khăn bế tắc, sẽ đấu tranh nhưng chắc chắn không bao giờ dùng dao, dùng súng.
Chúng ta phải hiểu rằng, Đài Loan là một vùng lãnh thổ đặc biệt, sức ảnh hưởng đối với chính trị quốc tế còn hạn chế, trong khi đó Mỹ lại là nước có chính sách đối ngoại linh hoạt dựa trên lợi ích của mình.
Tôi cho rằng, hiện nay Mỹ hy vọng rằng Trung Quốc sẽ kiềm chế hơn trong vấn đề biển Đông và một số vấn đề khác cũng như sẽ hợp tác để giải quyết vấn đề hạt nhân ở Triều Tiên, và càng hy vọng Trung Quốc có những nhượng bộ về lợi ích thương mại, đây là những tính toán của một người từng là doanh nhân như ông Trump.”
Theo những nội dung được tiết lộ trong Kế hoạch tác chiến bảo vệ Eo biển Đài Loan mới nhất của quân đội Đài Loan, nếu hai bờ eo biển xảy ra chiến tranh, Mỹ sẽ không cung cấp “một binh một tốt” nào.
Đối với vấn đề này, nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn cho biết, an ninh quốc phòng, khả năng tự vệ của Đài Loan là trách nhiệm của vùng lãnh thổ này nên họ cần cố gắng hết sức để bảo vệ Đài Loan.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn đài CNN, ông Ngô Chiêu Nhiếp cũng chỉ ra rằng, Đài Loan đang cố gắng tiến hành hợp tác với các nước có cùng khuynh hướng, nỗ lực hợp tác an ninh với Mỹ, tránh để Trung Quốc dễ dàng tấn công.
Giáo sư Viên Dịch thuộc Đại học Chính trị Đài Loan cũng cho rằng, nhiệm vụ trọng tâm của chính quyền bà Thái Anh Văn là tìm kiếm sự giúp đỡ của các nước khác để đảm bảo an ninh của Đài Loan nhưng đây là vấn đề khó bởi vì lợi ích quốc gia, nhiều đồng minh đã “chia tay” đảo này để thiết lập quan hệ với Bắc Kinh.
Đài Loan thận trọng với chính sách của Mỹ
Sau khi lên nắm quyền, chính quyền Tổng thống Trump đã đưa ra rất nhiều chính sách thiện chí đối với Đài Loan, bao gồm một số dự thảo luật được Quốc hội Mỹ thông qua như Đạo Luật đi lại Đài Loan, tăng cường hợp tác an ninh song phương, thăm hỏi song phương cấp cao…
Nhiều người Đài Loan cho rằng quan hệ Mỹ – Đài Loan hiện nay đã đạt đến giai đoạn tốt nhất kể từ khi Mỹ cắt đứt quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan năm 1979.
Ông Ngô Chiêu Nhiếp nói: “Tổng thống Trump duy trì mối quan hệ rất tốt đẹp với Đài Loan, và nói với chúng tôi rằng chính quyền Mỹ tin rằng Đài Loan không thể bị đem ra đổi chác, vấn đề dân chủ không thể đem ra “giao dịch”, chính quyền Đài Loan rất tin tưởng chính quyền Trump sẽ kiên trì ủng hộ Đài Loan, nếu không hỗ trợ an ninh, thì là ủng hộ quan hệ Đài – Mỹ.”
Nhưng ông Viên Dịch lại cảnh báo rằng, mặc dù những động thái của chính quyền Tổng thống Trump dường như có lợi cho Đài Loan nhưng vùng lãnh thổ này cần có những sự thận trọng cao độ đối với chính sách của Mỹ.
Ông Viên Dịch nói: “Chính sách đối ngoại cho đến nay của Tổng thống Trump đã gây bất ngờ với tất cả các đồng minh của Mỹ. Những sự thay đổi, tư duy và cách đưa ra chính sách của Tổng thống Trump đã vượt qua tất cả những tư duy quen thuộc của mọi người về chính sách đối ngoại của Mỹ.
Do đó, về bề ngoài nếu Mỹ có thiện chí quá mức đối với Đài Loan, tôi tin rằng Đài Bắc cần thận trọng hơn trước những sự thay đổi chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Trump.
Đài Loan phải rất thận trọng với các thiện chí của ông Trump, bởi vì không ai có thể chắc chắn được về thái độ của Tổng thống Trump với các đồng minh của Mỹ.”
Đài Loan có phải là con tốt của Mỹ?
Ông Đổng Lập Văn cho biết, Đài Loan không quá lạc quan đối với chính sách của Mỹ và đang cố gắng nâng cao năng lực quốc phòng nhưng ông cho rằng Tổng thống Trump là một người nói được làm được, đã thực hiện những cam kết khi tranh cử, chiến lược của ông Trump với Trung Quốc và các nước trên thế giới là nhất quán.
Giáo sư Viên Dịch cho rằng, điều đáng quan tâm hiện nay là liệu Tổng thống Trump có dùng biện pháp không ai ngờ đến, liên kết các vấn đề lại với nhau, trong đó có vấn đề Đài Loan để phục vụ cho cuộc đối đầu thương mại giữa với Trung Quốc.
Ông Viên Dịch cho rằng, Đài Loan cần tiếp tục cảnh giác tránh việc trở thành một con tốt bị đem ra trao đổi giữa các nước lớn.
Trong khi đó, ông Đổng Lập Văn cho rằng Bắc Kinh luôn xem xét liệu Mỹ có gì để đem ra trao đổi vấn đề Đài Loan hay không.
“Vấn đề được quan tâm nhiều hơn là vấn đề Triều Tiên, thậm chí có cả vấn đề chống chủ nghĩa khủng bố, trong vòng 30 năm trở lại đây đều như vậy.
Nhưng ít nhất trong vòng 30 năm qua cũng chứng minh rằng, Mỹ sẽ không vì vấn đề chiến lược, vấn đề Bắc Triều Tiên hay chống khủng bố mà bán đứng Đài Loan…”, chuyên gia Đài Loan nói.
Ông này khẳng định về mặt chiến lược, Bắc Kinh sẽ luôn coi Đài Loan là một con tốt quan trọng, sử dụng Đài Loan như một quân cờ.