Tuesday, January 7, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiBê bối vắc-xin giả tại TQ: Câu trả lời nào cho các...

Bê bối vắc-xin giả tại TQ: Câu trả lời nào cho các bậc mẹ cha?

Các vị phụ huynh Trung Quốc đang nỗ lực đấu tranh để đòi lại công bằng cho con em của họ trong vụ bê bối vắc-xin giả, nhưng điều đó chưa bao giờ là đơn giản ở một đất nước mà nhân quyền luôn là chủ đề nhạy cảm như Trung Quốc.

Câu chuyện đau lòng của người làm mẹ

Wang Shixia là một người phụ nữ vừa mới làm mẹ ở thời điểm cô tiêm phòng DPT cho đứa con trai bảy tháng tuổi của mình, tại một bệnh viện ở tỉnh Sơn Đông, ven biển của Trung Quốc, và đối với cô đó là chuyện hiển nhiên.

Nhưng cô lại không thể ngờ rằng, mũi tiêm được nhà nước bảo trợ cách đây ba năm – và đã được tiêm cho hàng triệu trẻ sơ sinh trên toàn quốc để ngăn ngừa bệnh bạch hầu, ho gà và uốn ván mỗi năm – có thể sẽ cướp đi mạng sống của con trai cô, và trở thành cơn ác mộng ám ảnh cả gia đình cô hằng đêm.

Con của Wang sốt cao sau khi tiêm và tình trạng của cậu bé càng lúc càng trở nên tồi tệ hơn. Trong suốt hai tuần, bé phải nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt, chiến đấu với cơn sốt cao dai dẳng, phát ban mưng mủ, nhiễm trùng tủy xương và viêm màng não, theo SCMP.

Đứa trẻ may mắn vượt qua ranh giới tử thần, nhưng vẫn phải nhận điều trị định kỳ vài tháng một lần ở Bắc Kinh. Các cơ quan y tế xác nhận vắc-xin là nguyên nhân gây ra tình trạng của em.

Bê bối vắc-xin giả làm rúng động Trung Quốc

Trung Quốc lúc này đang phải đối mặt với khủng hoảng y tế quốc gia tồi tệ nhất trong nhiều năm. Cô Wang và hàng trăm phụ huynh khác ở Trung Quốc cho rằng con em của họ đã bị ốm, tàn tật, thậm chí là chết vì tiêm phòng trong những năm qua, và họ đang yêu cầu một câu trả lời từ các nhà chức trách.

Vụ bê bối nổ ra khi các nhà chức trách thông báo rằng công ty công nghệ sinh học Changchun Changsheng, một trong những nhà sản xuất vắc-xin lớn nhất Trung Quốc, đã sản xuất khoảng 252,600 vắc-xin DPT không đạt tiêu chuẩn cho hàng trăm nghìn trẻ sơ sinh từ ba tháng tuổi.

Công ty cũng vướng vào một bê bối làm giả dữ liệu sản xuất đối với khoảng 113.000 vắc-xin phòng bệnh dại, cơ quan kiểm định chất lượng thuốc của nhà nước cho biết.

Tính đến nay, công ty Changsheng mới chỉ bị yêu cầu nộp phạt một khoản tiền nhỏ – chỉ bằng 0,6% lợi nhuận ròng năm 2017 của công ty này. Mười lăm người, bao gồm cả chủ tịch công ty, đã bị bắt, và các nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc đã cam kết sẽ có một cuộc điều tra kỹ lưỡng về sự cố “kinh hoàng”.

Nhưng đối với nhiều bậc cha mẹ, điều này không bao giờ là đủ.

Cô bé khóc trong vòng tay của mẹ khi tiêm phòng sởi tại Hợp Phì, tỉnh An Huy phía đông Trung Quốc vào ngày 11 tháng 9, 2010. (Ảnh: The Epoch Times)

“Những kẻ xấu tất nhiên sẽ bị trừng phạt, nhưng còn về những đứa trẻ và gia đình đã bị đau đớn và khủng hoảng [bởi vắc-xin] thì sao? Chúng tôi không xứng đáng được nhận một câu trả lời hay sự đền bù nào hay sao?”, cô Wang nói.

Niềm tin bị đánh đổ sau nhiều lần vắc-xin chất lượng kém gây ra những hệ quả nghiêm trọng.

Vắc-xin DPT được dùng để tiêm cho con của cô Wang không nằm trong số các vắc-xin bị lỗi do cơ quan quản lý thuốc nhà nước phát hiện, mặc dù cũng là sản phẩm do công nghệ sinh học Changsheng sản xuất. Và Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ cũng cho biết, bất kỳ vắc-xin nào cũng có thể gây ra các tác dụng phụ, và có nguy cơ – mặc dù rất nhỏ – gây tác dụng phụ nghiêm trọng hoặc thậm chí tử vong.

Tuy nhiên, khi niềm tin vào ngành dược phẩm của Trung Quốc bị đánh đổ bởi những quy định lỏng lẻo của chính phủ về an toàn dược phẩm, cô Wang và những người khác đang lo sợ một sự thật, số lượng vắc-xin bị các cơ quan chức năng phát hiện có vấn đề mới chỉ là một phần nhỏ trong thị trường vắc-xin hiện nay của Trung Quốc, và con số thực sự có thể còn cao hơn nữa.

Nhân viên của trung tâm phòng chống và kiểm soát dịch bệnh tại một địa phương gửi thông báo thu hồi các loại vắc-xin phòng bệnh dại được sản xuất bởi công ty Công nghệ sinh học Changsheng ở Hoàng Sơn, tỉnh An Huy, Trung Quốc, vào thứ Hai. (Ảnh: Reuters)

“Điều quan trọng nhất đối với chúng tôi là sự đảm bảo rằng thảm kịch như vậy không xảy ra lần nữa”, Li Baosheng, một vị phụ huynh ở Sơn Đông cho biết, con trai của ông đã mất sau khi tiêm chủng ngừa.

Năm 2010, đứa con trai tám tuổi của ông Li trở về nhà sau khi tiêm phòng cúm H1N1 tại trường, đứa bé sốt cao. Hai ngày sau, bé rơi vào hôn mê và có dấu hiệu ngừng thở. Sau hai tuần đeo mặt nạ dưỡng khí và hai tháng điều trị tại một bệnh viện ở Bắc Kinh, cậu bé vẫn ở trong tình trạng thực vật cho đến khi qua đời vào tháng Tám, ông Li kể.

“Chúng tôi không thể cho phép vụ bê bối này biến mất chỉ sau một vài ngày. Các vấn đề và vụ bê bối tương tự đã xảy ra lặp đi lặp lại trong nhiều năm qua. Điều đó có nghĩa là chính phủ đã không làm gì để cải thiện việc kiểm soát chất lượng”, ông nói.

Hai năm trước, các nhà chức trách Trung Quốc đã từng thông báo một phát hiện tương tự, 2 triệu vắc-xin được lưu trữ không đúng cách trong một nhà kho quá nóng và đổ nát. Số vắc xin này đã được bán trên khắp đất nước.

Một năm trước đó nữa, hàng trăm trẻ sơ sinh ở trung tâm tỉnh Hà Nam được báo cáo là đã bị tiêm chủng ngừa bằng vắc-xin hết hạn, hậu quả là hai ca tử vong đã xảy ra.

Năm 2013, các cơ quan y tế đã điều tra một công ty sản xuất vắc-xin sau khi tám trẻ sơ sinh tử vong trong hai tháng sau khi tiêm vắc-xin viêm gan B.

Và trong năm 2010, nhà báo Wang Keqin đưa tin, các vắc-xin không được bảo đảm ở tỉnh Sơn Tây đã cướp đi sinh mệnh bốn đứa trẻ, và làm hơn 70 bé khác bị ảnh hưởng.

“Đã có rất nhiều nạn nhân trên cả nước. Tôi đã đề nghị có một bộ luật về vắc-xin từ năm 2010, nhưng vô ích”, ông Li nói.

Sau khi vụ bê bối vắc-xin giả nổ ra, gần 400 phụ huynh, những người cho rằng con cái của họ có thể là nạn nhân của vắc-xin giả, đã lập một nhóm trò chuyện trên ứng dụng nhắn tin WeChat.

Một vài vị phụ huynh kêu gọi nộp đơn kiến nghị lên Hội đồng Nhà nước thông qua một trang web được lập ra để thu nhận ý kiến phản hồi của công chúng cho đến tháng 9. Trong khi những người khác cho rằng cần phải viện đến luật pháp và đề nghị trực tiếp kiến nghị lên Bắc Kinh

Nhưng chính quyền Bắc Kinh đã có rất nhiều động thái nhằm cản trở các hoạt động nhân quyền và bất đồng chính kiến trong những năm qua. Vào năm 2008, một nhóm phụ huynh có con bị ốm vì sữa bột bị nhiễm melamine đã bị cảnh sát giam giữ khi họ cố gắng tổ chức một cuộc họp báo.

Mặc dù vậy, nhiều vị phụ huynh vẫn không hề nản chí.

“Việc lo sợ không đem lại ích lợi nào hết, con dao đã kề trên cổ và chúng ta buộc phải lên tiếng, nếu không mọi chuyện sẽ trở nên tồi tệ hơn”, ông Shawn, một vị phụ huynh ở thành phố Quảng Châu, nghi ngờ con trai ông bị bệnh động kinh sau khi tiêm vắc-xin DPT vào năm 2013, cho biết.

Ông Shawn cho biết đứa con bốn tháng tuổi của ông bắt đầu bị co giật sau khi tiêm ngừa và phải nằm hơn một tuần trong phòng chăm sóc đặc biệt.

Rất khó để có thể xác minh nguyên nhân đối với những trường hợp như của hai người cha là Shawn và Li

Trung Quốc kiểm duyệt tất cả các bài báo đưa tin về vụ bê bối vắc xin

Ông Shawn tỏ ra “bi quan” về việc chính phủ sẽ nghe thấy lời kêu gọi của họ để giúp điều trị các trẻ em bị ảnh hưởng, khi mà hầu hết các phương tiện truyền thông Trung Quốc đều nằm trong sự kiểm soát của chính quyền.

Sau khi vụ bê bối bị lan truyền trên mạng hồi cuối tuần trước, từ “vắc-xin” đã trở thành một trong những từ bị kiểm duyệt nhiều nhất trên Weibo (dịch vụ mạng xã hội tương tụ Twitter). Một phóng viên của Tập đoàn Truyền thông Thâm Quyến cho biết các nhà chức trách đã ban hành lệnh cấm đưa tin về vụ bê bối này từ hôm thứ Ba (24/7).

“Thành thật mà nói, chính phủ vẫn không hề thay đổi – không có tự do báo chí, không công bằng tư pháp … Nếu các quyền [cơ bản] do hiến pháp cấp thậm chí không thể được đảm bảo, dựa vào các cuộc điều tra do chính phủ khởi xướng sẽ không tạo ra nhiều sự khác biệt”, ông Shawn nói.

RELATED ARTICLES

Tin mới