EU vừa có được thoả thuận với Mỹ về thương mại giúp, điều này giúp 2 bên đẩy lùi được nguy cơ xảy ra chiến tranh thương mại và ngăn chặn được “đối thủ chung” là Trung Quốc.
Chủ tịch Tập Cận Bình (trái) và Thủ tướng Merkel (phải). Ảnh Getty
Trung Quốc âm thầm xâm nhập
Sự trùng lặp về thời điểm có thể chỉ tình cờ đối với EU và Đức nhưng phía Trung Quốc chắc không tin như thế. EU vừa có được thoả thuận với Mỹ về thương mại giúp hai bên đẩy lùi được nguy cơ xảy ra chiến tranh thương mại, nhưng lại gây bất lợi nhiều cho Trung Quốc, thậm chí còn được coi là EU và Mỹ liên thủ chống Trung Quốc.
Chính phủ Đức dùng quyền phủ quyết ngăn cản Trung Quốc thâu tóm hai công ty của Đức là công ty chế tạo máy móc công cụ Leifeld Metal Spinning và công ty vận hành mạng lưới điện ở thủ đô Berlin 50Hetz.
Quyết định này của chính phủ Đức được dư luận ở Đức và trong EU tán đồng cho thấy chuyện Trung Quốc thâu tóm các doanh nghiệp châu Âu, đặc biệt trong EU và Thuỵ Sỹ, đã trở thành mối lo ngại sâu sắc đến mức nào đối với các quốc gia châu Âu và đã bị các nước này coi là mối đe dọa lớn về an ninh quốc gia.
Thâu tóm doanh nghiệp ở châu Âu là chiến lược được Trung Quốc âm thầm thực thi từ lâu và là bộ phận quan trọng trong kế hoạch “Made in China 2025” của Trung Quốc. Cho tới nay, theo số liệu thống kê của EU, Trung Quốc đã bỏ ra nhiều trăm tỷ Euro để làm việc này.
Ở châu Âu, Trung Quốc hầu như không thực hiện đầu tư trực tiếp để thành lập doanh nghiệp riêng mà đi từ tham gia vào doanh nghiệp của châu Âu để dần rồi thâu tóm doanh nghiệp ấy hoặc mua luôn doanh nghiệp ấy.
Trung Quốc nhằm vào những thương hiệu nổi tiếng và những ngành công nghiệp, kỹ thuật và công nghệ được coi là then chốt đối với thế giới trong thế kỷ 21 và đối với kinh tế cũng như dịch vụ trên nền tảng “Công nghiệp 4.0 “.
Các nước châu Âu, đặc biệt EU, lo ngại là Trung Quốc bằng cách đó dần sở hữu hết mọi bí quyết công nghệ, phát minh và sáng tạo, trí tuệ công nghiệp hiện có của họ. Không ít nước công khai coi đó là một kiểu “ăn cắp” rất tinh vi và hợp pháp ở châu Âu. Vì thế, đã từ khá lâu nay, các nước châu Âu tìm cách đối phó.
EU chơi chiêu đáp trả
Cách đối phó của chính phủ Đức cũng như các nước châu Âu khác có thể được gói gọn trong hai cụm từ “Ngăn từ sớm, chặn từ xa” và “Thà thừa còn hơn sót”.
Trước tiên là xiết chặt luật lệ về nước ngoài mua công ty để bên ngoài như Trung Quốc không thể dùng tiềm lực tài chính dồi dào muốn mua công ty nào cũng được. Về phương diện khả năng tài chính thuần tuý mà nói thì chẳng có nhà nước nào và doanh nghiệp nào ở châu Âu là đối thủ của Trung Quốc.
Chẳng hạn như ở nước Đức. Năm ngoái, quy định về kinh tế đối ngoại đã được sửa đổi giúp mở rộng phạm vi hoạt động của chính phủ Đức. Theo đó, chính phủ Đức có quyền ngăn cản nước ngoài thâu tóm công ty Đức nếu cho rằng việc nước ngoài mua công ty ấy ảnh hưởng đến “lợi ích và an ninh quốc gia”.
Chính phủ ngăn cản bằng cách không cho phép như trong 2 trường hợp nói trên đối với Trung Quốc hoặc chính phủ tham gia trực tiếp vào công ty ấy để bên ngoài không còn có cơ hội thâu tóm nó.
Biện pháp thứ hai mà các nước châu Âu thực hiện là có đi có lại với các đối tác nước ngoài, tức là đòi các nước ngoài cũng phải cho phép các nước châu Âu thâu tóm công ty của nước ngoài. Biện pháp này mang tính chính trị nhiều hơn và hiệu quả thực tế rất thấp.
Các nước châu Âu, như chính phủ Đức vừa rồi, lo ngại rằng Trung Quốc dùng việc thâu tóm công ty như thế vừa để phục vụ cho kế hoạch “Made in China 2025” vừa dần tăng vị thế trong nền kinh tế ở nước sở tại và từ đó có được ảnh hưởng chính trị tương xứng.
Họ lo ngại rằng nếu cứ như vậy thì họ sẽ bị Trung Quốc nhanh chóng đuổi kịp và rồi vượt xa về khả năng cạnh tranh quốc tế, bị mất về tay Trung Quốc vai trò dẫn đầu thế giới về khoa học, kỹ thuật và công nghệ hiện đại.
Câu hỏi được đặt ra ở đây là ngăn sớm chặn xa và thà thừa còn hơn sót như thế có phải là chủ nghĩa bảo hộ trá hình hay không. Một khi đã được đặt vào khuôn khổ của “lợi ích và an ninh quốc gia” thì mọi cái đều được hợp pháp hoá hết trên danh nghĩa nên nếu muốn lợi dụng và lạm dụng thì đâu có khó gì.
Nhưng trong thực chất thì không thể coi đấy là kinh tế thị trường thật sự tự do và cạnh tranh thật sự tự do. Trung Quốc vốn vẫn bị cáo buộc là cạnh tranh không lành mạnh đã đành.
Các nước châu Âu, đặc biệt EU và Đức, vẫn luôn coi họ là biểu tượng và tiên phong cho tự do hoá mậu dịch và chống chủ nghĩa bảo hộ, cho cạnh tranh công bằng và kinh tế thị trường tự do, mà giờ lại dùng luật để cản và lệnh để ngăn thì thiên hạ không biết nên phải hiểu như thế nào về họ đây?