Friday, April 26, 2024
Trang chủĐiểm tinBản tin Biển Đông ngày 07/08/2018

Bản tin Biển Đông ngày 07/08/2018

Bản tin Biển Đông ngày 07/08/2018.

Bộ trưởng Quốc phòng Singapore: ASEAN và Trung Quốc cần nhanh chóng ký Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông để duy trì ổn định trên biển

The Straits Times đưa tin, ngày 6/8, phát biểu tại Chương trình Các sỹ quan quân đội cao cấp Châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 20 được tổ chức bởi Đại học Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam, Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen đã kêu gọi các nước ASEAN và Trung Quốc cần thúc đẩy và nhanh chóng thông qua Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông nhằm duy trì ổn định trên biển và duy trì vai trò trung tâm của ASEAN, cụ thể là duy trì “tính trung lập, toàn diện và cởi mở”. Bên cạnh đó, ông cũng lưu ý rằng Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) cần được thúc đẩy bởi đây là “khuôn khổ pháp lý của các quyền và yêu sách đối với tài nguyên trên biển”.

Học giả quốc tế: đã đến lúc Mỹ phải kiềm chế các hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông

Ngày 6/8, tạp chí The National Interest đăng bài viết “Trung Quốc đang “làm loạn” Biển Đông. Đã đến lúc Mỹ phải có hành động để kiềm chế” của Patrick M. Cronin, Giám đốc Chương trình An ninh Châu Á – Thái Bình Dương, Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS).

Ông Cronin nhận định, cách tiếp cận hiện nay của Mỹ nhằm kiềm chế những hành động hiếu chiến leo thang của Trung Quốc ở Biển Đông chưa đạt được hiệu quả. Các hoạt động tự do hàng hải (FONOPs) của Hải quân Mỹ vẫn chưa đạt được mục tiêu chính trị trong dài hạn, đó là thay đổi thái độ và hành vi của Trung Quốc ở khu vực, hay là duy trì thượng tôn pháp luật quốc tế. Trung Quốc vẫn ngang nhiên mở rộng và phát triển các khu vực tiền đồn quân sự của họ trên Biển Đông. Mặc dù vậy, tác giả cho rằng vẫn còn cơ hội để xoay chuyển tình thế nhưng đòi hỏi phải có sự nhận thức rõ ràng về bản chất cốt lõi của “mối đe doạ”, xem xét lại những nỗ lực hiện tại để nhận định được hiệu quả và áp dụng những kinh nghiệm gần đây đã có để xây dựng các chiến lược mới hơn có thể tận dụng các sáng kiến và đạt được mục tiêu duy trì tự do biển cả và thượng tôn pháp luật trên phạm vi toàn cầu.

Ông Cronin nhận định,”chiến lược đa chiều” của Trung Quốc mang bản chất “của một con bạch tuộc hung hãn”, có những nỗ lực được thực hiện “cùng một lúc” và được tiến hành một cách “riêng rẽ” nhưng vẫn đảm bảo có sự kết hợp nhằm đánh lạc hướng và áp đảo các bên khác trước khi họ kịp đưa ra phản ứng công khai. Ông cho rằng, mặc dù sự chú ý của dư luận phần lớn tập trung vào các hoạt động bành trướng lãnh thổ thông qua việc cải tạo đảo trên các cấu trúc Trung Quốc chiếm đóng trái phép song thực tế bản chất của tranh chấp Biển Đông hiện nay nằm ở “sự cạnh tranh giữa thượng tôn pháp luật quốc tế hiện đại và “chủ nghĩa xét lại khu vực” củ Trung Quốc”. Mặt khác, tham vọng lãnh thổ theo “chủ nghĩa xét lại” và quan niệm riêng về “chủ quyền trên biển” của Trung Quốc lại đi ngược lại với “nguyên trạng pháp lý quốc tế” là Biển Đông bao gồm nhiều khu vực tranh chấp được tạo ra bởi vùng đặc quyền kinh tế của các nước trong khu vực (Philippines, Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Brunei) và vùng biển quốc tế chạy qua “Vùng Nguy hiểm” (Dangerous Ground). Trung Quốc tìm cách “đảo ngược” hai nguyên tắc được luật biển quốc tế ghi nhận là “tự do biển cả” và “đất thống trị biển” để áp dụng “nguyên tắc chủ quyền” của riêng mình, xem Biển Đông không phải là khu vực “di sản toàn cầu” mà tại đó các quốc gia có thể khẳng định mức độ kiểm soát hạn chế dựa trên các vùng lãnh thổ kế cận, trái lại nước này xem đây là “vùng lãnh thổ xanh” để tuỳ tiện tuyên bố chủ quyền, dù là khu vực nằm gần lục địa hay bất kỳ cấu trúc địa lý nào khác. Trong lĩnh vực luật pháp quốc tế, Trung Quốc cũng chỉ tham gia vào những cơ chế được quốc tế công nhận “một cách có chọn lọc”: bác bỏ vai trò của Toà Trọng tài trong việc giải quyết vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc nhưng đồng thời vẫn đưa ra những lập luận pháp lý nhằm nâng cao lập trường theo một số khuôn khổ pháp lý khác, hay mặc dù là thành viên của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) nhưng lại cương quyết bảo vệ cho cái gọi là “quyền lịch sử” và “chủ quyền không thể tranh cãi” trên Biển Đông để vi phạm quyền chủ quyền của các quốc gia khác trên vùng đặc quyền kinh tế (EEZs), sử dụng các lực lượng thực thi pháp luật trên biển và dân quân để tấn công và đe doạ công dân không có vũ trang của các nước láng giềng đang thực thi quyền của mình theo luật pháp quốc tế tại các EEZs hay tại vùng biển quốc tế. Ông Cronin cho rằng các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông chính là một “sự nổi loạn” nhằm vào trật tự pháp lý hiện hành của UNCLOS thông qua việc trao thẩm quyền cho các cá nhân dân sự, các lực lượng dân quân, đe doạ sự tồn tại của trật tự khu vực.

Mặt khác, nhận định về cách tiếp cận của Mỹ đối với vấn đề Biển Đông, cụ thể là mô hình hiện tại của các FONOPs, tác giả bài viết cho rằng đây không thể được gọi là chiến lược hay chiến dịch bởi chỉ bao gồm một loạt các hoạt động thường kỳ mang tính tạm thời nhằm khẳng định quyền tự do hàng hải và hàng không nhưng chưa đủ để ngăn chặn các hành động của Bắc Kinh làm xói mòn thượng tôn pháp luật trên biển. Và FONOP cũng không thể ngăn chặn chiến lược kiểm soát Biển Đông của Trung Quốc thông qua lá bài dân sự, do đó không thể tạo ra bất cứ sức răn đe về mặt chiến lược nào đối với siêu cường Châu Á này.

Nhằm đối phó với những hành động “nổi loạn” của Trung Quốc ở Biển Đông, ông Cronin cho rằng Mỹ cần tính toán và triển khai một cuộc “phản nổi loạn” ở Biển Đông nhằm thách thức ảnh hưởng của Trung Quốc thông qua việc bảo vệ các tàu dân sự địa phương khỏi sự đe doạ và tấn công của Trung Quốc trong khuôn khổ của luật pháp quốc tế, buộc Trung Quốc phải tôn trọng quyền tự do hàng hải và tác động trực tiếp đến những tuyên bố chủ quyền phi lý của họ áp đặt trên Biển Đông. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng chiến lược này không nhất thiết sẽ phải tạo ra một sự thay đổi về tổng thể cân bằng quân sự ở Biển Đông. Tác giả bài viết cho rằng, một phương pháp đúng đắn, cam kết vừa đủ nhưng cân bằng các nguồn lực thực hiện nhiệm vụ và quyết tâm duy trì nỗ lực kết hợp với chiến lược ngoại giao mạnh mẽ sẽ đảm bảo thắng lợi cho một chiến lược “phản nổi loạn”, góp phần bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.

RELATED ARTICLES

Tin mới