Sunday, May 19, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiVì sao hàng loạt dự án thủy điện Lào có nguy cơ...

Vì sao hàng loạt dự án thủy điện Lào có nguy cơ tiếp tục vỡ đập?

Tờ ‘The Diplomat’ gần đây cho đăng bài viết của nhà báo Anh Tom Fawthrop, nhận định rằng thảm họa vỡ đập XePian-Xe Nam Noy của Lào có thể không phải là lần cuối.

Là đạo diễn bộ phim tài liệu “Killing the Mekong Dam by Dam” (Tạm dịch: ‘Nạn dịch đập hủy diệt sông Mê Kông’), ông Fawthrop cho rằng việc cắt giảm chi phí và thiếu sự giám sát, dẫn đến nạn dịch vỡ đập của các công trình thủy điện trên khắp nước Lào

Thảm họa vỡ đập XePian-Xe Nam Noy hôm 23/7 của Lào ở tỉnh Át Tư Phư (Attapeu), đã tạo ra sự nghi ngờ sâu sắc và lâu dài trong dân chúng về các tiêu chuẩn an toàn và khả năng tồn tại của hàng chục dự án thủy điện khác trên đất nước Lào.

Sau khi đập vỡ, nước lũ đổ từ sông Xe Pian vào sông Sekong, một nhánh chính của sông Mekong, gần biên giới Trung Lào, khiến cho 6.000 người dân mất nhà cửa và hơn 1.000 người mất tích.

Ngoài việc 13.000 người có cuộc sống bị đảo lộn ở phía Lào, lũ lụt cũng tràn ngập nhiều ngôi làng hẻo lánh ở tỉnh Stung Treng ở Campuchia, khiến cho 5.000 dân làng phải sơ tán.

Ban đầu, chính phủ Lào đã tìm cách đổ lỗi cho những cơn mưa lớn. Tuy nhiên, tiến sĩ Ian Baird, giám đốc nghiên cứu Đông Nam Á tại Đại học Wisconsin – Madison, lập luận với tờ ‘The Diplomat’ rằng,  điều đó hoàn toàn không đúng.

Tiến sỹ Baird cho rằng: “Đập XePian-Xe Nam Noy không bị phá vỡ vì mưa lớn. Những cơn mưa xảy ra trong khu vực đập XePian-Xe Nam Noy có thể dự đoán được, và là bình thường trong thời gian này trong năm. [Đập vỡ] là do hậu quả của việc quản lý thủy điện tồi tệ và xây dựng yếu kém. Đây là một thảm họa do con người gây ra, và có thể tránh được”.

Một thảm họa ‘nhân tai’

Dự án XePian-Xe Nam Noy trị giá 1 tỷ USD, là liên doanh giữa 3 công ty bao gồm: (1) Công ty Xây dựng & Kỹ thuật SK của Hàn Quốc, (2) Công ty Ratchaburi Electricity Generating Holding của Thái Lan và (3) công ty Korea Western Power, với chính phủ Lào, đã hoàn thành được 90% xây dựng. Công trình dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm 2019.

Chính phủ Lào đã hoàn thành xây dựng 51 đập thủy điện, đang thi công 46 đập khác. Hầu hết việc xây dựng các đập này, đã bắt đầu trong 10 năm qua, khi chính phủ Lào cho rằng thủy điện có thể giúp Lào vượt qua nghèo đói.

Theo các chuyên gia quốc tế, cuộc chạy đua điên cuồng trong việc ngăn chặn mọi con sông chính và nhánh sông, thực hiện tham vọng của chính phủ Lào, biến một đất nước không có biển, trở thành “nguồn năng lượng của châu Á”, mà không có các tiêu chuẩn và sự bảo vệ đầy đủ, là nguyên nhân chính của thảm họa khủng khiếp này.

Tiến sĩ Jian-hua Meng, Giáo sư Kỹ thuật Thủy điện thuộc Khoa ‘Quản lý Tài nguyên Nước và Quy hoạch Không gian’ tại Đại học Khoa học Ứng dụng Konstanz, Đức nhấn mạnh rằng việc xây dựng đập luôn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.

Theo giáo sư Meng: “Xây dựng đập là một nhiệm vụ thách thức, có nguy cơ rất cao, chỉ có thể được thực hiện bởi các chuyên gia tốt nhất và giàu kinh nghiệm nhất. Trong tất cả các khía cạnh của xây dựng và giám sát, nó đòi hỏi các tiêu chuẩn cao nhất về quản trị tốt”.

Theo ông Fawthrop, với một chính phủ thường che giấu sự thật, ít chia sẻ thông tin cho người dân như ở Lào, thì không có năng lực quản trị tốt. Cả chính phủ Lào lẫn các công ty thủy điện, đã không tham gia vào bất kỳ cuộc tham vấn nào với các cộng đồng địa phương, về các dự án thủy điện của mình. Không có hệ thống cảnh báo sớm cho dân làng trong trường hợp có nguy cơ tiềm tàng, hoặc sự sụp đổ sắp xảy ra của đập thủy điện.

Tiến sỹ Baird cho rằng: “Nhiều người dân Lào rất thất vọng về việc đập bị vỡ, yêu cầu chính phủ Lào đánh giá lại các kế hoạch xây dựng rất nhiều con đập trong lưu vực sông Mekong. Mức độ quan ngại này là chưa từng có ở Lào”.

Tiến sĩ Ian Baird, giám đốc nghiên cứu Đông Nam Á tại Đại học Wisconsin - MadisonTiến sĩ Ian Baird, giám đốc nghiên cứu Đông Nam Á tại Đại học Wisconsin – Madison.

Lo sợ mất đi bất kỳ ‘tính chính đáng’ còn lại nào, các nhà chức trách Lào đang gồng mình để lấy lại một vài sự tôn trọng của người dân, bằng việc thừa nhận ‘muộn màng’ hôm 2/8, rằng thảm họa thực sự là do con người tạo ra, và các nạn nhân phải được bồi thường.

Phó Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone tuyên bố thảm họa không phải do các sự kiện tự nhiên gây ra, vì vậy việc đền bù sẽ phải nhiều hơn thông thường.

“Lũ lụt đã gây ra bởi một vết rạn nứt trong đập”, ông Siphandone nói trong một cuộc họp của Ủy ban Quốc gia về Phòng chống Thiên tai, chịu trách nhiệm đối phó với hậu quả của thảm họa.

Sự chú ý ngày càng tập trung vào công ty xây dựng đập, là Công ty Xây dựng & Kỹ thuật SK của Hàn Quốc. Rõ ràng công ty này đã thất bại trong việc xây dựng một công trình đủ độ bền vững, phù hợp cho mục đích bảo vệ người dân địa phương.

Là chuyên gia sông Mê Kông, ông Brian Eyler, giám đốc chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Stimson tại Mỹ, chỉ rõ: “Công ty đập Hàn Quốc đã biết con đập được xây một phần với hình chiếc yên, là có nguy cơ trước các kiểu thời tiết khắc nghiệt trong mùa mưa. Vào những ngày trước khi xảy ra thảm họa, họ đã được báo cáo về những bằng chứng cho thấy con đập hình chiếc yên này, có cấu trúc bị suy yếu. Không còn nghi ngờ gì nữa, đây đúng là một thảm họa do con người gây ra”.

Được biết, khá lâu trước khi con đập này được xây dựng, tiến sỹ Baird, là đồng tác giả, tham gia thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường (EIA) cho dự án này.

Trong số các khuyến nghị, ông Baird lưu ý: “Xem xét các nguồn tài nguyên thiên nhiên quan trọng và tương đối còn nguyên vẹn về thủy sản, cũng như động vật có vú, chim và các sinh vật khác trong rừng, chúng tôi khuyến cáo rằng các kế hoạch xây dựng đập và chuyển hướng thượng lưu sông Xe Pian, cần phải loại bỏ khỏi Dự án đập Xe Nam Noy trên sông Xe Pian. Chỉ bằng cách này, các loài thủy sản, động vật hoang dã và làng mạc, mới có thể được bảo vệ, và bảo tồn cho các thế hệ tương lai”.

Đáng buồn thay, các nhà chức trách Lào đã phớt lờ báo cáo EIA, ông Fawthrop nhận xét.

Kết quả là khoảng 11.000 người dân, những người trước hết không còn được hưởng sự đa dạng sinh học trên con sông của mình khi đập thủy điện XePian-Xe Nam Noy được xây dựng, đã phải gánh chịu một đòn tàn phá khác, cho cách sinh nhai của họ khi mất hết nhà cửa. Những người dân làng này hiện phải phụ thuộc vào đồ tiếp tế và cứu trợ quốc tế.

Đấy là thậm chí chưa nói đến sự mất mát đau thương về sinh mạng con người. Ông Meenaporn Chaichompoo, phó bí thư tỉnh ủy Attapeu thừa nhận: “Chúng ta không thể tìm thấy 1.126 người”. Rất nhiều thi thể đã bị chôn trong bùn sâu, trong khi những người khác bị cơn lũ cuốn trôi đi mất.

Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith thừa nhận đây là thảm họa tồi tệ nhất mà đất nước Đông Nam Á này phải đối mặt trong nhiều thập kỷ.

Những tác động và hệ lụy

Rõ ràng, lo sợ trước dư luận, chính phủ Lào đang cố gắng thoát khỏi cơn giận dữ của người dân địa phương, bằng cách thông báo sẽ có sự bồi thường thỏa đáng, trong khi thừa nhận những khiếm khuyết về kết cấu của con đập XePian-Xe Nam Noy.

Thảm họa vỡ đập XePian-Xe Nam Noy gây ngập úng toàn bộ 13 bản, thuộc huyện Sanamxay, tỉnh Attapeu, Lào. (Ảnh: AP)

Sự quan ngại cao độ này phản ánh về độ tin cậy của một chương trình thủy điện, từ lâu đã bị chỉ trích là làm gia tăng sự nghèo đói của người nông dân nghèo. Các con đập đã gây ra sự mất mát lớn về số lượng cá, phá hoại an ninh lương thực. Đập cũng ngăn chặn dòng chảy trầm tích, làm suy giảm độ phì nhiêu của đất, và sản lượng cây trồng ở hạ lưu sông.

Sự vội vã xây dựng những đập có nghĩa là việc quá vội vàng và cũng rất ít kiểm tra an toàn. Chi phí được cắt giảm qua việc đưa ra thiết kế kém chất lượng, và ít giám sát.

Tuy nhiên, theo ông Fawthrop, toàn bộ sự cẩu thả này không chỉ xảy ra đối với mỗi trường hợp này. Những con đập lớn hơn nhiều, được xây dựng với cùng sự vội vàng tương tự, sắp được tung ra ở những quần thể dân cư không ngờ. 

Được biết, con đập đầu tiên gây nhiều tranh cãi ở hạ lưu sông Mekong ở Lào, là đập Xayaburi trị giá 3,8 tỷ USD, với công suất 1.285 MW, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2019.

Lào đã thúc đẩy xây dựng con đập này bất chấp sự phản đối mạnh mẽ trong năm 2011-2012 của cộng đồng ven sông tại Campuchia, Thái Lan và Việt Nam. Các chuyên gia thủy sản và chuyên gia Mê Kông khác cũng chỉ trích mạnh mẽ con đập.

Vậy đập Xayaburi có đáp ứng các tiêu chuẩn chuyên môn về đánh giá độc lập và giám sát xây dựng cần thiết để làm cho đập an toàn và được chấp nhận về môi trường hay không? Ông Fawthrop đặt câu hỏi.

Từng là một nhà tư vấn về thủy điện cho Quỹ quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF), trong một báo cáo năm 2015, tiến sỹ Meng đã kết luận: “Trong những năm xây dựng, nhà phát triển đập Xayaburi đang cố gắng cắt giảm chi phí bằng cách xem xét loại bỏ các ống dẫn xả trầm tích, và thực hiện qua loa các biện pháp cho cá đi qua. Trong khi những thay đổi về cấu trúc được thúc đẩy bởi mục tiêu cắt giảm chi phí, chúng vẫn dựa trên những dự đoán và giả định được rút ra từ kinh nghiệm về các con sông ở châu Âu”, hoàn toàn khác với con sông nhiệt đới, nơi có các loài cá với số lượng lớn hơn và đa dạng hơn.

Rõ ràng đập sẽ không an toàn cho cá, và cũng không an toàn cho con người, ông Fawthrop nhận xét.

Tiến sỹ địa chất Punya Charusiri của Đại học Chulalungkorn ở Bangkok cho rằng: “Đập Xayaburi gây ra mối nguy hiểm tiềm tàng vì có các khiếm khuyết thực sự gần khu vực đập. Xây dựng không bao giờ nên bắt đầu tại một địa điểm như vậy, mà không nghiên cứu thêm về nguy cơ địa chấn của nó”.

Ngoài đập Xayaburi, một loạt các con đập của Trung Quốc hiện đang được xây dựng dọc theo sông Nam Ou. Bắc Kinh có kế hoạch xây thêm 3 đập Mekong ở Lào. Tất cả chúng đều cần phải được đánh giá tác động và an toàn độc lập. Trung Quốc đã có một lịch sử lâu dài về thảm họa đập, bao gồm cả thảm họa đập tồi tệ nhất trong lịch sử, làm chết 171.000 người, và khiến cho 11 triệu người phải di dời vào năm 1975.

Ngay sau bi kịch này, liệu chính phủ Lào có còn sẵn sàng quay trở lại chính sách thủy điện hàng đầu của mình là “nhanh chóng xây đập cho mỗi con sông” hay không? Hay là họ sẽ ‘nhún vai’ rũ sạch tất cả các hậu quả của việc xây dựng không đạt tiêu chuẩn, kém an toàn và tác động xấu đến môi trường? Ông Fawthrop đặt câu hỏi.

Xét bối cảnh Lào ‘mang ơn’ đối với đầu tư và viện trợ của Trung Quốc, một sự thay đổi toàn bộ dường như là một kịch bản có lẽ không xảy ra. Nhưng nếu các nhà xây dựng đập của Hàn Quốc và Trung Quốc không muốn chi hàng triệu đô la để đảm bảo xây dựng các con đập bền vững hơn và chấp nhận giám sát quốc tế, thì chúng ta rất buồn có thể đoán trước sẽ có thêm nhiều thảm họa thủy điện trong vài năm tới, ông Fawthrop kết luận.

RELATED ARTICLES

Tin mới