Friday, May 17, 2024
Trang chủBiển nóngHải quân Anh và Australia tuần tra hàng hải chung trên Biển...

Hải quân Anh và Australia tuần tra hàng hải chung trên Biển Đông nhằm ngăn chặn ý đồ bá quyền của TQ ở khu vực

Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh và tàu chiến Australia sẽ tuần tra hàng hải chung trên Biển Đông, nhằm đảm bảo việc thực thi luật pháp quốc tế và phản bác các yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc tại vùng biển này.

Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Hải quân Hoàng Gia Anh dự kiến tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông. Nguồn: CNN

“Đảm bảo quyền tự do hàng hải và và đường không ở Biển Đông theo luật pháp quốc tế”

Báo chí, truyền thông Australia (21/7) đưa tin Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh sẽ được triển khai đến Biển Đông để tham gia một cuộc tuần tra tự do hàng hải, nhằm đối phó vớicác yêu sách chủ quyền của Trung Quốc. Cựu Ngoại trưởng Anh Boris Johnson cho biết, dự kiến hoạt động này sẽ được thực hiện trong vài năm tới, khi tàu HMS Queen Elizabeth được trang bị đầy đủ vũ khí, cũng như được thử nghiệm xong. Theo Bộ Quốc phòng Anh, HMS Queen Elizabeth là tàu sân bay lớn nhất, mạnh mẽ nhất do Anh chế tạo, trị giá 3,1 tỉ bảng Anh (4,1 tỉ USD) và chính thức được biên chế vào Hạm đội Hải quân Hoàng gia Anh từ Tháng 12/2017. Tàu HMS Queen Elizabeth có tải trọng lên đến 65.000 tấn, dài 280 m và vận tốc tối đa khoảng 46,3 km/giờ, có khả năng triển khai nhiều máy bay chiến đấu, máy bay không người lái và cả trực thăng săn ngầm.

Hiện Anh và Australia đang tăng cường hợp tác quốc phòng song phương, nhất là trong hoạt động hải quân. Mới đây, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbul (29/6) cho biết, Tập đoàn công nghiệp quốc phòng BAE của Anh đã được chọn để cung cấp 9 tàu chiến mới thuộc lớp Hunter, trong chương trình trị giá 35 tỷ AUD (khoảng 25,74 tỷ USD) cho Hải quân Hoàng gia Australia. Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson cho biết Anh và Australia sẽ hợp tác để triển khai tàu sân bay HMS Queen Elizabeth đến Thái Bình Dương và sẽ có những cuộc tuần tra chung với các tàu chiến của Australia. Trước đó (2017), Đại sứ Anh tại Mỹ Kim Darroch cho biết Tàu sân bay mới của Anh (HMS Queen Elizabeth) sẽ tới Thái Bình Dương để “bảo vệ quyền tự do hàng hải và các tuyến vận tải tự do đường biển và đường không theo luật pháp quốc tế”.

Anh, Austrlia và các nước đang tăng cường hiện diện ở Biển Đông nhằm đối phó với hoạt động quân sự hóa của TQ

Gần đây nhất vào tháng 3/2018, tàu khu trục HMS Sutherland và Type 23 của Hải quân Hoàng gia Anh đã tiến hành tuần qua hàng hải ở Biển Đông, sau khi tham gia huấn luyện với Hải quân Australia. Đây là lần thứ 3 kể từ năm 2013, Anh triển khai tàu chiến đến Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson lúc đó cho biết Mỹ, Anh, Australia và các nước khác đang “khẳng định giá trị của mình” ở Biển Đông. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Anh nói rằng, việc Anh điều tàu đến Biển Đông để góp phần duy trì hòa bình và an ninh ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương và cho thấy sự ủng hộ của họ đối với quy tắc dựa trên luật pháp quốc tế. Bộ Quốc phòng Anh (1/7) cho biết sau khi rút ra khỏi EU (Brexit), Quân đội Anh cần bảo vệ các tuyến đường thương mại trên biển chủ yếu, đặc biệt là lo ngại sự kiểm soát của Trung Quốc đối với Biển Đông.

Hôm 26/6 vừa qua, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull cho biết Chính phủ của ông đang đầu tư 7 tỉ USD để mua 6 chiếc MQ-4C Triton, loại máy bay điều khiển từ xa của nhà cung cấp thiết bị quốc phòng Mỹ Northrop Grumman thông qua một chương trình hợp tác với Hải quân Mỹ. Theo Bộ trưởng Công nghiệp Quốc phòng Christopher Pyne, những chiếc Triton hiện đại sẽ giúp Australia tiếp tục giám sát được khu vực Đông Nam Á và Biển Đông, khu vực được xác định là trọng tâm hoạt động của máy bay không người lái Triton. Các thông tin thu thập được chia sẻ cho các đồng minh của Australia như Mỹ, Anh, Canada, New Zealand. Theo Bộ trưởng Christopher Pyne “Australia nhấn mạnh đến quyền tự do hàng hải và hàng không của mình trên vùng biển quốc tế ở Biển Đông, như Australia vẫn luôn tiến hành”. Cùng ngày, Nhật Bản cũng thông báo sẽ viện trợ 2.5 tỉ yen (23 triệu USD) cho Indonesia từ nay đến Tháng 1/2020 để phát triển nghề cá tại 6 hòn đảo nhỏ, trong đó có Natuna vốn thường bị tàu Trung Quốc quấy nhiễu. Nhật Bản dự kiến cũng sẽ điều tàu sân bay trực thăng Kaga cùng 1 tàu hộ vệ đến Biển Đông tuần tra vào Tháng 9 tới.

RELATED ARTICLES

Tin mới