Monday, September 23, 2024
Trang chủBiển nóngSáng kiến “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21”: Tác...

Sáng kiến “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21”: Tác động và ảnh hưởng đối với tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đang tập trung mọi nguồn lực để triển khai sáng kiến kinh tế “Vành đai và Con đường” (OBOR), được hợp thành từ “Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa trên bộ” và “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21”. Tính đến thời điểm hiện tại, kinh tế biển chiếm một vị trí rất quan trọng trong cấu trúc nền kinh tế của Trung Quốc: 90% ngoại thương của Trung Quốc được thực hiện bằng giao thông đường thủy; gần 60% lượng nhiêu liệu (xăng, dầu) của Trung Quốc được vận chuyển bằng tàu chở dầu. Tuy nhiên, ngoài những mục tiêu phát triển kinh tế, đằng sau sáng kiến “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21” còn là âm mưu nhằm khẳng định “chủ quyền” và gia tăng quyền kiểm soát trên Biển Đông của Trung Quốc.

Tuyến đường “Con đường tơ lụa trên biển” của Trung Quốc

Quá trình hình thành sáng kiến “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21”:

Trong lịch sử, “Con đường tơ lụa trên biển” xuất hiện ít nhất 2000 năm trước và thực chất là hành lang vận tải liên lục địa giữa các nền văn minh. Con đường này kết nối các cảng biển của Trung Quốc với những nước ở châu Á, châu Âu, Ấn Độ, Vịnh Persian và bán đảo Arập. Trong chuyến thăm Indonesia, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (10/2013) đã giới thiệu ý tưởng về “Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21”. Đến Tháng 11/2014, tại Hội nghị Thượng đỉnh Trung Quốc-ASEAN, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho rằng sáng kiến “Con đường Tơ lụa trên Biển” nhằm xây dựng lòng tin chiến lược và thúc đẩy sự phát triển cùng có lợi trên bảy lĩnh vực ưu tiên bao gồm hợp tác biển, tài chính, an ninh, bảo vệ môi trường và giao lưu nhân dân. Hiện nay, “Con đường tơ lụa trên biển” là phần quan trọng trong kế hoạch toàn cầu về hồi sinh Con đường tơ lụa cổ xưa, kết nối Trung Quốc với các nước Persian và biển Địa Trung Hải. Dự kiến, mạng lưới các cơ sở hạ tầng của tuyến đường này sẽ tạo ra hành lang kinh tế lớn nhất thế giới với khối lượng sản xuất lên tới 21000 tỷ USD và dân số vượt 4,4 tỷ người, tương đương 63% dân số thế giới. Theo đó, lưu thông hàng hóa của Trung Quốc với Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) đạt 443 tỷ USD, với Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) ở mức 150 tỷ USD, với Liên minh châu Âu (EU) vào khoảng 559 tỷ USD, với châu Phi vào khoảng 192 tỷ USD, với Trung Đông vào khoảng 257 tỷ USD. Việc thực hiện dự án này cho phép Trung Quốc giải quyết một loạt nhiệm vụ quan trọng trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quân sự và văn hóa.

Trung Quốc thúc đẩy sáng kiến “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21” nhằm phục vụ một số mục tiêu chiến lược:

Đầu tiên, Sáng kiến trên nằm trong chiến lược tổng thể “Giấc mộng Trung Hoa” nhằm tìm cách đưa Trung Quốc trở thành cường quốc hàng đầu trên thế giới, về cả kinh tế, chính trị và quân sự.

Thứ hai, thông qua triển khai sáng kiến trên, Trung Quốc sẽ mở rộng ảnh hưởng đối với tất cả các khu vực trên thế giới, từng bước cạnh tranh ảnh hưởng với Mỹ và các nước đồng minh, tiến tới thay thế vai trò của Mỹ trên thế giới.

Thứ ba, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế trong nước, hỗ trợ vận chuyển nguồn nguyên liệu và hàng hóa phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế.

Thứ tư, tạo điều kiện để Bắc Kinh hoàn thành mục tiêu xây dựng “Cường quốc biển”, trong đó bao gồm cả việc khẳng định “chủ quyền” ở Biển Đông và gia tăng kiểm soát tuyến đường hàng hải trong khu vực.

Thứ năm, giải quyết được vấn đề tụt hậu về kinh tế của các khu vực phía Tây Trung Quốc.

Trung Quốc đã có những bước đi cụ thể để triển khai sáng kiến “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21”:

Về đối ngoại: Trong những năm gần đây trong tiến trình đàm phán cấp cao, lãnh đạo Trung Quốc đã đưa những vấn đề hợp tác trên biển trở thành một trong những chủ đề quan trọng nhất trong thảo luận song phương. Kết quả là thành lập được các Quỹ Hợp tác trên biển Trung Quốc – ASEAN và Trung Quốc – Indonesia. Trong khi đó, Trung Quốc cũng đang tích cực hỗ trợ phát triển hợp tác trên biển với các nước Đông Nam Á và Nam Á, châu Phi, hình thành những cơ chế phối hợp hành động ở cấp độ các cơ quan hàng hải quốc gia khác nhau; phát triển hợp tác trong lĩnh vực an ninh hàng hải.

Về an ninh, quân sự: Trung Quốc đang khuyến khích hợp tác trong lĩnh vực công nghệ hàng hải, biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, dự báo hàng hải, cứu hộ trên biển, phòng ngừa và giảm nhẹ hậu quả thiên tai. Ngoài ra, Trung Quốc cũng khuyến khích xây dựng các cảng biển, bến tàu và mạng lưới thông tin để bảo đảm luồng hàng hóa và thông tin mở.

Về kinh tế: Chính phủ Trung Quốc cam kết sẽ giúp đỡ các doanh nghiệp trong lĩnh vực đóng tàu, đánh bắt cá và nuôi trồng hải sản nhằm mục đích tạo dựng cơ sở sản xuất và chuỗi công nghiệp với những nước giàu tài nguyên thiên nhiên và có nhu cầu tiêu thụ lớn; thúc đẩy hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực kinh tế và công nghiệp biển như đánh bắt cá, du lịch, khử muối nước biển, dược sinh học, các tài nguyên biển tái tạo…

Về tuyến đường hàng hải: Chính phủ Trung Quốc tuyên bố tỉnh Phúc Kiến là điểm đầu tuyến đường chính “Con đường tơ lụa trên biển”. Đặc biệt, tuyến đường được bắt đầu từ thành phố Tuyền Châu (tỉnh Phúc Kiến) và đi qua các cảng lớn nhất ở miền Nam Trung Quốc: Quảng Châu, Hải Khẩu và Bắc Hải tới eo biển Malacca với điểm trung gian tại Kuala Lumpur (Malaysia) cắt Ấn Độ Dương chạy qua Calcutta (Ấn Độ) và Colombo (Sri Lanka); Chạy qua Biển Đỏ, Djibouti và kênh đào Suez; xuyên qua Biển Địa Trung Hải đến Athens (Hy Lạp) và sau đó đến Venice (Italy). Tuyến đường này dự định có một nhánh về phía châu Phi thông qua Maldives đến Nairobi (Kenya), một nhánh khác dẫn đến khu mặt nước phía Nam Thái Bình Dương. Hiện Trung Quốc đã xây dựng các cảng lớn hiện đại tại một loạt quốc gia có mối quan hệ hữu nghĩ với nước này như Gwadar ở Pakistan, Hambantota ở Sri Lanka, Cheattagong ở Bangladesh, Chauphyu ở Myanmar.

Việc Trung Quốc thúc đẩy sáng kiến trên sẽ ảnh hưởng đến tình hình Biển Đông:

Tuyến đường “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21” đi qua nhiều nước ASEAN. Để triển khai sáng kiến trên, Bắc Kinh đã âm thầm triển khai nhiều kế hoạch nhằm dọn đường, tạo điều kiện thuận lợi để tái hiện lại “Con đường tơ lụa trên biển cổ xưa”. Tuy nhiên, trên thực tế, những hành động này của Trung Quốc chỉ nhằm tìm cách khẳng định “ngư dân Trung Quốc là những người đầu tiên phát hiện ra và sử dụng giao thông hàng hải trên Biển Đông”, tiến tới bác bỏ Phán quyết của Tòa Trọng tài (7/2016) về vụ Philippines kiện Trung Quốc ở Biển Đông.

Vào tháng 7/2014, các thành phố duyên hải Trung Quốc bao gồm Quảng Châu, Hải Nam, Trạm Giang, Bắc Hải, Tuyền Châu, Chương Châu, Ninh Ba, Bồng Lai and Dương Châu đã cùng gửi một bản kế hoạch đề nghị Tổ chức Di sản Thế giới UNESCO công nhận “Con đường Tơ lụa trên Biển xa xưa”. Các địa phương của Trung Quốc cho rằng các cơ quan di sản của họ đã tiến hành các cuộc khảo sát khảo cổ học ở quần đảo Hoàng Sa và đang mở rộng phạm vi khảo sát xuống phía Nam ở quần đảo Trường Sa. Hành động này của các địa phương Trung Quốc nhằm thông qua “Con đường Tơ lụa trên Biển” để tái khẳng định sự hiện diện của mình ở khu vực từ trong lịch sử, cho phép nước này tăng cường hiện diện và đẩy mạnh yêu sách ở Biển Đông.

Thông qua việc thúc đẩy hợp tác thương mại, kinh tế, chính trị với các nước trên tuyến đường này, Trung Quốc sẽ tìm cách gia tăng ảnh hưởng, phụ thuộc của nước đối tác đối với nền kinh tế của Bắc Kinh. Từ đó, Trung Quốc sẽ tìm cách chi phối, tác động, lôi kéo, thậm chí ép buộc các nước ủng hộ quan điểm, chủ trương và lập trường của Bắc Kinh trong nhiều vấn đề, trong đó vấn đề Biển Đông hiện được Trung Quốc coi là một trong những ưu tiên hàng đầu.

Ngoài ra, sáng kiến “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21” cũng là cách để Bắc Kinh phản ứng đáp trả chính sách “xoay trục sang châu Á” được Mỹ thực thi từ năm 2011. Việc triển khai sáng kiến trên sẽ giúp Trung Quốc phá vỡ vòng vây của Mỹ và các nước ở Biển Đông.

Trung Quốc vẫn đang bế tắc trong việc triển khai sáng kiến, chủ yếu là do các nước không tin vào những gì Bắc Kinh tuyên truyền

Bề ngoài Trung Quốc kêu gọi hòa bình và hợp tác cùng phát triển, nhưng trên thực tế Bắc Kinh vẫn tiến hành các hành động leo thang căng thẳng bất chấp luật pháp quốc tế và sự phản đối của các nước khác trên Biển Đông. Tính đến tháng 9/2015, Trung Quốc đã cải tạo 3.000 hecta trên các hòn đảo nước này chiếm giữ bất hợp pháp ở Biển Đông, đồng thời triển khai nhiều loại khí tài quân sự trên những đảo nhân tạo này. Hành động này của Trung Quốc khiến không chỉ các nước ASEAN mà còn tất cả các nước trên thế giới quan ngại, lo lắng khi hợp tác với Trung Quốc. Vì nước này sẽ chẳng bao giờ tuân thủ một quy định, luật lệ nào.

Không những vậy, chính Trung Quốc cũng rất ít khi cung cấp thông tin liên quan sáng kiến “Con đường Tơ lụa trên Biển thế kỷ 21”, điều này sẽ khiến các nước hoàn toàn không nắm được thông tin, và đương nhiên nó sẽ tạo ra mối nghi ngờ về những tuyên truyền của Bắc Kinh liên quan mục đích và lợi ích thu được từ việc hợp tác với Trung Quốc.

Ngoài ra, Mỹ và đồng minh cũng đang thúc đẩy nhiều chính sách hợp tác nhằm đối trọng và ngăn chặn Trung Quốc. Hiện Mỹ đang tăng cường hiện diện trong khu vực và lôi kéo các nước ASEAN phối hợp kiềm chế Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới