Bản báo cáo của Liên Hợp Quốc cho thấy, Triều Tiên vẫn tiếp tục hợp tác quân sự như bán tên lửa đạn đạo cho Syria và xuất hàng hóa sang Trung Quốc bất chấp lệnh cấm vận.
Reuters đưa tin theo bản báo cáo được Liên Hợp Quốc (LHQ) chia sẻ vào cuối tuần trước, Triều Tiên vẫn tiếp tục hợp tác quân sự với Syria cũng như bán vũ khí cho nhóm phiến quân Houthi ở Yemen. Ngoài ra, Triều Tiên vẫn chưa cho dừng chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa vốn vi phạm lệnh trừng phạt của LHQ
Đây là những thông tin nằm trong bản báo cáo được nghiên cứu trong vòng 6 tháng do các chuyên gia độc lập giám sát hoạt động thi hành lệnh trừng phạt của LHQ trình cho Ủy ban trừng phạt Triều Tiên thuộc Hội đồng Bảo an LHQ hôm 3/8.
“Triều Tiên vẫn chưa cho dừng chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa cũng như liên tiếp có hành động vi phạm lệnh cấm của LHQ như vận chuyển số lượng lớn dầu mỏ qua các tàu hàng cũng như buôn bán than ngay trên biển trong giai đoạn năm 2018”, bản báo cáo dài 149 trang nhấn mạnh.
Hiện phái đoàn Triều Tiên tại LHQ chưa đưa ra bất cứ lời bình luận nào liên quan tới bản báo cáo trên.
Theo bản báo cáo của LHQ, ngoài việc tiếp tục hợp tác quân sự với Syria, bán vũ khí cho phiến quân Houthi ở Yemen, Triều Tiên còn vi phạm lệnh cấm xuất khẩu các mặt hàng may mặc khi thu về số tiền hơn 100 triệu USD trong giai đoạn từ tháng 10/2017 – 3/2018. Số hàng này được Triều Tiên xuất sang Trung Quốc, Ghana, Ấn Độ, Mexico, Sri Lanka, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Uruguay.
Điều đáng nói, thông tin trên được công bố giữa lúc Trung Quốc và Nga đề nghị Hội đồng Bảo an xóa bỏ lệnh trừng phạt với Bình Nhưỡng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thực hiện cuộc gặp đầu tiên ở Singapore hồi tháng Sáu. Trong cuộc gặp này, ông Kim đã hứa tiến hành giải trừ hạt nhân. Tuy nhiên, cả Mỹ và các thành viên khác trong Hội đồng Bảo an lại cho rằng, việc duy trì lệnh trừng phạt với Triều Tiên là cần thiết cho tới khi Bình Nhưỡng có hành động cụ thể giải trừ hạt nhân.
Theo các chuyên gia LHQ, hoạt động vận chuyển dầu mỏ qua các tàu ngay trên vùng biển quốc tế đã gia tăng cả về “quy mô, số lượng và độ tinh vi”. Ngoài việc tắt hệ thống định vị trên tàu, Triều Tiên còn có hành động ngụy trang hoặc sử dụng những tàu có quy mô nhỏ hơn để vận chuyển cho linh hoạt.
Hội đồng Bảo an đã liên tiếp áp đặt lệnh trừng phạt với Triều Tiên kể từ năm 2016 nhằm ngăn chặn nguồn tiền hỗ trợ cho chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng. Lệnh trừng phạt của LHQ bao gồm cấm Triều Tiên xuất khẩu than đá, quặng sắt, chì, hàng dệt may và hải sản cũng như hạn chế để Bình Nhưỡng nhập khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ tinh chế.
Trên thực tế, các chuyên gia LHQ nhấn mạnh hoạt động hợp tác quân sự giữa Triều Tiên và Syria vốn bị cấm nhưng lại không được thi hành. Cụ thể, các chuyên gia kỹ thuật Triều Tiên trong lĩnh vực phát triển tên lửa đạn đạo và vũ khí đã thực hiện nhiều chuyến thăm tới Syria vào các năm 2011, 2016 và 2017.
Ngoài ra, các chuyên gia vẫn đang tiến hành điều tra Bộ Trang thiết bị quân sự Triều Tiên cùng Tập đoàn Thương mại Phát triển Than Triều Tiên (KOMID) cung cấp nhiều loại vũ khí truyền thống và tên lửa đạn đạo cho nhóm vũ trang Houthi tại Yemen.
Cũng theo bảo báo cáo của LHQ, một quốc gia không được tiết lộ tên đã cho các chuyên gia xem bức thư được viết ngày 13/7/2016 của một thủ lĩnh Houthi mời các quan chức Triều Tiên tới Damascus “để thảo luận về vấn đề chuyển giao công nghệ cũng như những vấn đề liên quan tới lợi ích đôi bên”.
Theo các chuyên gia, chính việc lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào Triều Tiên không được triển khai một cách hiệu quả và hệ thống đã giúp Bình Nhưỡng lách luật để tiếp tục phát triển chương trình hạt nhân và tên lửa